Nông sản
- Đóng cửa phiên giao dịch đầu tuần, phe bán áp đảo bảng giá nông sản.
- Lúa mì dẫn dắt đà giảm của cả nhóm. Ngô và đậu tương cũng đồng loạt suy yếu trong phiên hôm qua, trước bối cảnh triển vọng thời tiết rại Brazil đang dần chuyển biến tích cực, cùng với kết quả xuất khẩu đạt mức cao kỷ lục trong năm ngoái của quốc gia này.
Ngô
- Theo Ban Thư ký Ngoại thương Brazil (Secex), xuất khẩu ngô của Brazil đạt mức kỷ lục 55,9 triệu tấn trong năm 2023, tăng gần 30% so với năm trước đó. Nguồn cung dồi dào từ vụ thu hoạch trong năm trước, cùng với nhu cầu nhập khẩu cao, đặc biệt là từ Trung Quốc, đã giúp Brazil đạt được kết quả trên. Hoạt động xuất khẩu tích cực của quốc gia Nam Mỹ này càng củng cố thêm áp lực cạnh tranh đối với ngô Mỹ, đồng thời góp phần tạo sức ép đến giá CBOT.
Lúa mì
- Giá lao dốc 3,21%, đồng thời phá vỡ mốc hỗ trợ tâm lý 600. Nguyên nhân thúc đẩy phe bán trong phiên vừa rồi chủ yếu đến từ yếu tố kỹ thuật và đà giảm chung của cả nhóm.
- Tin đồn Trung Quốc mua thêm lô hàng lúa mì mới từ Mỹ trong cuối tuần trước không được xác nhận trong ngày hôm qua đã gây ra một số thất vọng cho thị trường. Điều này phản ánh sự sụt giảm trong nhu cầu của quốc gia Châu Á này đối với lúa mì Mỹ, đồng thời góp phần củng cố đà giảm của giá CBOT trong phiên vừa rồi.
Nhóm họ đậu
- Đậu tương ghi nhận phiên giảm thứ 3 liên tiếp, với mức giảm gần 1%.
- Theo Secex, Brazil đã xuất khẩu mức kỷ lục 101,9 triệu tấn đậu tương trong năm 2023, tăng 29,4% so với năm trước. Tính riêng trong tháng 12, các lô hàng đậu tương xuất khẩu đạt 3,83 triệu tấn, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022.
- Ngược lại, báo cáo Export Inspections: giao hàng đậu tương của Mỹ đã sụt giảm hơn 30% trong tuần trước. Điều này cho thấy nhu cầu tiêu thụ quốc tế đối với nguồn cung của Mỹ có sự chững lại, và tác động “bearish” lên giá đậu tương.
- Khô đậu ghi nhận phiên thứ 3 liên tiếp đóng cửa trong sắc đỏ với mức giảm không đáng kể.
- Dầu đậu lao dốc trong đầu phiên xuống mức thấp nhất kể từ khi hợp đồng được giao dịch, trước khi hồi phục trở lại vào cuối phiên nhờ lực mua kỹ thuật của thị trường.
Năng lượng
- Dầu sụt giảm hơn 3% do lo ngại nhu cầu yếu. Ngoài ra, lực bán cũng được thúc đẩy sau khi có báo cáo cho thấy các cuộc họp giữa nhóm phiến quân Houthi và các chủ tàu đã diễn ra và một số thỏa thuận đi lại an toàn đã được thống nhất.
- Dầu WTI giảm 4,1% xuống 70,77 USD/thùng. Dầu Brent giảm 3,4% xuống 76,12 USD/thùng.
- Thị trường dầu chứng kiến lực bán mạnh ngay từ đầu phiên sau khi nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới Saudi Arabia giảm mạnh giá bán dầu Arab Light kỳ hạn tháng 2/2024 sang châu Á. Trong bối cảnh cạnh tranh từ các nhà cung cấp đối thủ và lo ngại về nguồn cung gia tăng, tập đoàn năng lượng nhà nước Saudi Aramco đã giảm giá bán chính thức (OSP) đối với dầu Arab Light kỳ hạn tháng 2/2024 sang châu Á thêm 2 USD/thùng xuống còn 1,50 USD/thùng so với báo giá của Oman/Dubai, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2021. Mức cắt giảm lớn nhất trong 13 tháng, nhưng phù hợp với kỳ vọng của thị trường, cho thấy thị trường vật chất duy trì trạng thái suy yếu.
- Góp phần gây áp lực, Reuters: sản lượng dầu của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đạt mức trung bình 27,88 triệu thùng/ngày trong tháng 12/2023, tăng 70.000 thùng/ngày so với tháng trước, với mức tăng lớn nhất đến từ Iraq và Angola. Nhu cầu yếu, trong khi nguồn cung có dấu hiệu gia tăng, sẽ làm tăng mức độ thặng dư trên thị trường, đè nặng lên giá dầu.
- Áp lực bán gia tăng mạnh mẽ sau khi ShippingWatch báo cáo rằng một số công ty vận tải biển đã đạt được thỏa thuận đi lại an toàn với nhóm phiến quân Houthi, giảm bớt tâm lý lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung tại Biển Đỏ, một trong những tuyến đường vận chuyển huyết mạch của thế giới. Tuy nhiên, hai hãng vận tải lớn là Maersk và Hapag-Lloyd đã phủ nhận sự tồn tại của thỏa thuận này.
- Theo Intercontinental Exchange Inc (ICE) và Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai Hàng hóa (CFTC), các quỹ phòng hộ đã bổ sung khoảng 61.000 vị thế bán đối với hợp đồng tương lai và quyền chọn dầu Brent và WTI trong tuần kết thúc vào ngày 2/1. Đây là mức mở vị thế bán lớn nhất kể từ tháng 3/2023 và lớn thứ hai kể từ năm 2017, cho thấy các nhà đầu cơ đặt cược giá sẽ giảm mạnh trong thời gian tới
Kim loại
Kim loại quý
- Dù đều kết phiên trong sắc đỏ nhưng cả bạc và bạch kim đều ghi nhận mức biến động thấp, do thị trường tạm thời vắng bóng những tin tức cơ bản mới.
- Bạch kim để mất 1,28%, dừng chân tại 959,4 USD/ounce. Giá bạc giảm nhẹ 0,02% về 23,31 USD/ounce.
- Kể từ tuần trước, giá bạc và giá bạch kim liên tục phải chịu sức ép bởi giới đầu tư kém lạc quan hơn về triển vọng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Loạt dữ liệu kinh tế mạnh mẽ của Mỹ đã đẩy lùi kỳ vọng FED sớm cắt giảm lãi suất. Trong đó, dữ liệu đáng chú ý là báo cáo bảng lương cho thấy Mỹ đã tạo thêm 216.000 việc làm ngoài ngành nông nghiệp trong tháng 12/2023, cao hơn 46.000 so với dự báo và cao hơn mức 173.000 bị điều chỉnh giảm trong tháng 11/2023.
- Bạc và bạch kim đều ghi nhận mức giảm khá hạn chế trong phiên hôm qua, do số liệu kinh tế Mỹ đang trái chiều. Mặc dù báo cáo bảng lương cho thấy số việc làm tăng trong tháng 12, báo cáo từ Viện quản lý cung ứng (ISM) lại cho thấy chỉ số việc làm suy yếu. Bảng lương của ADP cũng cho thấy số việc làm giảm mạnh hơn nhiều so với dự kiến. Do đó, giới đầu tư tỏ ra thận trọng hơn trước khi Mỹ công bố báo cáo lạm phát trong tuần này, nhằm có manh mối rõ hơn về hướng đi của FED.
Kim loại cơ bản
- Đồng COMEX phục hồi 0,11% lên 3,81 USD/pound, chấm dứt chuỗi giảm 6 phiên liên tiếp. Sau đà giảm mạnh trong tuần trước, giá đồng đã hồi phục trở lại một phần do lực mua kĩ thuật.
- Đồng cũng được hưởng lợi khi nhà đầu tư kỳ vọng Trung Quốc sẽ tiếp tục ban hành các chính sách kinh tế mới để vực dậy đà tăng trưởng yếu vào cuối năm ngoái.
- Quặng sắt nối dài đà giảm sang phiên thứ ba liên tiếp. Chốt phiên, giá để mất 0,71% về 137,6 USD/tấn, mức thấp nhất trong một tuần.
- Giá quặng sắt gặp sức ép trong bối cảnh nhu cầu và biên lợi nhuận thép giảm tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới. Các nhà phân tích của công ty tư vấn CRU Group cho biết nhu cầu chậm chạp và chi phí sản xuất cao hơn đã làm giảm biên lợi nhuận của thép.
- Biên lợi nhuận bị thu hẹp có thể khiến các nhà máy hạn chế sản xuất thép và làm giảm nhu cầu quặng sắt, nguyên liệu đầu vào quan trọng để sản xuất thép.
Bấm để đánh giá bài viết này!
[Total: 0 Trung bình: 0]
Bài viết liên quan