fbpx

TIN TỨC THỊ TRƯỜNG NGÀY 16/10/2023

 

NÔNG SẢN

Ngô

  • Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, ngô rung lắc và đóng cửa tuần trong sắc xanh với mức tăng không đáng kể. Khoảng đi ngang dưới kháng cự tâm lí 500 tiếp tục được duy trì. Báo cáo Cung – cầu Nông sản Thế giới (WASDE) tháng 10 phản ánh triển vọng nguồn cung thu hẹp hơn tại Mỹ, nhưng tác động chỉ mang tính chất ngắn hạn.
  • Strategie Grains nâng dự báo sản lượng ngô năm nay của EU lên 60,6 triệu tấn, tăng 1 triệu tấn so với ước tính tháng 9, vẫn thấp hơn mức trung bình 5 năm do diện tích canh tác bị cắt giảm. EU, một trong những nhà mua hàng quan trọng trên toàn cầu, có thể sẽ tiếp tục phải nhập khẩu nhiều ngô hơn trong năm nay. Thông tin đã tác động “bullish” đến giá ngô.
  • ANEC nâng dự báo xuất khẩu ngô tháng 10 của Brazil lên 9,17 triệu tấn, từ mức 8,9 triệu tấn, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Sức ép nguồn cung từ đối thủ cạnh tranh Brazil đã hạn chế đà tăng
  • Tuần này, giá ngô có thể sẽ tiếp tục xu hướng giằng co đi ngang hiện tại để chờ thêm thông tin cơ bản mới và khả năng giá vẫn tiếp tục suy yếu do sức ép từ vùng kháng cự 700.

Lúa mì 

  • Lúa mì nối dài đà khởi sắc, kết tuần với mức tăng mạnh hơn 2% trước những lo ngại về nguồn cung
  • Mùa vụ tại Nam Mỹ, Sở Giao dịch Ngũ cốc (BCR) và Sở Giao dịch Ngũ cốc Buenos Aires (BAGE) hạ dự báo sản lượng do thiếu mưa và hạn hán kéo dài. Tại Mỹ, khi giá lúa mì giảm, diện tích trồng lúa mì vụ đông năm nay được dự báo giảm so với năm ngoái dẫn đến sản lượng lúa mì năm tới của Mỹ sẽ thấp hơn.
  • Báo cáo WASDE: tồn kho cuối niên vụ 23/24 của thế giới dự kiến giảm xuống mức thấp nhất kể từ niên vụ 15/16, củng cố rủi ro thắt chặt nguồn cung và khả năng sẽ tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ tới giá tuần này.

Đậu tương

  • Đậu tương hợp đồng kỳ hạn tháng 11 hồi phục hơn 1%, kết thúc chuỗi 6 tuần liên tiếp suy yếu. Nguồn cung thu hẹp trong báo cáo WASDE đã hỗ trợ giá.
  • Báo cáo WASDE: dự báo sản lượng đậu tương niên vụ 23/24 của Mỹ bị cắt giảm xuống còn 49,6 giạ/mẫu, từ mức 50,1 giạ/mẫu và thấp hơn dự đoán, do năng suất giảm khi diện tích không đổi.
  • Báo cáo Xuất khẩu hàng tuần (Export Sales): các nhà xuất khẩu của Mỹ bán được 1,06 triệu tấn đậu tương trong tuần kết thúc ngày 5/10, tăng 30,7%, vượt khoảng dự đoán, cho thấy nhu cầu tích cực đối với đậu tương Mỹ và đã hỗ trợ giá.
  • Tuần này, đậu tương có thể tiến đến vùng 1310 – 1325.
  • Khô đậu tương hồi phục ~ 5% nhờ lực mua kỹ thuật, và triển vọng sản lượng đậu tương thấp hơn tại Mỹ.
  • Dầu đậu tương tiếp tục giảm hơn 1,5% – tuần giảm thứ 7 chỉ trong 8 tuần gần nhất, do áp lực từ thị trường dầu thực vật toàn cầu. Hiện tại, giá dầu hướng dương quốc tế rẻ hơn so với dầu đậu tương, và cao hơn không đáng kể so với dầu cọ. Nga – nhà cung cấp dầu hướng dương lớn nhất thế giới, sản lượng hạt hướng dương 2023 đạt kỷ lục hơn 17 triệu tấn, nông dân tăng cường bán hàng. Theo đó, công suất hoạt động của các nhà máy ép dầu Nga cũng tăng, và xuất khẩu dầu hướng dương niên vụ 23/24 có thể đạt 4,5 triệu tấn, so với 3,7 triệu tấn của niên vụ trước.

NĂNG LƯỢNG

  • Dầu lấy lại đà tăng mạnh sau tuần lao dốc trước đó. Diễn biến căng thẳng mới trong cuộc xung đột Israel – phiến quân Hamas làm dấy lên lo sợ về một cuộc chiến uỷ nhiệm tại khu vực Trung Đông. Đây là trung tâm sản xuất và vận chuyển dầu lớn trên thế giới. Điều này đã thúc đẩy lực mua mạnh mẽ dầu.
  • Dầu WTI kỳ hạn tháng 11 tăng gần 6% lên mức 87,69 USD/thùng. Dầu Brent tháng 12 chốt tuần với mức giá 90,89 USD/thùng, cao hơn 7,46% so với tuần trước đó.
  • Giá đã tăng vọt hơn 3 USD/thùng khi phiến quân Hamas phát động cuộc tấn công quân sự lớn nhất vào Israel, Israel trả đũa bằng một đợt không kích vào dải Gaza. Giá dầu đã hạ nhiệt nhẹ trong các phiên sau đó.
  • Cuối tuần, giá dầu bất ngờ tăng vọt gần 6% khi các cuộc đụng độ lẻ tẻ Israel – quân đội Hezbollah, được Iran hậu thuẫn, ở biên giới Liban làm dấy lên lo ngại rằng xung đột có thể lan rộng ra nhiều mặt trận. Iran giữ vai trò là quốc gia sản xuất dầu lớn thứ 5 trên thế giới và kiểm soát eo biển Hormuz, nơi 1/5 lượng dầu thế giới được vận chuyển hàng ngày.
  • Dự báo cho thấy nguy cơ nguồn cung thâm hụt trong quý IV góp phần đẩy giá dầu tăng cao.
  • Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) tăng ước tính tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu thô năm 2023 thêm 100.000 thùng/ngày. Tăng trưởng nguồn cung toàn cầu 2023 được giữ nguyên. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) ước tính thị trường thâm hụt ~ 1,4 triệu thùng/ngày trong quý III và có thể lên đến 3 triệu thùng/ngày nếu sản lượng của nhóm được duy trì trong quý IV. OPEC tăng ước tính tăng trưởng kinh tế thế giới 2023 thêm 0,1 điểm phần trăm.
  • Báo cáo Triển vọng năng lượng ngắn hạn (STEO): giá dầu Brent dự báo sẽ đạt trung bình 90,67 USD/thùng trong quý IV, và sẽ phục hồi mạnh lên 94,67 USD/thùng trong năm 2024 do nguồn cung thu hẹp.
  • Theo Bloomberg, xuất khẩu dầu Nga bằng đường biển giảm mạnh trong tuần trước.

KIM LOẠI

Kim loại quý

  • Chấm dứt chuỗi giảm kéo dài 2 tuần, vàng tăng 5,43% lên 1.931,7 USD/ounce, bạc tăng hơn 5% lên 22,89 USD/ounce, bạch kim tăng 0,31%, lên 884,2 USD/ounce.
  • Xung đột leo thang tại khu vực Trung Đông, kim loại quý – “hầm trú ẩn an toàn”, đã được hưởng lợi.
  • Nhằm đáp trả cuộc tấn công tàn khốc của nhóm Hồi giáo Palestine Hamas, quân đội Israel đã liên tục tấn công dải Gaza thông qua các cuộc không kích và dự kiến mở rộng sang cả tấn công trên bộ. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết chiến dịch trả đũa chỉ mới bắt đầu.
  • Quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục đưa ra quan điểm FED có thể tạm ngừng tăng lãi suất. Những bình luận “ôn hòa” đã làm lu mờ bớt tác động tiêu cực của dữ liệu lạm phát Mỹ tăng cao hơn dự kiến. Kỳ vọng về một chính sách tiền tệ mềm mỏng hơn của FED đã hỗ trợ cho dòng tiền chảy vào thị trường kim loại quý.

Kim loại cơ bản

  • Đồng COMEX giảm tuần thứ 2 liên tiếp khi giảm 1,56% xuống 3,57 USD/pound. Quặng sắt nối dài đà giảm sang tuần thứ 4 liên tiếp khi giảm 0,48%, đóng cửa tuần tại mức 114,29 USD/tấn.
  • Giá đồng và quặng sắt liên tục gặp sức ép gần đây do triển vọng tiêu thụ kém lạc quan tại Trung Quốc – quốc gia tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới.
  • Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, Trung Quốc đã nhập khẩu 480,426 tấn đồng chưa gia công và bán thành phẩm trong tháng 9, giảm 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đối với quặng sắt, Trung Quốc đã nhập khẩu 101,18 triệu tấn quặng sắt trong tháng 9, giảm 4,9% so với tháng 8.
  • Trung Quốc cũng công bố số liệu lạm phát tiêu dùng tháng 9 ở mức 0% và lạm phát giá sản xuất tiếp tục nối dài đà giảm sang tháng thứ 12 liên tiếp, cho thấy đà phục hồi còn yếu và làm dấy lên lo ngại rằng Trung Quốc có thể rơi vào nguy cơ giảm phát.
Bấm để đánh giá bài viết này!
[Total: 0 Trung bình: 0]

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *