fbpx

TIN TỨC THỊ TRƯỜNG NGÀY 09/10/2023

 

NÔNG SẢN

Ngô

  • Kết tuần vào ngày 8/10, ngô tăng hơn 3% trước lo ngại về tình hình nguồn cung tại các nước sản xuất lớn và triển vọng nhu cầu tốt tại Mỹ.
  • Báo cáo Xuất khẩu hàng tuần  của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA): doanh số bán ngô niên vụ 2023/24 đạt 1,8 triệu tấn trong tuần kết thúc vào ngày 28/9, tăng hơn 115% so với tuần trước. Dù không bất ngờ nhưng minh chứng cho sự cải thiện về nhu cầu đối với ngô Mỹ.
  • Sở Giao dịch Ngũ cốc Buenos Aires (BAGE) cho biết diện tích trồng ngô niên vụ 2023/24 của Argentina có thể giảm nếu tình trạng khô hạn duy trì. Thiếu mưa đã ảnh hưởng đến nhiều khu vực sản xuất chính trong nhiều tháng, gây nguy hiểm cho 1,1 triệu héc-ta cây trồng ở khu vực phía nam. Dự báo lượng mưa rất thấp trong những ngày tới tiếp tục gây lo ngại.
  • Tuần này, ngô có thể biến động trong khoảng 482 – 502.

Lúa mì

  • Lúa mì tăng ~ 5%. Diễn biến của các phiên tương đối mạnh, chủ yếu là sự hồi phục từ vùng đáy 540. Lo ngại nguồn cung sụt giảm là yếu tố chính hỗ trợ giá
  • Bộ Nông nghiệp Ukraine cho biết, lũy kế xuất khẩu ngũ cốc từ đầu niên vụ 23/24 tới ngày 03/10 của Ukraine đạt 6,82 triệu tấn, giảm mạnh so với mức 8,99 triệu tấn cùng kỳ niên vụ trước. Tính đến ngày 3/10, Ukraine xuất khẩu được 153.000 tấn ngũ cốc, so với mức 297.000 tấn cùng kỳ năm trước.
  • Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết sứ mệnh của Nga tạo ra “thế giới mới”, cáo buộc phương Tây “kiêu ngạo” đã kích động xung đột ở Ukraine, đề cập tới khả năng Nga nối lại việc thử nghiệm vũ khí hạt nhân bằng cách hủy bỏ việc tuân thủ Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện.
  • Tuần này, lúa mì có thể tiến về mức kháng cự 482 hoặc xa hơn là 592.

Đậu tương

  • Đậu tương có tuần giảm thứ 6 liên tiếp, đẩy giá xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 6. Mức giảm chưa tới 1% và diễn biến tương đối giằng co xung quanh vùng 1275. Xu hướng giảm dài hạn bắt đầu từ cuối tháng 8 vẫn duy trì nhưng nhu cầu nhập khẩu đậu tương Mỹ dần hồi phục đã giúp hạn chế lực bán
  • StoneX nâng dự báo sản lượng đậu tương Mỹ đạt 4,17 tỷ giạ, cao hơn mức 4,14 tỷ giạ trong báo cáo trước đó. Ước tính sản lượng đậu tương niên vụ 23/24 của Brazil đạt kỷ lục 164,1 triệu tấn nhờ mở rộng diện tích. Xuất khẩu đậu tương niên vụ 23/24 dự kiến đạt 104 triệu tấn, so với mức 99 triệu tấn của niên vụ 22/23. Số liệu trên củng cố triển vọng gieo trồng của Brazil cũng như vụ thu hoạch đang được đẩy mạnh tại Mỹ, tác động “bearish” mạnh đến giá
  • Xuất khẩu đậu tương Mỹ khả quan giúp giá không giảm sâu. Báo cáo Export Sales, doanh số bán hàng và giao hàng đậu tương niên vụ 23/24 đều tăng hơn 20% so với tuần trước đó. Báo cáo Daily Export Sales, Mỹ đã bán hai đơn hàng đậu tương niên vụ 23/24 cho Trung Quốc, cho thấy nhu cầu quốc tế đối với đậu tương Mỹ dần hồi phục.
  • Tuần này, thị trường sẽ đón nhận báo cáo quan trọng là báo cáo WASDE tháng 10 của USDA và báo cáo Cung cầu nông sản Brazil của CONAB.
  • Sắc đỏ bao trùm lên thị trường khô đậu và dầu đậu. Tồn kho ở mức kỷ lục đã khiến nhập khẩu dầu thực vật của Ấn Độ trong tháng 9 giảm gần 20% so với tháng 8, khối lượng mua hàng dầu cọ đã giảm 26%, tác động “bearish” đến giá dầu cọ và gián tiếp gây sức ép đến giá dầu dậu. Chịu ảnh hưởng bởi diễn biến giá đậu tương, khô đậu đã đánh dấu tuần thứ 4 liên tiếp suy yếu với mức giảm 1,15%.

