NÔNG SẢN
Ngô
- Giá đóng cửa với mức tăng 0,45%, ghi nhận phiên hồi phục thứ 4 liên tiếp.
- Tình hình nguồn cung từ châu Mỹ là yếu tố chính chi phối giá. USDA cho biết Mỹ đã giao 1,12 triệu tấn ngô trong tuần đánh giá, giảm nhẹ so với mức 1,15 triệu tấn của một tuần trước. Tuy vậy, con số này vẫn duy trì trên mốc 1 triệu tấn trong tuần thứ 3 liên tiếp, phản ánh nhu cầu đối với ngô Mỹ vẫn ở mức cao, và tác động “bullish” mạnh lên giá.
Lúa mì
- Mặt hàng này dẫn đầu đà tăng của cả nhóm nông sản trong phiên hôm qua với mức tăng 1,77%.
- Sau khi phải đối mặt với áp lực bán mạnh trước thông tin Trung Quốc lần thứ 3 hủy mua đơn hàng lúa mì của Mỹ, lực mua đã quay trở lại và được đẩy mạnh nhờ số liệu tích cực trong báo cáo Export Inspections. USDA báo cáo, Mỹ đã giao 402.874 tấn lúa mì trong tuần trước, cải thiện so với mức 358.298 tấn của tuần trước đó. Kết quả xuất khẩu tích cực của Mỹ đã hỗ trợ ngắn hạn cho giá.
Nhóm họ đậu
- Hoạt động xuất khẩu kém khả quan tại Mỹ là yếu tố chính gây áp lực đến giá đậu tương. Theo báo cáo Export Inspections, Mỹ chỉ giao được 706.334 tấn đậu tương trong tuần 1-7/3, giảm mạnh gần 500.000 tấn. Đây là khối lượng giao hàng thấp nhất kể từ cuối tháng 9/2023, phản ánh nhu cầu đối với đậu tương Mỹ đã có dấu hiệu suy yếu, từ đó tác động “bearish” đến giá.
- Pátria AgroNegócios cho biết, nông dân Brazil đã thu hoạch 52,67% diện tích đậu tương dự kiến, chậm so với mức 53,44% cùng kỳ năm ngoái và mức trung bình lịch sử là 54,9%. Nguyên nhân chủ yếu là do mưa liên tục đang gây ra sự chậm trễ. Điều này phần nào cho thấy triển vọng sản xuất kém khả quan hơn tại Brazil, đồng thời hỗ trợ nhẹ cho giá và giúp hạn chế đà giảm trong phiên.
- Khô đậu tương lao dốc 1,23%, đánh dấu chấm dứt chuỗi 3 phiên tăng giá liên tiếp. Áp lực từ triển vọng nguồn cung tích cực tại Argentina đã thúc đẩy phe bán. BCR cho biết, hoạt động ép dầu đậu tương trong tháng 2 của nước này đã hồi phục mạnh, với mức tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023.
NĂNG LƯỢNG
- Kết thúc ngày giao dịch đầu tuần 11/3, giá dầu biến động tương đối giằng co trước các thông tin vĩ mô và cung cầu trái chiều. Mối lo ngại xoay quanh triển vọng kinh tế không chắc chắn của Trung Quốc là lực cản lớn về phía nhu cầu. Căng thẳng tại Trung Đông vẫn đang dai dẳng, tiềm ẩn nguy cơ gián đoạn nguồn cung, đã hạn chế đà giảm của giá.
- Dầu WTI gần như không đổi so với phiên trước khi chỉ giảm 0,1% xuống 77,93 USD/thùng. Dầu Brent ổn định ở mức 82,21 USD/thùng, tăng 0,16% so với mức tham chiếu.
- Áp lực bán duy trì mạnh mẽ trong phần lớn phiên khi thị trường tiếp tục đánh giá mối lo ngại về triển vọng kinh tế của Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ 2 thế giới. Theo Tổng Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 phá vỡ chuỗi giảm phát kéo dài 5 tháng. Các nhà kinh tế cho rằng sự gia tăng giá tiêu dùng dự kiến sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn, do sự thúc đẩy từ kỳ nghỉ dài ngày dần bị lu mờ bởi những dấu hiệu về nhu cầu chậm chạp trong nước.
- Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) cho biết sản lượng dầu thô của Mỹ đã dẫn đầu sản lượng dầu toàn cầu trong năm thứ 6 liên tiếp, với mức trung bình trong năm 2023 đạt 12,9 triệu thùng/ngày, phá vỡ mức kỷ lục 12,3 triệu thùng/ngày trong năm 2019. Sản lượng từ Mỹ duy trì mạnh mẽ có thể bù đắp tác động của việc hạn chế nguồn cung từ phía Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+), đã khiến giá dầu chịu nhiều sức ép.
- Dầu nhanh chóng thu hẹp đà giảm về cuối phiên khi thị trường vẫn cảnh giác với biến số về rủi ro địa chính trị. Mỹ, Pháp và Anh đã bắn hạ hàng chục máy bay không người lái ở khu vực Biển Đỏ vào cuối tuần qua sau khi lực lượng Houthi liên kết với Iran của Yemen nhắm vào tàu sân bay chở hàng rời Propel Fortune và các tàu khu trục của Mỹ trong khu vực. Cơ quan Điều hành Thương mại Hàng hải Vương quốc Anh (UKMTO) đã nhận được báo cáo về một vụ nổ ở khu vực lân cận một con tàu cách cảng Saleef của Yemen 71 hải lý về phía tây nam hôm qua
- Sự gia tăng hoạt động lọc dầu của Mỹ, có thể thắt chặt nguồn cung dầu thô toàn cầu, góp phần hỗ trợ giá. Dự báo công suất lọc dầu của Mỹ sẽ tăng 1,4 điểm phần trăm trong tuần kết thúc vào 8/3, sau khi tăng 3,4 điểm phần trăm lên mức cao nhất trong 6 tuần là 84,9% trong tuần kết thúc vào 1/3.
KIM LOẠI
Kim loại quý
- Nhóm vẫn nhận được dòng tiền mua sau khi tăng mạnh vào tuần trước. Bạc tăng nhẹ 0,68% lên 25,71 USD/ounce. Bạch kim bứt phá với mức tăng 2,81% lên 940,5 USD/ounce, mức cao nhất kể từ cuối tháng 1.
- Kim loại quý hưởng lợi từ dòng tiền mua khi vai trò trú ẩn được thúc đẩy trước thềm công bố dữ liệu lạm phát tại Mỹ. Các nhà đầu tư đã hạn chế tài sản mang tính rủi ro, kéo theo mức giảm trên thị trường chứng khoán với cả ba chỉ số chính tại phố Wall đều chìm trong sắc đỏ. Chứng khoán Mỹ cũng đã giảm vào cuối tuần trước khi báo cáo bảng lương phi nông của Mỹ không làm thay đổi kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 6.
- Tuần trước, bình luận từ Chủ tịch Fed Jerome Powell và các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cũng đã làm tăng kỳ vọng rằng việc cắt giảm lãi suất sẽ bắt đầu vào mùa hè này. Kỳ vọng cắt giảm ít nhất 25 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 6 hiện ở mức trên 70%. Điều này có lợi cho giá bạc và bạch kim, thúc đẩy lực mua trên thị trường trong phiên đầu tuần.
Kim loại cơ bản
- Hầu hết các mặt hàng cũng đều đón nhận đà tăng giá trước kỳ vọng FED chuẩn bị bước vào giai đoạn cắt giảm lãi suất từ nửa cuối năm nay. Lo ngại về tình trạng thắt chặt nguồn cung trên thị trường đã hỗ trợ đáng kể cho giá đồng COMEX.
- Đồng COMEX tăng 0,95% lên 3,92 USD/pound.
- Theo dữ liệu do Ủy ban Đồng Chile (Cochilco), Codelco – nhà sản xuất đồng hàng đầu thế giới, sản lượng giảm ~ 16% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 107.000 tấn trong tháng 1. Công ty khai thác mỏ quốc doanh này đang phải vật lộn để khai thác đồng khi các dự án mở rộng nhằm bù đắp cho sự suy giảm chất lượng quặng đã bị cản trở bởi tiến độ và chi phí cao.
- Dự trữ đồng trên hệ thống LME đã giảm hơn 30% xuống còn 110.850 tấn kể từ cuối tháng 12, cũng góp phần hỗ trợ giá.
- Quặng sắt lao dốc hơn 6% xuống mức thấp nhất trong hơn 4 tháng qua, chạm mức 106,14 USD/tấn trước sức ép từ tồn kho vượt trội. Dự trữ quặng sắt tại các cảng Trung Quốc đã tăng lên mức cao nhất trong 1 năm, khi hoạt động bất động sản và sản xuất của Trung Quốc vẫn chịu áp lực
Bấm để đánh giá bài viết này!
[Total: 0 Trung bình: 0]
Bài viết liên quan