fbpx

TIN TỨC THỊ TRƯỜNG NGÀY 11/07/2023

 

 

NÔNG SẢN

Ngô

Kết phiên ngày 10/07, giá ngô tăng hơn 1% do lo ngại về tình hình thu hoạch ngô tại Brazil

Theo Công ty tư vấn Pátria AgroNegócios, tiến độ thu hoạch ngô vụ 2 niên vụ 22/23 của Brazil đạt 28,3% diện tích dự kiến, nhờ tốc độ được đẩy mạnh tại Mato Grosso. Con số này đang chậm hơn mức 44,6% cùng kì năm 2022 và mức 35,9% trung bình 5 năm. Các khu vực khác của Trung Tây sẽ đẩy nhanh tiến độ thu hoạch vào tuần tới, tốc độ vẫn chậm ở Parana. Theo Viện Kinh tế Nông nghiệp Mato Grosso (Imea), tiến độ thu hoạch ngô vụ 2 tại Mato Grosso đạt 49,45% tổng diện tích tính đến ngày 07/07, thấp hơn mức 74,41% cùng kì năm 2022 và mức 59,41% trung bình 5 năm. Brazil sẽ sản xuất hơn 100 triệu tấn ngô vụ 2, với ~ 1/2 số đó ở Mato Grosso.

Theo báo cáo Giao hàng xuất khẩu (Export Inspections), giao hàng ngô Mỹ trong tuần kết thúc ngày 06/07 đạt 342.024 tấn, giảm ~ 50% so với mức 675.889 và thấp hơn nhiều so với mức 934.900 trong cùng kì năm 2022. Điều này gây lo ngại rằng Mỹ sẽ không thể hoàn thành dự báo xuất khẩu mới nhất của USDA là 43,82 triệu tấn.

Lúa mì

Lúa mì giảm nhẹ 0,5% sau khi tiến sát vùng kháng cự 660

Theo Hãng tư vấn Ikar, giá FOB đối với lúa mì chứa 12,5% protein tại các cảng trên Biển Đen của Nga ở mức 231 USD/tấn trong tuần trước, giảm nhẹ so với mức 232 USD/tấn một tuần trước, khi các thương nhân chờ đợi thông tin về thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen. Theo Hãng tư vấn SovEcon, hành lang ngũ cốc hiện gần như đã dừng lại. Không có cuộc kiểm tra an ninh nào kể từ 28/06. Các tàu xuất cảnh vẫn đang được thông quan ở Bosphorus.

Đậu tương

Dù báo cáo Giao hàng xuất khẩu cho thấy nhu cầu đậu tương Mỹ ảm đạm nhưng giá đậu tương vẫn tăng hơn 2% trước các dự đoán về báo cáo Cung – cầu tháng 7 được công bố vào 12/07

Reuters dự đoán sản lượng đậu tương Mỹ niên vụ 23/24 giảm từ 4,51 tỷ giạ xuống 4,25 tỷ giạ do diện tích gieo trồng thu hẹp hơn so với dự kiến đầu niên vụ. Sau giai đoạn hạn hán vừa qua, chất lượng cây trồng sụt giảm dẫn tới dự đoán năng suất mùa vụ thấp hơn. Triển vọng nguồn cung tại Mỹ tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực trong báo cáo WASDE tháng 7 đã hỗ trợ cho giá của nhóm đậu.

Tồn kho dầu cọ cuối tháng 06 của Malaysia tăng với tốc độ chậm hơn nhiều so với dự đoán, do sản lượng giảm trong khi xuất khẩu tăng. Hiện tại, nguồn cung dầu thực vật thế giới đang phải chật vật trước những rủi ro về dài hạn. Tại 2 nước sản xuất dầu cọ hàng đầu, Malaysia và Indonesia có thể sẽ trải qua khô hạn do ảnh hưởng của El Nino. Xuất khẩu dầu hướng dương từ khu vực Biển Đen cũng chưa được đảm bảo sẽ được nối lại. Lo ngại về nguồn cung khiến cho giá dầu đậu tương quay lại xu hướng chính và ghi nhận mức tăng hơn 4% phiên hôm qua.

Diễn biến trái chiều với dầu đậu cùng với việc thiếu vắng thông tin cơ bản nên giá khô đậu tương chỉ tăng nhẹ.

NĂNG LƯỢNG

Kinh tế Trung Quốc phục hồi yếu, giá dầu gặp áp lực trở lại sau khi đạt mức cao nhất trong vòng 1 tháng

Dầu thô WTI giảm 1,18% xuống 73 USD/thùng. Dầu Brent giảm ~ 1% xuống 77,69 USD/thùng.

Lực bán chiếm ưu thế ngay khi mở phiên, khi quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn thứ 2 thế giới báo cáo dữ liệu lạm phát suy yếu trong tháng 6, phản ánh những khó khăn trong nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 giảm 0,2% so với tháng 05. Tỷ lệ lạm phát cơ bản giảm tốc độ tăng từ 0,6% xuống 0,4%. Giá tại cổng các nhà máy, phản ánh qua chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm mạnh hơn ở mức đáng báo động 5,4% so với cùng kỳ năm 2022, vượt mức giảm 4,6% của tháng 05 và vượt kỳ vọng chỉ giảm 5%.

Tại Mỹ, một số các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thể hiện sự cứng rắn về chính sách thắt chặt tiền tệ, làm gia tăng rủi ro suy thoái kinh tế. Chủ tịch Fed bang San Francisco, bà Mary Daly cho biết sẽ cần 2 đợt tăng lãi suất nữa trong năm 2023 để hạ nhiệt lạm phát trước thị trường lao động mạnh mẽ. Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen nhận định nguy cơ suy thoái kinh tế tại Mỹ không hoàn toàn bị loại trừ trong thời gian tới. Kinh tế vĩ mô tiềm ẩn nhiều rủi ro đã gây sức ép tới thị trường dầu thô.

Tuy nhiên, mức giảm vẫn còn hạn chế bởi lo ngại về tình trạng thâm hụt nửa cuối năm. Theo IEA, nhu cầu dầu từ Trung Quốc và các nước đang phát triển, kết hợp với việc cắt giảm nguồn cung của OPEC+, có thể sẽ khiến thị trường thắt chặt trong nửa cuối năm bất chấp nền kinh tế toàn cầu trì trệ.

KIM LOẠI

Kim loại quý

Sự suy yếu của đồng USD với chỉ số Dollar Index giảm 0,29% về 101,97 điểm hỗ trợ lực mua phiên hôm qua

Bạch kim tăng 1,77% lên 934,8 USD/ounce, phiên tăng mạnh nhất từ ngày 05/06. Giá bạc tăng 0,24% lên 23,34 USD/ounce. Giá vàng tăng 0,04% lên 1.924,99 USD/ounce.

Chủ tịch Fed San Francisco Mary Daly cho biết Fed dù vẫn cần tăng lãi suất để giảm lạm phát, nhưng chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ sắp kết thúc. Theo Fed New York, kỳ vọng lạm phát ngắn hạn đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ 04/2021 trong tháng 6, ở mức 3,8%. Kỳ vọng này làm suy yếu đồng USD, thúc đẩy nhà đầu tư nắm giữ kim loại quý.

Kim loại cơ bản

Giá đồng chịu sức ép trong phiên sáng trước lo ngại kinh tế Trung Quốc phục hồi chậm gia tăng

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 không thay đổi so với cùng kỳ năm ngoái và không đạt mức tăng 0,2% theo kỳ vọng. Chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm sang tháng thứ 9 với mức giảm 5,4% (YoY), mức thấp nhất kể từ 12/2015, phản ánh tình trạng giảm phát giá sản xuất kéo dài.

Nhu cầu chuyển đổi sang năng lượng xanh là “ngôi sao sáng” của thị trường đồng, đặc biệt là ngành xe điện (EV). Năm 2022, sản xuất xe điện chiếm ~ 2/3 mức tăng nhu cầu đồng toàn cầu. Năm nay, nhu cầu đồng của ngành xe điện dự kiến đạt 1 triệu tấn và sẽ tăng lên 1,5 triệu tấn vào năm 2025. Điều này đã giúp đồng lấy lại đà tăng và chốt phiên trong sắc xanh sau khi tăng 0,07% lên 3,78 USD/pound.

 

Bấm để đánh giá bài viết này!
[Total: 0 Trung bình: 0]

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *