NÔNG SẢN
Ngô
- Giá giảm nhẹ 0,87%.
- Tiến sĩ Cordonnier, chuyên gia lĩnh vực nông sản khu vực Nam Mỹ cho biết, mưa gần đây đã giúp mùa vụ tại miền bắc được hưởng lợi, miền nam hầu như khô ráo và chỉ có vài cơn mưa rào ở Buenos Aires và La Pampa. Chất lượng cây trồng tương đối khả quan, 30% tỷ lệ diện tích ngô Argentina đạt tốt/tuyệt vời, tăng so với mức 28% của tuần trước. Đây là yếu tố đã gây sức ép nhẹ đến giá CBOT.
Lúa mì
- Lúa mì lao dốc tới 2,3%, chạm xuống mốc thấp nhất trong 4 tháng qua, giảm xuống sát vùng hỗ trợ 550. Triển vọng sản xuất tích cực tại Australia, cùng với áp lực cạnh tranh từ khu vực biển Đen là nguyên nhân.
- Bộ Nông nghiệp Australia: thời tiết ẩm ướt hơn có thể giúp sản lượng lúa mì đông niên vụ 24/25 đạt 28,4 triệu tấn, tăng so với mức 26 triệu tấn của niên vụ 23/24.
- Nga: SovEcon báo cáo giá lúa mì xuất khẩu tiếp tục giảm trong tuần vừa rồi. Với mức giá cạnh tranh, doanh số bán hàng trong tháng 2 có thể đạt mức kỷ lục 4,1 triệu tấn, gây thêm sức ép lên giá toàn cầu.
Đậu tương
- Giá hợp đồng tháng 5 giảm 0,52%.
- Deral cho biết, tiến độ thu hoạch đậu tương tại Parana đạt 64% kế hoạch, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ 2023. Khô nóng đã đẩy nhanh chu kỳ phát triển, nhưng lại khiến đậu tương không đạt được năng suất tối đa. Bang Rio Grande do Sul, Emater dự kiến nông dân sẽ thu hoạch 22,25 triệu tấn đậu tương niên vụ 23/24, giảm 0,2 triệu tấn so với ước tính ban đầu. Đây sẽ vẫn là mức sản lượng kỷ lục khi tăng tới 71,5% so với niên vụ trước. Sự hồi phục sản lượng ở bang Rio Grande do Sul được kỳ vọng sẽ giúp bang này trở thành nhà sản xuất đậu tương lớn thứ 2 của Brazil, bù đắp cho sự thiệt hại ở các bang khác.
- Tình hình mùa vụ ở Brazil vẫn tương đối khả quan, gây sức ép lên giá.
NĂNG LƯỢNG
- Dầu giảm phiên thứ 2 liên tiếp trong bối cảnh nhà giao dịch giữ tâm lý thận trọng về tín hiệu kinh tế tại các nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới. Sự hoài nghi về tăng trưởng làm mờ triển vọng nhu cầu, gây áp lực cho giá.
- Dầu WTI giảm 0,75% xuống 78,15 USD/thùng. Dầu Brent giảm 0,92% xuống 82,04 USD/thùng.
- Việc gia hạn cắt giảm sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) phản ánh góc nhìn ảm đạm của nhóm đối với mức độ tiêu thụ dầu trên thế giới. Sau khi thông tin đã được phản ánh vào giá từ trước, áp lực đang dần xuất hiện trên thị trường.
- Hãng tin Interfax dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết OPEC+ nhằm mục đích ổn định giá cả trên thị trường dầu mỏ, không phải tăng giá vô thời hạn, cho đến nay đang khá thành công đối với việc giữ giá dầu ổn định.
- Dầu thô chịu áp lực bởi sự hoài nghi xung quanh việc Trung Quốc đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế và khẩu vị rủi ro của các nhà đầu tư. Trung Quốc – nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2024 là ~5%, tương tự năm ngoái và phù hợp với kỳ vọng, nhưng việc thiếu các kế hoạch kích thích lớn để vực dậy nền kinh tế đang gặp khó khăn đã khiến các nhà đầu tư thất vọng.
- Tâm lý e ngại rủi ro trên thị trường tài chính cũng thúc đẩy lực bán. Giá vàng đạt mức cao kỷ lục do đặt cược vào việc cắt giảm lãi suất của Mỹ vào tháng 6 ngày càng tăng, phố Wall đỏ lửa do sự suy yếu của các cổ phiếu vốn hóa lớn. Các tín hiệu này thường được đặt trong môi trường lo ngại về tăng trưởng kinh tế, gây ảnh hưởng tới giá dầu.
- Rạng sáng 6/3, báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ (API) cho thấy tồn kho dầu tăng 432.000 thùng trong tuần kết thúc ngày 1/3. Tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất giảm lần lượt 2,77 triệu và 1,77 triệu thùng, có thế sẽ hạn chế một phần đà giảm giá dầu trong phiên sáng.
KIM LOẠI
Kim loại quý
- Sau 1 phiên biến động khá mạnh, bạc giảm nhẹ 0,03% về 23,98 USD/ounce. Bạch kim để mất 1,89% về 887,2 USD/ounce.
- Trong phần lớn phiên, bạc được hỗ trợ nhờ sự suy yếu của đồng USD. Hoạt động dịch vụ của Mỹ có dấu hiệu suy yếu, chỉ số quản lý thu mua (PMI) phi sản xuất tháng 2 đạt 52,6 điểm, thấp hơn 0,4 điểm so với dự báo và mức 53,4 điểm trong tháng 1.
- Số liệu này một lần nữa cho thấy rằng tăng trưởng kinh tế Mỹ đang chững lại. Đồng USD tiếp tục suy yếu với chỉ số Dollar Index giảm về 103,8 điểm, đánh dấu 3 phiên giảm liên tiếp, hỗ trợ cho giá bạc liên tục tăng trong phiên hôm qua. Lực bán chốt lời được kích hoạt đã kéo giá bạc suy giảm về cuối phiên và kết phiên trong sắc đỏ.
- Bạch kim giảm mạnh bởi triển vọng ngành tiêu cực. Các công ty khai thác bạch kim liên tục công bố lợi nhuận sụt giảm mạnh và đưa ra cảnh báo rằng giá bạch kim khó có thể phục hồi mạnh mẽ trong năm nay.
Kim loại cơ bản
- Đồng COMEX giảm 2 phiên liên tiếp, chốt phiên tại mức 3,84 USD/pound sau khi giảm 0,26%. Niềm tin về triển vọng phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc bị lu mờ đã gây áp lực lên giá đồng trong phiên hôm qua.
- Trong Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (NPC) rất được mong chờ bắt đầu khai mạc vào hôm qua (5/3), Thủ tướng Lý Cường cho biết Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng 2024 ~ 5% trong năm nay, tương tự với năm ngoái. Chuyên gia trên thị trường đánh giá rằng việc đạt được con số 5% trong năm nay khó đạt được hơn nhiều so với năm 2023, do cơ sở so sánh cao hơn. Các quan chức đã không công bố bất cứ gói kích thích lớn nào, khiến giới đầu tư thất vọng và làm gia tăng lực bán đồng trong phiên.
- Niken LME cũng để mất 1,04% về 17.759 USD/tấn. Giá niken vẫn đang gặp áp lực trong bối cảnh tiêu thụ yếu nhưng nguồn cung dư thừa. Indonesia, quốc gia xuất khẩu niken lớn nhất thế giới, đã phê duyệt yêu cầu hạn ngạch sản xuất khai thác từ hơn 120 công ty khoáng sản và đặt mục tiêu hoàn tất quy trình phê duyệt trong tháng này, Irwandy Arif, quan chức cấp cao của Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản cho biết vào hôm qua.
Bấm để đánh giá bài viết này!
[Total: 0 Trung bình: 0]
Bài viết liên quan