NÔNG SẢN
Ngô
- Suy yếu nhẹ sau khi mở cửa phiên đầu tuần, nhưng giá ngô hợp đồng kỳ hạn tháng 12 đã quay đầu khởi sắc trở lại trong phiên tối với việc thị trường đón nhận số liệu tích cực từ báo cáo Giao hàng Xuất khẩu (Export Inspection). Giá ngô vẫn chưa thoát khỏi xu hướng giằng co đi ngang do tâm lý chờ đợi của thị trường trước thềm báo cáo WASDE tháng 9 được công bố vào hôm nay.
- Hoạt động xuất khẩu của Mỹ cho thấy dấu hiệu khả quan đã thúc đẩy lực mua đối với ngô và giúp giá lấy lại sắc xanh trong phiên hôm qua. Mỹ đã giao được 623,862 tấn ngô trong tuần kết thúc vào ngày 7/9, cao hơn so với mức 482,789 tấn của tuần trước đó và mức 474,488 tấn của cùng kỳ năm ngoái. Con số trên chưa thể phản ánh quá nhiều về tốc độ xuất khẩu ngô thực tế của Mỹ trong niên vụ mới, nhưng sự cải thiện đáng kể về hoạt động giao hàng trong tuần đầu tiên của niên vụ mới cũng đã hỗ trợ ngắn hạn giá mặt hàng này trong phiên hôm qua.
- Hoạt động thu hoạch ngô vụ 2 ở Nam Mỹ đang diễn ra tích cực là yếu tố góp phần hạn chế đà tăng của ngô trong phiên vừa rồi. Tiến độ thu hoạch ngô vụ 2 tại khu vực trung nam Brazil đạt 93% kế hoạch tính tới ngày 7/9, tăng 5% so với một tuần trước đó.
Lúa mì
- Lúa mì hợp đồng kỳ hạn tháng 12 đóng cửa phiên trong sắc đỏ với mức giảm hơn 1,8%, phiên giảm giá thứ 3 liên tiếp. Thị trường lúa mì vẫn chịu tác động từ những thông tin xoay quanh tình hình chiến sự ở biển Đen.
- Dù hội nghị thường niên G20 tại New Delhi đã kết thúc mà không có quá nhiều kết quả đạt được, nhưng tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan sau đó đã kêu gọi các nước phương Tây thực hiện các cam kết của mình với Nga nhằm nối lại thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen. Ông Erdogan cho biết sẽ thảo luận lại một lần nữa việc khôi phục thỏa thuận ngũ cốc với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đây cũng sẽ là vấn đề được đưa ra trong chương trình nghị sự hàng đầu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào cuối tháng 09. Những động thái trên tiếp tục cho thấy triển vọng thỏa thuận được khôi phục trở lại, từ đó tác động “bearish” đến giá trong phiên hôm qua.
Đậu tương
- Đậu tương tăng gần 0,5%. Sau khi nhận được lực mua nhẹ khi mở cửa, giá diễn biến giằng co trong phần còn lại của phiên do tâm lý thận trọng của thị trường trước thềm báo cáo WASDE tháng 09.
- USDA cho biết giao hàng đậu tương trong tuần kết thúc vào ngày 07/09 ở mức 310.073 tấn, thấp hơn mức 406.934 tấn trong tuần trước và mức 341.713 tấn cùng kì năm ngoái.Đây mới là tuần đầu tiên của niên vụ 2023/24, nên các số liệu sẽ không hưởng quá nhiều đến với diễn biến giá.
- Hoạt động trồng đậu tương đã bắt đầu diễn ra ở một số khu vực biệt lập ở các bang Parana và Mato Grosso của Brazil. Những dữ liệu về hoạt động gieo sạ đậu tương sẽ được AgRural công bố trong 1-2 tuần tới. Dự báo rằng diện tích trồng đậu tương năm nay ở Brazil sẽ tăng 3% so với năm ngoái lên 45,4 triệu héc-ta, với tổng sản lượng dự kiến đạt kỷ lục 164 triệu tấn. Điều này cho thấy triển vọng tích cực về nguồn cung năm nay tại quốc gia sản xuất và xuất khẩu hàng đầu thế giới.
- Khô đậu tương tăng mạnh gần 1%, duy trì đà tăng ổn định từ khi mở cửa. Mỹ đã bán đơn hàng 185.000 tấn khô đậu tương niên vụ 2023/24 cho Philippines. Đây là đơn hàng bất ngờ, cho thấy triển vọng nhu cầu tốt đối với khô đậu Mỹ, góp phần thúc đẩy lực mua.
- Giá dầu đậu tương không thay đổi so với mức tham chiếu. Sau khi giảm về hỗ trợ tâm lý 60.0, lực bắt đáy tại vùng này đã giúp dầu đậu tăng trở lại trong phiên tối. Hội đồng Dầu cọ Malaysia (MPOB) cho biết, tồn kho dầu cọ cuối tháng 08 của Malaysia đã tăng 22,5% so với tháng trước lên mức cao nhất trong vòng 7 tháng là 2,12 triệu tấn. Số liệu trên tăng cao hơn so với mức 1,89 triệu tấn dự đoán, do xuất khẩu dầu cọ của Malaysia giảm mạnh. Tháng vừa rồi, Malaysia đã xuất khẩu 1,22 triệu tấn dầu cọ, giảm 9,78% so với tháng trước, thấp hơn mức 1,33 triệu tấn dự đoán.
NĂNG LƯỢNG
Dầu thô
- Giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ giảm nhẹ 0,3% xuống mức 87,29 USD/thùng trong bối cảnh lo ngại báo cáo EIA tuần này sẽ chứng kiển lượng tồn kho dầu thô của
Mỹ tăng hàng tuần đầu tiên trong 5 tuần qua trong bối cảnh tiềm năng nhập khẩu mạnh hơn, xuất khẩu yếu hơn và làm chậm lại hoạt động của nhà máy lọc dầu. - Bất chấp sự sụt giảm của giá dầu thô, hợp đồng tương lai xăng RBOB và nhiên liệu diesel ULSD đều kết thúc ở mức cao hơn do lo ngại dai dảng về tình trạng thiếu nhiên liệu trong mùa đông.
- Hợp đồng tháng trước của Diesel kết thúc tăng 1,9% ở mức 3,3622 USD/gallon, giá đóng cửa cao nhất kể từ ngày 26/01.
- Dầu thô Brent hầu như không thay đồi ở mức gần 90,70 USD/thùng.
Khí tự nhiên
- Giá khí đốt tự nhiên kết thúc một phiên ít thay đổi, tăng nhẹ 0,1% ở mức 2,608 USD/mmBtu. Thị trường đã chứng kiến nhiều nhà đầu tư đứng ngoài cuộc khi mùa thu thời tiết ôn hòa bắt đầu diễn ra.
- Những nơi như phía bắc Texas đang chứng kiến nhiệt độ mát hơn nhiều so với những tuần trước, điều này gây áp lực giảm giá. Nhưng đây là một mùa hè nóng nực đối với Texas nên những dự báo ngắn hạn đó có thể khiến nhu cầu hạ nhiệt kéo dài thêm vài tuần nữa.
KIM LOẠI
Kim loại quý
- Bạc tăng 0,9% lên 23,38 USD/ounce. Bạch kim lấy lại mốc 900 USD/ounce sau khi tăng 0,84%, chốt phiên tại mức 902,3 USD/ounce. Giá vàng phục hồi 0,2% lên 1.921,66 USD/ounce.
- Sự suy yếu của đồng USD đã hỗ trợ dòng tiền quay trở lại thị trường kim loại quý trong phiên hôm qua.
- Cuối tuần trước, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, Kazuo Ueda, cho biết Nhật Bản có thể chấm dứt kỷ nguyên lãi suất âm khi đạt được mục tiêu lạm phát 2% một cách bền vững. Điều này đã khiến cho đồng yên Nhật tăng lên mức cao nhất trong 1 tuần. Đồng Euro tăng do lo ngại Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp lãi suất ngày 14/9. Đồng bảng Anh phục hồi từ mức thấp nhất trong 3 tháng sau khi quan chức của Ngân hàng Trung ương Anh (BOE), Catherin Mann, cho biết còn quá sớm để BOE ngừng tăng lãi suất.
- Việc đồng yên Nhật, bảng Anh và Euro đồng loạt mạnh lên đã khiến đồng USD suy yếu, với chỉ số Dollar Index giảm 0,5% xuống 104,57 điểm, chấm dứt chuỗi tăng 4 phiên liên tiếp. Đồng USD suy yếu khiến cho chi phí đầu tư và kinh doanh trở nên bớt đắt đỏ hơn, hỗ trợ cho giá bạc và bạch kim.
Kim loại cơ bản
- Các mặt hàng đều được hỗ trợ bởi loạt tin tức cho thấy dấu hiệu lạc quan hơn về triển vọng nền kinh tế Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ kim loại hàng đầu. Chốt phiên, đồng COMEX tăng 2,44% lên 3,80 USD/pound, đứt chuỗi giảm 4 phiên liên tiếp.
- Cuối tuần trước, Trung Quốc công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 của Trung Quốc tăng 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái, trái ngược với mức giảm 0,3% đạt được vào tháng 7. Lạm phát giá tiêu dùng tại Trung Quốc đã tăng trở lại trong sau khi giảm lần đầu tiên sau hơn hai năm vào tháng 7, cho thấy nhu cầu có sự cải thiện. Giảm phát giá sản xuất (PPI) đã thu hẹp đà giảm xuống -3% trong tháng 8 từ mức -4,4% trong tháng 7.
- Sau khi nhu cầu tín dụng của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong 14 năm vào tháng trước, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho biết các khoản vay đã tăng trở lại trong tháng 8 với tổng tài trợ xã hội tăng gần 6 lần so vơi tháng 7 và số khoản vay mới tăng gần 4 lần. Nhu cầu tín dụng phục hồi cho thấy dấu hiệu tích cực hơn về nhu cầu trong nước và tăng trưởng kinh tế.
- Tin tức này làm tăng kỳ vọng về sự phát triển ổn định hơn của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và củng cố nhu cầu tiêu thụ kim loại cơ bản, nguyên liệu đầu vào quan trọng trong hoạt động sản xuất.
Bấm để đánh giá bài viết này!
[Total: 0 Trung bình: 0]
Bài viết liên quan