NÔNG SẢN
Ngô
Giá ngô hợp đồng tháng 12 kết tuần 26/06 – 30/06 với mức giảm mạnh ~ 16% trước triển vọng nguồn cung tích cực
Mức giảm của giá ngày càng mở rộng khi Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố 2 báo cáo quan trọng vào thứ Sáu (30/06). Chất lượng ngô tại Mỹ tiếp tục sụt giảm và thấp hơn dự đoán, chỉ 50% diện tích đạt tốt – tuyệt vời nhưng dự báo thời tiết sắp tới lại có sự cải thiện. Mưa và giông bão đã mang lại độ ẩm cần thiết cho giai đoạn phát triển quan trọng và giúp thị trường gia tăng kỳ vọng về năng suất niên vụ 23/24.
Báo cáo Diện tích gieo trồng (Final Acreage) ước tính nông dân Mỹ đã trồng 94,1 triệu mẫu ngô – mức cao nhất trong 9 năm, tăng ~2 triệu mẫu so với dự báo tháng 3 và vượt ngoài dự đoán. Diện tích và năng suất được đánh giá tích cực khi nhu cầu đối với ngô Mỹ lại đang khá yếu đã thúc đẩy lực bán ồ ạt.
Nếu mưa tiếp tục xuất hiện và độ ẩm gia tăng, giá có thể sẽ tiếp tục suy yếu, phá vỡ vùng đáy 500 trước đó và hướng xuống vùng 480.
Lúa mì
Giá lúa mì kết tuần với phiên giảm thứ 6 liên tiếp trước thông tin tích cực về nguồn cung
Hội đồng ngũ cốc quốc tế (IGC) đã nâng dự báo sản lượng lúa mì thế giới niên vụ 23/24 thêm 3 triệu tấn lên mức 786 triệu tấn, phản ánh triển vọng vụ mùa cải thiện tại Ukraine.
USDA ước tính diện tích trồng lúa mì 2023 của nông dân Mỹ giảm nhẹ nhưng vẫn nằm trong dự đoán nên tác động không đáng kể. Tuần này, lo ngại về thoả thuận xuất khẩu ở Biển Đen có thể hạn chế đà giảm của giá.
Đậu tương
Diện tích canh tác và tồn kho thấp hơn kỳ vọng giúp giá đậu tương tăng vọt, kết phiên với mức tăng 2,54%, và ghi nhận mức thay đổi lên tới ~ 100 cent/giạ trong tuần giao dịch 26/06-30/06
Dự báo sẽ có mưa rào ở Midwest – vùng trồng đậu tương trọng điểm của Mỹ – trong 2 tuần tiếp theo, giúp cây trồng hồi và xoa dịu lo ngại về tình hình vụ đậu tương của Mỹ, gây áp lực lớn lên giá.
Ngược lại, báo cáo Diện tích gieo trồng (Acreage 2023) gây bất ngờ cho thị trường và thúc đẩy lực mua mạnh mẽ. Diện tích canh 2023 chỉ đạt 83,505 triệu mẫu, thấp hơn nhiều so với dự đoán. Báo cáo Tồn kho ngũ cốc quý (Grain Stocks) cũng hỗ trợ đà tăng của giá trong phiên cuối tuần. Tồn kho tính đến 01/06/2023 đạt 796 triệu giạ, thấp hơn so với dự đoán và mức 968 triệu giạ cùng kỳ năm 2022, phản ánh nguồn cung đậu tương ở Mỹ đang bị thu hęp.
Tuần này, giá đậu tương có thể giằng co trên vùng 1300, nếu dự báo thời tiết tại Mỹ được xác nhận.
Giá khô đậu hợp đồng tháng 12 kết tuần với mức giảm nhẹ 0,25%. Giá dầu đậu tương hợp đồng tháng 12 nhờ nhịp tăng mạnh trong phiên cuối tuần mà kết phiên với mức tăng mạnh 7,3%. Tuần này, giá khô đậu có thể biến động quanh vùng 400.0, giá dầu đậu có thể hướng lên vùng 62.0.
NĂNG LƯỢNG
Giá dầu kết tuần tăng nhẹ, đánh dầu quý giảm giá thứ 2 liên tiếp trong bối cảnh lo ngại về tăng trường kinh tế tại các nước tiêu thụ hàng đầu
Trong tuần, giá dầu được hỗ trợ nhờ báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) và kinh tế vĩ mô tích cực tại Mỹ. Giá dầu WTI đã lấy lại mốc 70 USD/thùng khi tăng 2,14%, và giá dầu Brent tăng 1,89% lên 75,41 USD/thùng.
Theo EIA, tồn kho dầu thô thương mại Mỹ giảm mạnh 9,6 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 23/06, củng cố kỳ vọng tiêu thụ tại Mỹ trong mùa lái xe cao điểm, gần nhất là Kỳ Nghi Lễ Độc lập 4/7.
Lo ngại nguồn cung thu hẹp khi Saudi Arabia – nhà xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, sẽ giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày, tương đương 1% nhu cầu toàn cầu. Theo Ngân hàng HSBC, thị trường dầu sẽ thâm hụt ~ 2,3 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm 2023, và góp phần hỗ trợ cho giá dầu thời gian tới, dù sức ép tăng trưởng chậm từ một số quốc gia hàng đầu thế giới sẽ hạn chế đà tăng mạnh.
Mỹ tiếp tục thu hẹp quy mô khai thác khi số lượng giàn khoan dầu khí của Mỹ giảm 7 xuống 675 giàn đang hoạt động – mức thấp nhất kể từ 4/2022, đánh dấu tuần cắt giảm thứ 9 liên tiếp, theo Baker Hughes.
Vĩ mô tích cực của Mỹ cũng hỗ trợ cho giá dầu tuần qua. Tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ trong Quý l/2023 tăng 2% so với quý trước đó, cao hơn đáng kể trong báo cáo sơ bộ. Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 05/2023 tăng 3,8% so với cùng kỳ 2022, mức thấp nhất kể từ 4/2021. Chỉ số tâm lý người tiêu dùng tháng 06/2023 tăng lên 64,4 điểm. Tuần này, thị trường chờ đón thông tin từ cuộc hội thảo do Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) ngày 05 – 06/07, dự kiến sẽ khiến giá dầu biến động mạnh.
KIM LOẠI
Kim loại quý
Giá kim loại quý suy yếu do dòng tiền ưa rủi ro
Kết tuần 26/06 – 02/07, bạc tăng 2,09% lên 23,02 USD/ounce, chấm dứt 2 tuần giảm liên tiếp, vàng và bạch kim giảm tuần thứ 3 liên tiếp với mức giảm lần lượt là 0,09% và 1,48% xuống 1.919,57 USD/ounce và 913,2 USD/ounce.
Tuần qua, dòng tiền rút bớt khỏi thị trường kim loại quý do vĩ mô tích cực giúp đẩy lùi lo ngại suy thoái. Niềm tin của người tiêu dùng Mỹ tăng lên mức cao nhất trong 17 tháng và GDP của Mỹ trong Quý I/2023 tăng 2%. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần 24/06 giảm mạnh cho thấy thị trường lao động Mỹ vẫn ổn định.
Lạm phát hạ nhiệt cho thấy đợt lãi suất của Fed có hiệu quả.
Bạc vẫn nhận được lực mua tích cực do lo ngại nguồn cung. Theo Schiffgold, trữ lượng bạc của Mexico và Trung Quốc sẽ cạn kiệt vào năm 2033, nhu cầu sẽ tăng trưởng mạnh tới năm 2050 khiến thị trường thâm hụt nặng.
Kim loại cơ bản
Đồng COMEX giảm tuần thứ 2 liên tiếp khi giảm 1,47% xuống 3,75 USD/pound bất chấp lo ngại nguồn cung thu hẹp, triển vọng tiêu thụ kém sắc tại Trung Quốc
Tại Chile – quốc gia khai thác đồng lớn nhất thế giới, một số mỏ đồng đang tạm ngừng hoạt động do lũ lụt. Sản lượng đồng đã giảm 14% xuống 413.083 tấn trong tháng 5. Tồn kho đồng trên 3 Sở Giao dịch lớn là COMEX, LME và Thượng Hải ở mức thấp nhất trong vòng 15 năm.
Ngân hàng thế giới (World Bank) dự báo giá đồng sẽ giảm 4% trong năm 2023 so với 2022 do tiêu thụ kém sắc, và giảm 6% trong năm 2024 do nguồn cung đồng ổn định.
Bài viết liên quan