fbpx

TIN TỨC THỊ TRƯỜNG NGÀY 08/08/2023

 

NÔNG SẢN

Ngô

Kết phiên 07/08, ngô hợp đồng kỳ hạn tháng 12 giảm nhẹ. Cả ngày, giá chỉ đi ngang với biên độ 10 cents. Phe bán chiếm ưu thế khi triển vọng nguồn cung tích cực

  • AgRural nâng ước tính sản lượng ngô 2023 của Brazil lên 135,4 triệu tấn, so với 132,3 triệu tấn tháng 07 do năng suất tốt. Brazil dự kiến thu hoạch 105,6 triệu tấn ngô vụ 2, cao hơn so với 102,9 triệu tấn trước đó. Đầu vụ, dự báo Brazil thu hoạch 97,9 triệu tấn ngô vụ 2. Triển vọng nguồn cung tốt có thể giúp Brazil đẩy mạnh bán hàng và tạo áp lực lên giá CBOT.
  • Báo cáo Giao hàng xuất khẩu (Export Inspections) tuần 27/07 – 03/08, giao hàng ngô giảm còn 376.623 tấn, thấp hơn mức 538.220 tấn tuần trước và mức 555.620 cùng kì năm ngoái. Khả năng Mỹ sẽ không hoàn thành kế hoạch xuất khẩu niên vụ 22/23 và khiến USDA cắt giảm dự báo xuất khẩu ở những báo cáo tới.

Lúa mì

Giá tăng mạnh ~ 4% với mức gapup ~10 cents ngay khi mở cửa trước lo ngại về nguồn cung biển Đen

  • Nga cho biết JPMorgan đã xử lý một số khoản thanh toán xuất khẩu ngũ cốc của Nga trong vài tháng qua với sự đảm bảo từ Washington, nhưng sự hợp tác đó đã dừng lại. Nga rút khỏi thỏa thuận biển Đen ngày 17/07 khi yêu cầu liên quan đến xuất khẩu ngũ cốc và phân bón không được đáp ứng. Việc JPMorgan ngừng thanh toán ngũ cốc của Nga sẽ khiến hoạt động xuất khẩu từ Nga trở nên khó khăn, ảnh hưởng đến nguồn cung lúa mì.

Đậu tương

Triển vọng thời tiết thuận lợi tại Mỹ đẩy giá đậu tương về sát mốc 1300, xu hướng giảm trung hạn được củng cố trở lại

  • Tháng 8 là giai đoạn quan trọng nhất quyết định tới năng suất với thời tiết khá tích cực. Khả năng là báo cáo Crop Progress tới, chất lượng đậu tương Mỹ sẽ được cải thiện. Hiện tại, thị trường đang thiên về tác động “bearish” rõ ràng.
  • Theo Báo cáo Giao hàng xuất khẩu (Export Inspections), khối lượng giao tuần 27/07 – 03/08 đạt 281.857 tấn, thấp hơn so với tuần trước và chưa tới 1/3 cùng kì năm ngoái. Tổng luỹ kế giao hàng tới nay chỉ đạt 94% so với tổng khối lượng dự báo cả niên vụ. Tiến độ giao hàng đã hoàn thành trong cùng kì năm ngoái và 3 tuần nữa là kết thúc niên. Báo cáo tối qua cho thấy xuất khẩu đậu tương của Mỹ đang bị chậm góp phần khiến giá suy yếu về vùng 1300.
  • Khô đậu chịu sức ép gián tiếp từ đậu tương. Giá dầu đậu giảm hơn 2,7% nhưng xu hướng chính vẫn đang giằng co trong vài phiên vừa qua do lo ngại về nguồn cung dầu thực vật sẽ thu hẹp.

NĂNG LƯỢNG

Giá dầu giảm trước áp lực chốt lời, rủi ro về nguồn cung cùng lo ngại tăng trưởng và tình hình tiêu thụ tại các quốc gia lớn, giá khí tự nhiên tăng hơn 5%

  • Giá dầu WTI giảm 1,06% xuống 82 USD/thùng. Dầu Brent giảm 0,67% xuống 85,66 USD/thùng.
  • Ba Lan ngừng vận chuyển dầu qua một phần đường ống Druzhba phía Tây đưa dầu thô tới Đức, sau khi một vụ rò rỉ được phát hiện vào cuối tuần qua. Dòng chảy được dự kiến sẽ tiếp tục vào ngày 8/8, góp phần xoa dịu nỗi lo gián đoạn nguồn cung khi các nhà xuất khẩu lớn cắt giảm sản lượng.
  • Theo Giám đốc điều hành của Tập đoàn xuất khẩu năng lượng Saudi Aramco, nguồn cung của công ty tới các khách hàng vẫn sẽ được đảm bảo ngay cả khi Saudi Arabia tuyên bố gia hạn cắt giảm sản lượng tới tháng 9. Điều đó đặt ra nghi ngại về năng lực tiêu thụ cũng có phần hạn chế và tiệm cận hơn với nguồn cung.
  • Chỉ số giá tiêu dùng CPI của Trung Quốc, sẽ giảm tốc lần đầu tiên trong tháng 7, kể từ đầu năm 2021, với mức giảm 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Dấu hiệu về áp lực giảm phát đang tấn công các doanh nghiệp Trung Quốc, đe doạ tới kế hoạch kích thích kinh tế của Bắc Kinh nếu người tiêu dùng chọn trì hoãn chi tiêu. Trung Quốc trong tháng 7/2023 được dự kiến sẽ tiếp tục đà giảm 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu đúng, đây sẽ là mức giảm mạnh nhất kể từ mức suy yếu 17,2% tháng 2/2020. Điều này cũng phản ánh nhu cầu hạn chế của thế giới đối với hàng hoá của Trung Quốc khi tăng trưởng chậm lại, góp phần gây sức ép tới giá.

KIM LOẠI

Đồng USD phục hồi gây sức ép tới nhóm kim loại

Kim loại quý

  • Giá đồng loạt suy yếu sau những bình luận “diều hâu” của quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Bạc giảm mạnh 2,04% xuống 23,23 USD/ounce, mức thấp nhất trong vòng gần 1 tháng. Vàng và bạch kim giảm lần lượt là 0,27% và 0,17%, xuống 1.936,39 USD/ounce và 926,9 USD/ounce.
  • Thống đốc Fed, Michelle Bowman, cho rằng Fed cần phải tăng thêm lãi suất để đưa lạm phát về mức 2%. Chủ tịch Fed bang New York, John Williams, cho rằng Fed phải duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt trong một thời gian và việc cắt giảm lãi suất có thể bắt đầu vào năm 2024 nếu lạm phát hạ nhiệt.
  • Lo ngại Fed tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh tay giúp đồng USD phục hồi, khiến giá bạc và bạch kim chịu sức ép. Bạch kim giảm thấp hơn hẳn so với bạc do lo ngại về nguồn cung.
  • Sản lượng khai thác của Nam Phi, quốc gia khai thác bạch kim lớn nhất thế giới, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 5, mức giảm mạnh nhất kể từ trước khi đại dịch COVID-19. Ngành khai thác của Nam Phi đang chịu sức ép bởi tình trạng mất điện liên tục và vận hành hệ thống đường sắt gặp gián đoạn.

Kim loại cơ bản

Đồng COMEX tiếp tục giảm 0,84% xuống 3,83 USD/pound

  • Giá đồng trải qua phiên giao dịch giằng co khi thị trường vắng bóng thông tin cơ bản. Sau khi giá không còn được hỗ trợ nhờ kỳ vọng Trung Quốc tăng cường kích thích kinh tế, giới đầu tư đang chờ đợi dữ liệu nhập khẩu đồng của Trung Quốc để đánh giá về tình hình tiêu thụ. Tuy vậy, đồng USD mạnh lên tiếp tục gây sức ép tới giá đồng trong phiên.
Bấm để đánh giá bài viết này!
[Total: 0 Trung bình: 0]

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *