fbpx

TIN TỨC THỊ TRƯỜNG NGÀY 04/01/2024

 

NÔNG SẢN

  • Hầu hết các mặt hàng nông sản hồi phục sau khi kết thúc phiên giao dịch ngày 3/1. Tuy nhiên diễn biến giá trong phiên tương đối giằng co khi các mặt hàng này chỉ ghi nhận mức biến động không đáng kể, dưới 1%. Lúa mì là mặt hàng duy nhất giảm giá trong nhóm khi đánh mất 1,07% vào ngày hôm qua.
  • Refinitiv cho biết, sản lượng lúa mì niên vụ 24/25 của Nga dự kiến đạt 86,8 triệu tấn, tăng 1,6% so với dự báo trước đó nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi gần đây. Nếu được xác nhận, đây sẽ là mức sản lượng cao kỷ lục thứ 2 của nước này. Triển vọng nguồn cung mở rộng hơn tại quốc gia sản xuất và xuất khẩu lúa mì số 1 thế giới là nguyên nhân chính thúc đẩy lực bán trên thị trường.
  • Đối với ngô, thị trường đã lấy lại sắc xanh sau 4 phiên liên tiếp suy yếu. Bất chấp một số dự báo thời tiết cho rằng mưa sẽ xuất hiện nhiều hơn và cải thiện độ ẩm đất trong những ngày tới, StoneX dự báo sản lượng ngô niên vụ 23/24 của Brazil sẽ giảm xuống mức 124,6 triệu tấn. Các nhà phân tích cho rằng vụ đậu tương chậm trễ có thể khiến phần lớn ngô vụ 2 phải gieo trồng ngoài thời gian lý tưởng, làm tăng nguy cơ nông dân sẽ cắt giảm diện tích canh tác. Mùa vụ dự kiến thắt chặt hơn trong năm nay tại Brazil là yếu tố đã thúc đẩy lực mua chiếm ưu thế hơn một chút trong phiên vừa rồi.
  • Trong khi đó, giá đậu tương cũng chỉ tăng nhẹ trong phiên vừa rồi trước các thông tin trái chiều về triển vọng sản xuất tại Brazil. Tương tự như ngô, hãng StoneX mới đây đã cắt giảm mạnh dự báo sản lượng đậu tương của quốc gia này xuống còn 152,8 triệu tấn, so với mức 161,9 triệu tấn trước đó. Ngược lại, Refinitiv ước tính sản lượng đậu tương niên vụ 2023/24 của Brazil có thể tăng 2% so với dự báo trước đó, lên mức 49,2 triệu tấn, bất chấp một số rủi ro tiềm ẩn về thời tiết.
  • Giá dầu đậu tương ghi nhận mức tăng 0,6% vào hôm qua, là mặt hàng tăng mạnh nhất các mặt hàng nông sản. Mặc dù chịu sức ép khi mở cửa, tuy nhiên, càng về cuối phiên, lực mua đối với dầu đậu ngày càng mạnh nhờ được hỗ trợ bởi diễn biến dầu thô. Tương tự đậu tương, khô đậu cũng nhận được lực mua nhẹ trong phiên vừa rồi.
NĂNG LƯỢNG
  • Kết thúc ngày giao dịch 3/1, giá dầu đảo chiều tăng về cuối phiên do lo ngại gián đoạn nguồn cung tại mỏ dầu hàng đầu của Libya. Ngoài ra, lực mua cũng được thúc đẩy trong bối cảnh căng thẳng tại Trung Đông tiếp tục leo thang.
  • Chốt phiên, giá dầu WTI tăng 3,3% lên 72,70 USD/thùng. Dầu Brent tăng 3,11% lên 78,25 USD/thùng. Như vậy, giá dầu đã kết thúc chuỗi giảm bốn phiên liên tiếp.
  • Theo Reuters, biểu tình trong lĩnh vực dầu mỏ ở Libya đã buộc các nhà khai thác phải giảm phần lớn, thậm chí hoàn toàn sản lượng dầu tại mỏ Sharara. Đây là mỏ dầu lớn nhất của Libya với công suất khoảng 300.000 thùng/ngày. Những người biểu tình tuyên bố rằng mỏ sẽ không được mở cửa trở lại cho đến khi yêu cầu tăng chất lượng dịch vụ và điều kiện làm việc của của toàn bộ khu vực Fezzan, Nam Libya được phê duyệt.
  • Thị trường cũng đang lo ngại rằng các cuộc biểu tình có thể lan sang mỏ El Feel với công suất 60.000 thùng/ngày ở gần khu vực này. Rủi ro nguồn cung gián đoạn tại Libya, một thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sản xuất khoảng 1,2 triệu thùng dầu/ngày, đã thúc đẩy mạnh mẽ lực mua trên thị trường, kéo giá dầu tăng vọt về cuối phiên.
  • Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông tiếp tục được đẩy lên cao sau khi có báo cáo về vụ nổ bom tại lăng mộ của tướng quân Iran, Qasem Soleimani. Trong khi đó, lãnh đạo Lebanon, Hezbollah Nasrallah, cảnh báo sẽ “không thể im lặng” nếu Israel gây chiến toàn diện.
  • Thêm vào yếu tố hỗ trợ giá, Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) đã thông báo sẽ mua tới 3 triệu thùng dầu để bổ sung vào Kho Dự trữ Chiến lược (SPR) trong tháng 4/2024. Trong năm 2023, Mỹ đã bổ sung tổng cộng khoảng 11 triệu thùng dầu vào SPR, với khoảng 4 triệu thùng sẽ được các công ty dầu mỏ hoàn trả trong tháng 2/2024.
  • Ngoài ra, áp lực lãi suất giảm bớt cũng góp phần tác động tích cực lên thị trường dầu. Biên bản cuộc họp tháng 12/2023 của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) cho thấy việc cắt giảm lãi suất có thể xảy ra vào năm 2024. Nguyên nhân là do lạm phát đang được kiểm soát và lo ngại việc thắt chặt quá mức có thể tác động tiêu cực lên nền kinh tế.
  • Rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ (API) cho thấy tồn kho dầu thương mại của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 29/12 giảm mạnh 7,4 triệu thùng, so với mức giảm 3,7 triệu thùng theo dự báo của giới phân tích. Trong khi đó, tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất ghi nhận mức tăng mạnh lần lượt 6,9 triệu thùng và 6,7 triệu thùng, có thể sẽ khiến đà tăng của giá dầu bị chững lại.

KIM LOẠI

Kim loại quý

  • Bạc lao dốc 3,32%, dừng chân tại 23,15 USD/ounce, đánh dấu phiên giảm giá thứ tư liên tiếp. Đây cũng là phiên giá bạc giảm mạnh nhất trong vòng 1 tháng trở lại đây. Giá bạch kim nối dài đà giảm sang phiên thứ ba liên tiếp, đóng cửa tại 987,1 USD/ounce sau khi giảm 1,12%.
  • Sau khi ghi nhận mức tăng theo ngày lớn nhất kể từ tháng 10/2023 trong phiên trước đó, chỉ số Dollar Index tiếp tục tăng mạnh trong phiên hôm qua. Chốt phiên, chỉ số này tăng 0,29% lên 102,49 điểm, mức cao nhất trong hơn 2 tuần.
  • Đồng USD tiếp tục mạnh lên khi giới đầu tư ngày càng kỳ vọng nền kinh tế Mỹ có thể đạt được kịch bản “hạ cánh mềm”. Dữ liệu do Viện quản lý cung ứng (ISM) công bố hôm qua cho thấy hoạt động sản xuất tại Mỹ đã cải thiện. Cụ thể, chỉ số quản lý mua hàng (PMI) sản xuất tháng 12/2023 của Mỹ đạt 47,4 điểm, cao hơn 0,3 điểm so với dự báo và cao hơn mức 47,1 điểm ghi nhận trong tháng 11.
  • Dự báo tăng trưởng kinh tế quý IV/2023 của Mỹ theo GDP Now của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Atlanta được điều chỉnh tăng lên 2,5% từ mức 2%.
  • Chủ tịch FED bang Richmond, Thomas Barkin, cũng bày tỏ sự lạc quan tương tự. Ông cho rằng việc Mỹ “hạ cánh mềm” là điều hoàn toàn có thể xảy ra khi FED đạt được tiến bộ trong việc kiềm chế lạm phát mà không gây thiệt hại lớn cho thị trường việc làm.

Kim loại cơ bản

  • Đồng COMEX nối dài đà giảm sang phiên thứ tư liên tiếp, đóng cửa tại mức 3,86 USD/pound, sau khi để mất 0,49%. Đồng USD mạnh lên và triển vọng tiêu thụ kém sắc vẫn đang là yếu tố chính gây sức ép lên giá đồng.
  • Tuy vậy, sau khi Mỹ công bố số liệu PMI sản xuất, đà giảm của giá đồng dần thu hẹp trở lại, do hoạt động sản xuất Mỹ cải thiện cũng góp phần củng cố triển vọng tiêu thụ đồng, nguyên liệu đầu vào quan trọng trong lĩnh vực sản xuất.
  • Ở chiều ngược lại, giá quặng sắt duy trì đà tăng sang phiên thứ ba liên tiếp, nhờ kỳ vọng tiêu thụ tăng tại Trung Quốc, trong khi nguồn cung gặp gián đoạn. Chốt phiên, giá quặng sắt tăng 0,36% lên 143,6 USD/tấn.
  • Theo Reuters, Fortescue Metals Group, tập đoàn khai thác quặng sắt lớn thứ tư thế giới, cho biết việc vận chuyển quặng sắt đến cảng Port Hedland đang gặp gián đoạn do nhiều toa tàu chở quặng sắt bị trật bánh khỏi đường ray. Port Hedland là cảng xuất khẩu quặng sắt lớn nhất trên thế giới.
Bấm để đánh giá bài viết này!
[Total: 0 Trung bình: 0]

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *