fbpx

Thị trường hàng hóa phái sinh (Phần I)

THỊ TRƯỜNG HÀNG HÓA PHÁI SINH LÀ GÌ?

Là thị trường phát hành và mua đi bán lại các loại hàng hóa phái sinh bằng các hợp đồng tương lai, thông qua một hệ thống các sàn giao dịch quốc tế có liên thông với nhau.

Hàng hóa phái sinh là gì?

Là một công cụ tài chính mà giá trị của nó dựa trên giá trị của các tài sản cơ sở, cụ thể Phái sinh hàng hóa thì tài sản cơ sở là hàng hóa. Trong thực tế, phái sinh là một hợp đồng giữa hai bên mà các điều khoản quan trọng đã được tiêu chuẩn hóa theo quy định của  Sở Giao dịch.

Ở Việt Nam Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (Mercantile Exchange of Vietnam – MXV) là đơn vị tổ chức thị trường giao dịch hàng hóa phái sinh cấp quốc gia duy nhất hiện nay tại Việt Nam được Bộ Công Thương cấp phép. 

Các loại Hợp đồng hàng hóa phái sinh:

– Hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn (Futures)

– Hợp đồng quyền chọn

– Hợp đồng hoán đổi

– Spread + LME Style

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG HÀNG HÓA PHÁI SINH THẾ GIỚI

 (Ảnh: MXV)

Mua bán hàng hoá giao sau được hình thành và phát triển từ hoạt động mua bán hàng hoá nông sản của các nước có nền nông nghiệp phát triển. Xuất phát từ đặc tính của sản xuất nông nghiệp là tính thời vụ, tình trạng cung vượt quá cầu khi thu hoạch, “được mùa lại rớt giá” làm cho người sản xuất nông sản gặp nhiều khó khăn, còn đối với người sử dụng nông sản làm nguyên liệu cho hoạt động sản xuất của mình (người mua) thì việc không ổn định nguyên liệu cũng là rủi ro mà họ thường gặp. Đó là lí do ban đầu xuất hiện hình thức mua bán hàng hoá giao sau. Về sau khi các nhà đầu tư nhìn nhận tham gia vào việc mua bán hàng hoá giao sau có thể thu được những khoản lợi nhuận nhất định, mặc dù không có nhu cầu đối với hàng hoá nhưng họ vẫn tham gia vào quá trình này, điều đó tạo điều kiện cho mua bán hàng hoá giao sau phát triển ở hình thức cao hơn.

Lợi ích

Có thể nói hàng hóa phái sinh là cách thức đem lại lợi ích cho cả người mua lẫn người bán, cụ thể là:

Với người bán: giao dịch hàng hóa phái sinh sẽ giúp người bán (cụ thể thường là người nông dân) chủ động hoạch định được lợi nhuận sẽ thu được trong tương lai mà không sợ bị hạ giá, ép giá hay tình hình thị trường đi xuống… Người bán sẽ có thể yên tâm sản xuất hàng hóa mà không sợ rủi ro phát sinh.

Với người mua là nhà sản xuất/doanh nghiệp: Việc chủ động mua hàng hóa đã được định giá cho một thời điểm cố định trong tương lai như vậy sẽ giúp các nhà sản xuất chủ động hơn trong việc hoạch định chi phí. Đồng thời, hàng hóa phái sinh sẽ giúp họ yên tâm vận hành và phòng ngừa hiệu quả rủi ro biến động giá trong hoạt động kinh doanh hàng hóa.

Với người mua là nhà đầu tư: Với các nhà đầu tư thì thị trường giao dịch hàng hóa chính là một kênh đầu tư dễ tham gia và có khả năng sinh lời cao. Đồng thời, đây cũng là một kênh đầu tư dự phòng không nên bỏ qua khi hàng hóa thường có xu hướng biến động ngược chiều với chứng khoán.

PHÂN LOẠI THỊ TRƯỜNG HÀNG HÓA PHÁI SINH

Thị trường giao dịch tập trung (Exchanges)

Các Sở giao dịch hàng hóa phái sinh là các thị trường giao dịch hàng hóa tập trung, nơi các chủ thể tham gia thực hiện các hợp đồng được chuẩn hóa (standardized contracts), với các điều khoản do sở quy định. Sở đóng vai trò trung gian đối với tất cả các chủ thể tham gia và yêu cầu các bên tham gia mua bán phải ký quỹ và tuân thủ điều khoản hợp đồng.

Đặc điểm chung:

–  Giao dịch tập trung và có địa điểm cụ thể

– Khối lượng và giá cả được quy định bởi thị trường

– Rủi ro thấp, do Sở đóng vai trò trung gian, quy định chặt chẽ các điều khoản hợp đồng

– Mức giá ít bị chi phối bởi các chủ thể tham gia thị trường

– Tính thanh khoản cao

Thị trường giao dịch phi tập trung (Over the Counter –  OTC)

Khác với thị trường giao dịch tập trung, thị trường OTC là những thỏa thuận riêng giữa 2 bên tham gia và không bị ràng buộc bởi các điều kiện khắt khe từ Sở. Các bên có quyền đàm phán và thương lượng các điều khoản hợp đồng phù hợp nhất. Đổi lại, các giao dịch này cũng đối mặt với nguy cơ rủi ro tín dụng khi các đối tác tham gia không thực hiện những cam kết trong hợp đồng.

Đặc điểm chung:

  • Giao dịch không tập trung
  • Khối lượng và giá cả theo thỏa thuận giữa các bên tham gia
  • Rủi ro cao trong trường hợp đối tác không tuân thủ các điều khoản đã cam kết trong hợp đồng
  • Giá có thể bị chi phối bởi một số ít các chủ thể lớn
  • Tính thanh khoản thấp do số lượng chủ thể tham gia thị trường ít

                                                                                                                                                                           (Còn tiếp)

Hitech Finance

Bấm để đánh giá bài viết này!
[Total: 1 Trung bình: 5]

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *