NÔNG SẢN
- Kết thúc phiên giao dịch ngày 8/11, sắc xanh phủ kín bảng giá nhóm nông sản. Đậu tương và khô đậu chỉ biến động quanh vùng giá tham chiếu sau chuỗi tăng mạnh trước đó, ngô và lúa mì lại bật tăng mạnh.
- Ukraine: xuất khẩu đang gặp một số trở ngại do cuộc đình công của các tài xế ở biên giới Ukraine – Ba Lan. Spike Broker cho biết 105.000 tấn nông sản nước này đã được vận chuyển bằng xe tải trong 6 ngày đầu tháng 11, thấp hơn so với mức 108.000 tấn cùng kỳ tháng 10. Lượng hàng hóa mà Ukraine xuất khẩu qua Ba Lan ~ tổng lượng hàng xuất khẩu qua tất cả các nước láng giềng khác. Tuyến đường xuất khẩu tạm thời bị trì hoãn đã tác động “bullish” đến giá ngô và lúa mì.
- Đậu tương và ngô được hỗ trợ bởi triển vọng xuất khẩu của Mỹ khi nguồn cung sẵn có dồi dào từ vụ thu hoạch đang được tích cực đẩy ra thị trường. USDA thông báo Mỹ đã bán 270.000 tấn ngô cho Mexico và 2 đơn hàng đậu tương cho Trung Quốc và cho các nước giấu tên với khối lượng lên tới 909.500 tấn, khối lượng bán hàng trong ngày lớn nhất kể từ tháng 7, mở ra kỳ vọng về nhu cầu gia tăng tích cực đối với nguồn cung từ Mỹ và thúc đẩy giá CBOT.
- Dầu đậu tương tăng ~1% nhờ dầu cọ tăng giá. Nhu cầu tiêu thụ dầu đậu của Trung Quốc đang ở mức cao khi nước này đặt thêm các đơn hàng lớn mua đậu tương vào hôm qua.
- Lúa mì: triển vọng mùa vụ tại Argentina bị cắt giảm giúp giá tăng mạnh ~3%. Sở Giao dịch Ngũ cốc Rosario (BCR) cắt giảm dự báo sản lượng lúa mì niên vụ 23/24 của Argentina xuống còn 13,5 triệu tấn, từ mức 14,3 triệu tấn do thời tiết bất lợi.
NĂNG LƯỢNG
- Dầu giảm hơn 2% xuống mức thấp nhất trong hơn 3 tháng do lo ngại nhu cầu suy yếu. Dầu WTI giảm 2,64% xuống 75,33 USD/thùng. Dầu Brent chốt phiên tại 79,54 USD/thùng, giảm 2,54%. Chỉ trong 2 phiên, dầu đã đánh mất gần 6 USD/thùng.
- Biên lợi nhuận lọc dầu yếu, dự trữ dầu và nhiên liệu tăng cao, tăng trưởng du lịch hàng không chậm hơn dự kiến phản ánh tình hình tiêu thụ kém tích cực tại Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới. Nhu cầu giảm tốc sau kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng. Yếu tố tiêu thụ theo mùa khiến mức tiêu thụ xăng và dầu diesel giảm cuối năm, giá dầu có thể phải đối mặt với rủi ro suy yếu khi đà phục hồi hoạt động du lịch tại Trung Quốc đang dần mờ nhạt.
- Tồn kho sản phẩm dầu tăng cao phản ánh triển vọng tiêu thụ kém sắc. Theo Khu công nghiệp dầu Fujairah (FOIZ), dự trữ sản phẩm dầu tại cảng Fujairah của UAE, trung tâm cung cấp nhiên liệu lớn thứ 3 thế giới, ghi nhận tuần tăng thứ 2 liên tiếp trong tuần kết thúc ngày 6/11, tăng 4,8% lên 17,873 triệu thùng.
- Ngân hàng Barclays hạ dự báo giá dầu Brent năm 2024 thêm 4 USD/thùng xuống còn 93 USD/thùng, do nguồn cung dầu của Mỹ ổn định và sự gia tăng sản lượng từ Venezuela sau khi các lệnh trừng phạt đối với nhà sản xuất Mỹ Latinh này được nới lỏng.
- Nga xem xét việc dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu đối với một số loại xăng. Nguồn cung từ Nga có dấu hiệu gia tăng trở lại xoa dịu áp lực thâm hụt, gây sức ép lên giá
- Áp lực bán đến từ bình luận “diều hâu” của các quan chức Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) – còn quá sớm để cắt giảm lãi suất và họ sẵn sàng cho một đợt tăng tiếp theo.
KIM LOẠI
Kim loại quý
- Bạc tăng 0,62% lên 22,92 USD/ounce. Bạch kim để mất 2,95%, đóng cửa tại mức 871,5 USD/ounce, thấp nhất trong hơn 1 tháng. Vàng giảm 0,95%, dừng chân tại mức 1.949,79 USD/ounce.
- Xung đột tại Trung Đông dần được xoa dịu, nhu cầu trú ẩn đối với kim loại quý bị lu mờ
- Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell không gây bất ngờ, thị trường bị chi phối bởi bình luận “diều hâu” của quan chức FED từ ngày trước đó.
- Lo ngại lãi suất có thể tăng trở lại gây áp lực lên giá bạch kim – vốn nhạy cảm với lãi suất. Đồng USD mạnh lên khiến sức bán bạch kim tăng. Chỉ số Dollar Index tăng phiên thứ 3 liên tiếp lên mức 105,59 điểm.
- Bạc tăng do lo ngại về nguồn cung. Tổng thống Mexico, quốc gia khai thác bạc lớn nhất thế giới, dự ban hành nghị định kêu gọi các công ty chở hàng bằng đường sắt, có thể gây gián đoạn hoạt động vận chuyển
Kim loại cơ bản
- Đồng COMEX giảm 2 phiên liên tiếp, đóng cửa tại mức 3,63 USD/pound sau khi lao dốc 1,11%. Đồng USD mạnh lên gây sức ép lên giá. Tiêu thụ kém lạc quan tại Trung Quốc là lực cản đối với đà tăng của giá.
- Quặng sắt – nhạy cảm hơn với các kích thích kinh tế của Trung Quốc, phục hồi trở lại sau khi quan chức Trung Quốc cam kết hỗ trợ nền kinh tế. Giá phục hồi 1,36% lên 124,37 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 4/2023.
- Pan Gongsheng, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), tuyên bố sẽ hướng dẫn các tổ chức tài chính duy trì các kênh tài chính ổn định thông qua tín dụng bất động sản và trái phiếu. Nếu cần thiết, PBOC sẽ hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp cho các khu vực có gánh nặng nợ lớn.
Bấm để đánh giá bài viết này!
[Total: 0 Trung bình: 0]
Bài viết liên quan