Bản tin cập nhật ngày 16/02/2023.
ĐẬU TƯƠNG GIẢM PHIÊN THỨ BA LIÊN TIẾP, LÚA MÌ GẦN MỨC THẤP NHẤT TRONG TUẦN
Đậu tương CBOT giảm nhiều hơn vào thứ Năm, với giá phải đối mặt với áp lực từ vụ thu hoạch vụ mùa kỷ lục ở Brazil và kỳ vọng lãi suất cao hơn.
Lúa mì giảm xuống mức thấp nhất trong gần một tuần, ngô giảm.
Điểm tin chính:
Đậu tương CBOT giảm 0,3% xuống 15,21 USD/giạ.
Lúa mì giảm 0,6% xuống 7,65 USD/giạ.
Ngô giảm 0,2% xuống 6,75-1/4 USD/giạ.
Công ty tư vấn kinh doanh nông nghiệp AgRural cho biết tiến độ thu hoạch đậu tương của Brazil đạt 17%, trong khi Scoville lưu ý rằng tiến độ thu hoạch chung đang nhanh hơn so với tiến độ thu hoạch tại Mato Grosso, bang trồng đậu tương lớn nhất của Brazil.
Đồng đô la mạnh hơn đang gây áp lực đối với hàng hóa được định giá bằng đồng bạc xanh.
Đồng đô la tăng lên mức cao nhất trong 6 tuần so với rổ tiền tệ vào thứ Tư sau khi dữ liệu doanh số bán lẻ của Mỹ nóng hơn dự kiến được công bố, củng cố kỳ vọng của các nhà đầu tư rằng Cục Dự trữ Liên bang sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ trong một thời gian để chống lại lạm phát.
Văn phòng trang trại FranceAgriMer hôm thứ Tư cắt giảm triển vọng xuất khẩu lúa mì mềm của Pháp trong niên vụ này do sự cạnh tranh với nguồn cung từ Biển Đen, nhưng đã điều chỉnh tăng mạnh dự báo xuất khẩu lúa mạch sau làn sóng chuyển hàng sang Trung Quốc.
Lo ngại về rủi ro nguồn cung ngũ cốc ở Biển Đen do căng thẳng chiến sự giữa Nga và Ukraine đã hạn chế đà giảm của lúa mì và ngô.
Ukraine hôm thứ Tư đã kêu gọi Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm yêu cầu Nga ngừng các hành động gây cản trở việc vận chuyển ngũ cốc của Ukraine cung cấp cho hàng triệu người và không sử dụng lương thực làm vũ khí.
Sản lượng nghiền đậu tương của Mỹ trong tháng 1 tăng lần đầu tiên sau ba tháng trong khi dự trữ dầu đậu tương tăng tháng thứ tư liên tiếp, mặc dù cả hai mức tăng đều nhỏ hơn dự kiến, theo dữ liệu của Hiệp hội các nhà chế biến hạt có dầu quốc gia (NOPA) công bố hôm thứ Tư.
Các thành viên NOPA, chiếm khoảng 95% lượng đậu tương được chế biến tại Hoa Kỳ, đã nghiền 179.007 triệu giạ đậu tương vào tháng trước, tăng 0,8% so với mức 177.505 triệu giạ được chế biến vào tháng 12 nhưng giảm 1,8% so với mức 182,216 triệu giạ vào tháng 1 năm 2022 giạ.
Các thương nhân cho biết, các quỹ hàng hóa đã bán ròng các hợp đồng tương lai lúa mì, ngô, đậu tương và khô đậu tương CBOT vào thứ Tư, mua ròng dầu đậu tương.
(Nguồn: Reuters)
Quý nhà đầu tư tham khảo phân tích kỹ thuật của thị trường tại: PHÂN TÍCH KỸ THUẬT NGÀY 16/02/2023.
DẦU THÔ GẶP ÁP LỰC TRƯỚC DỮ LIỆU TỒN KHO MỸ, KỲ VỌNG NHU CẦU DÀI HẠN TÍCH CỰC HẠN CHẾ ĐÀ GIẢM
Kết thúc phiên giao dịch ngày 15/02, giá dầu tiếp tục ghi nhận một phiên biến động mạnh với các tác động trái chiều, một bên là những áp lực từ yếu tố vĩ mô cũng như dữ liệu tồn kho của Mỹ trong tuần trước, một bên là kỳ vọng nhu cầu tích cực hơn từ báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế Mỹ (IEA). Giá dầu WTI đã giảm 0,59% xuống 78,59 USD/thùng, và dầu Brent chốt phiên ở mức 85,35 USD/thùng sau khi giảm 0,27%.
Lực bán áp đảo ngay từ đầu phiên khi dữ liệu sớm từ Viện Dầu khí Mỹ cho thấy tồn kho dầu thô thương mại trong tuần kết thúc ngày 10/02 tăng mạnh 10,5 triệu thùng, với tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất cũng đồng loạt tăng.
Đà giảm chỉ được được hạn chế trong phiên chiều, ngay sau khi IEA công bố báo cáo tháng 2 cho thấy lăng kính tích cực về triển vọng tiêu thụ trong năm 2023. Cụ thể, cơ quan này đã dự báo nhu cầu dầu sẽ tăng thêm 200.000 thùng/ngày cho năm này so với báo cáo tháng trước, lên mức kỷ lục 101,9 triệu thùng/ngày. Trong đó, nhu cầu của Trung Quốc tăng 900.000 thùng/ngày so với một năm trước đó, chiếm 45% mức tăng trưởng chung. Nhu cầu máy bay phản lực/dầu hỏa dự kiến sẽ tăng 1,1 triệu thùng/ngày lên 7,2 triệu thùng/ngày, bằng 90% mức trước đại dịch. Điều này đã hỗ trợ cho giá dầu sau đà giảm khá mạnh trước đó.
Ngoài ra, IEA cũng nâng mức dự báo sản lượng cho năm 2023 thêm 200.000 thùng/ngày, được thúc đẩy bởi các nước sản xuất ngoài nhóm OPEC+. Cơ quan đánh giá nguồn cung từ Nga khá ổn định bất chấp lệnh cấm vận, song việc cắt giảm 500.000 thùng/ngày có thể ảnh hưởng tới thị trường. Nhìn chung, IEA cho thấy nhu cầu sẽ vượt nhẹ nguồn cung khoảng gần 700.000 thùng/ngày trong năm nay. Mặc dù vậy, giá dầu gặp áp lực trở lại khi báo cáo của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) chỉ ra rằng nhu cầu vẫn còn yếu trong ngắn hạn. Cụ thể, cơ quan này cho biết các kho dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng 16,3 triệu thùng trong tuần trước lên 471,4 triệu thùng, mức cao nhất kể từ tháng 06/2021. Tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất cũng đồng loạt tăng ở mức lần lượt 2,3 triệu và 0,9 triệu thùng. Nhập khẩu dầu giảm hơn 800.000 thùng/ngày trong khi xuất khẩu chỉ tăng nhẹ và thấp hơn mức trung bình 4 tuần cùng kỳ năm ngoái. Tổng sản phẩm được cung cấp, một thước đo cho tiêu thụ đã giảm mạnh hơn 1,2 triệu thùng/ngày xuống 19,3 triệu thùng/ngày, thấp hơn khoảng 500.000 thùng so với mức trung bình 4 tuần. Các dữ liệu đều phản ánh nhu cầu ngắn hạn yếu và gây áp lực tới giá dầu.
Ngoài ra, đồng USD mạnh lên, kéo chỉ số Dollar Index tăng lên mức cao nhất trong vòng 6 tuần cũng thúc đẩy lực bán do chi phí nắm giữ vật chất đắt đỏ hơn.
Đà giảm của giá dầu cũng đã được hạn chế vào cuối phiên, một phần vì kỳ vọng tích cực về tiêu thụ dài hạn, một phần vì dữ liệu doanh số bán lẻ trước đó của Mỹ ở mức tích cực, với đà tăng 3% trong tháng 1 so với tháng trước đó, cao hơn dự báo tăng 1,8% của thị trường. Chi tiêu tại Mỹ phục hồi mạnh mẽ trở lại cũng cải thiện tâm lý của các nhà đầu tư trong bối cảnh thắt chặt tiền tệ, đã giúp giá dầu phục hồi nhẹ vào cuối phiên.
(Nguồn: MXV)
Quý nhà đầu tư tham khảo phân tích kỹ thuật của thị trường tại: PHÂN TÍCH KỸ THUẬT NGÀY 16/02/2023.
ĐỒNG USD GÂY SỨC ÉP LÊN TOÀN THỊ TRƯỜNG KIM LOẠI, DUY NHẤT QUẶNG SẮT GIỮ ĐƯỢC SẮC XANH
Sức ép bán hoàn toàn áp đảo đối với nhóm kim loại quý trong ngày hôm qua. Giá vàng giảm 0,98% về 1836,19 USD/ounce, giá bạc giảm 1,38% về 21,57 USD/ounce. Bạch kim tiếp tục có mức giảm mạnh nhất nhóm là 2,28% về 917,8 USD/ounce.
Nếu như trong phiên thứ ba, giá vàng và giá bạc vẫn duy trì được sắc xanh, thì bước sang phiên hôm qua, giá của các mặt hàng kim loại quý đồng loạt suy yếu trước đà tăng của đồng USD. Chỉ số Dollar Index tăng mạnh lên mức 103,92 điểm, đạt mức cao nhất trong vòng 6 tuần. Nguyên nhân dẫn đến đà tăng này xuất phát từ việc các đồng tiền khác như đồng Bảng Anh hay đồng Euro suy yếu nhiều hơn so với đồng USD. Các số liệu lạm phát của Anh bao gồm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá sản xuất (PPI) được công bố hôm qua đều thấp hơn so với dự báo, làm giảm kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) sẽ tăng lãi suất và làm suy yếu đồng Bảng.
Đối với đồng tiền Euro, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Chirstine Lagarde mới đây đã nhấn mạnh áp lực lạm phát và cho biết các nhà chức trách có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 3. Các chỉ số lạm phát được công bố gần đây, cho thấy Mỹ đã qua đỉnh lạm phát, nhưng lạm phát ở châu Âu vẫn ở mức cao quanh vùng 10%. Trong bối cảnh đó. BOE và ECB đều không tăng lãi suất nhanh và mạnh tay như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nên khó có thể tránh được việc các đồng tiền bị suy yếu so với đồng bạc xanh.
Bên cạnh đó, các mặt hàng kim loại quý cũng gặp sức ép từ sự gia tăng mạnh mẽ của các thị trường đầu tư rủi ro như thị trường chứng khoán và thị trường tiền điện tử. Doanh số bán lẻ trong tháng 1 của Mỹ tăng 3% so với tháng 12 và cao hơn 6,38% so với cùng kỳ năm ngoái, đều vượt dự báo của giới phân tích, phản ánh sự bền bỉ của nền kinh tế Mỹ trước các đợt tăng lãi suất vừa qua. Thông tin này đã cải thiện tâm lý của các nhà đầu tư, khiến dòng tiền phân bổ nhiều hơn vào các loại tài sản rủi ro với mức sinh lời hấp dẫn thay vì các loại tài sản an toàn như vàng, bạc, bạch kim.
Sắc đỏ cũng áp đảo hầu hết các mặt hàng của nhóm kim loại cơ bản. Giá đồng giảm 1,58% về 4,01 USD/pound, xóa bỏ hoàn toàn đà tăng từ hai phiên trước đó. Ngoài sức ép từ đồng USD, giá đồng suy yếu khi triển vọng tiêu thụ của Trung Quốc ngày càng thiếu chắc chắn. Các nhà phân tích cho rằng nhu cầu tiêu thụ đối với đồng sẽ vẫn ảm đạm trong quý I và sẽ khởi sắc hơn khi bước sang quý II.
Trong hôm qua, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã bơm ròng 29,15 tỷ USD vào thị trường tài chính bằng các khoản cho vay trung hạn một năm để đáp ứng nhu cầu vay vốn phục hồi sau khi quốc gia này nới lỏng các hạn chế chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, lãi suất cho vay được giữ nguyên ở mức 2,75%. Quy mô kích thích nhỏ so với quy mô của nền kinh tế Trung Quốc khiến cho giá đồng và các mặt hàng kim loại cơ bản khác như nhôm, chì, kẽm,… không được hỗ trợ quá nhiều.
Quặng sắt là kim loại duy nhất giữ được sắc xanh với mức tăng 0,69% lên mức 123,29 USD/tấn. So với đồng, các nhà đầu tư kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ quặng sắt sẽ hồi phục sớm hơn, với tốc độ nhanh hơn nên sức mua vẫn có phần áp đảo hơn. Thực tế, giá quặng sắt đang đi ngang trong biên độ 120 – 130 USD nên mức tăng của phiên hôm qua đối với giá sắt cũng khiêm tốn và chưa nói lên về triển vọng khác biệt quá nhiều so với nhóm kim loại cơ bản nói chung.
(Nguồn: MXV)
Quý nhà đầu tư tham khảo phân tích kỹ thuật của thị trường tại: PHÂN TÍCH KỸ THUẬT NGÀY 16/02/2023.
Bài viết liên quan