NÔNG SẢN
Ngô
- Kết phiên ngày 13/09, giá ngô quay trở lại hồi phục sau phiên sụt giảm sâu trước đó, đóng cửa với mức tăng hơn 1%.
- Ảm đảm với đà suy yếu nhẹ trong phiên sáng và nhanh chóng khởi sắc trong phiên tối nhờ những tín hiệu tích cực trong tiêu thụ nội địa tại Mỹ.
- Báo cáo Dầu thô hàng tuần của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho ethanol của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 8/9 đạt 21,17 triệu thùng, giảm 450.000 thùng so với một tuần trước đó. Sản lượng ethanol đạt 1,04 triệu thùng/ngày, tăng so với mức 1,01 triệu thùng/ngày của tuần trước đó. Báo cáo của EIA phản ánh nhu cầu ethanol tại Mỹ vẫn ổn định ở mức cao trên 1 triệu thùng trong 3 tháng gần đây và điều này đã tác động “bullish” lên giá ngô.
Lúa mì
- Lúa mì đóng cửa phiên trong sắc xanh với mức tăng hơn 1% truotrước thông tin kém khả quan về triển vọng nguồn cung toàn cầu.
- FranceAgriMer cho biết trọng lượng thử nghiệm trong lúa mì mềm năm nay tại Pháp thấp hơn so với dữ liệu sơ bộ được công bố vào tháng trước do thời tiết ẩm ướt vào cuối tháng 7 đã ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cây trồng tại miền bắc nước Pháp, nhà sản xuất ngũ cốc lớn nhất của EU. Lo ngại về nguồn cung từ Pháp đã thúc đẩy giá lúa mì tăng trong phiên tối.
- Hoạt động xuất khẩu của Ukraine liên tục đón nhận tin xấu hỗ trợ giá. Hungary đồng ý với Romania, Slovakia và Bulgaria rằng bốn nước này sẽ áp đặt lệnh cấm nhập khẩu đối với ngũ cốc Ukraine để bảo vệ thị trường nội địa nếu EU không gia hạn lệnh cấm dự kiến sẽ hết hạn vào 15/9.
- Keiv cho biết hơn 100 cơ sở cảng của họ đã bị hư hại do cuộc ném bom của Nga và hoạt động xuất khẩu ngũ cốc bị gián đoạn kể từ sau khi Moscow rút khỏi thỏa thuận. Xuất khẩu ngũ cốc trong 13 ngày đầu tháng 09 chỉ đạt 783.000 tấn, giảm mạnh so với mức 1,5 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái.
Đậu tương
- Sau giai đoạn suy yếu do ảnh hưởng bởi báo cáo Cung – cầu Nông sản Thế giới (WASDE) tháng 9, đậu tương đã hồi phục trở lại nhờ đà tăng mạnh của dầu đậu.
- Sở Kinh tế Nông thôn (Deral) cho biết, tiến độ trồng đậu tương niên vụ 2023/24 tại bang Parana – Brazil đạt 1% tổng diện tích dự kiến, cao hơn cùng kì năm ngoái khi vụ mùa chưa bắt đầu và ngang với trung bình lịch sử. Thời tiết thuận lợi cho việc trồng trọt, tuy nhiên, sẽ khó thấy sự nhảy vọt trong tháng 9. Trong 4 vụ thu hoạch vừa qua, bình quân tiến độ gieo trồng khi kết thúc tháng 9 ở mức 4%. Diện tích gieo trồng đậu tương tại bang Parana, thường là nơi sản xuất lớn thứ 2 của Brazil, ước tính sẽ ở mức 5,8 triệu héc-ta, so với mức 5,79 triệu héc-ta trong niên vụ trước.
- Dầu đậu tương đã tăng ~ 3% khi thị trường tiếp tục hấp thụ báo cáo WASDE. Sản lượng dầu đậu của Mỹ trong niên vụ mới được dự báo ở mức 26,91 tỷ pounds, thấp hơn mức 27,03 tỷ pounds trong báo cáo tháng 8, khiến tồn kho khô đậu giảm còn 1,82 tỷ pounds, từ mức 1,83 tỷ pound được đưa ra hồi tháng 08.
- Hungary đồng ý với Romania, Slovakia và Bulgaria rằng bốn nước này sẽ áp đặt lệnh cấm nhập khẩu đối với các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine để bảo vệ thị trường nội địa nếu EU không gia hạn lệnh cấm dự kiến sẽ hết hạn vào 15/9. Nguồn cung dầu thực vật toàn cầu sẽ tiếp tục thắt chặt hơn nữa tại khu vực biển Đen, dấy nên lo ngại của thị trường về sự thiếu hụt.
- Khô đậu tương chịu áp lực trái chiều từ việc dầu đậu tương tăng giá. Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu Ngũ cốc Brazil (ANEC) đã dự báo xuất khẩu khô đậu tương trong tháng 9 của nước này sẽ tăng lên mức 2,16 triệu tấn, từ mức 2,07 triệu tấn ước tính tuần trước. Đây cũng là yếu tố thúc đẩy lực bán đối với khô đậu CBOT do áp lực cạnh tranh từ nguồn cung Nam Mỹ.
NĂNG LƯỢNG
- Kết phiên 13/09, giá dầu giảm nhẹ do báo cáo hàng tuần của Cơ quan Quản lý Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tồn kho xăng dầu Mỹ tăng mạnh hơn dự báo trong tuần qua, phản ánh nhu cầu có dấu hiệu chững lại khi Mỹ đang ở cuối mùa tiêu thụ cao điểm, gây sức ép bán cho giá dầu.
- Dầu WTI giảm từ đỉnh 10 tháng, chốt phiên với mức giá 88,52 USD/thùng sau khi giảm 0,36%. Giá dầu Brent giảm 0,2% xuống 91,88 USD/thùng.
- Dự trữ dầu thô thương mại của Mỹ (không bao gồm dự trữ chiến lược) tăng mạnh 4 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 8/9, nâng tồn kho lên mức 420,6 triệu thùng. Tồn kho xăng và sản phẩm chưng cất tăng mạnh lần lượt 5,6 triệu thùng và 3,9 triệu thùng, cao hơn so với dự báo.
- Nhập khẩu dầu thô của Mỹ tăng, xuất khẩu chấm dứt đà tăng liên tiếp trước đó. Xuất khẩu dầu thô của Mỹ trong tuần trước giảm 1,842 triệu thùng/ngày xuống mức 3,09 triệu thùng/ngày, phản ánh sự suy giảm trong nhu cầu thế giới đối với dầu thô của Mỹ trong tuần qua, thúc đẩy lực bán nhẹ trên thị trường.
- 4 cảng dầu lớn ở Libya đã mở cửa trở lại sau khi đóng cửa vào cuối tuần qua do một cơn bão mạnh, cũng đã góp phần tạo sức ép tới giá dầu.
- Tăng trưởng nhu cầu dầu thô thế giới trong quý 4 đã được điều chỉnh giảm 600.000 thùng/ngày. EIA cũng hạ dự báo nhu cầu dầu thô trung bình năm 2023 là 400.000 thùng/ngày so với báo cáo tháng 8 trước đó, xuống còn 101,8 triệu thùng/ngày. Ước tính thị trường sẽ thâm hụt ~ 300.000 thùng/ngày trong năm nay, giảm so với ước tính thâm hụt 700.000 thùng/ngày báo cáo tháng 8 do nguồn cung từ Mỹ, Iran bù đắp cho dòng chảy hạn chế của Saudi Arabia. Thông tin này cũng đã góp phần hạn chế đà tăng của giá dầu.
KIM LOẠI
Kim loại quý
- Bạc giảm 0,94% xuống 23,18 USD/ounce, chấm dứt chuỗi tăng 2 phiên liên tiếp. Giá bạch kim đóng cửa tại mức 905,2 USD/ounce sau khi giảm 0,83%. Giá vàng giảm 0,36% chốt phiên tại 1.906,3 USD/ounce.
- Đồng USD duy trì đà tăng sau khi Mỹ công bố dữ liệu lạm phát trong phiên hôm qua, khiến giá bạc và bạch kim phải chịu sức ép do chi phí đầu tư trở nên đắt đỏ hơn.
- Lạm phát tại Mỹ đã tăng cao trong tháng 8 do giá xăng dầu và chi phí trú ẩn tăng cao. Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (CPI) tháng 8 tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn 0,1% so với dự báo và tăng nhanh hơn so với mức 3,2% trong tháng 7/2023.
- Chỉ số CPI lõi tháng 8 (loại bỏ biến động giá của năng lượng và thực phẩm) tăng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái, phù hợp với dự báo và hạ nhiệt từ mức 4,7% của tháng 7.
- CPI lõi đã có dấu hiệu hạ nhiệt đúng như dự báo, tuy nhiên, lạm phát tổng thể tăng mạnh trở lại làm dấy lên lo ngại Fed vẫn còn nhiều không gian để tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, khiến đồng USD tiếp tục tăng với chỉ số Dollar Index tăng lên 104,77 điểm.
Kim loại cơ bản
- Đồng COMEX gần như đi ngang khi chỉ nhích nhẹ 0,03% lên 3,79 USD/pound.
- Phiên sáng, giá đồng biến động khá giằng co khi các nhà đầu tư thận trọng chờ đợi báo cáo lạm phát của Mỹ. Những lo ngại xung quanh lĩnh vực bất động sản yếu kém của Trung Quốc tiếp tục gây áp lực lên triển vọng tiêu thụ đồng. Theo Bloomberg, nhu cầu mua nhà tại Trung Quốc đang giảm dần sau đợt hồi phục tích cực nhờ các biện pháp kích thích của Chính phủ.
- Giá phục hồi nhẹ trong phiên tối khi một số nhà đầu tư phản ứng tích cực với số liệu lạm phát của Mỹ. CPI lõi hạ nhiệt như dự báo, nhà đầu tư gần như chắc chắn Fed sẽ tạm ngừng tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 9.
Bấm để đánh giá bài viết này!
[Total: 0 Trung bình: 0]
Bài viết liên quan