Bản tin tổng hợp ngày 09/02/2023.
LÚA MÌ, NGÔ, ĐẬU TƯƠNG BIẾN ĐỘNG NHẸ SAU BÁO CÁO CUNG CẦU NÔNG SẢN THẾ GIỚI
Giá lúa mì, ngô và đậu tương ít biến động vào thứ Tư, được hỗ trợ bởi điều kiện thời tiết ở Nam Mỹ cản trở việc xuất khẩu, mặc dù nguồn cung của Mỹ cao hơn dự kiến đã hạn chế mức tăng.
Điểm tin chính
- Lúa mì CBOT tăng 15 cent lên 7,64-3/4 USD/giạ.
- Đậu tương CBOT tăng 4,5 cent lên 15,19-3/4 USD/giạ.
- Ngô tăng 4,1/2 cent lên 6,78-1/2 USD/giạ.
Báo cáo cung và cầu tháng Hai của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ thường không có gì bất thường, số liệu sát với tình hình thị trường, ngay cả khi có sự cắt giảm lớn đối với các vụ thu hoạch do hạn hán của Argentina.
Báo cáo của USDA về vụ ngô và đậu tương của Argentina thấp hơn dự đoán khoảng 1 triệu tấn mỗi vụ. Ước tính sản lượng đậu tương đạt 41 triệu tấn, giảm 10% so với tháng trước. Mức giảm mạnh như này là hiếm thấy đối với các báo cáo của USDA, khi cơ quan này thận trọng trong việc cắt giảm thu hoạch so với các cơ quan khác. Tình trạng cắt giảm số liệu mạnh mẽ từng diễn ra vào năm 2009 và 2018, hai năm hạn hán nghiêm trọng khác đối với Argentina.
USDA giữ nguyên vụ ngô và đậu tương của Brazil, mặc dù cơ quan Conab của Brazil hôm thứ Tư đã cắt giảm vụ thu hoạch ngô thứ hai do trồng muộn ở bang hàng đầu Mato Grosso.
Tồn kho ngô cuối kỳ của Hoa Kỳ tăng như dự kiến trong bản cập nhật của USDA, do lượng ngô được sử dụng để sản xuất ethanol giảm thay vì xuất khẩu giảm.
Điều đó này tiếp tục gây lo ngại về đợt giảm nhu cầu ngô của Hoa Kỳ, đặc biệt là trong bối cảnh động thái mới nhất của những nhà tham gia thị trường hàng đầu dường như ngày càng khiến triển vọng xuất khẩu ngô Mỹ kém khởi sắc.
USDA đã bổ sung thêm 3 triệu tấn vào xuất khẩu ngô niên vụ 2022-2023 của Brazil, mặc dù không có thay đổi về sản lượng. Trung Quốc đã mua ngô của Brazil hơn hai tháng nay, vào tháng 1 đã trở thành khách hàng ngô hàng đầu của Brazil.
Xuất khẩu ngô của Ukraine cũng tăng 2 triệu tấn lên 22,5 triệu tấn, cao hơn nhiều so với mức dưới 10 triệu từ giữa năm ngoái. Trung Quốc là nước nhập khẩu chính ngô Ukraine, mặc dù mức tăng xuất khẩu trong tháng này của Ukraine có thể đến từ châu Âu do triển vọng nhập khẩu của nước này tăng lên.
Thời tiết Nam Mỹ góp phần tạo triển vọng cho bán hàng cây trồng của Hoa Kỳ, khi mưa ở Brazil tiếp tục làm chậm quá trình thu hoạch đậu tương, do vậy làm giảm sức cạnh tranh với đậu tương Hoa Kỳ trên thị trường xuất khẩu toàn cầu.
Duggan cho biết: “Việc thời gian thu hoạch của Brazil càng bị kéo dài thì Trung Quốc sẽ càng phải đợi lâu hơn để nhập khẩu từ Brazil, đồng thời còn khiến nông dân phải đợi lâu hơn để trồng vụ ngô thứ hai”.
Cơ quan thống kê và cung ứng lương thực của Brazil Conab hôm thứ Tư đã cắt giảm dự báo về vụ ngô thứ hai của nước này, với lý do việc thu hoạch đậu tương bị đình trệ.
Lúa mì vẫn được củng cố bởi những lo ngại về hạn hán ở các vùng trồng lúa mì mùa đông đỏ cứng ở Hoa Kỳ. Giá lúa mì tăng bởi dự báo thời tiết cho thấy các khu vực này có thể không nhận được lượng mưa dồi dào dự kiến như các vành đai ngũ cốc khác của Hoa Kỳ.
(Nguồn: Reuters)
Quý nhà đầu tư tham khảo phân tích kỹ thuật của thị trường tại: PHÂN TÍCH KỸ THUẬT NGÀY 09/02/2023.
DẦU THÔ NỐI DÀI ĐÀ TĂNG KHI TÂM LÝ THỊ TRƯỜNG VẪN LẠC QUAN TRƯỚC TRIỂN VỌNG TIÊU THỤ VÀ NGUỒN CUNG
Dầu thô vẫn duy trì đà tăng phiên thứ ba liên tiếp, trong bối cảnh thị trường đón nhận nhiều tin tức cơ bản về cung cầu. Kết thúc phiên 08/02, giá dầu thô WTI tăng 1,72% lên 78,47 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng 1,10% lên 85,02 USD/thùng.
Giá dầu được hỗ trợ ngay từ đầu phiên khi báo cáo từ Viện Dầu khí Mỹ (API) cho thấy tồn kho dầu thô thương mại giảm 2,2 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 03/02. Trong phiên, giá ít nhiều vẫn gặp sức ép do đồng USD hồi phục lại, với chỉ số Dollar Index đang neo ở mức cao, 103,4x điểm. Bên cạnh đó, việc Thổ Nhĩ Kỳ đã khởi động lại các hoạt động xuất khẩu dầu thô đến cảng Ceyhan cung đã làm giảm bớt các rủi ro về nguồn cung.
Tâm điểm của thị trường trong phiên tối qua là các số liệu từ báo cáo tuần của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Tại thời điểm báo cáo được công bố, giá dầu gặp sức ép khi EIA cho thấy tồn kho dầu thô thương mại tăng 2,4 triệu thùng lên 826,7 triệu thùng, mức cao nhất kể từ tháng 06/2021. Tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất tăng lần lượt 5,9 và 2,9 triệu thùng, mạnh hơn nhiều so với các dự đoán trước đó.
Các số liệu sản xuất của Mỹ cũng khá khả quan, với sản lượng dầu tăng 100.000 thùng lên 12,3 triệu thùng, mức cao nhất kể từ tháng 04/2020. Công suất sử dụng nhà máy lọc dầu cũng tăng 2,2 điềm phần trăm lên 87,9% trong tuần, giúp cho dự trữ các sản phẩm lọc đầu được cải thiện.
Số liệu tồn kho gây sức ép cho giá khi báo hiệu nhu cầu tiêu thụ yếu, tuy nhiên, tổng sản phẩm được cung cấp, một thước đo về nhu cầu, vẫn tiếp tục tăng lên 20,54 triệu thùng/ngày, cao hơn mức trung bình 4 tuần và cả cùng kỳ năm trước.
Các nhà phân tích cho rằng phần gia tăng trong sản lượng của Mỹ sẽ bù đắp cho khoảng trống mà Nga để lại ở châu Âu, khi các lệnh cấm vận đều đã có hiệu lực, nên thị trường chưa có những lo ngại về việc dư cung.
Thị trường vẫn lạc quan về triển vọng tiêu thụ của Trung Quốc, khi mà nước này đang liên tục cải thiện tình hình dịch bệnh. Cụ thể, số ca tử vong liên quan đến dịch Covid-19 và các ca nhiễm nặng đã giảm 98% so với mức đỉnh hồi tháng 1. Hoạt động lọc dầu tại Trung Quốc cũng hồi phục mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu đi lại và sản xuất, khi các hạn chế được dỡ bỏ.
(Nguồn: MXV)
Quý nhà đầu tư tham khảo phân tích kỹ thuật của thị trường tại: PHÂN TÍCH KỸ THUẬT NGÀY 09/02/2023.
DÒNG TIỀN RÚT KHỎI THỊ TRƯỜNG RỦI RO SANG KIM LOẠI QUÝ, KIM LOẠI CƠ BẢN DIỄN BIẾN TRÁI CHIỀU
Kết thúc phiên giao dịch ngày 08/02, thị trường kim loại ghi nhận những diễn biến có phần phân hoá. Đối với nhóm kim loại quý, cả vàng, bạc, bạch kim đều ghi nhận các mức tăng nhẹ khi vai trò trú ẩn được thúc đẩy một phần trước lo ngại tiến trình thắt chặt tiền tệ kéo dài gây ra rủi ro suy thoái. Giá bạc chốt phiên tại mức 22,42 USD/ounce sau khi tăng 1,1%, trong khi giá bạch kim tăng nhẹ 0,1% lên mức 987,2 USD/ounce.
Vào hôm qua, các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã lặp lại thông điệp của chủ tịch Fed trước đó, khi cho rằng cuộc chiến để đạt được mục tiêu lạm phát 2% sẽ còn là một hành trình dài. Thống đốc Fed, ông Christopher Waller phát biểu cho rằng mặc dù tăng trưởng tiền lương đã chậm lại, nhưng mức giảm là “không đủ”. “Fed sẽ cần giữ lập trường chặt chẽ về chính sách tiền tệ trong một thời gian”. Tuy nhiên, Thống đốc Lisa Cook cho biết số lượng việc làm tăng mạnh trong tháng 1 với mức tăng lương vừa phải đang làm tăng hy vọng về một kịch bản “hạ cánh mềm”. Sự không chắc chắn về triển vọng kinh tế kéo dòng tiền khỏi thị trường rủi ro như chứng khoán, và phân bố vào các thị trường an toàn hơn như kim loại quý có tỉnh trú ẩn. Trong khi đó, đồng USD suy yếu nhẹ trong phiên cũng hỗ trợ cho tâm lý mua vàng, bạc và bạch kim.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX mở cửa phiên với lực mua chiếm ưu thế, được hỗ trợ bởi đà suy yếu của đồng bạc xanh khiến cho chi phí nắm giữ vật chất bớt đắt đỏ hơn. Tuy nhiên, giá đảo chiều giảm mạnh trong nửa cuối phiên, khi sức tiêu thụ thực tế tại Trung Quốc vẫn đang chưa bắt kịp kỳ vọng của thị trường. Dữ liệu từ Shanghai Metal Market (SMM) cho thấy sản lượng đồng cathode của Trung Quốc ở mức 853.300 tấn trong tháng 1, giảm 1,9% so với tháng trước. Như vậy, sản lượng thực tế thấp hơn 41.700 tấn so với kỳ vọng ở mức 895.000 tấn, trong bối cảnh sản xuất đồng tinh chế chững lại sau một đợt tăng mạnh. Kết phiên, giá đồng COMEX giảm 1,1% xuống còn 4,03 USD/pound.
Trái lại, giá quặng sắt ghi nhận đà tăng 0,34% lên mức 121,37 USD/tấn bởi lo ngại gián đoạn nguồn cung trong ngắn hạn, khi công ty khai thác lớn nhất thế giới BHP Group tạm đình chỉ hoạt động khai thác quặng sắt ở Tây Úc sau sự kiện một công nhân bị thương nặng trong sự cố tại tuyến đường sắt khai thác của tập đoàn này. Điều đó đã hỗ trợ cho giá sắt phục hồi với mức tăng nhẹ.
(Nguồn: MXV)
Quý nhà đầu tư tham khảo phân tích kỹ thuật của thị trường tại: PHÂN TÍCH KỸ THUẬT NGÀY 09/02/2023.
Bài viết liên quan