NÔNG SẢN
- Khép lại phiên giao dịch ngày 13/12, các mặt hàng nông sản đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ. Lúa mì là mặt hàng dẫn dắt đà giảm của cả nhóm khi lao dốc hơn 3% trong phiên hôm qua. Những thay đổi trong chính sách kinh tế tại Argentina là yếu tố tác động chính đến thị trường nông sản bởi đây là nhà sản xuất đậu tương và các loại thành phẩm hàng đầu thế giới, đồng thời là nước xuất khẩu ngô lớn thứ 3 và nhà cung cấp lúa mì quan trọng trên toàn cầu.
- Tân tổng thống Javier Milier của Argentina mới đây đã công bố các biện pháp kinh tế đầu tiên của chính phủ mới, bao gồm việc phá giá hơn 50% đồng peso của nước này. Trong bối cảnh tỷ giá hối đoái chính thức của Argentina giảm mạnh, giá các mặt hàng nông sản xuất khẩu của quốc gia này sẽ trở nên rẻ hơn. Với vị thế là nhà cung cấp ngũ cốc quan trọng trên thế giới, chính sách mới của Argentina dự kiến sẽ gây sức ép cạnh tranh tới nguồn cung từ các nhà xuất khẩu lớn khác trên toàn cầu. Đây là yếu tố đã góp phần tác động “bearish” tới giá CBOT trong phiên hôm qua.
Ngô
- Giá lao dốc hơn 1% trước thông tin từ nguồn cung Nam Mỹ mở rộng. ANEC mới đây đã nâng dự báo đối với xuất khẩu ngô tháng 12 của nước này lên mức 7,14 triệu tấn, từ mức 6,86 triệu tấn ước tính trước đó
Lúa mì
- Đà giảm mạnh đã đẩy giá xuống dưới mốc hỗ trợ ngắn hạn 610. Bên cạnh chính sách mới tại Argentina, nguồn cung Mỹ đón nhận những tin tức khả quan cũng góp phần thúc đẩy lực bán đối với lúa mì. Refinitiv cho biết, thời tiết cuối năm tại Mỹ sẽ không gây ra nhiều rủi ro cho lúa mì vụ đông của nước này. Dự báo ngắn hạn cho thấy khí hậu ôn hòa sẽ tiếp tục kéo dài trên khắp các khu vực gieo trồng chính cho đến đầu tháng 1 năm sau và hỗ trợ cây trồng.
Nhóm họ đậu
- Đậu tương ghi nhận phiên lao dốc thứ 2 liên tiếp sau khi đóng cửa phiên hôm qua, với mức giảm lên tới 1,23%, tương đương 16,25 cent/giạ. Đà giảm của giá chỉ phần nào được thu hẹp vào cuối phiên khi USDA thông báo Mỹ đã bán được đơn hàng đậu tương mới với khối lượng 125.000 tấn cho một nước giấu tên.
- Giá khô đậu tương và giá dầu đậu tương cũng đồng loạt suy yếu trong phiên hôm qua, với mức giảm lần lượt là 1,97% và 1,17%.
NĂNG LƯỢNG
- Kết thúc ngày giao dịch 13/12, giá dầu phục hồi hơn 1% từ mức thấp nhất trong 5 tháng do tồn kho dầu Mỹ giảm mạnh. Ngoài ra, lực mua cũng được thúc đẩy mạnh mẽ sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giữ lãi suất ổn định và phát đi tín hiệu rằng chu kỳ thắt chặt tiền tệ đã kết thúc.
- Chốt phiên, giá dầu WTI tăng 1,25% lên 69,47 USD/thùng. Dầu Brent đóng cửa tại 74,26 USD/thùng, tăng 1,39% so với phiên trước.
- Theo báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho dầu thương mại của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 8/12 giảm 4,25 triệu thùng, giảm mạnh hơn nhiều so với dự báo giảm 700.000 thùng của giới phân tích và mức giảm 2,3 triệu thùng theo dữ liệu từ Viện Dầu khí Mỹ (API). Trong khi đó, tồn kho xăng cũng chỉ tăng nhẹ 409.000 thùng, thấp hơn nhiều so với dự báo tăng 1,9 triệu thùng và báo cáo tăng 5,8 triệu thùng của API. Đáng chú ý, tổng sản phẩm cung cấp, một thước đo về nhu cầu, bất ngờ tăng mạnh 1,46 triệu thùng lên 21,07 triệu thùng.
- Hơn nữa, sau cuộc họp kéo dài hai ngày 12 – 13/12, FED đã quyết định giữ lãi suất chính sách ổn định lần thứ tư liên tiếp ở mức 5,25% – 5,5%, đồng thời đưa ra các dự báo kinh tế mới cho thấy chu kỳ thắt chặt tiền tệ đã kết thúc và chi phí đi vay sẽ thấp hơn trong năm 2024. Cụ thể, 17 trong số 19 quan chức FED gần như nhất trí với dự báo rằng chi phí đi vay sẽ thấp hơn vào cuối năm 2024, với dự báo trung bình cho thấy lãi suất sẽ giảm 75 điểm cơ bản so với hiện tại. Áp lực lãi suất cao giảm bớt sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ, củng cố lực mua trên thị trường.
- Thêm vào yếu tố hỗ trợ giá, mới đây, trong báo cáo tháng 12, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm 2023 và 2024 lên 2,4% và 1%, từ mức 2,3% và 0,9%. Tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc trong 2023 được đánh giá lạc quan hơn với mức điều chỉnh tăng 20.000 thùng/ngày lên 1,16 triệu thùng/ngày. Hoạt động di chuyển mạnh mẽ và nhu cầu dầu đối với hoạt động lọc dầu cao là nguyên nhân chính khiến OPEC cho rằng mức tiêu thụ tại quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới sẽ quay trở về mức trước đại dịch, bất chấp nền kinh tế gặp nhiều khó khăn.
KIM LOẠI
Kim loại quý
- Bạc nối dài đà giảm sang phiên thứ tám liên tiếp, đóng cửa tại mức 22,92 USD/ounce sau khi giảm 0,41%. Giá bạch kim để mất 0,96%, dừng chân tại 922,1 USD/ounce.
- Tâm điểm thị trường phiên hôm qua hướng về tuyên bố lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Kết thúc cuộc họp kéo dài hai ngày 12 – 13/12, FED đã giữ lãi suất ổn định lần thứ tư liên tiếp ở mức 5,25% – 5,5%. Quan trọng hơn, các quan chức FED đưa ra tín hiệu chu kỳ thắt chặt tiền tệ của Mỹ đã kết thúc và chi phí vay sẽ giảm vào năm 2024.
- Có 17 trong số 19 quan chức FED dự đoán rằng lãi suất sẽ giảm vào cuối năm 2024, dự kiến giảm 75 điểm cơ bản so với mức 5,25% – 5,5% hiện tại. Trong đó, không có quan chức nào dự báo lãi suất sẽ tăng thêm nữa trong năm tới.
- Sau tuyên bố của FED, số ý kiến ủng hộ việc FED giảm lãi suất ngay trong tháng 3 năm sau đã tăng vọt lên gần 75%, tăng từ mức 42% trong ngày trước đó. Hơn nữa, xác suất FED giảm lãi suất trong tháng 5/2024 đã tăng lên 90%, so với 80% trước thông báo lãi suất của FED, theo FedWatch.
- Theo đó, đồng USD đã lao dốc mạnh ngay sau tuyên bố của FED. Điều này đã giúp hỗ trợ giá bạc và giá bạch kim, mặt hàng vốn nhạy cảm với lãi suất và biến động tiền tệ. Tuy nhiên, giá bạc và giá bạch kim vẫn kết phiên trong sắc đỏ do mức tăng về cuối phiên không bù đắp được mức giảm mạnh từ trước đó.
Kim loại cơ bản
- Đồng COMEX không thay đổi so với mức tham chiếu, giữ nguyên ở 3,78 USD/pound.
- Trong phiên sáng, giá đồng phải chịu sức ép do nhà đầu tư tỏ ra thất vọng khi Trung Quốc không ban hành các chính sách kích thích kinh tế quy mô lớn giống như kỳ vọng.
- Kết thúc Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương, các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc, trong đó có Chủ tịch Tập Cận Bình, chỉ kêu gọi tăng cường các biện pháp tài chính “chủ động” và chính sách tiền tệ “thận trọng”, tăng cường điều tiết vĩ mô.
- Tuy nhiên, giá đồng dần phục hồi và xóa bỏ mức giảm của phiên sáng, nhờ vào sự giảm giá của đồng USD.
- Quặng sắt để mất 1,84% về 133,61 USD/tấn. Giá quặng sắt vốn nhạy cảm với các kích thích kinh tế của Trung Quốc. Do vậy, việc các quan chức Trung Quốc không đưa ra bất kỳ biện pháp kích thích lớn nào đã khiến giá sắt giảm mạnh trong phiên hôm qua.
Bấm để đánh giá bài viết này!
[Total: 0 Trung bình: 0]
Bài viết liên quan