NÔNG SẢN
Ngô
- Giá ngô đóng cửa với mức giảm chưa đến 1%
- Mỹ: Báo cáo Export Inspections trong tuần kết thúc ngày 12/10, giao hàng ngô đạt 434.471 tấn, giảm đáng kể so với mức 804.418 của tuần trước đó và thấp hơn mức cùng kỳ năm ngoái, phản ánh triển vọng nhu cầu kém khả quan và bất lợi liên quan đến hoạt động hậu cần tại Mỹ, gây sức ép lên giá ngô.
- Brazil: Hạn hán nghiêm trọng gây gián đoạn hoạt động vận chuyển ngô bằng sà lan. Do mùa khô ở sông Amzazon, tốc độ của sà lan trên sông Tapajos hiện nay đang bị hạn chế và các hãng vận tải buộc phải cắt giảm trọng tải lên tới 50%. Một chuyến tàu chở gần 56 nghìn tấn ngô từ Parama tới Iran dự kiến sẽ đến Satarem chậm hơn 15 ngày do ảnh hưởng của mực nước thấp kỷ lục tại các cảng tư nhân trên bờ sông Tapajos. Điều này có thể trì hoãn việc bán hàng của nông dân Brazil trong ngắn hạn và hạn chế lực bán đối với ngô.
Lúa mì
- Giá lúa mì giảm nhẹ 0,43% sau 2 phiên tăng mạnh trước đó trước thông tin tích cực về triển vọng nguồn cung tại Nga
- IKAR nâng dự báo sản lượng ngũ cốc 2023 của Nga lên mức 141,6 triệu tấn. Tiềm năng xuất khẩu ngũ cốc niên vụ 23/24 tăng nhẹ. Giá lúa mì xuất khẩu giảm trong tuần qua trước bối cảnh nhu cầu thấp hơn nhiều so với nguồn cung. Giá FOB đối với lúa mì chứa 12,5% protein tại các cảng trên Biển Đen của Nga ở mức 225 USD/tấn trong tuần trước, giảm 5 USD/tấn, đã gia tăng áp lực cạnh tranh mạnh mẽ tới giá CBOT.
Đậu tương
- Đậu tương hợp đồng tháng 12 quay trở lại xu hướng tăng. Dù nhiều thông tin “bullish”, nhưng giá không tăng mạnh do vấp phải áp lực bán kỹ thuật ở vùng 1290-1300, khép phiên với mức tăng nhẹ 0,47%.
- Báo cáo Giao hàng xuất khẩu: Mỹ giao 2,01 triệu tấn đậu tương trong tuần 06 – 12/10, tăng mạnh so với mức 1,4 triệu tấn và nhỉnh hơn so với mức 1,93 triệu tấn cùng kỳ năm trước, cho thấy nhu cầu đối với đậu tương Mỹ đang ở mức cao, tác động “bullish” lên giá
Nhu cầu tiêu thụ đậu tương cho hoạt động ép dầu ở Mỹ tăng trở lại trong tháng 9, góp phần thúc đẩy lực mua. Hiệp hội các nhà chế biến hạt có dầu quốc gia (NOPA) cho biết khối lượng ép dầu đậu tương đạt 165,46 triệu giạ, tăng 2,5% so với tháng 8 và cao hơn 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Đây là khối lượng ép dầu đậu tương kỷ lục được ghi nhận cho tháng 9, khi các nhà máy quay trở lại hoạt động sau đợt bảo dưỡng định kỳ. - Khô đậu tương hợp đồng tháng 12 đóng cửa với mức thay đổi không đáng kể. Nhu cầu tăng cao là yếu tố hỗ trợ giá, USDA cho biết Mỹ đã bán đơn hàng 183.000 tấn khô đậu niên vụ 23/24 cho Philippines. Áp lực bán kỹ thuật ở vùng giá 395-400 đã thu hẹp đà tăng
- Dầu đậu tương tăng tới ~ 3%. Tồn kho dầu đậu tương tại Mỹ tính tới cuối tháng 9 chỉ đạt 1,11 tỷ pounds, mức thấp nhất trong gần 9 năm do nhu cầu sản xuất nhiên liệu sinh học tăng cao, theo NOPA.
NĂNG LƯỢNG
- Dầu giảm do kỳ vọng Mỹ và Venezuela có thể sớm đạt được thỏa thuận nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu dầu thô của Venezuela; và nhận định xung đột Israel – Hamas tạm thời không đe dọa đến nguồn cung dầu trong ngắn hạn
- Dầu WTI chấm dứt chuỗi tăng 2 phiên liên tiếp khi giảm 1,17% xuống 86,66 USD/thùng. Dầu Brent giảm 1,36% xuống 89,65 USD/thùng.
- Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và chính phủ của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro dự kiến sẽ công bố thỏa thuận vào ngày 17/10 nhằm giảm bớt các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với ngành dầu mỏ của Caracas, đổi lại nước này tổ chức cuộc bầu cử tổng thống công bằng vào năm 2024.
- Chính quyền Biden đang tìm cách tăng nguồn cung nhằm hạ nhiệt giá, khi các nước phương Tây đưa ra các lệnh trừng phạt đối với dầu của Nga và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) cắt giảm sản lượng. Kỳ vọng động thái trên có thể xoa dịu áp lực thâm hụt, gây sức ép lên giá
- Các nhà máy lọc dầu tại Mỹ đang gặp khó khăn trong việc hòa vốn, do biên lợi nhuận từ xăng rơi xuống mức âm. Nhu cầu yếu theo mùa và các nhà quản lý quỹ rút khỏi vị thế mua ròng đối với hợp đồng tương lai dầu WTI trong tuần kết thúc vào ngày 10/10 đã góp phần thúc đẩy tình trạng bán tháo xăng, đè nặng lên lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu.
- Xung đột giữa Israel – Palestine Hamas tập trung ở Gaza. Những nỗ lực ngoại giao đã làm giảm bớt lo ngại về địa chính trị. Tổng thống Biden cân nhắc đích thân đến thăm Israel, Thủ tướng Đức Scholz dự kiến sẽ đến Israel vào ngày 17/10.
KIM LOẠI
Kim loại quý
- Bạch kim tăng 1,72% lên mức 899,4 USD/ounce. Giá bạc đóng cửa tại mức 22,76 USD/ounce sau khi giảm 0,57%. Giá vàng cũng giảm 0,63% về 1.919,44 USD/ounce.
- Sau đà tăng mạnh trong phiên cuối tuần trước, giá kim loại quý có dấu hiệu suy yếu trong phiên đầu tuần, chủ yếu là do lực bán chốt lời của nhà đầu tư. Tuy vậy, nhóm kim loại quý hiện tại vẫn đang được hỗ trợ bởi lo ngại xung đột leo thang tại khu vực Trung Đông. Các quan chức Mỹ đã cảnh báo rằng cuộc chiến giữa Israel và nhóm phiến quân Hamas có thể leo thang khi các tàu chiến Mỹ tiến tới khu vực này.
- Điều này lý giải cho mức giảm nhẹ của giá vàng và giá bạc trong phiên hôm qua. Riêng đối với bạch kim, mặt hàng này vẫn nhận được mức tăng hơn 1%.
- Đồng rand của Nam Phi, quốc gia khai thác bạch kim lớn nhất thế giới, đã bật tăng mạnh trong phiên hôm qua khi tăng khoảng 1,2% so với đồng USD. Đồng tiền này giống như hầu hết các loại tiền tệ của thị trường mới nổi, rất dễ bị ảnh hưởng bởi căng thẳng địa chính trị. Do đó, việc đồng rand tăng mạnh sẽ khiến chi phí khai thác bạch kim tại Nam Phi tăng lên. Điều này đồng nghĩa rằng giá bạch kim cũng sẽ tăng để bù đắp vào chi phí khai thác và đảm bảo được biên lợi nhuận. Kỳ vọng trên đã thúc đẩy nhà đầu tư tăng cường mua bạch kim trong phiên.
Kim loại cơ bản
- Đồng COMEX tăng 0,31% lên mức 3,58 USD/pound, chấm dứt chuỗi giảm kéo dài 4 phiên liên tiếp. Giá quặng sắt cũng phục hồi 2,51%, chốt phiên tại mức 117,16 USD/tấn.
- Đồng và giá sắt đều được hỗ trợ khi nhà đầu tư phản ứng tích cực với việc Trung Quốc tiếp tục ban hành biện pháp kích thích kinh tế mới.
- Sáng ngày 16/10, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã bổ sung ròng 289 tỷ nhân dân tệ (tương đương 39,6 tỷ USD) vào hệ thống tài chính thông qua khoản vay trung hạn (MLF) kỳ hạn 1 năm. Đây là đợt bơm thanh khoản lớn nhất của PBOC kể từ tháng 12/2020.
- Động thái này diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang xem xét một đợt kích thích mới nhằm giúp nền kinh tế đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 5%. Dữ liệu do Bloomberg tổng hợp cho thấy, Bộ Tài chính Trung Quốc đã bán 1.200 tỷ nhân dân tệ trái phiếu chính phủ trung ương vào tháng 9, cao hơn 60% so với mức trung bình cùng kỳ trong 3 năm qua. Hơn nữa, các nhà hoạch định chính sách cũng đang cân nhắc việc bán thêm trái phiếu chính phủ ít nhất 1.000 tỷ nhân dân tệ để chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, Bloomberg News đưa tin trước đó.
- Tồn kho quặng sắt thấp tại Trung Quốc cũng là yếu tố thúc đẩy lực mua trên thị trường. Dữ liệu từ công ty tư vấn Steelhome cho thấy tồn kho quặng sắt tại Trung Quốc đã giảm 5 tuần liên tiếp, xuống 105,2 triệu tấn tính đến ngày 13/10, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2020.
Bấm để đánh giá bài viết này!
[Total: 0 Trung bình: 0]
Bài viết liên quan