NĂNG LƯỢNG

Dầu thô

  • Dầu lao dốc hơn 8%, gần như xoá bỏ mức tăng tích luỹ kể từ tháng 9, do các sức ép vĩ mô, nhu cầu suy yếu lấn át lo ngại nguồn cung thu hẹp và sản lượng từ một số quốc gia sản xuất gia tăng, bù đắp một phần sự thiếu hụt trên thị trường.
  • Dầu WTI kỳ hạn tháng 11 giảm 8,81% trong tuần qua xuống 82,79 USD/thùng. Dầu Brent kỳ hạn tháng 12 chốt phiên tại mức giá 84,58 USD/thùng, giảm 8,26%.
  • Saudi Arabia và Nga tiếp tục thực hiện biện pháp cắt giảm nguồn cung tự nguyện 1,3 triệu thùng/ngày đến cuối tháng 12/2023. Thông tin này không bất ngờ.
  • Báo cáo của Cơ quan Quản lý Thông tin năng lượng Mỹ (EIA): tồn kho xăng Mỹ bất ngờ tăng mạnh 6,5 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 29/9, cao hơn nhiều so với mức dự đoán tăng 200.000 thùng. Lượng xăng thành phẩm được cung cấp cho động cơ, đại diện cho nhu cầu, giảm hơn 600.000 thùng/ngày xuống ~ 8 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ đầu năm.
  • Dữ liệu việc làm tích cực của Mỹ trong tháng 9 tạo thêm không gian cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, hoặc giữ lãi suất cao trong thời gian dài hơn, gây áp lực lên giá.
  • Đường ống dẫn dầu thô từ Iraq qua Thổ Nhĩ Kỳ với công suất vận chuyển ~ 0,5% tổng sản lượng dầu thế giới, ~ 400.000 đến 500.000 thùng/ngày đã sẵn sàng hoạt động, làm giảm bớt áp lực thâm hụt, gây sức ép lên giá.
  • Lượng dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Saudi Arabia tăng hơn 800.000 thùng/ngày trong tháng 9. Lưu lượng từ các cảng Baltic và Biển Đen quan trọng của Nga tăng ~ 325.000 thùng/ngày.
  • Giá dầu mở cửa sáng nay tăng vọt hơn 3 USD/thùng trước lo ngại rằng một cuộc tấn công lớn và bất ngờ của phiến quân Hamas vào Israel có thể sẽ leo thang, đe dọa dòng chảy năng lượng trong khu vực. Dù Israel và Palestine không phải là những nhà sản xuất/ tiêu thụ dầu lớn, nhưng cuộc xung đột có thể đe dọa dòng chảy dầu của khu vực Trung Đông nếu kéo dài.

Khí tự nhiên

  • Giá tăng vọt ~ 14% trong tuần qua, bởi kỳ vọng nhu cầu sẽ tăng cao tại khu vực Trung Tây và Đông Bắc nước Mỹ trước dự báo về không khí lạnh giữa tháng 10. Đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Permian thường xuyên bảo trì trong tuần, ảnh hưởng tới nguồn cung cấp khí đốt.

KIM LOẠI

Kim loại quý

  • Bạch kim giảm 3,76% xuống 881,5 USD/ounce, mức thấp nhất trong vòng 11 tháng. Bạc giảm 3,24%, đóng cửa tuần tại mức 21,72 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 3/2023. Vàng giảm 0,87% xuống 1.832,26 USD/ounce.
  • Đầu tuần, đồng USD tăng mạnh, lợi suất trái phiếu Mỹ duy trì ở mức cao bởi lo ngại rằng FED sẽ giữ lãi suất cao hơn lâu hơn để kiềm chế lạm phát, khiến giá bạc và bạch kim liên tục gặp sức ép.
  • Sức mạnh đồng USD càng được củng cố bởi những tín hiệu lạc quan về sức khỏe nền kinh tế Mỹ. Viện quản lý cung ứng cho biết lĩnh vực sản xuất của Mỹ phục hồi tích cực, với chỉ số quản lý mua hàng (PMI) sản xuất đạt 49 điểm trong tháng 9, cao hơn 1,3 điểm so với dự báo và là mức cao nhất trong gần 1 năm.
  • Bạc và bạch kim đã phục hồi tích cực trong phiên cuối tuần khi mà báo cáo bảng lương phi nông nghiệp (NFP) tháng 9 của Mỹ cho thấy tăng trưởng tiền lương chậm lại. Áp lực lạm phát tiền lương giảm bớt sẽ làm giảm áp lực lên chỉ số lạm phát toàn phần và làm tăng kỳ vọng FED có thể tạm ngừng tăng lãi suất. Điều này đã khiến đồng USD suy yếu và các mặt hàng kim loại quý do đó cũng được hưởng lợi. Tuy nhiên, mức giảm mạnh trong  các phiên đầu tuần đã khiến giá bạc và bạch kim đóng cửa tuần trong sắc đỏ.

Kim loại cơ bản

  • Đồng COMEX giảm 2,94% xuống 3,62 USD/pound, trong khi giá quặng sắt trên Sở Giao dịch Singapore nối dài đà giảm sang tuần thứ ba liên tiếp khi giảm 1,71%, đóng cửa tuần tại mức 117,56 USD/tấn.
  • Kim loại cơ bản phải chịu áp lực từ cả yếu tố vĩ mô và yếu tố cung – cầu. Một mặt, đồng USD liên tục tăng mạnh khiến cho chi phí đầu tư và mua hàng vật chất trở nên đắt đỏ hơn, làm giảm sức mua các mặt hàng.
  • Mặt khác, yếu tố tiêu thụ kém sắc khiến giá đồng và quặng sắt phải chịu sức ép. Cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài của Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới, vẫn đang là lực cản chính cản trở tiêu thụ đồng hay sắt thép. Hơn nữa, thị trường Trung Quốc đóng cửa nghỉ lễ trong cả tuần trước càng khiến nhu cầu trở nên trầm lắng.
  • Với thị trường đồng, yếu tố tiêu thụ kém sắc trong khi nguồn cung ổn định đã gây áp lực bán mạnh. Cụ thể, dữ liệu gần đây đã chỉ ra sản lượng đồng tháng 8 của Chile và Peru, 2 quốc gia khai thác đồng lớn nhất thế giới, tăng lần lượt 2,7% và 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Hơn nữa, thị trường đồng tinh chế dự kiến sẽ thặng dư 467.000 tấn vào năm 2024, do nguồn cung tăng cao từ Indonesia, Ấn Độ và Mỹ, theo báo cáo của Nhóm Nghiên cứu Đồng Quốc tế công bố ngày 4/10.
Bấm để đánh giá bài viết này!
[Total: 0 Trung bình: 0]

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *