fbpx

TIN TỨC THỊ TRƯỜNG NGÀY 01/12/2023

 

NÔNG SẢN

  • Khép lại phiên giao dịch cuối cùng của tháng 11, thị trường nông sản chia hai nửa xanh đỏ với sự suy yếu của nhóm đậu tương, ngô và lúa mì đồng loạt tăng mạnh. Triển vọng mùa vụ khả quan hơn tại Argentina là yếu tố chính tác động “bullish” lên giá nhóm đậu tương hôm qua.

Ngô

  • Báo cáo Export sales: doanh số xuất khẩu ngô tuần trước tăng mạnh hơn 30% so với tuần trước đó và cao hơn dự đoán, hỗ trợ mạnh mẽ tới giá trong phiên tối và giúp giá kết phiên tăng 1,47%.

Lúa mì

  • Giá ghi nhận phiên hồi phục thứ 3 liên tiếp khi bật tăng hơn 2% trong phiên vừa rồi, nhận được lực mua mạnh nhờ khối lượng bán hàng gia tăng bất ngờ trong báo cáo Export Sales.
  • Mỹ bán được 622.803 tấn lúa mì trong tuần 17 – 23/11, tăng gần 3 lần so với báo cáo trước đó, cho thấy lúa mì Mỹ đang dần lấy lại vị thế cạnh tranh sau giai đoạn lúa mì giá rẻ của Nga ồ ạt tiến vào trên thị trường quốc tế, hỗ trợ giá CBOT.

Đậu tương

  • Theo công ty Tư vấn Khí hậu Ứng dụng (CCA), sản lượng đậu tương 2023 của Argentina có thể đạt mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây nhờ lượng mưa dồi dào mà hiện tượng El Nino mang lại trong những tháng tới. Trong bối cảnh triển vọng mùa vụ ở Brazil còn chưa rõ ràng, việc nguồn cung đậu tương ở Argentina dự kiến mở rộng hơn đã tạo áp lực lên giá nhóm họ đậu.
  • Tình hình xuất khẩu cải thiện hơn tại Mỹ đã giúp hạn chế đà giảm của đậu tương. Báo cáo Export sales, khối lượng bán hàng đậu tương trong tuần trước đã tăng ~98% so với báo cáo trước đó và vượt kỳ vọng, cùng với đơn bán hàng 134.000 tấn đậu tương Mỹ cho Trung Quốc cho thấy nhu cầu quốc tế đối với nguồn cung Mỹ ở mức cao.

NĂNG LƯỢNG

  • Giá dầu ghi nhận mức biến động rất mạnh với tâm điểm cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+). Đà tăng ban đầu được thúc đẩy trước thềm cuộc họp, xuất phát từ kỳ vọng OPEC+ sẽ cắt giảm hạn ngạch sâu hơn. Giá đã đảo chiều giảm mạnh ngay sau khi OPEC+ quyết định các mức cắt giảm trong quý I/2024 đều là tự nguyện.
  • Dầu WTI kỳ hạn tháng 1 giảm 2,44% xuống 75,96 USD/thùng. Dầu Brent cùng kỳ hạn giảm 0,32% xuống 82,83 USD/thùng. Brent kỳ hạn tháng 2/2024 bắt đầu được giao dịch, đã giảm 2,4% xuống 80,86 USD/thùng. Như vậy, so với tháng 10, dầu thô đã đánh mất 6,25% giá trị, ghi nhận tháng giảm giá thứ 2 liên tiếp.
  • Saudi Arabia, Nga và các thành viên khác của OPEC+, những nước sản xuất hơn 40% sản lượng dầu của thế giới, đã đồng ý cắt giảm sản lượng tự nguyện ở mức hơn 2 triệu thùng/ngày trong quý I/2024.
  • Ít nhất 1,3 triệu thùng/ngày trong số đó là từ việc gia hạn các biện pháp hạn chế tự nguyện mà Saudi Arabia và Nga đã áp dụng. Mức cắt giảm tự nguyện được từng thành viên công bố trong cuộc họp. Nga tuyên bố cắt giảm thêm 200.000 thùng/ngày trong quý tới. ~ 600.000 – 700.000 thùng/ngày sẽ được chia cho các thành viên khác trong nhóm. Trước đó, các đại biểu cho biết mức cắt giảm bổ sung mới đang được thảo luận lên tới 2 triệu thùng/ngày.
  • Tính chất “tự nguyện” gây ra sự hoài nghi về mức độ tuân thủ cam kết, và không giống với kỳ vọng của thị trường. Điều này đã kéo giá dầu đảo chiều giảm mạnh ngay sau thông tin. Trước đó, giá dầu WTI đã tăng sát mốc 80 USD/thùng.
  • OPEC+ cũng mời Brazil, một trong 10 nước sản xuất dầu hàng đầu, trở thành thành viên của nhóm. Bộ trưởng năng lượng của nước này cho biết họ hy vọng sẽ tham gia vào tháng Giêng.
  • Làm gia tăng thêm áp lực giảm của giá dầu, dữ liệu từ Cơ quan Quản lý Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết sản lượng dầu thô của Mỹ trong tháng 9 đã tăng lên mức kỷ lục mới hàng tháng là 13,24 triệu thùng/ngày, cao hơn 1,7% so với tháng trước đó. Đây cũng là mức tăng theo tháng lớn nhất kể từ tháng 3.

KIM LOẠI

Kim loại quý

  • Bạc tăng 0,85% lên 25,66 USD/ounce, đánh dấu phiên tăng thứ 4 liên tiếp. Bạch kim giảm 2 phiên liên tiếp, đóng cửa tại mức 935,9 USD/ounce sau khi giảm 0,58%.
  • Áp lực bán gia tăng tại vùng kháng cự 950 USD tiếp tục khiến giá bạch kim gặp sức ép. Việc rủi ro nguồn cung bị xoa dịu cũng hạn chế sức mua bạch kim. Vào hôm qua, Impala Platinum, một trong những công ty khai thác vận hành một số trục khai thác bạch kim lâu đời và sâu nhất trên thế giới, cho biết họ đang khởi động lại các mỏ bị tạm dừng hoạt động tại Nam Phi.
  • Bạc vẫn duy trì đà tăng nhờ kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sắp kết thúc chu kỳ thắt chặt tiền tệ. Những kỳ vọng này được củng cố bởi dữ liệu công bố hôm qua cho thấy lạm phát tại Mỹ tiếp tục hạ nhiệt và thị trường lao động gặp áp lực.
  • Cục Phân tích Kinh tế Mỹ cho biết, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 10 của Mỹ tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng nhỏ nhất kể từ tháng 3/2021. Chỉ số PCE lõi, loại trừ các thành phần năng lượng và thực phẩm dễ biến động, tăng 3,5% so với cùng kỳ trong tháng 10, đây là mức tăng nhỏ nhất kể từ tháng 4/2021.
  • Bộ Lao động Mỹ cho biết số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ban đầu của Mỹ đã tăng 7.000 lên 218.000 trong tuần kết thúc vào ngày 25/11.

Kim loại cơ bản

  • Đồng COMEX phục hồi 0,65% lên 3,85 USD/pound. Quặng sắt cũng tăng 0,82%, chốt phiên tại mức 130,97 USD/tấn. Giá cả hai mặt hàng đều được hỗ trợ sau khi Trung Quốc công bố số liệu kinh tế tiêu cực, làm tăng kỳ vọng Chính phủ nước này sẽ tiếp tục ban hành chính sách vực dậy nền kinh tế.
  • Hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã thu hẹp tháng thứ hai liên tiếp. Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) sản xuất tháng 11 của Trung Quốc đạt 49,4 điểm, thấp hơn 0,2 điểm so với dự báo và mức 49,5 điểm ghi nhận trong tháng 10.
  • Đồng, lo ngại nguồn cung thu hẹp tiếp tục củng cố sức mua đồng trong phiên. Các chuyên gia trong ngành cho biết sự gián đoạn nguồn cung từ mỏ Cobre Panama và mỏ Las Bambas của Peru có thể thu hẹp mức thặng dư đồng trong năm nay và năm tới. Chile, quốc gia khai thác đồng lớn nhất thế giới, công bố sản lượng đồng tháng 10 giảm 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bấm để đánh giá bài viết này!
[Total: 0 Trung bình: 0]

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *