fbpx

TIN TỨC THỊ TRƯỜNG NGÀY 11/01/2024

 

NÔNG SẢN

Ngô

  • Khép lại phiên giao dịch ngày 10/1, thị trường nông sản chia hai nửa xanh đỏ.
  • Theo báo cáo CONAB, sản lượng và xuất khẩu ngô niên vụ 23/24 bị cắt giảm xuống lần lượt 1 triệu tấn và 3 triệu tấn so với báo cáo hồi tháng 12. Đây không còn là yếu tố gây bất ngờ sau khi hạn hán kéo dài ở bang sản xuất ngô vụ 2 lớn nhất ở Brazil. Mức điều chỉnh không còn nhiều tác động “bullish” đến giá. 

Lúa mì 

  • Giá đóng cửa với mức tăng nhẹ.
  • Báo cáo WASDE: dự đoán tồn kho lúa mì của Mỹ và toàn cầu được cắt giảm nhẹ so với báo cáo tháng 12.
  • Dự đoán diện tích gieo trồng lúa mì vụ đông của Mỹ sẽ bị thấp hơn ~2% so với báo cáo trước đó.
  • Triển vọng nguồn cung tại Mỹ thu hẹp đã thúc đẩy giá trong phiên hôm qua.
  • Lực mua bị hạn chế trước tình hình xuất khẩu khả quan của Ukraine, cho thấy các con đường xuất khẩu ngũ cốc thay thế đạt hiệu quả cao sau khi Nga rút khỏi sáng kiến Biển Đen.

Nhóm họ đậu

  • Tình hình mùa vụ ở Argentina đón nhận thêm tin tức tích cực mới tiếp tục là yếu tố gây sức ép đến nhóm.
  • Đậu tương: Sở Giao dịch Ngũ cốc Buenos Aires (BAGE) – các khu vực nông nghiệp trọng điểm của Argentina sẽ nhận được lượng mưa vừa phải và nhiệt độ ôn hòa trong tháng 1, tạo điều kiện thuận lợi cho việc gieo sạ đậu tương, thúc đẩy sự phát triển của cây trồng. BAGE duy trì dự báo sản lượng đậu tương niên vụ 23/24 của Argentina ở mức 50 triệu tấn, để ngỏ khả năng số liệu này có thể được cải thiện, khi hoạt động thu hoạch bắt đầu vào tháng 3. Tình hình mùa vụ thuận lợi ở Argentina đã tác động “bearish” mạnh lên giá.
  • Khô đậu tương dầu đậu tương suy yếu trong phiên hôm qua. Thời tiết thuận lợi ở Argentina tiếp tục gây áp lực lớn lên giá khô đậu. Sự suy yếu của giá dầu thô đã thúc đẩy lực bán đối với dầu đậu.

NĂNG LƯỢNG

  • Giá giằng co và chốt phiên giảm hơn 1%.
  • Lực mua duy trì mạnh mẽ vào đầu phiên – nhóm phiến quân Houthi tiến hành chiến dịch quân sự lớn nhất từ ​​trước đến nay nhằm vào các tuyến đường vận chuyển thương mại ở Biển Đỏ. Tình trạng hỗn loạn tại Ecuador làm tăng rủi ro gián đoạn nguồn cung cũng góp phần hỗ trợ giá dầu.
  • Nhu cầu nhiên liệu yếu và tồn kho sản phẩm dầu tăng mạnh đã kéo giá dầu đảo chiều giảm trở lại về cuối phiên.
  • Dầu WTI giảm 1,2% xuống 71,37 USD/thùng. Dầu Brent giảm 1,02% xuống 76,80 USD/thùng.
  • Theo Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho dầu thương mại của Mỹ tăng 1,3 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 5/1, trái ngược với dự báo tăng 700.000 của Reuters.
  • Tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất tăng mạnh lần lượt là 8 triệu thùng và 6,5 triệu thùng, cao hơn nhiều so với dự báo và số liệu của Viện Dầu khí Mỹ (API). Tồn kho nhiên liệu chưng cất (dầu diesel và dầu sưởi) chạm mức cao nhất kể từ tháng 9/2021. Việc tồn kho sản phẩm dầu của Mỹ liên tục tăng mạnh trong những tuần gần đây phản ánh nhu cầu suy yếu tại quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, gây áp lực lên giá dầu ngay sau báo cáo.
  • Triển vọng kinh tế yếu của khu vực châu Âu cũng làm tăng thêm mối lo ngại về nhu cầu dầu. Các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), bao gồm Phó Chủ tịch Luis de Guindos và Thành viên Hội đồng Quản trị Isabel Schnabel, cho rằng khu vực đồng euro (Eurozone) có thể đã suy thoái trong quý trước và triển vọng trong thời gian tới vẫn còn yếu.
  • Mike Muller, người đứng đầu khu vực châu Á của tập đoàn thương mại khổng lồ Vitol Group dự đoán thị trường sẽ tương đối cân bằng trong năm nay. Ông Muller cho biết tăng trưởng nhu cầu khó có thể theo kịp nguồn cung mới từ bên ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+), chẳng hạn như Mỹ, Guyana, Venezuela và Brazil.

KIM LOẠI

Kim loại quý

  • Bạc giảm 0,11% xuống 23,06 USD/ounce. Bạch kim đóng cửa tại mức 929,6 USD/ounce sau khi giảm 1,47%. Cả giá bạc và giá bạch kim đều giảm ba phiên liên tiếp và hiện đang neo tại mức thấp nhất trong vòng một tháng.
  • Giá kim loại quý nối dài đà giảm khi kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giảm lãi suất là yếu tố chính chi phối lên giá. Sau loạt dữ liệu kinh tế tuần trước, giới đầu tư không còn lạc quan rằng FED sẽ nới lỏng ngay trong tháng 3 như trước đây.
  • Bạc và bạch kim được định giá bằng đồng USD. Đồng USD tăng trong phiên hôm qua đã khiến giá hai mặt hàng gặp áp lực.
  • Chiều 10/1, Nhật Bản công bố số liệu tăng trưởng tiền lương giảm mạnh trong tháng 11/2023, đẩy lùi khả năng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sớm thoát khỏi kỷ nguyên lãi suất âm. Đồng yên Nhật gặp áp lực bán mạnh ngay sau đó và hỗ trợ cho chỉ số Dollar Index, thước đo giá trị đồng USD.

Kim loại cơ bản

  • Đồng COMEX phục hồi 0,6% lên 3,78 USD/pound. Giá đồng đã trải qua phiên biến động khá giằng co.
  • Một mặt, tiêu thụ kém lạc quan tại Trung Quốc là yếu tố chính gây sức ép lên giá.
  • Mặt khác, giá được hưởng lợi khi giới đầu tư tỏ ra lạc quan hơn về kinh tế Trung Quốc. Theo Reuters, xuất khẩu tháng 12/2023 của Trung Quốc dự kiến tăng 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái, mạnh hơn mức tăng 0,5% ghi nhận trong tháng 11. Nhập khẩu dự kiến tăng 0,3% trong tháng 12, phục hồi từ mức giảm 0,6% trong tháng 11.
  • Tâm lý thị trường được củng cố sau khi các tập đoàn lớn của Trung Quốc công bố kế hoạch trả nợ, gồm hai nhà phát triển bất động sản lớn là China Vanke, Longfor Group Holdings và công ty sản xuất ô tô China Grand Automative Services Group. Điều này giúp xoa dịu mối lo về cuộc khủng hoảng tài sản kéo dài tại nước này.
  • Quặng sắt nối dài đà giảm sang phiên thứ 5 liên tiếp, giảm 2,6% về 135,82 USD/tấn, thấp nhất trong gần ba tuần.
  • Trong giai đoạn trước, giá quặng sắt tăng cao chủ yếu là nhờ kỳ vọng tiêu thụ sắt tại Trung Quốc sẽ khởi sắc hơn khi nền kinh tế nước này phục hồi. Tuy nhiên, dữ liệu gần đây đều chỉ ra tiêu thụ sắt thép tại nước này liên tục sụt giảm. Do vậy, khi tiêu thụ thực tế thấp hơn kỳ vọng, giá quặng sắt liên tục lao dốc trong các phiên gần đây.
Bấm để đánh giá bài viết này!
[Total: 0 Trung bình: 0]

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *