fbpx

TIN TỨC THỊ TRƯỜNG NGÀY 02/08/2023

 

NÔNG SẢN

Ngô

Triển vọng nguồn cung mở rộng khiến giá ngô tiếp tục sụt giảm

Kết phiên 01/08, giá ngô hợp đồng tháng 12 giảm 1,12%, phiên giảm thứ 6 liên tiếp. Dù khởi sắc khi mở cửa trước tình trạng mùa vụ kém khả quan của Mỹ, nhưng giá nhanh chóng suy yếu. Sức ép đến từ triển vọng thời tiết thuận lợi hơn tại Mỹ trong tháng 8 và việc Brazil đẩy mạnh các lô hàng ngô xuất khẩu trong tháng 7.

Theo Báo cáo Tiến độ mùa vụ – Crop Progress (01/08), tỉ lệ ngô đạt chất lượng tốt/tuyệt vời của Mỹ tuần 24/07 – 30/07 là 55%, giảm 2 điểm phần trăm so với tuần trước đó, thấp hơn mức 56% dự đoán và mức 61% cùng kỳ năm ngoái, phản ánh tác động tiêu cực của nắng nóng trong tháng 7 đối với vụ ngô của Mỹ, thúc đẩy lực mua khi mở cửa.

Trái lại, kết quả xuất khẩu của Brazil trong 7 đã tác động “bearish” mạnh lên giá. Brazil đã xuất khẩu 4,3 triệu tấn ngô, so với mức hơn 1 triệu tấn của tháng 6 và mức 4,1 triệu tấn của tháng 7/2022. Điều này gây áp lực cạnh tranh gay gắt đối với ngô Mỹ.

Lúa mì

Lúa mì giảm mạnh nhất nhóm với mức giảm ~ 2,03%, phiên lao dốc thứ 5 liên tiếp

Số liệu tiêu cực về tình trạng lúa mì vụ xuân 2023 của Mỹ không đủ mạnh để đảo lực bán kỹ thuật của thị trường. Theo báo cáo Crop Progress, chỉ 42% diện tích đạt chất lượng tốt/tuyệt vời trong tuần 24/07 – 30/07, thấp hơn so với mức 49% tuần trước đó và mức 70% cùng kỳ năm 2022. Hoạt động thu hoạch đạt 2% kế hoạch tính tới 30/07, do đó mưa gần đây hầu như không mang lại lợi ích cho cây trồng, giúp giá khởi sắc trong đầu phiên trước khi suy yếu trở lại do lực bán kỹ thuật.

Đậu tương

Giá hồi phục sau nhịp giảm trong 3 phiên liên tiếp nhờ lực mua kĩ thuật ở vùng hỗ trợ 1330 và tác động từ báo cáo Crop Progress

Tính đến tuần này, diện tích đậu tương được đánh giá tốt – tuyệt vời đạt 52%, giảm 2% so với báo cáo trước và dưới 60% cùng kì năm 2022. Đây là chất lượng thấp nhất trong 3 tuần vừa qua. Sự sụt giảm lớn nhất được ghi nhận ở Kansas, Minnesota và Dakotas. Tại Illinois, bang sản xuất hàng đầu tại Mỹ, chất lượng đậu tương tăng 5 tuần liên tiếp. Điều kiện thời tiết cải thiện ở phía đông chỉ bù đắp một phần cho thiệt hại do hạn hán vẫn duy trì ở phía tây Midwest. Đây là yếu tố tác động “bullish” tới giá.

Trái lại, hoạt động sản xuất đậu tương ở Brazil đang được kỳ vọng sẽ mở rộng và cạnh tranh hơn so với Mỹ. Sản lượng niên vụ 23/24 dự báo sẽ đạt mức kỷ lục 163,5 triệu tấn, tăng 3,7% so với mức 157,7 triệu tấn trong niên vụ hiện tại. Nguyên nhân là nông dân dự kiến sẽ nâng diện tích trồng đậu tương thêm 2,1% so với niên vụ trước tại các bang trung tâm phía Tây, gồm Mato Grosso, vùng trồng ngũ cốc hàng đầu Brazil. Dự báo năng suất đậu tương của Brazil sẽ tăng trong niên vụ tới, bất chấp lo ngại về mô hình El Nino mang lại rủi ro cho các trang trại phía bắc và đông bắc.

Dầu đậu tương tăng mạnh nhất nhóm họ đậu do tác động gián tiếp từ diễn biến của nhóm dầu thực vật. Vào năm 2024, khả năng giá dầu cọ sẽ tăng lên 4.300 ringgits/tấn. Phó giám đốc MPOC Mohd Izham Hassan cho biết điều này là do những bất ổn của thị trường bao gồm nguồn cung dầu hướng dương ở biển Đen và sản lượng dầu cọ của Malaysia thấp hơn kì vọng.

NĂNG LƯỢNG

Giá dầu giảm nhẹ trước sức ép từ dữ liệu kinh tế Mỹ và lực bán chốt lời

Giá dầu WTI giảm 0,53% xuống 81,37 USD/thùng và dầu Brent giảm 0,61% xuống 85 USD/thùng.

Yếu tố vĩ mô

Áp lực bán xuất hiện ngay đầu phiên khi Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ 2 thế giới công bố dữ liệu sản xuất kém tích cực trong tháng 7. Chỉ số quản trị mua hàng PMI sản xuất của Caixin, hướng tới doanh nghiệp tư nhân, định hướng xuất khẩu, đạt 49,2 sau 2 tháng duy trì trên ngưỡng 50, phản ánh quy mô thu hẹp của các nhà máy và tốc độ phục hồi chậm của nền kinh tế Trung Quốc, gây sức ép cho giá dầu.

Viện quản lý cung ứng Mỹ (ISM) cho biết chỉ số quản lý mua hàng PMI sản xuất tháng 7 đạt 46,4 điểm, so với dự báo 46,8 điểm, và là tháng thứ 9 dưới ngưỡng phân định 50, biểu thị cho sự thu hẹp hoạt động của các nhà máy. Thước đo việc làm trong lĩnh vực sản xuất giảm xuống 44,4 điểm trong tháng 7, mức thấp nhất từ tháng 7/2020. Theo JOLTs, cơ hội việc làm của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm trong tháng 6/2023, đạt 9,58 triệu, thấp hơn 34.000 so với tháng 5. Dữ liệu kinh tế kém tích cực của Mỹ khi lãi suất tăng cao đã cản trở đà tăng của giá dầu.

Yếu tố cung cầu

Giá dầu tăng trong giai đoạn gần đây trước tác động cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày của Saudi Arabia khiến nguồn dầu khác cạnh tranh hơn, trong đó có Mỹ và Nga.

Mức chiết khấu thu hẹp lại khiến thị trường thận trọng nhập khẩu dầu thô. Nhập khẩu dầu từ Nga của Ấn Độ giảm tháng thứ 2 liên tiếp, xuống 2,09 triệu thùng/ngày trong tháng 7 từ mức 2,11 triệu thùng/ngày trong tháng 6, và dự kiến sẽ giảm nữa. Các lô hàng nhập khẩu từ Saudi Arabia cũng suy giảm.

Giá dầu WTI vượt mốc 80 USD/thùng, Chính quyền Mỹ lại trì hoãn việc bổ sung dầu vào kho dự trữ dầu khẩn cấp, bác bỏ đề nghị mua dầu vào tháng 1 và tuyên bố rằng sẽ mua dầu thô khi giá giảm xuống 67 – 72 USD/thùng.

Lo ngại về việc thâm hụt vẫn là nhân tố chính hỗ trợ giá. Theo Viện dầu khí Mỹ (API), tồn kho dầu thô thương mại Mỹ giảm mạnh 15,4 triệu thùng trong tuần 21/07 – 28/07, cho thấy nhu cầu tăng, giá dầu ngay lập tức tăng mạnh.

KIM LOẠI

Kim loại quý

Giá chịu sức ép bởi đồng USD mạnh lên và vai trò trú ẩn bị thất thế khi vĩ mô tích cực

Bạc giảm mạnh 2,59% xuống 24,32 USD/ounce, phiên giảm mạnh nhất trong vòng 1,5 tháng. Bạch kim và vàng giảm lần lượt 1,90% và 1,02%, xuống 940,4 USD/ounce và 1.944,08 USD/ounce.

Nhà đầu tư ngày lạc quan hơn về kinh tế Mỹ, sức mạnh của đồng USD dần được củng cố, chỉ số Dollar Index tăng 0,44% lên 102,30 điểm, phiên tăng thứ 4 liên tiếp và là mức cao nhất trong 3 tuần.

Hoạt động sản xuất của Mỹ đã thu hẹp tháng thứ 9 liên tiếp vào tháng 7, nhưng lĩnh vực dịch vụ vẫn mạnh mẽ. Bộ Lao động Mỹ cho biết cơ hội việc làm giảm nhẹ xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2021, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với trước đại dịch. Điều này củng cố cho kỳ vọng Mỹ có thể tránh được suy thoái vào cuối năm và khiến vai trò trú ẩn của kim loại quý bị thất thế.

Kim loại cơ bản

Giá đồng COMEX giảm 2,48% xuống 3,90 USD/pound, phiên giảm mạnh nhất trong vòng gần 3 tháng khi hoạt động sản xuất của Trung Quốc thu hẹp sau 2 tháng mở rộng

Chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất Caixin đạt 49,2 điểm, thấp hơn dự báo và là mức thấp nhất trong vòng 6 tháng.

Bất động sản đang gặp khó khăn ở Trung Quốc tiếp tục đè nặng lên nhu cầu đồng. Theo Bloomberg, doanh số bán nhà giảm xuống mức thấp nhất trong 1 năm với giá trị doanh số bán nhà mới của 100 nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc giảm 33,1% so với cùng kỳ năm 2022 xuống còn 49 tỷ USD trong tháng 7.

Theo Reuters, tiêu thụ đồng tại Trung Quốc còn yếu trong nửa đầu năm. Trung Quốc đã nhập khẩu 1,65 triệu tấn đồng tinh chế trong 6 tháng đầu năm 2023, giảm 12% so với cùng kì năm ngoái và là mức thấp nhất kể từ năm 2019.

 

Bấm để đánh giá bài viết này!
[Total: 0 Trung bình: 0]

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *