fbpx

TIN TỨC THỊ TRƯỜNG NGÀY 16/01/2024

 

NÔNG SẢN

  • Hôm nay thị trường nông sản quay trở lại giao dịch bình thường sau kì nghỉ lễ ngày hôm qua (15/01)

NĂNG LƯỢNG

  • Giá dầu diễn biến giằng co trong ngày giao dịch đầu tuần 15/1 và kết phiên gần như không thay đổi so với mức tham chiếu trước các thông tin cơ bản trái chiều.
  • Một mặt, tác động hạn chế của cuộc xung đột ở Trung Đông đối với sản lượng dầu thô đã thúc đẩy hành động chốt lời của nhà đầu tư. Mặt khác, thời tiết cực lạnh tại tiểu bang North Dakota của Mỹ đã gây đình trệ cho hoạt động sản xuất dầu trong khu vực, khiến sản lượng dầu sụt giảm.
  • Thanh khoản thị trường tương đối mỏng. Giá đóng cửa sẽ được tính toán vào rạng sáng ngày 17/1 do phiên đầu tuần đóng cửa sớm nghỉ lễ. Tính đến 2h30 ngày 16/1, giá dầu WTI giảm 0,3% xuống 72,5 USD/thùng. Dầu Brent giảm 0,2% xuống 78,15 USD/thùng.
  • Nhiều chủ tàu chở dầu đã phải tránh Biển Đỏ và thay đổi hải trình sau khi Mỹ và Anh tiến hành các chiến dịch quân sự nhằm vào các mục tiêu của Houthi ở Yemen. Dữ liệu theo dõi tàu từ LSEG và Kpler cho thấy ít nhất sáu tàu chở dầu nữa đã rời khỏi phía nam Biển Đỏ vào thứ Hai, với Torm Innovation, Proteus Harvonne và Alfios I chuyển sang tuyến đường dài hơn quanh Mũi Hảo Vọng của Châu Phi.
  • Thị trường không nhận thấy khả năng cao rằng cuộc xung đột đang gia tăng sẽ gây nguy hiểm cho hoạt động sản xuất dầu thô và dòng chảy từ Trung Đông, khu vực chiếm khoảng 1/3 sản lượng dầu của thế giới. Điều này đã thúc đẩy hành động bán chốt lời của các nhà đầu cơ giá lên, gây áp lực lên giá dầu.
  • Đà giảm của giá dần thu hẹp trong bối cảnh nguồn cung tại Mỹ có xu hướng thắt chặt. Theo ước tính mới nhất từ Cơ quan Đường ống North Dakota, sản lượng dầu của North Dakota đã giảm 400.000 xuống 425.000 thùng/ngày do thời tiết cực lạnh và các vấn đề vận hành liên quan. Trước khi sản lượng dầu thô giảm, North Dakota đang sản xuất khoảng 1,2 – 1,3 triệu thùng dầu/ngày, tương đương hơn 1% nhu cầu toàn cầu.

KIM LOẠI

Kim loại quý

  • Bạc bạch kim tiếp tục duy trì được sắc xanh của phiên cuối tuần trước nhờ phát huy tốt vai trò trú ẩn an toàn.
  • Bạc tăng hơn 0,3% lên 23,39 USD/ounce, trong khi giá bạch kim tăng 0,5% lên khoảng 922 USD/ounce. Tuy vậy, do thị trường đóng cửa sớm trong ngày nghỉ lễ Martin Luther King (MLK) nên giá đóng cửa sẽ được tính toán vào rạng sáng ngày 17/1.
  • Kim loại quý vốn là kênh đầu tư được ưa chuộng mỗi khi nền kinh tế có bất ổn. Do đó, đứng trước rủi ro xung đột địa chính trị leo thang, giá bạc và giá bạch kim tiếp tục được hỗ trợ. Cuộc chiến giữa Israel và Hamas đã bước sang ngày thứ 100 khi Israel tiếp tục tấn công ác liệt, trong khi lực lượng Houthi đe dọa đáp trả các cuộc không kích của Mỹ vào Yemen khiến nguy cơ leo thang ở Trung Đông tăng cao.

Kim loại cơ bản

  • Đồng COMEX phục hồi trong sắc xanh, tăng khoảng 1% lên 3,77 USD/pound tính đến 2h30 sáng ngày 16/1, đứt chuỗi giảm hai phiên liên tiếp.
  • Phiên sáng, giá đồng biến động khá giằng co bởi giới đầu tư tỏ ra thất vọng khi Trung Quốc không nới lỏng chính sách như kỳ vọng. Cụ thể, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã cung cấp cho các tổ chức cho vay thương mại khoản vay ròng 216 tỷ nhân dân tệ thông qua cơ sở cho vay trung hạn (MLF). Ngoài ra, lãi suất MLF kỳ hạn một năm vẫn được giữ nguyên ở mức 2,5% trong tháng thứ 6 liên tiếp. Điều này trái ngược với kỳ vọng của thị trường khi đa số chuyên gia đều cho rằng PBOC sẽ cắt giảm lãi suất MLF trong tháng này để hỗ trợ nền kinh tế.
  • Đồng đón nhận lực mua tích cực hơn vào phiên tối do rủi ro nguồn cung đồng bị đẩy lên cao. Theo Reuters, các nhà luyện kim Trung Quốc, quốc gia sản xuất đồng tinh chế lớn nhất thế giới, cho biết họ đang xem xét hạn chế sản xuất đồng tinh luyện trong quý II/2024 do biên lợi nhuận thu hẹp.
  • Thêm vào yếu tố hỗ trợ, Ủy ban Đồng Chile (Cochilco) đã nâng dự báo giá đồng năm 2024 lên 3,85 USD/pound, tăng từ mức 3,75 USD/pound theo dự báo trước đó. Vào năm 2025, Cochico dự báo giá đồng đạt trung bình 3,9 USD/pound.
  • Quặng sắt giảm hai phiên liên tiếp, để mất 0,97% xuống 132,88 USD/tấn. Giá quặng sắt vốn rất nhạy cảm với các kích thích kinh tế của Trung Quốc. Do đó, động thái giữ nguyên lãi suất MLF của PBOC đã khiến giá quặng sắt tiếp tục lao dốc. Ngoài ra, nhu cầu chững lại tại Trung Quốc và tồn kho tăng cao cũng làm gia tăng áp lực giảm giá.
Bấm để đánh giá bài viết này!
[Total: 0 Trung bình: 0]

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *