fbpx

TIN TỨC THỊ TRƯỜNG NGÀY 10/03/2023

NGÔ GIẢM DO DỰ BÁO XUẤT HIỆN MƯA TRONG KHÍ HẬU EL NINO

Ngô CBOT đạt mức giá thấp nhất kể từ tháng 8 do kỳ vọng hiện tượng khí hậu El Nino có thể thúc đẩy mùa màng ở Mỹ và lo ngại về lãi suất tăng.

La Nina đã kết thúc, Trung tâm Dự báo Khí hậu của Dịch vụ Thời tiết Quốc gia cho biết hôm thứ Năm và El Niño có thể hình thành trong mùa hè năm 2023 và kéo dài đến mùa thu.

El Nino là sự nóng lên của nhiệt độ bề mặt đại dương ở phía đông và trung tâm Thái Bình Dương, có thể làm tăng lượng mưa, làm gia tăng triển vọng cho mùa màng của Hoa Kỳ.

Don Roose, chủ tịch của U.S. Commodities cho biết: “Thị trường tin rằng La Nina đang dần kết thúc và các điều kiện trồng trọt ở Trung Tây có thể đang ở trong điều kiện El Nino, thuận lợi cho tăng trưởng”.

Các nhà phân tích cho biết, ngô cũng bị ảnh hưởng bởi các thương nhân đóng các vị thế mua sau khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cho biết trong tuần này sẽ tiếp tục tăng lãi suất.

Ngoài ra, cơ quan thống kê và cung cấp thực phẩm của Brazil Conab đã tăng ước tính vụ ngô, giảm bớt lo lắng về vụ thu hoạch bị hạn hán của Argentina.

Điểm tin chính

  • Ngô CBOT giảm 14 cent xuốngc 6,11-1/2 USD/giạ,chạm mức thấp nhất kể từ tháng Tám – mức $6,10-1/4 trong phiên.
  • Lúa mì giảm 21,75 cent xuống 6,65-3/4 USD/giạ.
  • Đậu tương giảm 7 cent xuống 15,10-3/4 USD/giạ.

Lúa mì chạm mức thấp nhất trong 18 tháng do nhu cầu thấp đối với hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ.

Đậu tương cũng đóng cửa thấp hơn do USDA báo cáo khối lượng 23,200 tấn đậu tương bị hủy ròng trong tuần kết thúc vào ngày 02/03.

Thị trường lúa mì Mỹ chịu áp lực từ cạnh tranh xuất khẩu của Nga và kỳ vọng rằng thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen sẽ được gia hạn sau tháng này, làm tăng nguồn cung toàn cầu sẵn có.

Tuy nhiên Điện Kremlin cho biết hôm thứ Năm rằng “rất nhiều vấn đề” còn tồn đọng về thỏa thuận ngũ cốc trên.

(Nguồn: Reuters)

Quý nhà đầu tư tham khảo phân tích kỹ thuật của thị trường tại: PHÂN TÍCH KỸ THUẬT NGÀY 10/03/2023.

GIÁ DẦU NỐI DÀI ĐÀ GIẢM DO LO NGẠI ÁP LỰC LÃI SUẤT CAO KÉO THEO NGUY CƠ SUY THOÁI KINH TẾ

Thị trường dầu thô đóng cửa trong sắc đỏ phiên thứ ba liên tiếp khi tâm lý e ngại rủi ro ngày càng gia tăng. Kết thúc phiên 10/03, giá dầu thô WTI giảm 1,23% về 75,72 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 1,29% về 81,59 USD/thùng.

Giá dầu đi ngang trong phần lớn thời gian của ngày và tăng vào đầu phiên tối trước sự suy yếu của đồng USD. Chỉ số Dollar Index giảm về… điểm. Sức mua cũng xuất hiện khi thị trường chứng khoán Mỹ mở cửa trong sắc xanh, kéo theo dòng tiền về với các thị trường tài chính, trong đó có thị trường dầu. Bên cạnh yếu tố về chuyển động dòng tiền, giá dầu cũng được hỗ trợ khi mà tập đoàn dầu khí Total Energies của Pháp đã không thể giao hàng từ các nhà máy lọc dầu do ảnh hưởng của các cuộc đình công.

Số đơn xin đề nghị trợ cấp thất nghiệp lần đầu được công bố hôm qua tăng lên mức cao nhất kể từ tuần cuối cùng của tháng 12/2022. Thị trường lao động có tín hiệu thắt chặt hơn khiến các nhà đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ có những động thái mềm mỏng hơn để không khiến cho nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Tuy nhiên, sau đó, lực bán xuất hiện mạnh mẽ vào cuối phiên khi tâm lý thận trọng gia tăng. Số liệu việc làm quan trọng nhất của Mỹ là Bảng lương Phi Nông nghiệp sẽ được công bố vào tối nay, nên các nhà đầu tư cũng tiến hành đóng vị thế để giảm thiểu rủi ro. Sức bán cũng được cộng hưởng với đà giảm của thị trường chứng khoán Mỹ vào cuối phiên, khi cả ba chỉ số S&P500, Nasdaq và Dow Jones đều đánh mất gần 2%.

Thước đo nỗi sợ của thị trường, chỉ số VIX, đã tăng 18,32% lên 22,6 điểm, mức cao nhất trong vòng ba tuần. Có thể thấy, tâm lý chung của thị trường vẫn rất lo ngại về các đợt tăng lãi suất sắp tới của Fed, cũng như nguy cơ suy thoái kinh tế. Triển vọng tiêu thụ dầu thô vì thế cũng giảm và kéo theo sự suy yếu của giá dầu. Trong phiên hôm nay, nhà đầu tư sẽ cần theo dõi số liệu Bảng lương Phi Nông nghiệp và tỷ lệ thất nghiệp tháng 2 của Mỹ, bởi đây sẽ là căn cứ quan trọng để các quan chức Fed thực hiện điều chỉnh lãi suất trong cuộc họp cuối tháng này.

(Nguồn: MXV)

Quý nhà đầu tư tham khảo phân tích kỹ thuật của thị trường tại: PHÂN TÍCH KỸ THUẬT NGÀY 10/03/2023.

DỰ BÁO THÂM HỤT BẠCH KIM NĂM 2023 HỖ TRỢ GIÁ TĂNG, QUẶNG SẮT ĐÓN NHẬN LỰC MUA KHI SẢN XUẤT THÉP TÍCH CỰC

Kết thúc phiên giao dịch ngày 09/03, phần lớn các mặt hàng kim loại đều ghi nhận những diễn biến có phần giằng co khi các nhà đầu tư chờ đợi dữ liệu quan trọng về bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ sẽ được công bố vào tối nay. Đây là dữ liệu quan trọng trong việc định hướng mức tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong thời gian tới và sẽ ảnh hưởng đáng kể tới giá kim loại. Nhóm kim loại quý trong ngày hôm qua đồng loạt kết thúc trong sắc xanh. Giá vàng tăng 0,95% lên mức 1830,89 USD/ounce, giá bạc chỉ tăng nhẹ 0,07% lên 20,16 USD/ounce, trong khi giá bạch kim tăng mạnh hơn ở mức 0,92% lên 949,3 USD/ounce.

Dữ liệu được công bố tối qua cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ đã tăng 11% trong tuần trước, mức tăng lớn nhất trong 5 tháng trong khi số lượng nhân viên bị sa thải theo kế hoạch trong tháng 2 đã tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng USD suy yếu từ mức cao nhất trong gần 3 tháng khi dữ liệu kinh tế đã xoa dịu một phần những thông điệp kiểm soát lạm phát mạnh mẽ của trong lời điều trần trước quốc hội kéo dài hai ngày của Chủ tịch Fed Jerome Powell. Điều đó đã hỗ trợ cho giá bạc tăng nhẹ trở lại do chi phí nằm giữ bớt đất đỏ hơn.

Trong khi đó, bạch kim nhận được động lực tăng nhiều hơn khi Báo cáo thị trường quý IV năm 2022 mới đây của Hội đồng đầu tư Bạch kim (WPIC) dự báo mức thâm hụt bạch kim là 556.000 ounce vào năm 2023, do nhu cầu tăng mạnh vượt xa nguồn cung hạn chế. Như vậy, sau hai năm thặng dư đáng kể, thị trường bạch kim được dự báo sẽ chuyển sang thâm hụt nguyên liệu vào năm 2023. Theo WPIC, tổng nguồn cung đã giảm trong cả quý IV năm ngoái với mức giảm 18% so với cùng kỳ năm trước xuống 1.7 triệu ounce và giảm trong cả năm 2022 ở mức 12%. Dự báo cho biết nguồn cung vẫn còn yếu vào năm 2023, chỉ tăng 3% lên 7,4 triệu ounce trong khi nhu cầu tăng mạnh 24% lên 7,9 triệu ounce. Điều này đã thúc đẩy lực mua mạnh mẽ hơn trên thị trường bạch kim trong phiên hôm quá.

Đối với nhóm kim loại cơ bản, diễn biến có phần trái chiều khi đồng và quặng sắt đồng loạt tăng giá nhẹ, trong khi kim loại trên sở LME kết thúc trong sắc đỏ. Cả đồng COMEX và quặng sắt đều mở cửa phiên giao dịch với lực bán chiếm ưu thế, sau khi dữ liệu lạm phát tiêu dùng và sản xuất của Trung Quốc đều cho thấy bức tranh chi tiêu phục hồi chậm. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng CPI của Trung Quốc giảm 0,5% trong tháng 2 so với tháng 1, trong khi chỉ số giá sản xuất PPI giảm 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái, và đây đang là tháng giảm phát thứ 5 liên tiếp.

Tuy nhiên, đồng COMEX đã dần lấy lại đã tăng khi Fitch Ratings cho biết các công ty khai thác mỏ đang phải đối mặt với “rủi ro nghiêm trọng” trong bối cảnh các cuộc biểu tình và phong tỏa kéo dài tại quốc gia sản xuất đồng số 2 thể giới Peru, đồng thời cảnh báo về khả năng thiếu nguồn cung. Kết phiên, giá đồng COMEX tăng nhẹ 0,3% lên mức 4,04 USD/pound.

Quặng sắt cũng ghi nhận đà tăng giá 0,61% lên 127,61 USD/tấn. Sản lượng trung bình 5 sản phẩm thép chính tại Trung Quốc đã tăng 49.000 tấn lên 9,52 triệu tấn tính đến ngày 9/3 so với 1 tuần trước đó. Ngoài ra, dữ liệu từ tháng 4/2022 đến tháng 2/2023 tại Ấn Độ cho thấy quốc gia này đã sản xuất 109,5 triệu tấn thép thành phẩm, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước và tiêu thụ tăng 11,6% lên 107,2 triệu tấn. Các thông tin tích cực về sản xuất thép đã hỗ trợ cho giá nguyên liệu thô sản xuất quặng sắt.

(Nguồn: MXV)

Quý nhà đầu tư tham khảo phân tích kỹ thuật của thị trường tại: PHÂN TÍCH KỸ THUẬT NGÀY 10/03/2023.

 

Bấm để đánh giá bài viết này!
[Total: 0 Trung bình: 0]

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *