NÔNG SẢN
Ngô
- Ngô tháng 12 đóng cửa với mức giảm gần 2%, mức giá thấp nhất trong gần 1 tháng qua. Dù mở cửa trong sắc xanh nhưng giá quay đầu giảm sâu do báo cáo Cung – cầu tháng 9.
- Báo cáo Tiến độ Mùa vụ (Crop Progress) sáng qua: chất lượng ngô giảm 1% còn 52% diện tích đạt tốt – tuyệt vời trong tuần kết thúc vào ngày 10/9, nằm trong dự đoán, giá ngô chỉ được hỗ trợ nhẹ đầu phiên.
- Báo cáo WASDE tối qua: triển vọng nguồn cung tại Mỹ mở rộng hơn đã đè nặng lên giá. Năng suất ngô niên vụ 23/24 của Mỹ điều chỉnh giảm xuống còn 173,8 giạ/mẫu, sát với dự đoán. Sản lượng dự báo tăng 23 triệu giạ lên mức 15,134 triệu giạ, vượt ngoài dự đoán nhờ diện tích tăng. Dù có sụt giảm về năng suất, nhưng nhờ diện tích được điều chỉnh cao hơn mức cao nhất dự đoán, sản lượng niên vụ 23/24 được mở rộng đã khiến giá ngô đảo chiều và sụt giảm trong phiên hôm qua.
Lúa mì
- Mở cửa suy yếu khi nối dài đà giảm của 3 phiên trước đó nhưng lại kết phiên trong sắc xanh nhờ lực hỗ trợ từ báo cáo Cung – cầu tháng 9
- Sản lượng lúa mì thế giới giảm 7,2 triệu tấn với mức giảm chủ yếu đến từ EU, Úc, Canada và Argentina. Nhu cầu tiêu thụ thế giới gần như không thay đổi đã khiến cho mức tồn kho thế giới cuối niên vụ giảm 7 triệu tấn xuống mức thấp nhất kể từ niên vụ 15/16. Dù sản lượng từ Ukraine ghi nhận tăng lên nhưng không đủ bù đắp mức giảm mạnh của các quốc gia sản xuất lớn khác.
- Tình hình xuất khẩu ở Biển Đen còn tiềm ẩn nhiều rủi ro thì lo ngại về nguồn cung lúa mì toàn cầu thắt chặt hơn đã tác động “bullish” mạnh mẽ đến giá và khiến giá bật tăng trở lại trong phiên hôm qua.
Đậu tương
- Đậu tương tháng 12 giảm hơn 1,5%, kết thúc chuỗi 2 phiên liên tiếp tăng giá. Tình hình vụ mùa của Mỹ không quá lo ngại, báo cáo Cung – cầu Nông sản Thế giới tháng 09 là yếu tố khiến giá chịu sức ép.
- Trong tuần kết thúc vào ngày 10/09, tỷ lệ đậu tương đạt chất lượng tốt và tuyệt vời chỉ giảm nhẹ xuống còn 52% diện tích, từ mức 53% tuần trước đó và thấp hơn mức 56% cùng kì năm ngoái, vẫn cao hơn dự đoán, cho thấy vụ mùa thiệt hại không quá nặng như kì vọng.
- Báo cáo WASDE: USDA cắt giảm dự báo năng suất – sản lượng đậu tương niên vụ 23/24 của Mỹ đúng như những gì mà thị trường đã dự đoán. Với việc thời tiết khô hạn thời gian gần đây, sản lượng đậu tương năm nay của Mỹ dự kiến đạt 4,146 tỷ giạ, đều thấp hơn so với mức 4,205 tỷ giạ trong báo cáo tháng trước. Xuất khẩu đậu tương của Mỹ đã bị cắt giảm xuống chỉ còn 1,79 tỷ giạ, giảm 350 triệu giạ so với báo cáo trước, nhiều khả năng do áp lực cạnh tranh từ nguồn cung dồi dào của Brazil. Tồn kho cuối đậu tương cuối niên vụ 2023/24 mặc dù bị hạ 25 triệu giạ so với báo cáo tháng trước, tuy nhiên vẫn cao hơn dự đoán. Đây là yếu tố chính khiến phe bán áp đảo trong ngày hôm qua.
- Giá dầu đậu giảm gần 1% do ảnh hưởng của diễn biến đậu tương và dầu cọ. Sở giao dịch hàng hóa Rosario (BCR) cho biết, doanh số bán đậu tương ở Argentina đạt gần một triệu tấn trong vòng 7 ngày qua do nông dân đã tận dụng chính sách tăng giá đậu tương nội địa của chính phủ nước này. Con số trên cao hơn nhiều so với mức gần 240.000 tấn đậu tương được bán trong tuần cuối cùng của tháng 8. Với vị thế là quốc gia xuất khẩu dầu đậu và khô đậu hàng đầu thế giới, việc nông dân Argentina tăng cường bán hàng sẽ giúp các nhà máy có nguyên liệu để đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu, từ đó nới lỏng nguồn cung và tạo áp lực lên giá dầu đậu, khô đậu.
NĂNG LƯỢNG
- Kết phiên 12/09, 4 trong 5 mặt hàng đóng cửa trong sắc xanh.
- Khí tự nhiên tăng hơn 5% khi sản lượng trung bình 48 bang của Mỹ trong ngày hôm qua đang trên đà giảm 2,9 tỷ feet khối, xuống mức thấp trong 12 tuần là 99,8 tỷ feet khối. Dù là dữ liệu sơ bộ và có thể sẽ có các điều chỉnh, nhưng đây ước tính là mức giảm trong ngày lớn nhất kể từ tháng 12/2022.
- Dầu tăng lên mức cao nhất trong vòng gần 10 tháng qua sau báo cáo của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Quản lý Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) trong tháng 9 ước tính thị trường dầu tiếp tục thâm hụt trong nửa cuối năm nay. Giá dầu WTI tăng 1,78% lên 88,84 USD/thùng. Dầu Brent chốt phiên trên mốc 92 USD/thùng, sau khi tăng 1,57%.
- Tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới năm 2023 được OPEC giữ nguyên, nhu cầu toàn cầu dự báo đạt trung bình 102,06 triệu thùng/ngày. OPEC kỳ vọng các nước không thuộc OECD sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng (Trung Quốc, Ấn Độ)
- Tiêu thụ dầu thô toàn cầu trong 3 quý đầu năm được điều chỉnh tăng nhẹ 80.000 – 90.000 thùng/ngày mỗi quý, trong khi nhu cầu quý cuối năm được điều chỉnh giảm 40.000 thùng/ngày.
- Sản lượng của nhóm trong tháng 8 tăng 113.000 thùng/ngày so với tháng 7, thấp hơn 1/2 so với các cuộc khảo sát đến từ Reuters, Bloomberg, S&P Global, phản ánh sự gia tăng sản lượng từ một số quốc gia trong nhóm chưa đủ bù đắp thiếu hụt từ sự cắt giảm mạnh mẽ của Saudi Arabia.
- Quan điểm của OPEC cho thấy thị trường sẽ ở trạng thái thâm hụt trong 2 quý cuối năm. OPEC cần phải bơm 29,23 triệu thùng/ngày trong quý III để có thể cân bằng thị trường, cao hơn sản lượng của nhóm hiện tại ~ 1,78 triệu thùng/ngày, con số này trong quý IV là 30,71 triệu thùng/ngày, ~ mức thâm hụt 3 triệu thùng/ngày. Điều này đã thúc đẩy giá dầu bứt phá sau vài phiên đi ngang tích luỹ trước đó.
KIM LOẠI
Kim loại quý
- Bạc và giá bạch kim tăng 2 phiên liên tiếp, bạch kim tăng 1,16% lên 912,8 USD/ounce, bạc chỉ nhích nhẹ 0,08%, chốt phiên tại mức 23,4 USD/ounce. Giá vàng giảm xuống 1.913,26 USD/ounce sau khi giảm 0,44%. Dù vẫn phải chịu sức ép từ sự phục hồi của đồng USD làm tăng chi phí đầu tư, giá bạc ghi nhận diễn biến giằng co trong phiên hôm qua do giới đầu tư tỏ ra thận trọng hơn trước thềm Mỹ công bố báo cáo lạm phát.
- Chỉ số Dollar Index đã phục hồi 0,14% lên 104,71 điểm nhờ được hỗ trợ bởi sự suy yếu của đồng bảng Anh. Số việc làm tại Anh đã giảm 207.000 trong 3 tháng tính đến tháng 7, giảm mạnh hơn so với dự báo giảm 185.000 và là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 10/2020. Điều này cho thấy sự yếu kém trên thị trường lao động của Anh và khiến đồng bảng Anh lao dốc, hỗ trợ đồng USD phục hồi trở lại.
- Bạch kim tăng mạnh do một số lo ngại về nguồn cung. Ngày 12/9, công ty điện lực Eskom của Nam Phi, quốc gia khai thác bạch kim lớn nhất thế giới, thông báo họ sẽ tăng cường cắt điện, dấy lên lo ngại việc khai thác tại Nam Phi có thể bị gián đoạn và làm giảm sản lượng bạch kim.
- Đầu tháng 9, báo cáo của Hội đồng đầu tư bạch kim (WPIC) cho biết thị trường bạch kim toàn cầu dự kiến thiếu hụt ~ 1 triệu ounce trong năm nay, do nhu cầu tăng cao trong khi nguồn cung không thay đổi. Con số tăng 2,2% so với mức thâm hụt 983,000 ounce trong báo cáo trước.
Kim loại cơ bản
- Giá đồng COMEX quay đầu giảm xuống 3,79 USD/pound, sau khi giảm 0,39%.
- Sự phục hồi của đồng USD đã làm gia tăng áp lực bán đối với đồng.
- Tồn kho đồng tăng cao đã hạn chế lực mua, tồn kho đồng trên Sở LME đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2022, với 135.650 tấn.
- Áp lực chốt lời sau phiên tăng mạnh cũng là yếu tố khiến giá đồng giảm.
Bấm để đánh giá bài viết này!
[Total: 0 Trung bình: 0]
Bài viết liên quan