fbpx

TIN TỨC THỊ TRƯỜNG NGÀY 04/07/2023

 

 

NÔNG SẢN

Ngô

Giá ngô vẫn chịu áp lực do diện tích canh tác của Mỹ vượt mức kỳ vọng

Giá ngô hợp đồng tháng 12 diễn biến giằng co và kết phiên 03/07 với mức giảm 0,25%, nối dài chuỗi suy yếu sang phiên thứ 5. Giá ngô vẫn chịu áp lực nặng nề từ việc diện tích canh tác 2023 của Mỹ cao hơn kỳ vọng và triển vọng mùa vụ khả quan ở Brazil. Lực mua ở vùng hỗ trợ 490-500 cũng giúp giá ngô hồi phục.

Theo Báo cáo Giao hàng xuất khẩu (Export Inspections), Mỹ đã giao 642.900 tấn ngô trong tuần 23/06-29/06, tăng so với mức 550.511 tấn của tuần trước đó, góp phần thúc đẩy lực mua khi thị trường ngô liên tiếp đón nhận những thông tin bearish liên quan tới triển vọng mùa vụ của Mỹ.

Trái lại, triển vọng tích cực của ngô vụ 2 ở Brazil tiếp tục gây sức ép lên giá ngô. AgRural đã nâng dự báo sản lượng ngô vụ 2 niên vụ 22/23 của Brazil lên mức 102,9 triệu tấn, tăng 5 triệu tấn so với ước tính trước đó. StoneX dự báo Brazil có thể sản xuất 105,2 triệu tấn ngô vụ 2, cao hơn so với mức 102,9 triệu tấn được đưa ra hồi tháng trước.

Lúa mì

Giá lúa mì hợp đồng tháng 09 tiếp tục suy và ghi nhận phiên giảm thứ 7 do sự kém hấp dẫn của lúa mì Mỹ trên thị trường dù tình hình thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen ngày càng xấu đi

Điện Kremlin tái khẳng định, triển vọng gia hạn thỏa thuận vẫn không khả quan do các yêu cầu từ phía Nga vẫn chưa được thực hiện. Khi được hỏi về thông tin Liên minh châu Âu đang xem xét kết nối Ngân hàng Nông nghiệp Nga với hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, Điện Kremlin cho biết vẫn chưa được thông báo về điều này. Điều đó tiếp tục phủ bóng đen lên tương lai của thỏa thuận sẽ kết thúc vào 27/07 và hỗ trợ giá lúa mì.

Đậu tương

Giá đậu tương biến động mạnh và đóng cửa trong sắc xanh do thị trường tiếp tục phản ứng với số liệu diện tích thu hẹp tại Mỹ sau báo cáo Acreage

Theo báo cáo Giao hàng xuất khẩu (Export Inspections), 250.055 tấn đậu tương Mỹ đã được thông quan và xuất khẩu trong tuần kết thúc ngày 29/06, cao hơn nhiều so báo cáo trước, phần nào hỗ trợ nhẹ cho giá.

Đợt hạn hán khốc liệt nhất tại vành đai nông nghiệp Midwest (Mỹ) kể từ năm 2012 đã trở nên nghiêm trọng hơn trong tuần vừa rồi, độ ẩm đất giảm đáng kể và đe dọa năng suất cây trồng. Tuy nhiên, một loạt các cơn mưa được dự báo xuất hiện trong 2 tuần tới, giúp ổn định/ cải thiện tình trạng cây trồng và bổ sung độ ẩm cần thiết cho giai đoạn phát triển quan trọng của đậu tương. Năng suất cây trồng cải thiện có thể bù đắp cho diện tích thu hẹp và xoa dịu phần lo ngại của thị trường về mức sản lượng niên vụ 23/24 sụt giảm. Điều này khiến đà tăng của giá đậu tương bị thu hẹp đáng kể khi kết phiên.

Theo Cơ quan phân tích OilWorld, Brazil có thể xuất khẩu ~ 34 triệu tấn đậu tương trong nửa cuối năm nay, cao hơn 8 triệu tấn so với cùng kì năm 2022. Nguồn cung đậu tương cao tại Brazil sẽ cạnh tranh mạnh với Mỹ, dẫn tới khả năng xuất khẩu của Mỹ kém hơn và tác động bearish lên giá trong phiên tối.

Giá khô đậu tương tăng mạnh nhưng đóng cửa trong sắc đỏ khi lo ngại về nguồn cung dần được xoa dịu. Giá dầu đậu tương tăng mạnh hơn 2% trong phiên đầu tuần.

NĂNG LƯỢNG

Rủi ro tăng trưởng lấn át nguồn cung, giá dầu đảo chiều giảm cuối phiên, cắt đứt chuỗi tăng 3 phiên liên tiếp

Giá dầu WTI giảm 1,2%, đánh mất mốc 70 USD/thùng. Dầu Brent giảm 1,01% xuống 74,65 USD/thùng.

Saudi Arabia cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày vào tháng 7 và duy trì trong tháng 8, sẽ đưa sản lượng của nước này xuống còn ~ 9 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất trong vài năm.

Nga tự nguyện giảm nguồn cung dầu trong tháng 8 thêm 500 nghìn thùng/ngày để đảm bảo sự cân bằng trên thị trường dầu mỏ. Sản lượng dầu của nhóm OPEC+ dự kiến giảm thêm 1,5 triệu thùng/ngày trong tháng 8, ~ 1,5% nhu cầu toàn cầu, nâng tổng số cam kết cắt giảm của nhóm lên 5,16 triệu thùng/ngày. Giá dầu đã nhận được lực mua tích cực sau loạt thông tin trên trong nửa đầu phiên

Tuy nhiên, giá đảo chiều giảm mạnh trong nửa cuối phiên trước dữ liệu sản xuất yếu kém tại Mỹ và Châu Âu vào tháng 6 làm gia tăng rủi ro suy thoái, hạn chế nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu.

Theo Viện Quản lý và Cung ứng Mỹ (ISM), hoạt động sản xuất của các nhà máy Mỹ thu hẹp trong tháng 6 thông qua việc chỉ số quản trị mua hàng PMI sản xuất giảm xuống 46. Tương tự ở châu Âu (EU), PMI sản xuất giảm xuống mức 43,4 điểm trước sức ép lãi suất liên tục tăng cao.

KIM LOẠI

Kim loại quý

Vai trò trú ẩn phát huy khi lo ngại suy thoái gia tăng, thúc đẩy lực mua tích cực

Kết phiên 03/07, bạc tăng 0,4% lên 23,11 USD/ounce, vàng và bạch kim tăng lần lượt 0,1% và 0,31%, lên 1.921,43 USD/ounce và 916 USD/ounce.

Theo Viện quản lý cung ứng (ISM), chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất tại Mỹ tháng 6 giảm xuống 46 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020 và thấp hơn dự báo. Tại châu Âu, PMI sản xuất giảm xuống 43,4 điểm trong tháng 6, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2020. Dữ liệu trên cho thấy hoạt động kinh tế của các nền kinh tế lớn giảm tốc trong tháng 6 và làm gia tăng lo ngại suy thoái.

Chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm và 10 năm đã đạt mức cao nhất kể từ năm 1981, phản ánh lo ngại rằng chu kỳ tăng lãi suất kéo dài của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ đẩy kinh tế Mỹ vào suy thoái.

Kim loại cơ bản

Giá đồng COMEX tăng 0,92% lên 3,79 USD/ounce, nhờ dữ liệu sản xuất có sự cải thiện tại Trung Quốc.

Chỉ số PMI sản xuất Caixin đạt 50,5 điểm vào tháng 6, cao hơn dự báo, PMI ở trên ngưỡng 50 cho thấy sự mở rộng.

Tồn kho đồng trên Sở LME giảm 30% kể từ ngày 06/06 xuống còn 69.700 tấn, trên Sở COMEX cũng giảm xuống còn 18.605 tấn, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 12/2022.

Sự suy yếu của đồng USD khi dữ liệu PMI sản xuất sụt giảm tại Mỹ cũng hỗ trợ giá đồng trong phiên tối.

 

 

Bấm để đánh giá bài viết này!
[Total: 0 Trung bình: 0]

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *