NÔNG SẢN
Ngô
- Sau hai phiên đóng cửa trong sắc xanh, ngô quay đầu suy yếu nhẹ 0,38% với diễn biến trong phiên tương đối giằng co.
- BCR dự báo, sản lượng ngô niên vụ 23/24 của Argentina sẽ đạt 59 triệu tấn, tăng 64%, nhờ thời tiết tốt hơn, giúp xoa dịu lo ngại của thị trường về vụ mùa bị thiệt hại tại Brazil, tác động “bearish” đến giá.
- Sự xuất hiện của đơn hàng Daily Export Sales sau thời gian dài vắng bóng đã phần nào hỗ trợ giá trong phiên tối qua. Khối lượng bán hàng mặc dù không quá lớn, chỉ 175.000 tấn ngô, nhưng vẫn mang lại tín hiệu khả quan về nhu cầu quốc tế đối với ngô Mỹ.
Lúa mì
- Giá biến động mạnh nhất cả nhóm, với mức giảm hơn 1%.
- Báo cáo Export Sales gây thất vọng tạo áp lực lên giá. Khối lượng bán hàng lúa mì ròng của Mỹ chỉ đạt 128.058 tấn trong tuần 29/12 – 4/1, giảm 2,7% so với tuần trước đó, thấp hơn mức doanh số tối thiểu mà thị trường kỳ vọng. Doanh số xuất khẩu giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 2 tháng qua phản ánh năng lực xuất khẩu tại Mỹ đã suy yếu đáng kể.
Đậu tương
- Đậu tương rung lắc mạnh và kết phiên ở mức không đổi so với ngưỡng tham chiếu.
- USDA cho biết khối lượng bán hàng ròng đậu tương đạt 280.398 tấn, tăng 39,1% so với tuần trước đó. Con số này thấp hơn khoảng dự đoán là 325.000 – 950.000 tấn, cho thấy nhu cầu quốc tế đối với đậu tương Mỹ đang ở mức thấp, khiến giá đậu tương quay đầu giảm mạnh trở lại trong phiên tối, sau khi giai đoạn tăng vọt vào đầu phiên nhờ lực mua kỹ thuật.
- Triển vọng sản lượng cao hơn ở Argentina cùng sự suy yếu của giá đậu tương đã đẩy giá khô đậu tương lao dốc trong cuối phiên và đóng cửa với mức giảm 0,58%.
- Dầu đậu tương là mặt hàng duy nhất tăng giá trong phiên hôm qua. Lực mua đối với dầu đậu được thúc đẩy bởi sự khởi sắc của giá dầu thô và giá dầu cọ.
NĂNG LƯỢNG
- Giá dầu thô biến động mạnh trong phiên giao dịch ngày 11/01, trước hàng loạt thông tin quan trọng. Kết phiên, giá lấy lại động lực tăng, do các biến động quanh khu vực Biển Đỏ lấn át yếu tố kinh tế vĩ mô, đã thúc đẩy lực mua trên thị trường.
- Dầu WTI tăng 0,91% lên mức 72,02 USD/thùng. Dầu Brent tăng 0,79% lên 77,41 USD/thùng.
- Hải quân Iran bắt giữ một tàu chở dầu ở Vịnh Ô-man – từng là trung tâm của cuộc khủng hoảng lớn giữa Tehran và Washington. Vụ bắt giữ làm gia tăng căng thẳng trên các tuyến đường thủy ở Trung Đông – nguyên nhân chính cho đà tăng của giá.
- Lực lượng Houthi có trụ sở tại Yemen đã tiến hành cuộc tấn công lớn nhất vào các tuyến đường vận chuyển thương mại ở Biển Đỏ trong tuần này. Thương mại toàn cầu giảm 1,3% trong tháng 12 so với tháng 11 năm 2023 do các cuộc xung đột liên tục diễn ra.
- S&P Global cho biết thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) – Azerbaijan, sản xuất 480.000 thùng dầu/ ngày vào tháng cuối 2023, thấp hơn 204.000 thùng/ngày so với hạn ngạch theo thoả thuận vào tháng 12.
- Dù được hỗ trợ bởi các rủi ro địa chính trị, nhưng giá dầu cũng chịu sức ép đáng kể sau khi Bộ Lao động Mỹ cho thấy lạm phát tăng trở lại trong tháng 12.
- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2023 của Mỹ tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức 3,2% theo dự báo và mức 3,1% của tháng 11/2023. Con số này có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chưa thể vội vàng cắt giảm lãi suất như kỳ vọng. Đồng USD tăng giá, đã gây áp lực cho dầu thô định giá bởi đồng bạc xanh.
KIM LOẠI
Kim loại quý
- Báo cáo lạm phát Mỹ tăng vượt dự kiến khiến bạc và bạch kim nối dài đà giảm sang phiên thứ 4 liên tiếp.
- Bạc “bốc hơi” 1,57%, dừng chân tại 22,7 USD/ounce, thấp nhất trong ~2 tháng. Giá bạch kim đóng cửa tại mức 919,6 USD/ounce sau khi giảm 1,08%. Giá bạch kim tiếp tục neo tại mức thấp nhất trong vòng 1 tháng.
- Chỉ số CPI Mỹ tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số CPI lõi, loại bỏ biến động giá của các mặt hàng năng lượng và thực phẩm, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo.
- Trên cơ sở hàng tháng, chỉ số CPI tăng 0,3%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo và cao hơn mức 0,1% ghi nhận trong tháng 11. Chỉ số CPI lõi duy trì đà tăng trưởng 0,3% trong tháng 12/2023, giữ nguyên so với tháng trước và phù hợp với dự báo.
- Lạm phát tại Mỹ tăng vượt dự kiến, kết hợp với báo cáo bảng lương phi nông nghiệp tích cực tuần trước, kỳ vọng FED sớm nới lỏng ngày càng bị đẩy lùi. Đồng USD bật tăng ngay sau khi dữ liệu được công bố và gây áp lực bán mạnh lên thị trường kim loại quý.
Kim loại cơ bản
- Đồng COMEX giảm 0,12% về 3,77 USD/pound. Giá đồng đã trải qua phiên biến động khá mạnh.
- Phiên sáng, đồng đón nhận lực mua tích cực khi thị trường kỳ vọng số liệu kinh tế của Trung Quốc sẽ cải thiện trong tháng 12 và chính phủ nước này tiếp tục nới lỏng tiền tệ.
- Giá đảo chiều giảm mạnh ngay sau khi báo cáo lạm phát của Mỹ được công bố.
- Quặng sắt phục hồi 0,88% lên 137,01 USD/tấn, chấm dứt chuỗi giảm 5 phiên liên tiếp.
- Giá sắt được hưởng lợi khi Trung Quốc tiếp tục có động thái hỗ trợ lĩnh vực bất động sản, trụ cột kinh tế nước này và là phân khúc tiêu thụ một lượng lớn sắt thép. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã phê duyệt khoản vay 100 tỷ nhân dân tệ, cho phép các công ty ở 8 thành phố thí điểm sử dụng khoản vay để mua bất động sản dân cư thương mại (được sử dụng để cho thuê dài hạn).
Bấm để đánh giá bài viết này!
[Total: 0 Trung bình: 0]
Bài viết liên quan