fbpx

TIN TỨC THỊ TRƯỜNG NGÀY 11/01/2023

Bản tin cập nhật ngày 11/01/2023.

NGÔ TĂNG TỪ MỨC THẤP NHẤT TRONG 3 TUẦN DO KỸ THUẬT, HẠN HÁN Ở ARGENTINA

Ngô CBOT kết thúc một phiên biến động vào thứ Ba sau khi các yếu tố kỹ thuật và xu hướng mua rẻ đã giúp giá ngô tăng từ mức thấp nhất trong ba tuần. Tuy nhiên đà tăng bị kìm hãm do nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Mỹ giảm, đồng thời cũng làm lu mờ lo ngại về ảnh hưởng bất lợi tới cây trồng do thời tiết hạn hán ở Argentina.

Đậu tương giảm và lúa mì giảm xuống mức thấp nhất trong 15 tháng do tình trạng nguồn cung toàn cầu tích cực và nhu cầu giảm đối với các lô hàng của Hoa Kỳ.

Các nhà giao dịch đang tất toán vị thế trước khi Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) phát hành báo cáo Cung cầu nông sản thế giới vào thứ Sáu.

Điểm tin chính

  • Ngô CBOT giao tháng 3 tăng 2,5 cent lên 6,55 USD/giạ, sau khi chạm mức thấp nhất trong ba tuần là 6,48 – 1/4 USD.
  • Đậu tương CBOT giao tháng 3 giảm 3,5 cent xuống 14,85 USD/giạ.
  • Lúa mì CBOT giao tháng 3 giảm 10,5 cent xuống 7,31 USD/giạ sau khi chạm mức thấp 7,20-1/2 USD trước đó trong phiên, mức thấp nhất kể từ tháng 10/ 2021.

USDA dự kiến sẽ cắt giảm triển vọng sản xuất ngô và đậu tương đối với Argentina do tình hình hạn hán, đồng thời nâng ước tính nguồn cung ngũ cốc và đậu tương của Mỹ.

Theo dự báo của Commodity Weather Group, thời tiết nóng và khô dự kiến sẽ xảy ra trên khắp vành đai trồng trọt của Argentina trong 10 ngày tới, gây thêm căng thẳng cho vụ mùa vốn đã chịu nhiều tác động tiêu cực từ hạn hán.

Nhu cầu xuất khẩu sụt giảm đã đè nặng lên thị trường ngũ cốc của Mỹ, đặc biệt là lúa mì, trong bối cảnh cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường toàn cầu và thông tin tích cực về các vụ mùa lớn trên khắp thế giới. Các thương nhân cho biết sản xuất ở Ấn Độ có thể đạt mức cao nhất mọi thời đại.

(Nguồn: Reuters)

Quý nhà đầu tư tham khảo phân tích kỹ thuật của thị trường tại: PHÂN TÍCH KỸ THUẬT NGÀY 11/01/2023.

DẦU TĂNG TRƯỚC MỘT VÀI LO NGẠI VỀ NGUỒN CUNG NHƯNG BỊ KÌM HÃM ĐÀ TĂNG BỞI SỐ LIỆU TỪ BÁO CÁO CỦA EIA

Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/01, giá dầu ghi nhận mức tăng nhẹ so với phiên trước đó. Lực bán vào cuối phiên sau báo cáo Triển vọng Năng lượng ngắn hạn (STEO) của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) tháng 1 dự báo bức tranh tiêu thụ kém sắc đã hạn chế đà phục hồi trước đó bởi một vài lo ngại về nguồn cung, khiến giá dầu WTI kết phiên với mức tăng 0,69% lên 75,12 USD/thùng, dầu Brent tăng 0,56% lên mức 80,10 USD/thùng.

Lực mua cho thấy xu hướng chiếm ưu thế trong hơn nửa phiên đầu, trước một số tín hiệu tiêu thụ lạc quan hơn tại Trung Quốc. Theo dữ liệu theo dõi tàu từ Bloomberg, Trung Quốc đang nhập khẩu nhiều loại dầu thô của Nga, bao gồm cả loại Arco ít được biết đến hơn, được vận chuyển từ khu vực Bắc Cực. Trước đó, động thái của Trung Quốc ban hành đợt hạn ngạch nhập khẩu dầu thô thứ 2 cho năm 2023 cũng báo hiệu ý định đẩy nhanh dòng nguyên liệu vào thời điểm mà nước tiêu thụ dầu lớn nhất châu Á đang hy vọng nhu cầu phục hồi.

Tuy nhiên, đà tăng chỉ thực sự được thúc đẩy mạnh mẽ sau thông tin về việc Nhóm quốc gia G7 và Liên minh châu Âu (EU) đang đặt mục tiêu thiết kế hai mức trần giá cho các sản phẩm dầu mỏ tinh chế của Nga. EU dự kiến sẽ cấm nhập khẩu các sản phẩm tinh chế của Nga vào ngày 05/02 và áp đặt giới hạn giá đối với xuất khẩu sang các nước thứ ba, đặc biệt sẽ ảnh hưởng đến dầu diesel, naphtha và dầu nhiên liệu. Theo báo cáo STEO, điều này có thể gây ra sự gián đoạn lớn tới sản lượng và xuất khẩu dầu của Nga còn hơn cả lệnh trừng phạt dầu thô vào đầu tháng 12 vừa qua, vì sẽ rất khó tìm được nguồn cung thay thế, và có thể gặp rào cản về chi phí vận chuyển. Trong khi đó, các phản ứng của Nga vẫn còn là rủi ro. Nga đã báo hiệu vào đầu tháng trước rằng họ có thể áp đặt một gia sàn về xuất khẩu dầu, hoặc cắt giảm sản lượng dầu thô 500.000 – 700.000 thùng mỗi ngày. Lo ngại nguồn cung thắt chặt đã hỗ trợ cho đà tăng của giá.

Mặc dù vậy, đà tăng trong phần lớn phiên đã không còn được giữ vững sau khi Báo cáo STEO của EIA được phát hành, với dự báo nguồn cung cải thiện trong khi nhu cầu có xu hướng suy yếu trong cả năm 2023 và năm 2024. Cụ thể, EIA điều chỉnh tăng nguồn cung dầu trong quý I, III và IV của năm nay thêm 0,1% so với báo cáo trước, đưa mức sản lượng năm 2023 đạt 101,06 triệu thùng/ngày. Nguyên nhân chủ yếu là do sự gia tăng sản lượng của Mỹ và các nước Non-OPEC. Sản lượng dầu của Mỹ được dự báo đạt 12,8 triệu thùng/ngày vào năm 2024, vượt qua mức cao nhất hàng năm hiện tại là 12,3 triệu thùng/ngày được thiết lập vào năm 2019. Dự báo kỷ lục nhấn mạnh vai trò ngày càng quan trọng của Mỹ trên thị trường toàn cầu.

Trong khi đó, theo EIA, mặc dù nhu cầu dầu toàn cầu dự kiến sẽ tăng hơn 1 triệu thùng/ngày vào năm 2023 và thêm 1,7 triệu thùng/ngày vào năm 2024, song cơ quan này đã điều chỉnh giảm mạnh đồng loạt mức tiêu thụ trong cả 4 quý năm nay so với báo cáo trước đó do sự không chắc chắn và sự mở cửa của Trung Quốc, và rủi ro suy thoái kinh tế tại nhiều quốc gia. Điều này đưa mức tiêu thụ trung bình năm 2023 đạt 100,48 triệu thùng/ngày. Như vậy, thị trường dầu được dự báo sẽ thặng dư khoảng hơn 0,6 triều thùng/ngày trong năm 2023 và năm 2024. Thặng dư nhẹ trong 2 quý đầu năm nay, sau đó sự gia tăng sản lượng đáng kể sẽ nới rộng mức thặng dư trong 2 quý cuối năm 2023. Điều này đã gây sức ép lớn tới giá vào cuối phiên.

Rạng sáng nay, báo cáo của Viện dầu khi Mỹ (API) cho thấy tồn kho dầu thô thương mại trong tuần kết thúc ngày 06/01 bất ngờ tăng vọt 14,9 triệu thùng, trái ngược với mức dự báo giảm 2,2 triệu thùng trong khi tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất cũng tăng lên. Điều này có thể sẽ gây sức ép bán khá mạnh đối với giá trong phiên hôm nay.

(Nguồn: MXV)

Quý nhà đầu tư tham khảo phân tích kỹ thuật của thị trường tại: PHÂN TÍCH KỸ THUẬT NGÀY 11/01/2023.

ĐÀ TĂNG CỦA NHÓM KIM LOẠI QUÝ CHỮNG LẠI, ĐỒNG VÀ QUẶNG SẮT TIẾP TỤC LÀ ĐIỂM SÁNG CỦA THỊ TRƯỜNG

Thị trường kim loại kết thúc phiên giao dịch 10/01 với một diễn biến phân hóa giữa các mặt hàng. Với nhóm kim loại quý, giá vàng gần như đi ngang với mức tăng rất nhẹ chỉ 0,05% lên 1872,48 USD/ounce. Trái lại, giá bạc và giá bạch kim giảm gần 0,9% về lần lượt là 23,67 USD/ounce và 1076,6 USD/ounce.

Đà tăng của nhóm kim loại quý bắt đầu có dấu hiệu chậm lại, khi mà các nhà đầu tư thận trọng chờ đợi số liệu lạm phát của Trung Quốc và Mỹ. Trong bài phát biểu mới nhất của mình, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell, tiếp tục nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc ổn định giá cả, tuy nhiên ông không đưa ra bất kỳ manh mối trực tiếp nào về hướng đi chính sách của Fed trong thờ gian tới. Đồng USD hồi phục cùng với việc dòng tiền tiếp tục chảy về thị trường chứng khoán, cũng gây áp lực không nhỏ tới đà tăng của nhóm kim loại quý.

Với nhóm kim loại cơ bản, giá các mặt hàng được tiêu thụ nhiều bởi Trung Quốc như đồng, nhôm, và quặng sắt đều tăng tích cực. Giá đồng tăng 1,27% lên 4,08 USD/pound, và đang ở mức cao nhất trong gần 7 tháng sau bốn phiên tăng liên tiếp. Giá quặng sắt cũng tăng 1,67% lên 120 USD/tấn. Sự tăng trưởng của cả hai kim loại này đều gắn liền với kỳ vọng phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc, khi mà Chính phủ nước này ban hành nhiều chính sách có lợi hơn với nhiều ngành công nghiệp mũi nhọn tiêu thụ các kim loại cơ bản như xây dựng.

Giá đồng đang bật tăng mạnh mẽ hơn giá quặng sắt trong các phiên gần đây, bởi trước đó phần lớn các tin tích cực đã phản ánh vào giá quặng sắt. Bên cạnh đó, nhu cầu chuyển đổi năng lượng xanh cũng làm gia tăng nhu cầu tiêu thụ đối với đồng. Rất nhiều quốc gia như Mỹ và Ấn Độ đang cạnh tranh với Trung Quốc trong chuỗi sản xuất pin khiến cho nhu cầu của rất nhiều các kim loại khác như niken, chì, kẽm cũng tăng lên.

(Nguồn: MXV)

Quý nhà đầu tư tham khảo phân tích kỹ thuật của thị trường tại: PHÂN TÍCH KỸ THUẬT NGÀY 11/01/2023.

 

Bấm để đánh giá bài viết này!
[Total: 0 Trung bình: 0]

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *