Bản tin tổng hợp ngày 20/02/2023.
ĐẬU TƯƠNG, NGÔ, LÚA MÌ TĂNG NHẸ TRƯỚC KỲ NGHỈ CUỐI TUẦN CỦA HOA KỲ
Ngô, đậu tương và lúa mì đóng cửa ở mức cao hơn vào thứ Sáu khi các thương nhân cân bằng vị thế trước kỳ nghỉ lễ của Hoa Kỳ.
Thị trường lo ngại về khả năng gia hạn Thỏa thuận Biển Đen đã tạo đà tăng cho nông sản, trong khi đồng đô la mạnh lên và giá dầu thô giảm đã hạn chế đà phục hồi.
Giá ngô và đậu tương giảm mạnh trong tuần này khi tin tức về ảnh hưởng của hạn hán lên vụ mùa ở Argentina ảnh hưởng yếu dần đến giá, trong khi triển vọng về vụ thu hoạch đậu tương lớn kỷ lục của Brazil tiếp tục gây áp lực lên giá đậu tương.
“Việc Brazil kỳ vọng thu hoạch vụ đậu tương kỷ lục, trái với tình trạng ảm đạm của vụ mùa đậu tương Argentina đã đặt ra cho thị trường câu hỏi: Liệu vụ đậu ở Brazil có đủ lớn để bù đắp những tổn thất ở Argentina?” Tom Fritz, một đối tác của Tập đoàn EFG ở Chicago cho biết.
Trong khi đó, căng thẳng chính trị leo thang giữa hai nước và việc Nga không hài lòng với một số khía cạnh của thỏa thuận đã gây lo ngại về vấn đề xuất khẩu tại khu vực Biển Đen. Các cuộc đàm phán sẽ bắt đầu trong một tuần nữa về việc gia hạn thỏa thuận ngũ cốc.
“Việc tiếp tục gia hạn thỏa thuận là rất quan trọng”, Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) David Beasley cho biết.
Ông cảnh báo Moscow rằng việc đóng cửa các cảng sẽ gây ảnh hưởng nặng nề lên thế giới nói chung, đặc biệt là ở châu Phi, nơi hàng triệu người đang phải đối mặt với nạn đói.
Các thương nhân đang chờ đợi Diễn đàn triển vọng hàng năm của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ vào tuần tới, trong đó chính phủ dự kiến sẽ công bố dự báo sơ bộ về diện tích gieo trồng và sản lượng các loại cây trồng chính của Hoa Kỳ vào năm 2023.
Thị trường Hoa Kỳ và hầu hết các văn phòng chính phủ sẽ đóng cửa vào thứ Hai để kỷ niệm Ngày lễ Tổng thống.
(Nguồn: Reuters)
Quý nhà đầu tư tham khảo phân tích kỹ thuật của thị trường tại: PHÂN TÍCH KỸ THUẬT NGÀY 20/02/2023.
GIÁ DẦU VỀ MỨC THẤP NHẤT TRONG GẦN 2 TUẦN TRƯỚC SỨC ÉP VĨ MÔ VÀ CÁC TÍN HIỆU NGUỒN CUNG DỒI DÀO
Kết thúc tuần giao dịch ngày 13/02 – 19/02, sắc đỏ phủ kín bảng giá năng lượng khi các sức ép từ yếu tố vĩ mô đồng loạt thúc đẩy lực bán, trong đó, giá dầu WTI lao dốc và đánh mất 4,22% giá trị xuống còn 76,55 USD/thùng, và dầu Brent cũng giảm 3,86% xuống 82,67 USD/thùng. Bên cạnh áp lực vĩ mô, các tín hiệu nguồn cung được đảm bảo, trong khi nhu cầu vẫn chưa có sự khởi sắc đáng kể đã kéo giá dầu suy yếu trong tuần qua.
Tâm điểm của thị trường hướng về dữ liệu lạm phát tại Mỹ trong tháng 1 bất ngờ cao hơn dự báo, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 ghi nhận mức tăng 6,4% so với cùng kỳ 2022, cao hơn mức tăng 6.2% từ các tính toán phía chuyên gia và chỉ hạ nhiệt nhẹ so với con số 6,5% vào tháng trước đó. Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng bày tỏ quan điểm cứng rắn về tiến trình thắt chặt tiền tệ trong tương lai, trong đó chủ tịch St. Louis Fed James Bullard thậm chí còn ủng hộ việc tăng lãi suất 50 điểm cơ bản trong kỳ họp tiếp theo. Lo ngại lãi suất còn tăng mạnh đã kéo đồng USD mạnh lên và chỉ số Dollar Index đã có tuần tăng thứ 3 liên tiếp, Đồng bạc xanh mạnh hơn khiến cho chi phí nắm giữ vật chất đắt đỏ hơn và gây sức ép tới giá dầu.
Về mặt cung cầu, các báo cáo tháng quan trọng từ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đều cho thấy góc nhìn tích cực hơn về nhu cầu dầu thô thế giới trong năm 2023, đặc biệt là với sự mở cửa trở lại từ phía Trung Quốc. Cụ thể, nhóm OPEC trong báo cáo tháng 2 đã nâng mức tiêu thụ dầu năm này thêm 100.000 thùng/ngày so với báo cáo trước, lên mức kỷ lục 101.9 triệu thùng/ngày, với nhu cầu của Trung Quốc tăng 900.000 thùng/ngày so với một năm trước đó, chiếm 45% mức tăng trưởng chung. Kỳ vọng tích cực hơn về triển vọng tiêu thụ đã hạn chế đà giảm của giá dầu và khiến giá liên tục có những phiên biến động giằng co. Tuy nhiên, về ngắn hạn, các tín hiệu cung cầu đều đang gây sức ép tới giá.
Báo cáo mới nhất về nguồn cung của Mỹ, được công bố vào thứ Tư, cho thấy tồn kho dầu thô trong tuần tính đến ngày 10/02 đã tăng 16,3 triệu thùng lên 471,4 triệu thùng, mức cao nhất kể từ tháng 06/2021. Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng đang có kế hoạch bán số lượng dầu từ kho dự trữ chiến lược (SPR) lên tới 26 triệu thùng. Bên cạnh đó, lo ngại nguồn cung từ phía Nga sau khi nước này tuyên bố cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày kể từ tháng 3 cũng đang dần giảm bớt khi nguồn tin từ Reuters cho biết các nhà sản xuất dầu của Nga kỳ vọng sẽ duy trì khối lượng xuất khẩu dầu thô hiện tại.
Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho biết số lượng giàn khoan dầu khí, một chỉ báo sớm về sản lượng trong tương lai, đã giảm 1 giàn khoan xuống còn 760 giàn khoan trong tuần tính đến ngày 17/02. Bất chấp sự sụt giảm giàn khoan trong tuần này, Baker Hughes cho biết tổng số giàn khoan vẫn tăng 115, tương đương 18%, so với cùng thời điểm năm ngoái.
(Nguồn: MXV)
Quý nhà đầu tư tham khảo phân tích kỹ thuật của thị trường tại: PHÂN TÍCH KỸ THUẬT NGÀY 20/02/2023.
ĐỒNG USD TIẾP TỤC GÂY ÁP LỰC LÊN GIÁ KIM LOẠI QUÝ, LO NGẠI NGUỒN CUNG Ở PERU TIẾP TỤC HỖ TRỢ CHO GIÁ ĐỒNG
Nhóm kim loại quý trải qua một tuần giao dịch đầy khó khăn, khi giá bạc giảm 1,63% xuống 21,72 USD/ounce, và giá bạch kim lao dốc 3,19% về mức 921,4 USD. Đáng chú ý, giá bạc đã giảm 5 tuần liên tiếp, còn giá bạch kim có tuần thứ 6 liên tiếp đóng cửa trong sắc đỏ và giảm về mức thấp nhất kể từ cuối tháng 10/2022 đến nay.
Sự gia tăng của đồng USD tiếp tục là sức ép chính đối với các mặt hàng kim loại quý. Diễn biến này phản ánh qua việc chỉ số Dolllar Index tăng tuần thứ ba liên tiếp lên 103,86 điểm. Các nhà đầu tư đang lo ngại trước nguy cơ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục mạnh tay tăng lãi suất sau khi các số liệu lạm phát được công bố trong tuần vừa qua khá tiêu cực.
Cả chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá sản xuất (PPI) đều giảm nhưng vẫn cao hơn so với dự báo, cộng với việc số liệu việc làm tích cực khiến các nhà phân tích cho rằng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong ba cuộc họp sắp tới. Trong tuần trước, rất nhiều quan chức của Fed cũng đã tái khẳng định quyết tâm của cơ quan này trong việc hạ nhiệt lạm phát về mức 2%.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, đồng và quặng sắt có một tuần giao dịch khởi sắc và đều đóng cửa với sắc xanh trong khi phần lớn các mặt hàng khác như nhôm, chì, niken đều giảm mạnh.
Nhóm kim loại cơ bản cũng chịu sức ép từ đà tăng của đồng bạc xanh, nhưng những lo ngại về nguồn cung và triển vọng tiêu thụ đồng và quặng sắt của Trung Quốc vẫn là những chất xúc tác đủ mạnh để thu hút dòng tiền.
Giá đồng tăng 2,29% lên 4,11 USD/pound, khi mà hoạt động sản xuất đồng tại Peru, nhà xuất khẩu lớn thứ hai thế giới, đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi các cuộc biểu tình và phong tỏa, sau sự kiện Tổng thống Pedro Castillo bị lật đổ vào ngày 07/12. Dữ liệu sử dụng điện hàng ngày cho thấy rằng ít nhất hai mỏ chính hiện nay thường chỉ sử dụng một nửa lượng điện bình thường do các hoạt động khai thác bị gián đoạn.
Giá quặng sắt tăng 1,46% lên 126,54 USD/tấn, trong bối cảnh các nhà máy thép tại Trung Quốc đang đang tích cực mua hàng phục vụ cho nhu cầu ngày càng tăng của các ngành công nghiệp cơ sở hạ tầng và bất động sản.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã bơm ròng 29,15 tỷ USD vào thị trường tài chính bằng các khoản cho vay trung hạn một năm để đáp ứng nhu cầu vay vốn phục sau khi quốc gia này nới lỏng các hạn chế chống dịch Covid-19. Đây cũng là một tin tức hỗ trợ đối với thị trường đồng và quặng sắt trong tuần vừa qua.
Bước sang tuần giao dịch 20 – 26/02, các số liệu kinh tế của Mỹ bao gồm chỉ số GDP, chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), và lãi suất cho vay cơ bản của Trung Quốc sẽ được công bố. Các nhà đầu tư nên theo dõi các tin tức này để nằm bắt diễn biến thị trường và nâng cao hiệu quả đầu tư.
(Nguồn: MXV)
Quý nhà đầu tư tham khảo phân tích kỹ thuật của thị trường tại: PHÂN TÍCH KỸ THUẬT NGÀY 20/02/2023.
Bài viết liên quan