Bản tin tổng hợp ngày 13/01/2023.
NGÔ, ĐẬU TƯƠNG TĂNG SAU KHI USDA CẮT GIẢM DỰ BÁO SẢN LƯỢNG THU HOẠCH
Ngô và đậu tương CBOT tăng mạnh vào thứ Năm sau khi Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) bất ngờ cắt giảm ước tính thu hoạch năm 2022 cho cả hai loại cây trồng, điều này có nghĩa là nguồn cung ít hơn dự kiến.
Lúa mì CBOT tăng nhờ đà tăng giá từ ngô và đậu tương. Các thương nhân đã bỏ qua ước tính diện tích lúa mì vụ đông lớn hơn dự đoán của USDA, sau khi hạn hán ở khu vực Đồng bằng Hoa Kỳ đã hạn chế sản xuất.
USDA cũng ước tính trữ lượng ngô, đậu tương và lúa mì hàng quý của Mỹ dưới mức ước tính trong báo cáo vụ mùa tháng 1 và cắt giảm triển vọng sản xuất ngô và đậu tươngở Argentina do hạn hán.
Các dự báo trùng hợp với những lo ngại về việc thắt chặt nguồn cung ngũ cốc toàn cầu và giá lương thực tăng cao.
Điểm tin chính
- Ngô CBOT giao tháng Ba tăng 15 cent lên 6,71 USD/giạ, mức tăng mạnh nhất trong 4 tháng.
- Đậu tương CBOT giao tháng Ba tăng 25-1/2 cent lên 15,18-1/2 USD/giạ.
- Lúa mì CBOT giao tháng Ba tăng 2-3/4 cent lên 7,42-3/4 USD/giạ.
Terry Reilly, nhà phân tích hàng hóa cấp cao của Futures International, cho biết: “Điều ngạc nhiên lớn nhất là sự điều chỉnh giảm trong sản lượng cây trồng của Mỹ, đặc biệt là ngô và đậu tương”.
Thời tiết mùa màng xấu ở Argentina đã hỗ trợ đà tăng cho ngô và đậu tương, bù đắp áp lực từ vụ mùa bội thu dự kiến ở nước láng giềng Brazil.
Sàn giao dịch ngũ cốc Rosario của Argentina hôm thứ Tư đã cắt giảm mạnh dự báo thu hoạch đậu tương niên vụ 2022/23 xuống còn 37 triệu tấn so với dự báo trước đó là 49 triệu tấn, do nước này phải đối mặt với đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 60 năm.
Sàn giao dịch cũng cắt giảm ước tính thu hoạch ngô niên vụ 2022/23 xuống còn khoảng 45 triệu tấn, từ mức 55 triệu trước đó.
Cơ quan thống kê Brazil CONAB hôm thứ Năm đã cắt giảm dự báo về vụ mùa đậu tương 2022/23, nhưng vẫn chốt ở mức kỷ lục 152,7 triệu tấn.
(Nguồn: Reuters)
Quý nhà đầu tư tham khảo phân tích kỹ thuật của thị trường tại: PHÂN TÍCH KỸ THUẬT NGÀY 13/01/2023.
LẠM PHÁT HẠ NHIỆT VÀ SỰ SUY YẾU CỦA ĐỒNG USD THÚC ĐẨY ĐÀ TĂNG CỦA THỊ TRƯỜNG DẦU
Sắc xanh tiếp tục được duy trì trên thị trường dầu nhờ các số liệu lạm phát tích cực của Mỹ và triển vọng tiêu thụ của Trung Quốc. Kết thúc phiên 12/01, giá dầu WTI tăng 1,27% lên 78,39 USD/thùng, và giá dầu thô Brent tăng 1,39% lên 83,82 USD/thùng.
Trong phiên sáng, giá dầu chịu sức ép nhẹ khi mà các số liệu lạm phát của Trung Quốc làm gia tăng lo ngại về nguy cơ giảm phát của nền kinh tế thứ hai thế giới. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) không đổi so với tháng 11 và tăng 1,8% so với năm ngoái, trong khi chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm 0,7% so với một năm trước.
Tuy nhiên, giá không giảm nhiều khi mà các nhà đầu tư kỳ vọng áp lực lạm phát thấp sẽ khiến Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) có nhiều cơ hội hơn để cắt giảm lãi suất và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ngân hàng Goldman Sachs dự báo giá dầu có thể chạm mốc 110 USD. khi các kinh tế tại châu Âu dẫn đầu bởi Trung Quốc mở cửa lại hoàn toàn. Ngân hàng Morgan Stanley cũng dự báo thị trường dầu mỏ trở nên cân bằng trong quý II và sẽ thắt chặt trong quý III và quý IV năm 2023, khi nhu cầu phục hồi, nhưng tốc độ gia tăng nguồn cung không theo kịp với các rủi ro từ Nga và việc hoạt động khai thác dầu đá phiên của Mỹ chậm lại.
Đà tăng của giá dầu thực sự rõ ràng hơn trong phiên tối, khi thị trường đón nhận số liệu lạm phát đầy tích cực của Mỹ. Chỉ số CPI giảm nhẹ 0,1% so với tháng 11 và mức tăng trưởng theo năm dù vẫn là 6,5% nhưng đã hạ nhiệt so với tháng trước. Chỉ số CPI lõi (ngoại trừ giá năng lượng và thực phẩm) dù tăng nhưng cũng không cao hơn so với dự báo. CPI lõi tăng 0,34 trong tháng 12 và cao hơn 5,7% so với cùng kỳ năm trước.
Lạm phát hạ nhiệt cũng có thêm kỳ vọng của các nhà đầu tư về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ làm chậm tốc độ tăng lãi suất. Xác suất cho kịch bản Fed tăng 25 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 1 đã tăng từ 77% lên 94,7%, hoàn toàn đảo so với kịch bản tăng 50 điểm cơ bản.
Chỉ số Dollar Index giảm mạnh về 102,25 điểm, mức thấp nhất mới kể từ tháng 06/2022. Sự suy yếu của đồng USD đã làm gia tăng sức mua trên thị trường dầu khi chi phí năm giữ và đầu tư dầu giảm đi. Bên cạnh đó, việc Fed không mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ làm giảm nguy cơ suy thoái kinh tế và gia tăng nhu cầu tiêu thụ với dầu thô.
Bên cạnh đó, độ rủi ro trên thị trường dầu cũng giảm bớt khi hoạt động giao dịch và thanh khoản được cải thiện hơn trong thời gian gần đây. Theo Bloomberg, số lượng hợp đồng mở đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2022.
Về phía nguồn cung, mới đây Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật cấm xuất khẩu dầu từ kho dự trữ chiến lược (SPR) sang Trung Quốc. Dữ luật vẫn cần được Thượng viện thông qua, tuy nhiên đây cũng là tin tức các nhà đầu tư cần chú ý.
(Nguồn: MXV)
Quý nhà đầu tư tham khảo phân tích kỹ thuật của thị trường tại: PHÂN TÍCH KỸ THUẬT NGÀY 13/01/2023.
NHÓM KIM LOẠI ĐỒNG LOẠT ĐÓN NHẬN LỰC MUA TÍCH CỰC SAU TÂM ĐIỂM VỀ MỨC LẠM PHÁT HẠ NHIỆT TẠI MỸ
Thị trường kim loại trong phiên giao dịch ngày 12/01 ghi nhận những phản ứng đáng chú ý với tâm điểm dữ liệu lạm phát của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới: Mỹ và Trung Quốc. Sắc xanh có xu hướng áp đảo hơn. Đối với nhóm kim loại quý, kết phiên, giá vàng tăng 1,09% lên 1896,86 USD/ounce. Bạc phục hồi với mức tăng 2,23% lên 24 USD/ounce, Bạch kim tăng nhẹ 0,07% lên 1074,6 USD/ounce.
Các nhà đầu tư đồng loạt hướng về bức tranh lạm phát của Mỹ trong tháng 12. Chỉ số giá tiêu dùng CPI đã giảm 0,1% trong tháng trước, mức giảm lần đầu tiên kể từ tháng 05/2020. Điều này giúp cho CPI với tham chiếu cùng kỳ năm ngoài tăng chậm lại ở mức 6,5% so với mức tăng 7,1% vào hồi tháng 11. Con số này là mức tăng nhỏ nhất kể từ tháng 10/2021, và đúng như dự đoán của thị trường. Điều này đang làm gia tăng kỳ vọng Cục Dự trữ sẽ tăng lãi suất chậm lại trong tương lai. Công cụ theo dõi lãi suất Fed Watch của CME cho thấy có tới 95% ý kiến cho rằng Fed sẽ tăng 25 điểm cơ bản trong cuộc họp dầu tháng 2, tăng mạnh từ con số 76% trước thời điểm công bố dữ liệu. Đồng Dollar Mỹ suy yếu kéo chỉ số Dollar Index giảm mạnh 0,91% xuống 102.25 điểm, hỗ trợ cho giá vàng, bạc và bạch kim tăng lên trong phiên do chi phí nằm giữ vật chất bớt đắt đỏ hơn.
Mặc dù vậy, dữ liệu riêng về thị trường lao động cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần là 205.000, thấp hơn kỳ vọng là 215.000. Nhiều nhà đầu tư vẫn đang tìm kiếm các dấu hiệu suy yếu trên thị trường lao động như một tín hiệu lạm phát chậm lại. Đồng Dollar Mỹ có một nhịp phục hồi và gây áp lực tới giá kim loại quý, nhưng nhanh chóng quay trở lại đà giảm, tiếp tục hỗ trợ giá bạc và bạch kim.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, đà tăng của đồng COMEX có dấu hiệu chậm lại hơn so với các phiên tăng mạnh liên tiếp trước đó. Kết phiến, giá đồng COMEX tăng 0,73% lên 4,19 USD/pound, tiếp tục tạo đỉnh mới trong 6 tháng qua. Trong phiên sáng, giá gặp áp lực bán mạnh sau dữ liệu lạm phát của Trung Quốc cho thấy sức sản xuất vẫn còn yếu. Cụ thể, dữ liệu từ Cục Thống kê Trung Quốc cho thấy chỉ số giá sản xuất đã giảm 0,7% trong tháng 12 so với một năm trước đó sau khi giảm 1,3% trong tháng trước. Các đơn đặt hàng mới trong tháng 12/2022 đều giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/2022, thời điểm mà Thượng Hải tiến hành phong tỏa toàn thành phố. Điều này phản ánh những thiệt hại nhất định về nhu cầu công nghiệp trong tháng 12 do ảnh hưởng từ dịch bệnh bùng phát sau khi quốc gia này tiến hành mở cửa. Giá đồng chỉ thực sự phục hồi mạnh mẽ trong phiên tối sau dữ liệu lạm phát hạ nhiệt đúng như kỳ vọng của Mỹ.
Sáng nay, Trung Quốc sẽ báo cáo dữ liệu thương mại quốc tế, liên quan tới hoạt động xuất nhập khẩu, cũng sẽ là một thước đo sức khoẻ của nền sản xuất hàng đầu thế giới. Giá kim loại sẽ có những biến động mạnh.
(Nguồn: MXV)
Quý nhà đầu tư tham khảo phân tích kỹ thuật của thị trường tại: PHÂN TÍCH KỸ THUẬT NGÀY 13/01/2023.
Bài viết liên quan