NÔNG SẢN
- Các mặt hàng nhóm nông sản khép lại tuần giao dịch 27/11 – 3/12 với diễn biến tương đối trái chiều. Thị trường ngô và đậu tương khá cân bằng, và giá kết thúc tuần với mức thay đổi không đáng kể. Khô đậu ghi nhận mức biến động mạnh nhất khi lao dốc ~5% vào tuần trước, với 4/5 phiên giao dịch đóng cửa trong sắc đỏ. Mùa vụ đậu tương tại Nam Mỹ dần ổn định thúc đẩy lực bán đối với mặt hàng này.
Ngô
- Lo ngại về sản lượng ngô vụ 2 tại Brazil đã được củng cố tuần qua, hỗ trợ cho giá CBOT.
- Theo Patria Agronegocios, sản lượng ngô vụ 2 niên vụ 23/24 của Brazil có thể giảm ~18 triệu tấn. StoneX thận trọng trong việc cắt giảm khi dự báo Brazil sẽ sản xuất 97,33 triệu tấn ngô vụ 2, giảm nhẹ so với mức 98,96 triệu tấn trước đó.
- Bên cạnh tiến độ gieo trồng đậu tương chậm chễ, các hãng tư vấn cho biết nông dân cũng không quá mặn mà trong việc gieo trồng ngô vụ 2 do giá thấp.
Lúa mì
- Giá tăng mạnh ~4,5% trong bối cảnh các nước sản xuất lớn của EU đối mặt với thời tiết bất lợi.
- MARS cho biết mưa rào liên tục từ tháng 10 ở Tây Âu đã làm gián đoạn việc trồng ngũ cốc vụ đông, tình hình đặc biệt nghiêm trọng tại miền tây nước Pháp. Tình hình trái ngược tại Địa Trung Hải khi giai đoạn này được đánh giá là một trong những khoảng thời gian khô hạn nhất.
Đậu tương
- Mưa rào được dự báo sẽ xuất hiện ở miền bắc Brazil tuần này và cải thiện chất lượng vụ đậu tương đang phải đối mặt với nguy cơ bị thiệt hại năng suất do hạn hán kéo dài.
- Argentina: thời tiết thuận lợi tiếp tục thúc đẩy hoạt động trồng trọt của nông dân tuần qua. Theo CCA, sản lượng đậu tương niên vụ 23/24 có thể đạt mức cao nhất trong nhiều năm.
- Triển vọng nguồn cung tại 2 nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới đã gây sức ép lên đậu tương trong 2 phiên cuối tuần, kéo theo đà suy yếu của khô đậu.
NĂNG LƯỢNG
Dầu thô
- Kết thúc tuần, dầu ghi nhận tuần giảm thứ 6 liên tiếp, chuỗi giảm theo tuần dài nhất kể từ tháng 10/2018.
- Dầu WTI kỳ hạn tháng 1/2024 rơi khỏi mốc 75 USD/thùng, giảm 1,95% xuống còn 74,07 USD/thùng. Dầu Brent kỳ hạn tháng 2/2024 mất mốc 80 USD/thùng, giảm gần 2% xuống 78,88 USD/thùng.
- Cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC+) 30/11: Nỗi lo về kế hoạch cắt giảm sản lượng sâu hơn của nhóm đã đẩy giá dầu tăng 2 phiên liên tiếp trước thềm cuộc họp. Quyết định về hình thức cắt giảm sản lượng trong quý I/2024 là “tự nguyện”, đã khiến các nhà đầu tư thất vọng, kéo giá đảo chiều giảm.
- Saudi Arabia, Nga và các thành viên khác của OPEC+ đã đồng ý cắt giảm sản lượng tự nguyện ở mức 2,2 triệu thùng/ ngày. Ít nhất 1,3 triệu thùng/ngày là từ việc gia hạn các biện pháp hạn chế tự nguyện mà Saudi Arabia và Nga đã áp dụng trong thời gian qua. Do đó, mức cắt giảm tự nguyện thực tế là ~900.000 thùng/ ngày.
- Tính chất “tự nguyện” gây ra sự hoài nghi về mức độ tuân thủ cam kết, cho thấy sự khó khăn trong tìm kiếm sự đồng thuận về sản lượng giữa các thành viên. Do đó, giá dầu đã giảm mạnh và xoá bỏ mọi mức tăng trong tuần chỉ trong 2 phiên cuối tuần.
