NÔNG SẢN
Ngô
- Kết phiên giao dịch 7/9, giá ngô kì hạn tháng 12 hầu như không có sự thay đổi, giá chỉ đi ngang trong biên độ hẹp 5 cents.
- Việc thu hoạch ngô ở các vùng phía tây khu vực Midwest của Mỹ đang bắt đầu sớm hơn bình thường do thời tiết khô nóng kéo dài gần đây đã thúc đẩy cây trồng đến giai đoạn chín. Việc kết thúc vụ mùa sớm có thể làm giảm chất lượng và năng suất ngũ cốc tại các khu vực trồng trọt trọng điểm do cần nhiều thời gian hơn để làm đầy hạt, vốn đã bị thu nhỏ bởi ảnh hưởng của thời tiết. Điều này đang làm tăng rủi ro sản lượng của vụ mùa, hỗ trợ giá.
- Hiệp hội thương nhân ngũ cốc Ukraine (UGA) cho biết, nếu một số thay đổi trong hoạt động vận hành được thực hiện, lượng ngũ cốc xuất khẩu mỗi niên vụ qua cảng Constanta của Romania có thể lên đến 35 triệu tấn. Các thay đổi đang được thảo luận, Ukraine đang nỗ lực tìm ra những tuyến đường thay thế an toàn để xuất khẩu ngũ cốc. Ukraine đã vận chuyển 8,1 triệu tấn ngũ cốc qua cảng Constanta trong 7 tháng đầu năm. Nếu tình hình xuất khẩu tiếp tục được cải thiện, nguồn cung từ Ukraine có thể sẽ được thúc đẩy, giảm bớt lo ngại về tình trạng thiếu hụt lương thực toàn cầu.
Lúa mì
- Lúa mì giảm 1,5% khi triển vọng nguồn cung tương đối tích cực. Sau khi thất bại trong việc vượt lên kháng cự 613 trong phiên tối, lực bán tại vùng này đã đẩy lúa mì suy yếu và quay đầu suy yếu.
- Ukraine đã bắt đầu xuất khẩu ngũ cốc qua các cảng biển của Croatia, một nỗ lực nhằm mở rộng các tuyến đường xuất khẩu thay thế. Cuối tháng 07, Ukraine và Croatia đã nhất trí về khả năng sử dụng các cảng của Croatia trên sông Danube và biển Adriatic để xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine. Hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu ngũ cốc đã được vận chuyển qua các cảng của Croatia, tuy nhiên, điều này thể hiện nguồn cung lúa mì có thể tiếp tục được cải thiện từ Ukraine
Đậu tương
- Kết phiên, giá cả 3 mặt hàng họ đậu đều đóng cửa trong sắc đỏ. Giá đậu tương hợp hạn tháng 11 đóng cửa tại mức giá thấp nhất trong 2 tuần qua với mức giảm hơn 1,2% trước triển vọng nguồn cung trong báo cáo Cung – cầu Brazil của Cơ quan Cung ứng Mùa vụ (CONAB) khá tích cực, và yếu tố nhu cầu.
- Trung Quốc đã nhập khẩu 9,36 triệu tấn đậu tương trong tháng 08, giảm 3,8% so với tháng 7 nhưng tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái do lượng hàng hóa bị trì hoãn đã được thông quan bởi thủ tục nhập khẩu khắt khe và phần lớn lượng hàng gia tăng đến từ nguồn cung của Brazil. Nhập khẩu của Trung Quốc từ Brazil đã tăng do người mua tận dụng mức giá rẻ sau vụ mùa kỷ lục ở nước này.
- Nhập khẩu đậu tương có thể sẽ giảm trong những tháng tới do giá đậu tương thế giới tăng trước lo ngại về hạn hán tại Mỹ làm giảm nhu cầu mua hàng của các nhà máy ép dầu Trung Quốc. Nhu cầu đối với đậu tương Brazil của Trung Quốc đã tạo áp lực tiêu cực đến triển vọng xuất khẩu đậu tương Mỹ, theo đó tác động “bearish” mạnh mẽ đến giá đậu tương CBOT.
- Thiếu vắng thông tin cơ bản, giá khô đậu kỳ hạn tháng 12 tiếp tục theo sát diễn biến của giá đậu tương khi kết phiên với mức giảm ~ 1%.
- Đà giảm của dầu đậu tiếp tục được mở rộng với phiên giảm thứ 3 liên tiếp và mức giảm lên tới hơn 2%, khi mà giá dầu cọ đã ghi nhận phiên suy yếu thứ 4 liên tiếp. Hội đồng Dầu cọ Malaysia (MPOB) dự kiến sẽ công bố dữ liệu về ngành công nghiệp dầu cọ của nước này tháng 08 vào ngày 11/09. Dự đoán tồn kho dầu cọ sẽ đạt mức cao nhất trong vòng 6 tháng, do sản lượng tăng trong khi xuất khẩu suy yếu. Đây là yếu tố duy trì sức ép lên giá dầu cọ trong những phiên gần đây, ảnh hưởng tới giá dầu đậu.
NĂNG LƯỢNG
- Giá dầu biến động giằng co và kết phiên trong sắc đỏ. Dầu WTI đứt chuỗi tăng 9 phiên liên tiếp sau khi giảm 0,77% xuống 86,87 USD/thùng. Giá dầu Brent giảm 0,75%, đóng cửa sát mốc 90 USD/thùng.
- Tăng trưởng kinh tế tại Khu vực Châu Âu (EU) không đạt được kỳ vọng, người tiêu dùng vẫn thận trọng chi tiêu khi lãi suất cao. Trong Quý II/2023, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của EU được chỉ tăng 0,1% so với quý I, thấp hơn mức tăng trưởng 0,3% theo báo cáo trước đó. Chi tiêu tiêu dùng của các hộ gia đình không đổi so với quý I.
- Mức tăng trưởng EU thấp hơn báo cáo tháng trước khiến nhà đầu tư thận trọng về triển vọng kinh tế tại khu vực này. Điều đó thúc đẩy một số hành động chốt lời sau khi giá dầu liên tục được hỗ trợ bởi yếu tố nguồn cung thu hẹp.
- Trung Quốc, hoạt động thương mại tháng 8 cải thiện, nhưng tốc độ tăng trưởng nhập khẩu giảm 7,3% so với cùng kỳ năm 2022, tăng trưởng xuất khẩu giảm 8,8% so với tháng 8/2022. Nhập khẩu dầu thô là điểm sáng khi tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2022, do các nhà máy lọc dầu tăng tồn kho và sản lượng xử lý để hưởng lợi nhuận cao hơn từ xuất khẩu nhiên liệu. Trung Quốc đã nhập khẩu 52,80 triệu tấn dầu trong tháng 8, cao hơn 20,9% so với tháng 7 và cao hơn 30,9% so với cùng kỳ năm 2022.
- Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) tối qua cho biết dự trữ dầu thô thương mại giảm 6,3 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 1/9, giảm tuần thứ 4 liên tiếp và giảm hơn 6% trong tháng 8. Tồn kho xăng cũng giảm mạnh hơn 2 triệu thùng. Điều này cho thấy nhu cầu ổn định trong bối cảnh nguồn cung thắt chặt.
- Dữ liệu không quá bất ngờ khi Viện dầu khí Mỹ (API) cũng đã đưa ra các thống kê cho thấy sự sụt giảm trong hệ thống tồn kho dầu. Tổng sản phẩm cung cấp – thước đo về nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu tại Mỹ, giảm 1,2 triệu thùng/ngày xuống 20,2 triệu thùng/ngày, thấp hơn mức trung bình 4 tuần, phản ánh nhu cầu các sản phẩm lọc dầu chững lại so với tuần trước đó.
KIM LOẠI
Kim loại quý
- Vàng là mặt hàng tăng giá duy nhất trong nhóm khi phục hồi 0,15% lên 1.919,19 USD/ounce. Bạc giảm 1,12% xuống 23,24 USD/ounce và bạch kim đóng cửa tại mức 909,6 USD/ounce sau khi giảm 0,62%.
- Vai trò trú ẩn của kim loại quý bị thất thế trước đà tăng của đồng USD, sau khi Mỹ công bố số liệu việc làm tích cực làm dấy lên lo ngại về lãi suất.
- Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ đã giảm tuần thứ 4 liên tiếp khi giảm xuống 216.000 trong tuần kết thúc ngày 2/9, thấp hơn 18.000 so với dự báo và là mức thấp nhất kể từ đầu tháng 2/2023.
- Thị trường lao động Mỹ vẫn đang tích cực, cùng với số liệu được công bố vào ngày 6/9 cho thấy lĩnh vực dịch vụ của Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ, làm gia tăng lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ mạnh tay. Dù có xác suất 92% Fed tạm dừng lãi suất trong cuộc họp tháng 9, tuy nhiên, xác suất Fed tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 11 đã tăng lên 47,7%, tăng từ mức 43,7% trong ngày trước đó.
- Lo ngại lãi suất tăng cao tiếp tục đẩy đồng USD tăng mạnh với chỉ số Dollar Index tăng vượt mốc 105 điểm.
Kim loại cơ bản
- Đồng COMEX giảm 3 phiên liên tiếp khi giảm 0,63% xuống 3,76 USD/pound, mức thấp nhất trong vòng hơn 2 tuần.
- Giá đồng phải chịu sức ép trước áp lực vĩ mô gia tăng, khi mà đồng USD liên tục duy trì ở mức cao nhất trong vòng 6 tháng trong khi lo ngại lãi suất tăng cao vẫn còn tiềm ẩn.
- Tiêu thụ còn yếu trong khi nguồn cung được duy trì ổn định cũng là yếu tố khiến giá đồng giảm. Trung Quốc đã nhập khẩu 473.330 tấn đồng chưa gia công và bán thành phẩm trong tháng 8, giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng đồng từ Peru, quốc gia khai thác đồng lớn thứ hai thế giới, đạt 229.728 tấn trong tháng 7, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bấm để đánh giá bài viết này!
[Total: 0 Trung bình: 0]
Bài viết liên quan