fbpx

TIN TỨC THỊ TRƯỜNG NGÀY 11/03/2024

 

NÔNG SẢN

  • Khép lại tuần giao dịch 4 – 10/3 với báo Cung – cầu Nông sản (WASDE) tháng 3 được công bố, sắc xanh một lần nữa chiếm thế áp đảo trên thị trường nông sản với 4/5 mặt hàng tăng giá.

Ngô

  • Ngô nối dài đà hồi phục và ghi nhận mức tăng mạnh 3,53%, dẫn dắt đà tăng của cả nhóm.
  • LSEG cắt giảm nhẹ dự báo sản lượng ngô niên vụ 23/24 của Brazil xuống còn 118,2 triệu tấn, thấp hơn 1% so với ước tính trước do thời tiết kém thuận lợi.
  • Bên cạnh tình hình mùa vụ tại khu vực Nam Mỹ, báo cáo WASDE là yếu tố chính tác động lên diễn biến giá ngô trong tuần vừa rồi. USDA cắt giảm hơn 2 triệu tấn sản lượng ngô niên vụ 23/24 toàn cầu so với báo cáo tháng 2, kéo theo tồn kho cuối niên vụ của thế giới dự kiến giảm xuống 319,63 triệu tấn, từ mức 322,06 triệu tấn trước đó. Con số này thấp hơn so với mức dự đoán trung bình của thị trường là nguyên nhân chính thúc đẩy lực mua đối với giá ngô trong phiên cuối tuần.

Lúa mì

  • Lúa mì là mặt hàng duy nhất trong nhóm suy yếu, khi lao dốc ~ 4% vào tuần qua.
  • Triển vọng nguồn cung tích cực tại Nga – quốc gia cung cấp ngô số 1 toàn cầu – đã gây áp lực lớn lên giá trong tuần qua. LSEG nâng dự báo sản lượng lúa mì niên vụ 24/25 của Nga lên mức 88,4 triệu tấn, cao hơn 0,8% so với dự đoán trước do thời tiết mùa đông thuận lợi. Bộ Nông nghiệp Nga tiếp tục cắt giảm thuế xuất khẩu lúa mì trong tuần thứ 5 liên tiếp, xuống còn 3.344,5 Rúp/tấn, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà sản xuất tại Nga gia tăng bán hàng, gây sức ép cạnh tranh lên giá CBOT.

Đậu tương

  • Giá đậu tương đóng cửa với mức tăng lên ~ 3%.
  • Lực mua chỉ được thúc đẩy mạnh mẽ trong 2 phiên cuối tuần nhờ kết quả xuất khẩu  tăng hơn 300% của Mỹ trong báo cáo Export Sales và dự báo về triển vọng mùa vụ Nam Mỹ trong báo cáo WASDE tháng 3.
  • Trái với kỳ vọng tăng nhẹ, USDA duy trì dự báo sản lượng đậu tương niên vụ 23/24 của Argentina ở mức 50 triệu tấn; hạ dự báo sản lượng của Brazil xuống 155 triệu tấn, giảm 1 triệu tấn so với báo cáo trước, phản ánh tác động của thời tiết bất lợi đối với mùa vụ.

NĂNG LƯỢNG

  • Kết thúc tuần giao dịch 4 – 10/3, giá dầu suy yếu sau 1 tuần tăng giá mạnh mẽ khi thị trường vẫn đang cảnh giác trước mối lo ngại về triển vọng nhu cầu, đặc biệt là tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ 2 thế giới.
  • Dầu WTI giảm 2,45% xuống 78,01 USD/thùng. Dầu Brent giảm 1,76% xuống 82,08 USD/thùng.
  • Thông tin Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) gia hạn mức cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày sang quý II/2024 phản ánh góc nhìn ảm đạm của nhóm đối với mức tiêu thụ dầu trên thế giới. Thực tế, quyết định chính thức của nhóm gần như phù hợp với kỳ vọng, được phản ánh vào giá từ trước. Do vậy, giá dầu không còn nhận được nhiều sự hỗ trợ trước thông tin này và áp lực bán đã nhanh chóng quay trở lại.
  • Sự hoài nghi xoay quanh mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc khiến giá dầu chịu nhiều sức ép. Tại Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (NPC) khai mạc ngày 5/3, Thủ tướng Lý Cường cho biết Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế ~5% trong 2024, phù hợp với mức tăng trưởng của 2023. Giới phân tích đánh giá rằng việc đạt được mục tiêu tăng trưởng này khó hơn nhiều so với 2023, do cơ sở so sánh cao hơn khi vào 2022, Trung Quốc phải gánh chịu tổn thất nặng nề do đại dịch Covid-19.
  • Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế vẫn đang trong trạng thái trì trệ và niềm tin của người dân chưa phục hồi, việc Trung Quốc đặt ra mục tiêu tăng trưởng tham vọng đã nhận lại phản ứng thờ ơ từ phía nhà đầu tư. Việc thiếu các kế hoạch kích thích lớn để vực dậy nền kinh tế vốn đang gặp khó khăn cũng khiến các nhà đầu tư thất vọng. Lo ngại về triển vọng tăng trưởng không chắc chắn của Trung Quốc đã gây áp lực lớn lên giá dầu.
  • Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg Television, Lu Ruquan, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Kinh tế & Công nghệ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) cho biết nhu cầu dầu của Trung Quốc đã bước vào giai đoạn tăng trưởng thấp, do quá trình khử carbon bắt đầu ảnh hưởng đến mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch. Việc sử dụng nhiều hơn các loại xe điện, xe tải chạy bằng khí tự nhiên hóa lỏng, sẽ thay thế ~20 triệu tấn, ~10 -12% lượng tiêu thụ xăng và dầu diesel nội địa của Trung Quốc trong 2024.

KIM LOẠI

  • 9/10 mặt hàng tăng giá. Sự suy yếu của đồng Dollar Mỹ trước kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất đã thúc đẩy lực mua mạnh mẽ đối với nhóm hàng này

Kim loại quý

  • Bạc tăng mạnh 5,07% trong tuần qua lên 24,54 USD/ounce. Bạch kim tăng 3,02% lên mức 914,8 USD/ounce.
  • Đồng bạc xanh đang phải chịu áp lực sau những dấu hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế Mỹ có dấu hiệu chững lại. Điều này giúp bạc và bạch kim nhận lực mua lớn, chi phí nắm giữ bớt đắt đỏ hơn, và nhu cầu trú ẩn được phát huy.
  • Hoạt động dịch vụ của Mỹ có dấu hiệu suy yếu khi chỉ số quản lý thu mua (PMI) phi sản xuất tháng 2 đạt 52,6 điểm, thấp hơn 0,4 điểm so với dự báo và mức 53,4 điểm trong tháng 1, theo Viện Quản lý Cung ứng Mỹ (ISM). Báo cáo bảng lương phi nông nghiệp (NFP) cho thấy tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 2 bất ngờ tăng mạnh lên 3,9%, cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo và là mức cao nhất trong 2 năm.
  • Chủ tịch FED đã gợi ý về khả năng cắt giảm lãi suất “không xa” trong tương lai. Niềm tin này củng cố vị thế cho kim loại quý trong tuần. Giá bạc thậm chí có phiên lên cao nhất trong hơn 2 tháng.

Kim loại cơ bản

  • Những tín hiệu tích cực hơn trong hoạt động thương mại của Trung Quốc đã kéo giá đi lên, bên cạnh sự hỗ trợ từ đồng USD. Đồng COMEX tăng 0,78% lên 3,89 USD/pound. Quặng sắt cũng phục hồi 1,79% lên 113,93 USD/tấn.
  • Số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc vượt dự kiến trong 2 tháng đầu năm, lần lượt tăng 7,1% và 3,5% so với cùng kỳ. Riêng đối với đồng và quặng sắt, sản lượng nhập khẩu đều tăng mạnh, phản ánh nhu cầu cải thiện vào đầu năm nay.
  • Nhập khẩu đồng của Trung Quốc đạt 902.000 tấn trong hai tháng đầu năm 2024, tăng 2,6% so với cùng kỳ,nhập khẩu quặng sắt tăng 8,1% so với cùng kỳ trong 2 tháng đầu năm, đạt 209,45 triệu tấn.
  • Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho biết vẫn còn dư địa để cắt giảm yêu cầu tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) của các ngân hàng. Tâm lý lạc quan này cũng đã góp phần thúc đẩy lực mua đối với các mặt hàng kim loại cơ bản trong tuần qua.

 

Bấm để đánh giá bài viết này!
[Total: 0 Trung bình: 0]

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *