NÔNG SẢN
Ngô
- Kết thúc phiên 17/10, ngô kỳ hạn tháng 12 đóng cửa với mức giảm nhẹ – phiên suy yếu thứ 3 liên tiếp. Nguồn cung vừa được thu hoạch ở Mỹ vẫn đang phải chịu sự cạnh tranh khá gay gắt đến từ đối thủ Brazil. Triển vọng nguồn cung đã thúc đẩy lực bán
- Báo cáo Crop Progress, tỉ lệ ngô tốt – tuyệt vời trong tuần kết thúc ngày 15/10 vẫn duy trì ở mức 53%. Tiến độ mùa vụ ngô của Mỹ trong tuần đánh giá đạt 45% diện tích dự kiến, cao hơn so với mức cùng kỳ năm ngoái và mức trung bình 5 năm qua. Thời tiết khô nóng hiện nay không còn ảnh hưởng đến cây trồng phần lớn đã trưởng thành, mà còn thúc đẩy hoạt động thu hoạch của nông dân. Việc thu hoạch ngô năm nay tại Mỹ diễn ra hết sức thuận lợi từ đầu vụ cho đến nay là yếu tố đã tạo sức ép lên giá.
- Xuất khẩu ngô của Brazil trong 9 ngày làm việc đầu tiên của tháng 10 đã đạt 4 triệu tấn. Trung bình mỗi ngày nước này xuất khẩu 443.300 tấn ngô trong giai đoạn này, cao hơn 24,1% so với mức trung bình hàng ngày trong cả tháng 10/2022, cho thấy nhu cầu đối với nguồn cung của nhà sản xuất hàng đầu thế giới tương đối tốt. Thị trường đậu tương CBOT vẫn đang chịu áp lực cạnh tranh từ nguồn cung Nam Mỹ.
Lúa mì
- Lúa mì giảm hơn 1% trước bối cảnh nguồn cung tại các quốc gia xuất khẩu chính tiếp tục đón nhận những thông tin tích cực. Về mặt kĩ thuật, giá lúa mì đã phá vỡ vùng đỉnh 580 trước đó, dấu hiệu cho thấy xu hướng có thể đảo chiều.
- Tốc độ xuất khẩu lúa mì của EU tiếp tục duy trì ở mức cao trong tuần trước với lũy kế bán hàng tính đến ngày 15/10 đã đạt 8,81 triệu tấn. Ở một diễn biến khác, dữ liệu Maine Trafic cho thấy, số lượng tàu cảng tại Izmail của Ukraine tính đến 16/10 đã tăng gần 3 lần so với tuần trước góp phần củng cố triển vọng xuất khẩu qua “hành lang ngũ cốc”. Lo ngại về nguồn cung tại Biển Đen đã được xoa dịu và tạo sức ép lên giá lúa mì.
Đậu tương
- Giá đậu tương tháng 12 duy trì đà tăng bất chấp việc các thông tin cơ bản hầu mang tính “bearish”, nhờ sự khởi sắc mạnh mẽ của giá khô đậu tương. Tuy nhiên, áp lực bán từ vùng kháng cự 1300 đã khiến đà tăng của giá bị thu hẹp đáng kể. Đậu tương đóng cửa với mức tăng 0,82%.
- Báo cáo Tiến độ Mùa vụ (Crop Progress): Mỹ thu hoạch 62% diện tích đậu tương dự kiến tính tới ngày 15/10, so với mức 43% được ghi nhận một tuần trước đó. Tốc độ thu hoạch tương đương với cùng kỳ năm ngoái, và cao hơn so với mức trung bình 5 năm. Xét về chất lượng, 52% diện tích đậu tương đạt mức tốt/tuyệt vời, cải thiện so với tuần trước đó. Các số liệu trong báo cáo Crop Progress đã tạo sức ép lên giá.
- Hiệp hội Công nghiệp Dầu thực vật Brazil dự báo nước này sẽ sản xuất mức kỷ lục 164,7 triệu tấn đậu tương trong niên vụ 23/24, tăng 4,4% so với niên vụ trước. Nhờ sản lượng gia tăng, Brazil dự kiến sẽ xuất khẩu tới 100 triệu tấn đậu tương trong niên vụ 23/24.
- Ban Thư ký Ngoại thương Brazil (Secex) cho biết nước này xuất khẩu được 2,35 triệu tấn đậu tương trong 2 tuần đầu tháng 10, so với mức 3,8 triệu tấn của cả tháng 10/2022. Trung bình mỗi ngày Brazil xuất khẩu 261.500 tấn đậu tương, tăng 30,8% so với mức trung bình được ghi nhận cho cả tháng 10/2022. Triển vọng nguồn cung tích cực từ Brazil là yếu tố “bearish” với giá đậu tương trong hôm qua.
- Khô đậu tương là mặt hàng dẫn đầu đà tăng của cả nhóm, với mức tăng lên tới 2,46%.
- Dầu đậu tương giảm gần 1% và kết thúc chuỗi 3 phiên tăng liên tiếp trước áp lực bán chốt lời của các nhà đầu tư. Xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ của Malaysia trong 15 ngày đầu tháng 10 đạt 606.980 tấn, tăng 5,6% so với mức 574.936 tấn cùng kỳ tháng trước, công ty giám định độc lập Amspec Agri cho biết. Xuất khẩu dầu thực vật gia tăng cũng là yếu tố gián tiếp tạo sức ép lên giá dầu đậu.
NĂNG LƯỢNG
- Dầu chốt phiên tăng nhẹ, nhà đầu tư thận trọng đánh giá những nỗ lực ngoại giao của Mỹ nhằm ngăn chặn cuộc xung đột ở Trung Đông lan rộng. Giá dầu WTI kỳ hạn tháng 12 tăng 0,21% lên 85,44 USD/thùng. Dầu Brent tăng 0,28% lên 89,90 USD/thùng.
- Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ tới Israel vào thứ Tư ngày 18/10, sau khi Washington cho biết Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đồng ý viện trợ nhân đạo đối với những người dân Gaza. Mỹ cũng đang cố gắng tập hợp các quốc gia Arab nhằm ngăn chặn một cuộc chiến tranh khu vực. Trước đó, Iran đã cảnh báo về hành động ngăn chặn một cuộc tấn công trên bộ của Israel, bao gồm hỗ trợ phong trào Hezbollah ở Lebanon.
- Nga, theo các thương nhân và LSEG, xuất khẩu dầu diesel và dầu mazut bằng đường biển của Nga trong 15 ngày đầu tháng 10 đã giảm 20% so với cùng kỳ tháng 9 xuống khoảng 1,1 triệu tấn, do các nhà máy lọc dầu bảo trì theo mùa. Điều này đã làm gia tăng áp lực thâm hụt về phía nguồn cung, củng cố lực mua trên thị trường.
- Dữ liệu kinh tế Mỹ mạnh hơn dự kiến củng cố đà tăng của giá dầu. Doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 9 tăng 0,7% so với tháng trước, cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với dự báo của giới phân tích. Trong khi đó, sản lượng công nghiệp của Mỹ trong tháng 9 tăng 0,3% so với tháng trước, cao hơn so với mức tăng 0,1% dự báo.
- Phát biểu ôn hòa từ Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bang Richmond, Thomas Barkin, đã gây sức ép lên đồng USD, gián tiếp hỗ trợ giá dầu. Ông Barkin cho biết tại Hội nghị bàn tròn Bất động sản ở Washington vào ngày 17/10 rằng, các nhà hoạch định chính sách cần “có thời gian” để đánh giá về việc nên giữ lãi suất ổn định hay cần tăng lãi suất hơn nữa để đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%.
- Báo cáo của Viện dầu khí Mỹ (API): tồn kho dầu thương mại Mỹ giảm mạnh 4,4 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 13/10, giảm mạnh hơn nhiều so với mức dự báo giảm 300.000 thùng của giới phân tích. Trong khi đó, tồn kho xăng giảm 1,6 triệu thùng, giảm mạnh hơn nhiều so với mức dự báo giảm 1,1 triệu thùng của thị trường. Giá dầu đón nhận lực mua mạnh hơn rõ rệt ngay sau khi dữ liệu được công bố, củng cố sắc xanh cho phiên ngày hôm qua.
KIM LOẠI
Kim loại quý
- Bạch kim tăng 0,76% lên mức 906,2 USD/ounce. Giá vàng tăng lên mức 1.923,07 USD/ounce sau khi tăng 0,19%. Giá bạc tăng mạnh nhất nhóm khi tăng 1,14%, chốt phiên tại 23,02 USD/ounce.
- Các mặt hàng kim loại quý, vốn được biết đến với vai trò hàng đầu là các loại tài sản trú ẩn an toàn, tiếp tục được hưởng lợi khi xung đột địa chính trị tại khu vực Trung Đông vẫn chưa đi đến hồi kết. Các chuyên gia trên thị trường cho biết nếu không có lệnh ngừng bắn hoặc bằng chứng cho thấy xung đột suy yếu, giá kim loại quý vẫn được hỗ trợ.
- Các nhà đầu tư sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ những diễn biến xung quanh cuộc xung đột Israel-Hamas, khi mà Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ có chuyến thăm cấp cao tới Israel vào thứ Tư.
- Quan chức FED đưa ra quan điểm FED có thể tạm ngừng tăng lãi suất. Chủ tịch FED bang Philadelphia, Patrick Harker, tiếp tục nhắc lại quan điểm FED đã kết thúc chu kỳ tăng lãi suất, do áp lực lạm phát đang dần giảm bớt. Những bình luận “ôn hòa” này của các quan chức đang làm gia tăng kỳ vọng về một chính sách tiền tệ mềm mỏng hơn của FED. Do vậy, áp lực lãi suất giảm bớt cũng là yếu tố hỗ trợ cho dòng tiền chảy vào thị trường kim loại quý.
Kim loại cơ bản
- Đồng COMEX giảm 0,1% xuống mức 3,57 USD/pound. Yếu tố gây sức ép chính lên giá đồng hiện tại vẫn đang là nhu cầu tiêu thụ trầm lắng tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới. Các nhà đầu tư sẽ tiếp tục đón chờ loạt dữ liệu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nôi, doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp của Trung Quốc. Những dữ liệu này sẽ giúp nhà đầu tư đánh giá triển vọng tiêu thụ đồng tại Trung Quốc trong thời gian tới.
- Quặng sắt trên Sở Giao dịch Singapore (SGX) tăng 0,29% lên mức 117,5 USD/tấn, nhờ triển vọng tích cực của ngành thép toàn cầu.
- Báo cáo Triển vọng ngắn hạn cho năm 2023 và 2024 được công bố vào ngày 17/10, Hiệp hội Thép thế giới (World Steel) dự đoán nhu cầu thép toàn cầu sẽ tăng 1,8% lên 1.814,5 triệu tấn vào năm 2023, sau khi giảm 3,3% vào năm 2022. Sang năm 2024, nhu cầu thép toàn cầu dự kiến sẽ tăng thêm 1,9% lên 1.849,1 triệu tấn.
- Kỳ vọng tiêu thụ thép sẽ tăng tốc trong năm nay và năm tới đã thúc đẩy lực mua quặng sắt trong phiên hôm qua, do đây là nguyên liệu đầu vào quan trọng cho sản xuất thép
Bấm để đánh giá bài viết này!
[Total: 0 Trung bình: 0]
Bài viết liên quan