NÔNG SẢN
Ngô
- Kết thúc tuần giao dịch 8 – 14/1, hầu hết các mặt hàng nông sản đều suy yếu. Bên cạnh xuất khẩu Mỹ kém, số liệu trong báo cáo WASDE tháng 1 của USDA gây áp lực lớn lên giá ngũ cốc và hạt có dầu.
- Với mức giảm mạnh gần 3%, ngô duy trì đà suy yếu trong tuần thứ 5 liên tiếp.
- Báo cáo WASDE: USDA cho biết tồn kho ngô toàn cầu sẽ tăng lên mức 325,22 triệu tấn, từ mức 315,22 triệu tấn trước đó và trái ngược với dự đoán, phản ánh triển vọng nguồn cung ngô thế giới nới lỏng hơn đã gây áp lực mạnh đến giá.
- Nam Mỹ: USDA đã hạ dự báo sản lượng niên vụ 23/24 của Brazil đi 2 triệu tấn trong báo cáo tháng này. Mức cắt giảm nhẹ tay hơn so với kỳ vọng của thị trường cho thấy lo ngại mùa vụ tại Brazil không quá nghiêm trọng.
Lúa mì
- Giá dẫn dắt đà giảm của cả nhóm. Lúa mì đóng cửa tuần trước đã phá vỡ mốc hỗ trợ tâm lý 600.
- USDA đã điều chỉnh tăng tồn kho lúa mì thế cuối niên vụ 23/24 lên gần 2 triệu tấn, so với ước tính 258,2 triệu tấn hồi tháng 12. Mức điều chỉnh đi ngược với dự đoán cắt giảm đã tác động “bearish” tới giá.
- Báo cáo Export Sales: bán hàng lúa mì của Mỹ tuần trước đạt mức thấp nhất trong 5 tháng qua, phản ánh nhu cầu quốc tế đối với lúa mì tại Mỹ đã sụt giảm đáng kể, trong bối cảnh nguồn cung giá rẻ tại khu vực biển Đen liên tục được đẩy mạnh ra ngoài thị trường.
Nhóm họ đậu
- Dầu đậu tương là mặt hàng duy nhất tăng giá, nhờ hỗ trợ gián tiếp từ đà tăng của dầu thô và dầu cọ.
- Khối lượng bán hàng đậu tương của Mỹ đạt 280.398 tấn, thấp hơn khoảng dự đoán 325.000 – 950.000 tấn. Kết quả xuất khẩu tiêu cực góp phần gây áp lực lớn lên giá.
- Báo cáo WASDE, tồn kho cuối niên vụ 23/24 của Mỹ tăng lên mức 280 triệu giạ, vượt qua dự đoán của thị trường. Đây là kết quả của việc năng suất niên vụ 23/24 được nâng lên mức 50,6 giạ/mẫu và cao hơni khoảng dự đoán của thị trường, dẫn tới sản lượng tăng lên mức 4,165 tỷ giạ. Nguồn cung mở rộng tại Mỹ đã gây nhiều bất ngờ cho thị trường, và tác động “bearish” đến giá.
NĂNG LƯỢNG
Dầu thô
- Giá liên tục biến động tăng giảm xen kẽ trong tuần giao dịch 8/1 – 14/1 trước các thông tin trái chiều.
- Một mặt, sức nóng tại khu vực Biển Đỏ làm gia tăng lo ngại nguồn cung, đã hỗ trợ giá tăng. Mặt khác, nhu cầu hạn chế cũng đè nặng lên giá.
- Giá dầu WTI chốt tuần giảm 1,53% xuống 72,68 USD/thùng. Dầu Brent giảm 0,6% xuống 78,29 USD/thùng.
- Thứ Năm tuần trước, hải quân Iran đã bắt giữ một tàu chở dầu ở Vịnh Ô-man, nơi từng là trung tâm của cuộc khủng hoảng lớn giữa Tehran và Washington. Căng thẳng càng leo thang hơn nữa khi Mỹ và Anh đã tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu của Houthi ở Yemen. Đây là cuộc tấn công đầu tiên chống lại lực lượng này kể từ khi nhóm này bắt đầu nhắm mục tiêu vào việc vận chuyển quốc tế ở Yemen.
- Tổng số tàu chở dầu chở các sản phẩm dầu mỏ sạch, xăng, dầu diesel và nhiên liệu máy bay, qua eo biển Bab el-Mandeb ở cuối phía nam Biển Đỏ đã giảm 47% trong tuần tính đến ngày 7/1 so với khoảng một tháng trước đó. Sự gián đoạn vận chuyển đã hỗ trợ giá dầu trong tuần qua, với dầu WTI có thời điểm chạm mốc 75 USD/thùng.
- Nhu cầu tiêu thụ trên thế giới vẫn còn hạn chế đã lấn át phần lớn lo ngại nguồn cung, khiến giá dầu đóng cửa tuần trong sắc đỏ. Nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới Saudi Arabia tiếp tục giảm mạnh giá bán dầu Arab Light kỳ hạn tháng 2/2024 xuất khẩu sang châu Á. Điều đó đã kéo dầu thô đánh mất hơn 3% giá trị ngay từ phiên đầu tuần.
- Báo cáo của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA): tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất của quốc gia này ghi nhận mức tăng mạnh lần lượt là 8 triệu thùng và 6,5 triệu thùng, cao hơn nhiều so với dự báo. Trong đó, tồn kho nhiên liệu chưng cất bao gồm dầu diesel và dầu sưởi đã chạm mức cao nhất kể từ tháng 9/2021. Việc tồn kho sản phẩm dầu của Mỹ liên tục tăng mạnh trong những tuần gần đây phản ánh nhu cầu suy yếu tại quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.
- Mike Muller, người đứng đầu khu vực châu Á của tập đoàn thương mại khổng lồ Vitol Group dự đoán thị trường dầu sẽ tương đối cân bằng trong năm nay. Ông cho rằng tăng trưởng nhu cầu khó có thể theo kịp nguồn cung mới từ bên ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+), chẳng hạn như Mỹ, Guyana, Venezuela và Brazil.
Khí tự nhiên
- Giá tăng vọt trên 14% trong tuần qua khi sản lượng khí đốt tự nhiên sơ bộ của Mỹ giảm xuống mức thấp 11 tháng vào Chủ nhật do thời tiết lạnh giá đóng băng các giếng trên khắp đất nước, trong khi nhu cầu khí đốt để sưởi ấm và sản xuất điện đang trên đà đạt mức cao kỷ lục.
KIM LOẠI
Kim loại quý
- Bạc và bạch kim đều biến động khá mạnh khi thị trường đón nhận loạt dữ liệu kinh tế vĩ mô quan trọng. Bạch kim giảm 5,22% về 921,1 USD/ounce, đánh dấu tuần giảm giá thứ hai liên tiếp. Bạc phục hồi 0,06%, đóng cửa tuần tại mức 23,32 USD/ounce, chấm dứt chuỗi giảm hai tuần liên tiếp.
- Trong các phiên đầu tuần, giá kim loại quý liên tục gặp sức ép khi giới đầu tư giảm đặt cược vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sớm nới lỏng chính sách.
- Giá bạc và giá bạch kim đã lao dốc mạnh sau khi Mỹ công bố báo cáo lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2023 của Mỹ tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo và tăng tốc từ mức 3,1% của tháng 11. Chỉ số CPI lõi tăng 3,9% trong tháng 12/2023, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo. Điều này cho thấy áp lực lạm phát tại Mỹ vẫn còn dai dẳng và khiến kỳ vọng FED sớm nới lỏng ngày càng bị đẩy lùi. Đồng USD đã bật tăng ngay sau khi dữ liệu được công bố và gây áp lực bán mạnh lên thị trường kim loại quý.
- Phiên cuối tuần, căng thẳng tại Trung Đông leo thang và đồng USD suy yếu sau khi Mỹ công bố chỉ số giá sản xuất (PPI) đã giúp giá bạc và giá bạch kim phục hồi trong sắc xanh. Bạc bật tăng gần 3%, mức tăng này đã xóa bỏ hoàn toàn mức giảm của các phiên trước và giúp giá bạc đóng cửa tuần trong sắc xanh.
Kim loại cơ bản
- Đồng COMEX giảm 1,72% xuống 3,74 USD/pound, đánh dấu tuần giảm thứ ba liên tiếp. Sức ép vĩ mô và triển vọng tiêu thụ yếu kém tại Trung Quốc vẫn đang là yếu tố chính gây sức ép lên giá đồng. Dữ liệu hải quan cho thấy Trung Quốc đã nhập khẩu 459.337 tấn đồng trong tháng 12/2023, giảm 16,6% so với tháng 11 và giảm 10,6% so với cùng kỳ năm 2022
- Quặng sắt “bốc hơi” 4,37% về 134,18 USD/tấn, chấm dứt chuỗi tăng ba tuần liên tiếp. Bất chấp việc Trung Quốc phát đi tín hiệu tiếp tục nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế, giá quặng sắt vẫn giảm do triển vọng tiêu thụ kém. Trung Quốc đã nhập khẩu 100,86 triệu tấn quặng sắt trong tháng 12/2023, giảm 1,83% so với tháng 11, do nhiều nhà máy tiến hành bảo trì khi biên lợi nhuận thép giảm.
Bấm để đánh giá bài viết này!
[Total: 0 Trung bình: 0]
Bài viết liên quan