NÔNG SẢN
Khép lại ngày giao dịch 9/1, hầu hết các mặt hàng nông sản hồi phục trở lại sau phiên lao dốc trước đó, với lực mua chủ yếu được thúc đẩy bởi hỗ trợ kỹ thuật.
Ngô
- Giá tăng chưa đến 1%, tin về nguồn cung Brazil vẫn là yếu tố chính chi phối giá.
- Theo Ủy ban Châu Âu, lũy kế nhập khẩu ngô của EU tính đến ngày 7/1 đã đạt 9,03 triệu tấn, tăng 1,14 triệu tấn từ tuần trước đó. Mặc dù vẫn chậm hơn so với năm trước, tốc độ nhập khẩu của EU đã tăng mạnh trên mức 1 triệu tấn trong tuần vừa rồi. Điều này phản ánh nhu cầu tại nhà nhập khẩu quan trọng này đang khá cao, góp phần hỗ trợ giá.
- Xuất khẩu tích cực tại Nam Mỹ là yếu tố đã tác động “bearish” và hạn chế lực mua đối với giá. Secex cho biết, Brazil đã xuất khẩu 333.000 tấn/ngày trong tuần đầu tháng 1, so với mức 278.800 tấn cùng kỳ năm ngoái.
Lúa mì
- Giá tăng 2,31% vào hôm qua.
- Mối lo ngại về triển vọng mùa vụ tại Australia – nước xuất khẩu quan trọng, thúc đẩy thị trường lúa mì. Khu vực phía Tây Australia vẫn còn khô hạn, với lượng mưa thấp hơn 40,6% so với mức trung bình. Lượng mưa trong 3 tháng tới được dự báo ở dưới mức trung bình trên hầu hết miền bắc và tây đất nước. Với kiểu thời tiết bất thường trong năm nay, sản lượng vụ lúa mì của nước này có khả năng bị ảnh hưởng đáng kể.
Đậu tương
- Tình hình mùa vụ tiêu cực ở bang sản xuất đậu tương lớn thứ 3 của Brazil đã hỗ trợ giá xóa đi mức giảm trong đầu phiên và đóng cửa tăng nhẹ 0,24%.
- Sở Kinh tế Nông thôn Parana cho biết, tình trạng nắng nóng và thiếu mưa đã tác động tiêu cực đến chất lượng đậu tương ở bang, đe dọa làm giảm tiềm năng sản xuất. 71% đậu tương ở Parana đạt chất lượng tốt, giảm 15 điểm phần trăm so với một tuần trước. Nếu tiếp tục không có mưa trong tuần tới thì sản lượng đậu tương của bang có thể giảm xuống 21 triệu tấn, từ mức 21,7 triệu tấn ước tính hiện tại.
NĂNG LƯỢNG
Dầu thô
- Giá quay đầu tăng sau phiên lao dốc mạnh trước đó, với mức tăng trên 2% do mối lo về nguồn cung vẫn còn tiềm ẩn.
- Dầu WTI tăng 2,08% lên 72,24 USD/thùng. Dầu Brent chốt phiên với mức giá 77,59 USD/thùng, tăng 1,93%.
- Một số công ty vận tải biển lớn vẫn đang tránh Biển Đỏ sau các xung đột của phiến quân Houthi liên kết với Iran nhằm đáp trả hành động của Israel chống lại Hamas. Tác động đến hoạt động di chuyển của tàu chở dầu ít hơn dự kiến, khi số lượng tàu trong tháng 12 qua khu vực này chỉ thấp hơn 3 tàu so với trung bình 11 tháng đầu năm. Tuy nhiên, quân đội Israel cho biết giao tranh sẽ còn tiếp tục đến năm 2024. Điều này làm dấy lên nguy cơ leo thang thành một cuộc khủng hoảng khu vực, làm gián đoạn nguồn cung dầu.
- Nhà phân tích của Price Futures Group cho biết giá dầu tương lai cũng được hỗ trợ vào thứ Ba sau khi Saudi Arabia nhấn mạnh nỗ lực ổn định thị trường dầu mỏ. Ngoài ra, báo cáo dòng chảy dầu mới nhất của Nga bước đầu đã thể hiện mức độ hạn chế sản xuất dầu thô.
- Khoảng 3,28 triệu thùng dầu thô mỗi ngày đã được vận chuyển từ các cảng của Nga trong tuần đầu năm 2024, giảm hơn 500.000 thùng/ngày so với tuần trước đó. Con số này thấp hơn 300.000 thùng/ngày so với mức xuất khẩu trung bình trong tháng 5 và tháng 6, mốc thời gian cơ bản được Moscow sử dụng để giảm xuất khẩu dầu thô. Tín hiệu cắt giảm bước đầu được thể hiện, đã góp phần thúc đẩy lực mua trên thị trường.
- Trong báo cáo Triển vọng năng lượng ngắn hạn Mỹ (STEO) tháng 1 của Cơ quan Thông tin Quản lý năng lượng Mỹ (EIA), thị trường dầu vẫn được nhận định sẽ thâm hụt khoảng 800.000 thùng/ngày trong quý I/2024. Con số này không đổi so với báo cáo trước đó. EIA kỳ vọng giá dầu thô Brent sẽ đạt trung bình 82 USD/thùng năm 2024 và 79 USD/thùng vào năm 2025, gần với mức trung bình năm 2023 là 82 USD/thùng dựa trên kỳ vọng rằng cung và cầu toàn cầu về chất lỏng xăng dầu sẽ tương đối cân bằng.
Khí tự nhiên
- Giá tăng vọt hơn 7% lên mức cao nhất kể từ tháng 11 trong bối cảnh thời tiết lạnh giá trên khắp nước Mỹ làm gia tăng kỳ vọng về việc rút một lượng lớn hàng tồn kho phục vụ nhu cầu sưởi ấm, làm giảm thặng dư lưu trữ và hỗ trợ cho giá.
KIM LOẠI
Kim loại quý
- Bạc và giá bạch kim giảm hai phiên liên tiếp. Bạc để mất 0,94%, dừng chân tại 23,09 USD/ounce. Giá bạch kim giảm 1,66% về 943,5 USD/ounce, thấp nhất trong gần một tháng.
- Giá kim loại quý tiếp tục giảm khi giới đầu tư không còn lạc quan rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sớm nới lỏng chính sách. Công cụ theo dõi lãi suất FedWatch của CME Group cho thấy có 65,7% cơ hội FED cắt giảm 25 điểm cơ bản trong tháng 3, giảm từ mức 79% một tuần trước.
- Kim loại quý là tài sản được định giá bằng USD. Do đó, đồng bạc xanh mạnh lên cũng khiến giá bạc và giá bạch kim gặp áp lực. Chỉ số Dollar Index đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt khác tăng 0,35% lên 102,57 điểm.
Kim loại cơ bản
- Sau phiên phục hồi trước đó, giá đồng COMEX lại quay đầu giảm mạnh, lao dốc 1,35% về 3,75 USD/pound, mức thấp nhất trong hơn 1 tháng. Quặng sắt cũng giảm 0,15% xuống 139,45 USD/tấn, đánh dấu phiên giảm giá thứ tư liên tiếp.
- Cả giá đồng và giá quặng sắt đều trải qua phiên biên động khá mạnh. Trong phiên sáng, cả hai mặt hàng đón nhận lực mua tích cực nhờ tín hiệu kích thích kinh tế từ Trung Quốc.
- Theo Zou Lan, người đứng đầu bộ phận chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), cho biết PBOC có thể sử dụng công cụ thị trường mở, cơ sở cho vay trung hạn và yêu cầu dự trữ cùng với các công cụ chính sách tiền tệ khác để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng.
- Thông tin này chỉ có tác động hỗ trợ tâm lý trong ngắn hạn, giá hai mặt hàng nhanh chóng đảo chiều giảm trong phiên chiều. Nhà đầu tư trên thị trường đang tỏ ra mất niềm tin về tính hiệu quả của những đợt kích thích của Trung Quốc. Bất chấp việc Chính phủ nước này tung ra hàng loạt gói hỗ trợ kể từ năm ngoái, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn tăng trưởng chậm chạp.
- Tín hiệu tiêu thụ thép kém sắc cũng là yếu tố gây sức ép lên giá quặng sắt, nguyên liệu đầu vào quan trọng để sản xuất thép.
- Theo Mysteel, từ 29/12/2023 – 4/1/2024, công suất sử dụng lò cao của 247 nhà sản xuất thép Trung Quốc đã giảm xuống 81,59%, mức thấp nhất trong vòng 15 tháng qua. Ngoài ra, tiêu thụ quặng sắt nhập khẩu của các nhà sản xuất thép do Mysteel theo dõi đạt 2,66 triệu tấn/ngày trong giai đoạn này, giảm 1,3% so với tuần trước đó.
Bấm để đánh giá bài viết này!
[Total: 0 Trung bình: 0]
Bài viết liên quan