NÔNG SẢN
Ngô
Ngô giảm 1,33%, ghi nhận phiên giảm thứ 7 liên tiếp
- Giá tăng hơn 2% trong phiên sáng 02/08, nhưng nhanh chóng gặp áp lực bán mạnh trước tin tiêu cực về hoạt động xuất khẩu ngô Mỹ. Việc hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch hạ mức tín nhiệm của Mỹ xuống 1 bậc, từ AAA xuống AA+ đã gây sức ép lên các thị trường tài chính.
- Theo Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu Ngũ cốc Brazil (ANEC), Brazil đã xuất khẩu 6 triệu tấn ngô trong tháng 7, nâng lũy kế xuất khẩu ngô năm 2023 lên 15,4 triệu tấn. Trung Quốc là khách hàng lớn nhất với ~1,3 triệu tấn nâng tổng khối lượng nhập khẩu lên 2,23 triệu tấn. ANEC dự báo con số này sẽ tăng mạnh trong cuối năm, khiến triển vọng xuất khẩu ngô Mỹ trở nên kém khả quan hơn, do Trung Quốc cũng là đối tác nhập khẩu ngô quan trọng của Điều này đã gây áp lực lớn lên giá.
Lúa mì
Lúa mì giảm 1,88%, đánh dấu phiên giảm thứ 6 liên tiếp
- Đầu phiên 02/08, giá tăng ~5% trước tình hình căng thẳng tại khu vực Biển Đen. Lực bán chốt lời cùng việc Mỹ bị hạ xếp hạng tín nhiệm, đã gây sức ép lên giá sau đó.
- Ngày 02/08, Nga đã tấn công vào các cơ sở xuất khẩu và lưu trữ ngũ cốc của Ukraine ở phía nam thành phố cảng Odesa, cảng Izmail trên sông Danube, và gây ra thiệt hại cho cơ sở hạ tầng cảng, buộc các hoạt động bị đình trệ. Điều này gây lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung ngũ cốc từ Ukraine, và thúc đẩy lực mua trong phiên sáng.
Đậu tương
Dự báo thời tiết tại Mỹ cải thiện khiến giá giảm mạnh và đóng cửa ở mức thấp nhất trong ~1 tháng
- Thời tiết trong nửa đầu tháng 8 được dự báo sẽ trở nên ôn hoà hơn, làm gia tăng kỳ vọng về mùa vụ đậu tương Mỹ. Các khu vực của Đồng bằng Bắc Bộ và Trung Bộ sẽ có nhiều mưa vào cuối tuần này, một số khu vực có thể có lượng mưa từ 10 – 20 mm trở lên. Tháng 8 là giai đoạn phát triển quan trọng và quyết định năng suất của đậu tương Mỹ nên dự báo trên gây sức ép rất lớn tới giá.
- Theo Ban Thư ký Ngoại thương Brazil (Secex), Brazil đã xuất khẩu 9,9 triệu tấn đậu tương trong tháng 7, giảm từ 13,9 triệu tấn của tháng 6, nhưng cao hơn so với 7,5 triệu tấn cùng của tháng 7/2022. Vụ mùa bội thu dự báo sẽ giúp Brazil gia tăng vị thế cạnh tranh, góp phần tạo áp lực tới giá CBOT.
Khô đậu tương – Dầu đậu tương
- Khô đậu đóng cửa trong sắc đỏ khi thị trường thiếu vắng thông tin và giá diễn biến theo đậu tương.
- Dầu đậu tương tăng nhẹ bất chấp việc Nga có thể quay trở lại các cuộc đàm phán để khôi phục thỏa thuận. Nhu cầu dầu thực vật đã hỗ trợ cho giá. Nhập khẩu dầu ăn của Ấn Độ trong tháng 7 ước tính đã tăng lên mức kỷ lục 1,76 triệu tấn do các nhà máy tăng cường mua hàng để xây dựng kho dự trữ cho các lễ hội trong khi nguồn cung bị hạn chế từ biển Đen. Việc nhập khẩu dầu cọ của nước nhập khẩu dầu thực vật lớn nhất thế giới, tăng trở lại có thể giúp các quốc gia sản xuất hàng đầu (Indonesia, Malaysia) cắt giảm tồn kho. Nhập khẩu dầu cọ của Ấn Độ có thể tăng lên mức 1,09 triệu tấn trong tháng 7, so với 683.133 tấn trong tháng 6.
NĂNG LƯỢNG
Giá giảm mạnh trước áp lực chốt lời và sức ép từ đồng USD bất chấp tồn kho dầu giảm mạnh của Mỹ
Kết phiên 02/08, dầu WTI giảm 2,31%, đánh mất mốc 80 USD/thùng. Dầu Brent giảm 2,01% xuống 83,2 USD/thùng,.
Yếu tố vĩ mô
- Tâm lý thận trọng trước Cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) ngày 04/08, đã thúc đẩy hành động chốt lời sau giai đoạn giá tăng mạnh.
- Bảng lương phi nông nghiệp của ADP cho thấy thị trường việc làm Mỹ rất tích cực, với 324.000 việc làm trong tháng 7, cao hơn nhiều so với dự báo tăng 189.000. Điều này đã củng cố cho đà tăng của đồng USD, và gây áp lực cho dầu thô.
- Fitch Ratings đã hạ xếp hạng tín dụng của Mỹ từ mức cao nhất AAA xuống AA+ với lý do Mỹ có thể gặp suy thoái trong 3 năm tới và nợ Chính phủ ngày càng tăng. Điều này đã thúc đẩy hành động bán trái phiếu, kéo lợi suất tăng và củng cố cho đà tăng của đồng USD, gia tăng áp lực cho giá dầu.
Yếu tố cung cầu
- Tin tức vĩ mô hoàn toàn lấn át dữ liệu từ Cơ quan quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), khi tồn kho dầu thô thương mại Mỹ giảm hơn 17 triệu thùng trong tuần 21/07 – 28/07, cao hơn dữ liệu từ Viện dầu khí Mỹ (API).
- Dự đoán nhu cầu tiêu thụ đã đạt đỉnh tại các quốc gia tiêu thụ dầu hàng đầu trên thế giới cũng gây áp lực tới giá. Theo Energy Aspects, nhu cầu dầu của Trung Quốc năm 2023 có thể đạt đỉnh 16,4 triệu thùng/ngày trong quý II, và sẽ giảm xuống 15,8 triệu thùng/ngày trong quý III trước khi tăng trở lên ~16,2 triệu thùng/ngày trong quý IV.
- Sự suy yếu nhu cầu thể hiện rõ trong dữ liệu sản xuất dầu diesel, loại nhiên liệu quan trọng được sử dụng trong hoạt động kinh tế. Trung Quốc đã tăng cường xuất khẩu và bổ sung vào kho dự trữ thương mại khi tiêu thụ nội địa suy yếu, xuất khẩu dầu diesel tăng lên mức cao nhất 4 tháng, đạt 1,2 triệu thùng/ngày, gấp 4 lần so với tháng 6.
- Theo Chính phủ Ấn Độ, thông lượng dầu thô của các nhà máy nội địa tháng 6 giảm 2% so với tháng 5 xuống 5,26 triệu thùng/ngày (~21,5 triệu tấn).
KIM LOẠI
Đồng USD phục hồi, với chỉ số Dollar Index tăng 0,28% lên 102,59 điểm gây sức ép lên thị trường kim loại
Kim loại quý
- Bạc và bạch kim giảm 2 phiên liên tiếp với mức giảm lần lượt 1,87% xuống 23,87 USD/ounce và 1,06% xuống 930,4 USD/ounce, mức thấp nhất trong ~3 tuần. Vàng giảm 0,54% xuống 1.933,56 USD/ounce.
- Theo Báo cáo Việc làm Quốc gia của ADP, khu vực tư nhân Mỹ có thêm 324.000 việc làm trong tháng 7, gấp ~2 lần so với dự báo, cho thấy Mỹ có thể tránh khỏi suy thoái. Đồng USD mạnh lên tiếp tục gây sức ép tới giá.
- Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên 4,09%, mức cao nhất trong 9 tháng, khi Fitch hạ xếp hạng của Mỹ xuống AA+ từ AAA. Mức sinh lời của trái phiếu Chính phủ an toàn làm giảm dòng tiền đầu tư vào nhóm kim loại quý.
Kim loại cơ bản
- Đồng COMEX giảm 1,66% xuống 3,84 USD/pound khi dữ liệu của Trung Quốc chỉ ra hoạt động sản xuất tiếp tục thu hẹp tháng thứ 4 liên tiếp. Với vai trò là kim loại công nghiệp đầu vào cho hoạt động sản xuất, dữ liệu này làm lu mờ đi triển vọng tiêu thụ.
- Hôm qua, Trung Quốc tung ra các chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nhưng quy mô nhỏ, và cần thời gian để phát huy hiệu quả. Do đó, tin này không hỗ trợ quá mạnh cho giá đồng.
- Phiên tối, đồng USD mạnh lên sau dữ liệu việc làm của Mỹ cũng gây sức ép lên giá.
Bấm để đánh giá bài viết này!
[Total: 0 Trung bình: 0]
Bài viết liên quan