- Theo Reuters, nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới Saudi Arabia có thể giảm giá dầu Arab Light sang châu Á lần đầu tiên sau 7 tháng, bất chấp việc gia hạn cắt giảm sản lượng tự nguyện, do nguồn cung dồi dào và nhu cầu ảm đạm. Gã khổng lồ dầu mỏ nhà nước Saudi Aramco sẽ giảm giá bán chính thức (OSP) tháng 1 đối với dầu Arab Light khoảng 1 USD/thùng xuống còn khoảng 3 USD/thùng so với báo giá của Oman/Dubai.
- Nguồn cung ngoài OPEC+ tăng đang dần bù đắp cho khoảng trống từ các thành viên trong nhóm, gây áp lực cho giá dầu. Mỹ với sản lượng kỳ lục 13,2 triệu thùng/ngày tiếp tục được duy trì. Theo hãng Baker Hughes trong tuần kết thúc ngày 1/12 cho thấy số giàn khoan dầu khí đã tăng 3 giàn lên mức 625 giàn hoạt động.
Khí tự nhiên
- Dù đã tăng vọt vào đầu tuần qua trong bối cảnh không khí lạnh tràn vào Mỹ, làm gia tăng lo ngại về nhu cầu đột biến, nhiệt độ thực tế ôn hòa hơn trong tuần và sản lượng tăng mạnh đã đẩy thị trường vật chất vào vùng tiêu cực.
- Kết thúc tuần, giá khí tự nhiên đánh mất hơn 6% giá trị so với tuần trước, có thời điểm thấp nhất kể từ cuối tháng 9.
KIM LOẠI
Kim loại quý
- Bạc nối dài đà tăng sang tuần thứ 3 liên tiếp khi tăng 4,72% lên 26,86 USD/ounce, mức cao nhất trong 6 tháng. Giá vàng cũng bật tăng lên mức cao nhất mọi thời đại, neo tại mức 2.070,9 USD/ounce nhờ tăng 3,44%.
- Dòng tiền liên tục chảy vào thị trường kim loại quý khi các nhà đầu tư ngày càng lạc quan rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã hoàn tất việc thắt chặt chính sách tiền tệ, được củng cố qua dữ liệu kinh tế Mỹ hạ nhiệt và bình luận mang tính “ôn hòa” của quan chức FED.
- Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi tháng 10 của Mỹ tăng 3,5% so với cùng kỳ trong tháng 10, đây là mức tăng nhỏ nhất kể từ tháng 4/2021, cho thấy lạm phát tiếp tục hạ nhiệt. Hoạt động sản xuất của Mỹ đã thu hẹp 13 tháng liên tiếp, thời gian dài nhất trong hơn hai thập kỷ. Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) sản xuất tháng 11/2023 đạt 46,7 điểm, thấp hơn 0,9 điểm so với dự báo.
- Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ban đầu của Mỹ đã tăng 7.000 lên 218.000 trong tuần kết thúc vào ngày 25/11, cho thấy thị trường lao động Mỹ vẫn đang gặp áp lực.
- Bạch kim giảm nhẹ 0,09% về 936,1 USD/ounce do rủi ro nguồn cung được xoa dịu và áp lực bán kĩ thuật tại vùng 950 USD.
Kim loại cơ bản
- Đồng COMEX tăng tuần thứ 3 liên tiếp, đóng cửa tuần tại mức 3,93 USD/pound nhờ tăng 2,58%. Lo ngại nguồn cung thu hẹp đã giúp thị trường đồng đón nhận lực mua tích cực.
- Tổng thống Panama đã tuyên bố đóng cửa mỏ đồng Corbe Panama của công y First Quantum. Mỏ này đóng góp ~1,5% vào tổng sản lượng đồng toàn cầu. Đình công tại mỏ Las Bambas, một trong những mỏ đồng lớn nhất Peru, đã khiến hoạt động khai thác đồng tại mỏ này bị trì hoãn. Sự gián đoạn nguồn cung từ mỏ Cobre Panama và mỏ Las Bambas của Peru có thể thu hẹp mức thặng dư đồng trong năm nay và năm tới.
- Quặng sắt giảm 0,94% về 132,6 USD/tấn, đánh dầu tuần giảm giá đầu tiên của quặng sắt sau 5 tuần tăng liên tiếp. Giá quặng sắt liên tục gặp áp lực trong tuần trước do Chính phủ Trung Quốc can thiệp để hạn chế đà tăng của giá.
Bấm để đánh giá bài viết này!
[Total: 0 Trung bình: 0]
Bài viết liên quan