fbpx

TIN TỨC THỊ TRƯỜNG NGÀY 17/07/2023

 

 

NÔNG SẢN

Ngô

Giá ngô có tuần hồi phục mạnh với mức tăng ~3,6% do lo ngại thời tiết ảnh hưởng đến mùa vụ tại Mỹ bất chấp dữ liệu mang tính “bearish” của báo cáo WASDE tháng 07

Bộ Nông nghiệp Mỹ USDA cắt giảm năng suất ngô niên vụ 23/24 xuống còn 177,5 giạ/mẫu, thấp hơn 4 giạ so với tháng 6 nhưng cao hơn dự đoán. Cùng với dự báo diện tích gieo trồng tăng trong báo cáo Acreage tháng 6, sản lượng ngô Mỹ được dự báo sẽ tăng 55 triệu giạ, trái với dự đoán bị cắt giảm, khiến tồn kho cuối niên vụ cao hơn kì vọng.

Thời tiết tại Mỹ, dù mùa vụ được hưởng lợi trong khoảng thời gian gần đây, nhưng dự báo thời tiết tại Midwest sẽ khô hơn trong 15 ngày cuối tháng 7, giai đoạn phát triển quan trọng của ngô, quyết định năng suất niên vụ 23/24 trong báo cáo WASDE tháng 8 có bị cắt giảm hay không.

Lúa mì

Lúa mì tăng nhẹ trước lo ngại về việc thỏa thuận biển Đen bị chấm dứt, dù tình hình nguồn cung tại Mỹ có sự cải thiện

Hôm nay là hạn chót của thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc trên biển Đen. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Nga vẫn chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về việc gia hạn thỏa thuận. Hành lang ngũ cốc an toàn tại biển Đen là rất quan trọng trong an ninh lương thực toàn cầu, giúp lúa mì từ Ukraine được xuất khẩu dù đang xung đột với Nga.

Đậu tương

Báo cáo Cung – cầu tháng 7 đã hỗ trợ mạnh cho nhóm đậu tương tuần vừa qua

USDA điều chỉnh tăng tồn kho đậu tương Mỹ cuối niên vụ 22/23 là 25 triệu giạ so với báo cáo tháng 6, cao hơn ~ 10% so với dự đoán, do xuất khẩu giảm 20 triệu giạ và nhập khẩu tăng 5 triệu giạ. Điều này khiến giá đậu tương suy yếu trong phiên công bố báo cáo.

Lực mua tăng trở lại khi chất lượng cây trồng vẫn là mối lo ngại hàng đầu. Năng suất đậu tương 23/24 của Mỹ được giữ nguyên ở mức 52,0 giạ/mẫu và kỳ vọng về khả năng USDA sẽ điều chỉnh số liệu này xuống mức thấp hơn trong các báo cáo sau đã thúc đẩy giá tăng trở lại.

Nhập khẩu đậu tương tháng 6 của Trung Quốc đạt 10,27 triệu tấn, tăng 24,5% so với năm trước, nhưng thấp hơn đáng kể so với mức kỷ lục 12,02 triệu tấn tháng 5, khi các lô hàng bị chậm trễ tháng trước đó đã đẩy con số này lên cao. Điều này tác động “bullish” đối với giá đậu tương.

Hai mặt hàng thành phẩm của quá trình ép dầu đậu tương cũng ghi nhận mức tăng vọt. Cảng Santos, Paranagua và Antonina của Brazil bị hạn chế hoạt động do cơn lốc xoay nhiệt đới đang ngang qua phía nam Brazil. Tại cảng Paranagua và Antonina – cảng xuất khẩu nông sản quan trọng, hoạt động bị hạn chế kể từ ngày 12/07 do gió lớn. Dù các cảng biển này đã hoạt động bình thường trở lại nhưng vấn đề xuất hiện trong giai đoạn cao điểm đã gây bất ngờ và thúc đẩy giá khô và dầu đậu. Dự báo về đỉnh điểm của hiện tượng El Nino sẽ xảy ra vào đầu năm 2024 gây ra lo ngại với mùa vụ cây cọ của Malaysia và Indonesia, từ đó hỗ trợ giá của dầu thực vật.

NĂNG LƯỢNG

Giá dầu tăng tuần thứ 3 liên tiếp trước dữ liệu lạm phát tích cực của Mỹ và dự báo về bức tranh thâm hụt trong nửa cuối năm

Giá dầu WTI chốt tuần tăng 2,11% lên 75,42 USD/thùng. Giá dầu Brent tăng 1,78%, lên sát mốc 80 USD/thùng.

Yếu tố cung – cầu

Báo cáo Triển vọng năng lượng ngắn hạn (STEO) tháng 7 của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cảnh báo về tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu thô trong 2 quý cuối năm, sau thông báo Saudi Arabia gia hạn cắt giảm 1 triệu thùng/ngày và Nga giảm xuất khẩu 0,5 triệu thùng/ngày trong tháng 8. EIA hạ dự báo tăng trưởng sản lượng 0,3% so với báo cáo trước xuống còn 101,1 triệu thùng/ngày, giảm 270.000 thùng/ngày và quý III có thể ghi nhận mức thâm hụt ~ 1 triệu thùng/ngày, cao hơn mức 0,2 triệu thùng/ngày trong báo cáo tháng 6.

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC cho biết thị trường sẽ cần ~ 29,42 triệu thùng dầu/ngày từ nhóm này, cao hơn 120.000 thùng/ngày so với báo cáo trước.

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dù giảm dự báo nhu cầu, tăng nhẹ sản lượng, nhưng vẫn cho thấy mức thâm hụt ~ 600.000 thùng/ngày trong năm 2023.

Việc sản xuất tại các mỏ dầu El Feel, Sharara và 108 của Libya bị đóng cửa ngày 13/07 trước tình hình địa chính trị phức tạp, ảnh hưởng tới ít nhất ~ 300.000 thùng dầu/ngày. Tuy nhiên, các mỏ dầu đã hoạt động trở lại vào ngày 16/07, khả năng sẽ hạn chế tác động tăng giá đối với dầu thô trong phiên sáng đầu tuần.

Theo hãng dịch vụ dầu khí Baker Hughes, số lượng giàn khoan dầu khí của Mỹ giảm 5 xuống 676 giàn đang hoạt động trong tuần kết thúc ngày 14/07. Như vậy, các công ty năng lượng của Mỹ đã cắt giảm số lượng giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên đang hoạt động lần thứ 10 trong 11 tuần gần đây.

Yếu tố vĩ mô

Tình hình lạm phát tích cực của Mỹ hỗ trợ mạnh cho đà tăng của giá dầu trong tuần qua. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2023 của Mỹ tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái, mức thấp nhất trong hơn 2 năm, thấp hơn nhiều so với mức tăng 4% của tháng 5. Chỉ số PPI tháng 6 tăng 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mức tăng 0,4% vào tháng 5. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 8/2020.

Điều này củng cố tâm lý lạc quan về việc lãi suất của Mỹ sắp đạt đỉnh. Đồng USD suy yếu, chỉ số Dollar Index giảm sâu 2,31% xuống mức thấp nhất 15 tuần, củng cố sức mua trên thị trường dầu thô.

KIM LOẠI

Thị trường kim loại nhận lực mua mạnh mẽ nhờ đồng USD suy yếu trước dữ liệu lạm phát của Mỹ

Kim loại quý

Bạc tăng 8,18% lên 25,19 USD/ounce, đánh dấu tuần tăng giá mạnh nhất kể từ tháng 3. Bạch kim tặng 7,16% đóng cửa tuần tại 984,3 USD/ounce, mức tăng trong tuần lớn nhất trong vòng 4 tháng. Vàng tăng 1,59% lên 1.954,93 USD/ounce.

Dữ liệu lạm phát của Mỹ được tuần trước có sự hạ nhiệt đã giúp củng cố kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sắp kết thúc chu kỳ thắt chặt. Chỉ số CPI lõi, không bao gồm chi phí năng lượng và thực phẩm, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn kỳ vọng về mức 5%. Đây là mức tăng hàng năm nhỏ nhất trong hơn 2 năm.

Chỉ số giá tiêu dùng (PPI) trong tháng 6 tăng 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái, mức thấp nhất trong gần 3 năm và thấp hơn dự báo ở mức 0,4%.

Cùng với sự suy yếu của đồng USD, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm 28 điểm cơ bản xuống 3,82%, đã hỗ trợ lực mua kim loại quý mạnh mẽ trong tuần qua.

Kim loại cơ bản

Đồng COMEX tăng 3,99% lên 3,93 USD/pound, tuần tăng thứ 2 liên tiếp và là tuần tăng mạnh nhất từ giữa tháng 3.

Lực mua được củng cố cũng do sự gia tăng kỳ vọng về các biện pháp kích thích kinh tế ở Trung Quốc, bất chấp nhu cầu tiêu thụ còn ảm đạm. Theo Bloomberg, Trung Quốc có thể cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) vào tháng 8 hoặc 9, sau khi quan chức cấp cao của Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho biết họ có đủ dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ và gợi ý về việc điều chỉnh RRR đối với ngân hàng.

Các khoản vay mới của Trung Quốc đã tăng tốc trong tháng 6 sau khi PBOC cắt giảm lãi suất vào giữa tháng, phản ánh nhu cầu tín dụng tăng và niềm tin kinh doanh của người dân và doanh nghiệp dần phục hồi.

Bấm để đánh giá bài viết này!
[Total: 0 Trung bình: 0]

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *