NÔNG SẢN
Ngô
- Khép lại phiên 06/09, giá ngô kì hạn tháng 12 chỉ biến động nhẹ so với mức tham chiếu, giá nhìn chung chỉ đi ngang với biên độ 7 cents.
- Báo cáo Tiến độ Mùa vụ (Crop Progress) cho thấy, tuần kết thúc ngày 03/09, ~53% diện tích ngô Mỹ đang được đánh giá đạt chất lượng tốt – tuyệt vời, giảm 3% so với tuần trước đó, thấp hơn 1% so với kỳ vọng và mức 54% cùng kì năm ngoái. Không phải là thông tin quá bất ngờ, tuy nhiên, điều này cũng tiếp tục tạo ra lo ngại khi tiếp tục có bằng chứng cho thấy cây trồng chịu tác động bởi đợt khô hạn cuối tháng 08.
- Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu Ngũ cốc Brazil (ANEC) dự báo, nước này sẽ xuất khẩu mức kỷ lục 9,67 triệu tấn ngô trong tháng 09, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu được xác nhận, đây sẽ mức xuất khẩu ngô hàng tháng kỷ lục của Brazil, vượt qua mức kỷ lục trước đó là 9,26 triệu tấn được ghi nhận trong tháng 08 vừa rồi. Hoạt động xuất khẩu ngô của Brazil thường được đẩy mạnh trong nửa cuối năm, khi các lô hàng đậu tương xuất khẩu bắt đầu giảm. Năm nay, nhu cầu đối với ngô Brazil càng tăng cao, sau khi nước này đạt được thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc với Trung Quốc trong năm ngoái. Nguồn cung đẩy mạnh từ Brazil đã xoa dịu lo ngại trước đó từ tình hình vụ mùa tại Mỹ.
Lúa mì
- Lúa mì tiếp tục hồi phục hơn 1,5% hôm qua, thoát khỏi vùng tâm lý 600 và là mặt hàng tăng mạnh nhất nhóm nông sản. Lo ngại về tình hình nguồn cung tiếp tục là yếu tố hỗ trợ giá trong ngày hôm qua.
- Cục Khí tượng Australia cho biết, tình trạng thiếu mưa và độ ẩm đất dưới mức trung bình đã mở rộng trên khắp Australia, đe dọa triển vọng mùa vụ của nhà xuất khẩu lúa mì lớn thứ 2 toàn cầu. Lượng mưa Australia nhận được trong tháng 08 thấp hơn 49,5% so với mức trung bình trong giai đoạn 1961-1990. Đây cũng là tháng 08 khô hạn thứ 10 kể từ năm 1900. Trước đó, Australia cũng đã trải qua mùa đông nóng nhất trong lịch sử. Dự kiến khí hậu ở Australia sẽ khô hơn do hiện tượng thời tiết El Nino tăng cường.
Đậu tương
- Kết phiên, giá đậu tương kỳ hạn tháng 11 tăng nhẹ 0,82% nhờ báo cáo Tiến độ Mùa vụ (Crop Progress) tương đối tốt, giá duy trì được đà tăng ngay từ khi mở phiên sáng.
- Chất lượng đậu tương tại Mỹ kết thúc vào 03/09 giảm 5% xuống còn 53% diện tích đạt tốt – tuyệt vời, thấp hơn mức dự đoán 55%. Chất lượng cây trồng tại các bang sản xuất trọng điểm ghi nhận sụt giảm đáng kể. Illinois, bang sản xuất đậu tương lớn thứ 2 của Mỹ, xếp hạng tốt – tuyệt vời giảm 10% tuần vừa rồi, cho thấy nắng nóng những ngày cuối tháng 08 đã ảnh hưởng mạnh đến mùa vụ, củng cố khả năng USDA sẽ cắt giảm dự báo sản lượng đậu tương trong báo cáo hàng tháng công bố vào tuần tới.
- Tình hình xuất khẩu tại Nam Mỹ hạn chế đà tăng. Chính phủ Argentina cho biết các nhà xuất khẩu đậu tương trong tháng này có thể sử dụng 25% thu nhập ngoại tệ để mua hàng nội địa thay vì chuyển trực tiếp sang đồng Peso, giúp họ hưởng được mức tỷ giá ưu đãi cao hơn tỷ giá chính thức là 350 peso, đồng thời khuyến khích xuất khẩu nhiều hơn để thu được lượng USD cần thiết.
- Cơ quan Cung ứng Mùa vụ của chính phủ Brazil (CONAB): xuất khẩu đậu tương niên vụ 22/23 của Brazil tăng lên 96,95 triệu tấn, từ mức 95,64 triệu tấn trong báo cáo tháng 07 và cao hơn 23,1% so với niên vụ trước.
- Khô đậu tiếp tục bám sát diễn biến giá đậu tương khi hồi phục với mức tăng không đáng kể trong phiên vừa rồi, đánh dấu kết thúc chuỗi 5 phiên giảm liên tiếp.
- Dầu đậu tương nối dài đà suy yếu trong bối cảnh triển vọng nhu cầu thấp hơn. Các đại lý dầu thực vật ở Ấn Độ dự báo, nhập khẩu dầu đậu tương trong niên vụ 22/23 của nước này có thể giảm 11% so với niên vụ trước xuống còn 3,7 triệu tấn.
NĂNG LƯỢNG
- Kết phiên 06/09, dầu WTI đóng cửa ở mức 87,55 USD/thùng, tăng gần 1% so với phiên trước, phiên tăng giá thứ 9 liên tiếp, đánh dấu chuỗi tăng giá theo ngày dài nhất kể từ năm 2010. Dầu Brent tăng phiên thứ 7 liên tiếp với mức tăng 0,62% lên 90,60 USD/thùng.
- Lo ngại nguồn cung thắt chặt, cùng với một số dữ liệu kinh tế tích cực của Mỹ đã tiếp tục thúc đẩy giá dầu lên mức cao nhất trong hơn 9 tháng qua.
- Nguồn cung có xu hướng thắt chặt vào cuối năm sau tuyên bố gia hạn cắt giảm sản lượng và xuất khẩu từ Saudi Arabia và Nga. Công ty dầu mỏ nhà nước, Saudi Armaco hôm thứ Tư đã tăng giá bán chính thức (OSP) đối với loại dầu thô nhẹ kỳ hạn tháng 10 tới thị trường châu Á thêm 10 cent/thùng lên mức chênh lệch 3,60 USD/thùng so với báo giá trung bình của Oman/Dubai. Đây là lần tăng giá bán lần thứ 4 liên tiếp của Saudi Arabia kể từ tháng 7.
- Ngân hàng Goldman Sachs cho biết các động thái của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) mang lại rủi ro tăng giá đáng chú ý. Một số kịch bản, bao gồm một kịch bản cho thấy giá dầu Brent mở rộng mức tăng lên trên 100 USD/thùng. Họ nhấn mạnh rằng đây không phải là quan điểm cốt lõi khi rủi ro tăng trưởng vẫn còn tiềm ẩn.
- Viện Dầu khí Mỹ (API) cho biết tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ giảm 5,52 triệu thùng so với mức dự đoán giảm 2,1 triệu thùng, tuần giảm thứ 4 liên tiếp, tồn kho xăng cũng giảm mạnh 5,09 triệu thùng, nhấn mạnh yếu tố nguồn cung có xu hướng suy giảm, thúc đẩy lực mua trên thị trường.
- Xuất khẩu các sản phẩm dầu của Nga hiện cũng đã giảm xuống mức thấp nhất trong 11 tháng, với dầu diesel và dầu nhiên liệu đạt tổng cộng 2,28 triệu thùng/ngày trong tháng 8, thấp hơn 9% so với tháng 7.
- Tiêu thụ dầu vẫn cho thấy mức ổn định. Tại Ấn Độ, Tổng mức tiêu thụ trong tháng 8, đại diện cho nhu cầu dầu của quốc gia này đã đạt tổng cộng 18,57 triệu tấn, tăng 2,5% so với mức 18,11 triệu tấn trong tháng 7.
- Dữ liệu kinh tế vĩ mô tích cực của Mỹ cũng đã hỗ trợ tâm lý thị trường. Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) phi sản xuất tháng 8/2023 của Mỹ theo khảo sát của Viện Quản lý Cung ứng Mỹ (ISM) đạt mức 54,5%, cao hơn 1,8 điểm phần trăm so với tháng trước. Trước đó, Goldman Sachs cũng đã cắt giảm tỷ lệ suy thoái kinh tế Mỹ từ 20% xuống còn 15%.
KIM LOẠI
Kim loại quý
- Bạc và bạch kim giảm hơn 1% xuống mức thấp nhất trong hơn 2 tuần. Bạc giảm 1,55% xuống mức 23,50 USD/ounce, bạch kim giảm xuống 915,3 USD/ounce sau khi giảm 1,95%. Giá vàng giảm 5 phiên liên tiếp khi giảm 0,50% xuống 1.916,28 USD/ounce, mức thấp nhất trong hơn một tuần.
- Kim loại quý gặp sức ép sau khi Mỹ công bố dữ liệu cho thấy lĩnh vực dịch vụ vẫn tăng trưởng tích cực. Viện Quản lý Cung ứng (ISM): lĩnh vực dịch vụ của Mỹ đã mở rộng tháng thứ 8 liên tiếp, với 54,5 điểm trong tháng 8, cao hơn 2 điểm so với dự báo của giới phân tích và cao hơn 1,8 điểm so với tháng 7. Chỉ số việc làm, giá đầu vào và số lượng đơn đặt hàng mới đều tăng so với tháng trước.
- Nhà đầu tư lo ngại lĩnh vực dịch vụ vẫn tăng trưởng mạnh mẽ làm gia tăng áp lực lạm phát tại Mỹ và Fed sẽ phải duy trì lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn. Đồng USD tiếp tục tăng với chỉ số Dollar Index duy trì ở mức cao nhất trong 6 tháng, trong khi lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên 4,3%.
- Sự tăng giá của đồng USD khiến chi phí đầu tư trở nên đắt hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, trong khi lợi suất cao hơn làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý không sinh lợi, khiến giá chịu sức ép.
Kim loại cơ bản
- Đồng COMEX giảm 2 phiên liên tiêp khi giảm 1,62% xuống 3,78 USD/pound, phiên ghi nhận mức giảm lớn nhất trong gần 1 tháng.
- Giá đồng tiếp tục phải chịu sức ép khi đồng USD liên tục duy trì ở mức cao trong thời gian gần đây, khiến cho chi phí mua đồng vật chất trở nên đắt đỏ hơn, do đây là đồng tiền chính trong hoạt động thương mại quốc tế.
- Triển vọng tiêu thụ đồng toàn cầu trở nên kém lạc quan khi mà các nền kinh tế hàng đầu thế giới đều báo cáo số liệu kinh tế tiêu cực trong thời gian gần đây. Cả Anh, Đức, khu vực châu Âu đều cho thấy hoạt động sản xuất và dịch vụ đang thu hẹp và tăng trưởng với tốc độ yếu nhất trong năm nay. Dữ liệu trước đó cũng đã chỉ ra hoạt động luyện đồng toàn cầu trong tháng 8 suy yếu so với tháng 7.
Bấm để đánh giá bài viết này!
[Total: 0 Trung bình: 0]
Bài viết liên quan