NÔNG SẢN
- Khép lại phiên giao dịch ngày 14/11, hầu hết các mặt hàng nông sản đều tăng giá, diễn biến trong phiên tương đối ảm đạm.
Ngô
- Triển vọng nhu cầu thúc đẩy lực mua và giúp giá duy trì sắc xanh trong phiên hôm qua. Báo cáo Daily Export Sales tối qua cho thấy Mỹ tiếp tục bán đơn hàng mới với khối lượng 101.745 tấn ngô cho Mexico, sau khi đã bán hơn 140.000 tấn vào ngày hôm trước.
- Tin tức Ukraine và Anh giảm phí bảo hiểm rủi ro chiến tranh đối với hàng hóa được xuất khẩu qua khu vực này, đã kìm hãm đà tăng của giá
Lúa mì
- Lúa mì đóng cửa trong sắc đỏ, trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu khu vực biển Đen đón nhận tin tức tích cực.
- Ukraine và Anh giảm phí bảo hiểm rủi ro chiến tranh đối với hàng hóa được xuất khẩu qua khu vực này. Ukraine đánh giá đây là yếu tố quan trọng giúp duy trì hoạt động của “hành lang nhân đạo” trên Biển Đen, trong bối cảnh xung đột giữa Kyiv và Moscow vẫn đang leo thang. Điều này sẽ phần nào giảm thiếu chi phí xuất khẩu của các tàu vận tải và thúc đẩy các lô hàng ngũ cốc của Ukraine gia tăng trong thời gian tới, tác động “bearish” đến giá
Nhóm họ đậu
- Đậu tương tiếp tục hồi phục trước những lo ngại về mùa vụ Brazil đang trải qua thời tiết bất lợi. Một đợt nắng nóng mới sẽ được ghi nhận ở khu vực miền bắc và miền trung Brazil, làm gia tăng khả năng đậu tương bị thiệt hại. Mặc dù CONAB vẫn đánh giá rất lạc quan về tình hình mùa vụ nước này khi nâng dự báo sản lượng đậu tương Brazil niên vụ 23/24, nhưng với những khung thời tiết bất thường này, thị trường đang kỳ vọng vào các mức cắt giảm trong báo cáo tháng sau.
- Sau khi vượt qua Argentina và vươn lên thành vị trí xuất khẩu khô đậu lớn nhất thế giới trong niên vụ trước, những ảnh hưởng đối với cây trồng tại Brazil cũng góp phần thúc đẩy mạnh mẽ giá mặt hàng này.
- Dầu đậu tương đóng cửa tăng phiên thứ 5 liên tiếp và đà tăng ngày càng được mở rộng. Hoạt động mua hàng được đẩy mạnh ở Ấn Độ, nước nhập khẩu dầu thực vật lớn nhất thế giới, có thể giúp giảm tồn kho dầu cọ ở Indonesia và Malaysia. Thông tin này đã gián tiếp hỗ trợ cho giá.
NĂNG LƯỢNG
- Dầu diễn biến giằng co và chốt phiên gần như không đổi so với phiên trước. Giá nhận được lực mua tích cực trong phần lớn thời gian của ngày
- Dầu WTI ổn định ở mức 78,26 USD/thùng. Giá dầu Brent giảm nhẹ 0,06% xuống 82,47 USD/thùng.
- Xuất khẩu dầu bằng đường biển của Nga trong tuần kết thúc vào ngày 12/11 đạt khoảng 3,2 triệu thùng, giảm 40.000 thùng/ngày so với tuần trước. Theo mức trung bình 4 tuần, dòng chảy xuất khẩu bằng đường biển của Nga đã giảm xuống 3,4 triệu thùng/ngày, thấp hơn khoảng 80.000 thùng/ngày so với tuần trước.
- Mỹ có kế hoạch mua 1,2 triệu thùng dầu để bổ sung vào Kho Dự trữ Chiến lược (SPR) với mức giá trung bình 77,57 USD/thùng.
- Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2023 và 2024 lên mức lần lượt 2,4 triệu thùng/ngày và 930.000 thùng/ngày so với ước tính 2,3 triệu thùng/ngày và 880.000 thùng/ngày trong báo cáo tháng 9.
- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 Mỹ tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo, phản ánh áp lực lạm phát tại Mỹ hạ nhiệt và thúc đẩy kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sớm kết thúc chu kỳ thắt chặt tiền tệ. Đồng USD suy yếu đã hỗ trợ cho giá dầu tăng cao.
- Áp lực bán chốt lời vào cuối phiên khi giá tiệm cận ngưỡng kháng cự tâm lý 80 USD đã xoá bỏ mọi nỗ lực tăng giá của cả hai mặt hàng dầu thô trong ngày.
- Lo ngại nhu cầu tiêu thụ yếu đè nặng lên giá dầu. Báo cáo từ Viện dầu khí Mỹ (API) cho thấy tồn kho dầu thô thương mại Mỹ tăng 1,34 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 10/11. Tồn kho xăng cũng ghi nhận mức tăng 195.000, cho thấy nhu cầu tiêu thụ tại Mỹ còn hạn chế.
KIM LOẠI
- Toàn bộ các mặt hàng kim loại đóng cửa trong sắc xanh, được hỗ trợ bởi đà suy yếu của đồng USD sau khi Mỹ báo cáo tình hình lạm phát hạ nhiệt trong tháng 10.
Kim loại quý
- Bạc chốt phiên tăng 3,46% lên mức 23,13 USD/ounce. Bạch kim bật tăng 3,38%, tiến sát mốc 1.000 USD/ounce, ghi nhận mức tăng trong ngày mạnh nhất kể từ cuối tháng trước.
- Lạm phát Mỹ hạ nhiệt mạnh mẽ là thông tin mang tính tích cực cho thị trường, bởi kỳ vọng chính sách thắt chặt tiền tệ của FED có thể kết thúc sớm hơn dự kiến. Theo FED watch, 97,6% ý kiến cho rằng FED ngừng tăng lãi suất trong cuộc họp giữa tháng 12, tăng từ mức 85% trước thời điểm công bố dữ liệu.
- Chỉ số Dollar Index lao dốc 1,5% xuống mức thấp nhất kể từ ngày 5/9. Đồng USD suy yếu đã hỗ trợ cho hầu hết các mặt hàng kim loại, đặc biệt là kim loại quý bạc và bạch kim vốn nhạy cảm nhất với lãi suất và biến động tiền tệ.
Kim loại cơ bản
- Giá đồng COMEX cũng được hưởng lợi sau dữ liệu lạm phát Mỹ, tăng 0,48% lên 3,68 USD/pound.
- Động thái kích thích kinh tế từ Chính phủ Trung Quốc cũng đang hỗ trợ tích cực cho giá kim loại cơ bản. Trung Quốc đang có kế hoạch cung cấp ít nhất 1.000 tỷ nhân dân tệ (137 tỷ USD) chi phí thấp cho các chương trình cải tạo làng đô thị và nhà ở giá rẻ, nhằm vực dậy thị trường bất động sản đang gặp khó khăn.
- Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lan Foan hy vọng nền kinh tế sẽ duy trì xu hướng tăng trưởng trong Quý IV/2023, đồng thời là động lực tăng trưởng chính của kinh tế thế giới. Kỳ vọng này đã hỗ trợ toàn bộ kim loại cơ bản trên sở Giao dịch London (LME) tăng giá.
Bấm để đánh giá bài viết này!
[Total: 0 Trung bình: 0]
Bài viết liên quan