fbpx

TIN TỨC THỊ TRƯỜNG NGÀY 20/10/2023

 

NÔNG SẢN

Ngô

  • Khép phiên giao dịch 19/10, giá ngô đã tăng mạnh hơn 2,6% và vượt khoảng đi ngang 470 – 500 đã kéo dài trong gần 3 tháng vừa qua. Lo ngại về nguồn cung toàn cầu đã giúp giá ngô bật tăng trong cuối phiên và đẩy giá lên mức cao nhất kể từ ngày 2/8.
  • Báo cáo Cung cầu ngũ cốc thế giới: IGC đã cắt giảm dự báo sản lượng ngô toàn cầu niên vụ 23/24 xuống còn 1,219 tỷ tấn do sự sụt giảm từ Mỹ và Brazil. Nguồn cung tại Nam Mỹ: FAO cảnh báo El Nino sẽ kéo dài ít nhất cho đến nửa đầu năm 2024 ở Châu Mỹ Latinh, thời tiết khô hạn ở khu vực Trung Mỹ và Brazil. Con số thiệt hại nông nghiệp có thể lên tới 82% nếu hạn hán.
  • ANEC cho biết, hạn hán nghiêm trọng hạn chế lượng ngũ cốc được vận chuyển bằng sà lan tới các cảng phía bắc Brazil và đe dọa sản lượng mùa vụ năm nay của nhà cung cấp hàng đầu thế giới. Đây là thông tin đã hỗ trợ mạnh mẽ đến giá trong phiên vừa rồi.

Lúa mì

  • Lúa mì cũng tăng vọt hơn 2%, đồng thời đóng cửa tại mức giá cao nhất trong vòng 1 tháng qua do yếu tố nguồn cung
  • StoneX hạ dự báo sản lượng lúa mì niên vụ 2023/24 của Brazil xuống còn 10,5 triệu tấn, giảm 5,9% so với ước tính đưa ra hồi tháng 9, dự báo xuất khẩu lúa mì của Brazil giảm xuống 1,86 triệu tấn
  • Ukraine ghi nhận thiệt hại của ngành ngũ cốc và hạt có dầu lên tới hơn 3,2 tỷ USD trong năm nay, đe dọa làm giảm diện tích gieo trồng trong những vụ mới, củng cố lo ngại về nguồn cung từ một trong những nhà xuất khẩu lương thực quan trọng thế giới.

Đậu tương

  • Giá đậu tương hợp đồng tháng 12 rung lắc mạnh trên ngưỡng 1300, giá tăng nhẹ khi kết thúc phiên, ghi nhận chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp.
  • Báo cáo Bán hàng Xuất khẩu: khối lượng bán hàng ròng đậu tương niên vụ 23/24 trong tuần 06/10-12/10 của nước này đạt 1,37 triệu tấn, tăng 29,8% so với một tuần trước, gần với mức cao nhất của khoảng dự đoán, cho thấy nhu cầu quốc tế đối với đậu tương Mỹ cao và tác động “bullish” mạnh lên giá.
  • Brazil, hạn hán đe dọa triển vọng mùa vụ và xuất khẩu. Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu Ngũ cốc Brazil (ANEC) cho biết, tình hình khô hạn nghiêm trọng ở sông Amazon đã khiến mực nước giảm về mức thấp nhất trong hơn một thế kỷ, buộc các nhà xuất khẩu ngũ cốc Brazil phải chuyển một lượng nhỏ các lô hàng tới các cảng phía nam, thay vì phía bắc. ANEC đánh giá tuy tình trạng này sẽ không ảnh hưởng đến kế hoạch xuất khẩu ngũ cốc năm nay của Brazil, nhưng có thể khiến nguồn cung từ quốc gia này khan hiếm trong ngắn hạn. Đây là yếu tố đã thúc đẩy lực mua đối với đậu tương.

NĂNG LƯỢNG

  • Dầu đảo chiều tăng cuối phiên do lo ngại chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza có thể leo thang thành xung đột khu vực.
  • Dầu WTI ghi nhận phiên tăng thứ 3 liên tiếp – tăng 1,26% lên 88,37 USD/thùng. Giá dầu Brent tăng 0,96% lên 92,38 USD/thùng.
  • Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant ám chỉ một cuộc tấn công trên bộ ​​với mục đích tiêu diệt Hamas. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cảnh báo rằng cuộc xung đột sẽ không phải là một cuộc giao tranh ngắn hạn.
  • Nhà đầu tư kỳ vọng việc Mỹ nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với dầu của Venezuela sẽ giúp bổ sung nguồn cung, giúp giá gặp sức ép bán trong phiên đầu ngày.
  • Theo Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+), động thái này của Mỹ khó có thể khiến nhóm thay đổi chính sách, vì sự phục hồi sản lượng của Venezuela sẽ cần thời gian dài. OPEC+ không mong đợi bất kỳ sự phản ứng đáng kể nào từ giá, ngay cả khi Mỹ tìm cách kiểm soát giá dầu toàn cầu. Saudi Arabia sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng đến cuối năm.
  • Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden có kế hoạch sẽ mua 6 triệu thùng dầu thô để bổ sung vào Kho Dự trữ Chiến lược (SPR) trong tháng 12/2023 và 1/2024. Bộ Năng lượng Mỹ kỳ vọng sẽ ký được hợp đồng mua dầu với giá 79 USD/thùng hoặc thấp hơn, củng cố lực mua
  • Sự suy yếu của đồng USD sau bài phát biểu “ôn hòa” của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell, thúc đẩy đà tăng của dầu thô.
  • Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã có thời điểm chạm mốc kỷ lục 5%, có thể khiến FED không cần tăng thêm lãi suất. Theo Công cụ theo dõi FED watch của CME Group, 100% kỳ vọng FED giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 11

KIM LOẠI

Kim loại quý

  • Vàng tăng mạnh 1,34% lên 1.973,7 USD/ounce, phiên tăng thứ 3 liên tiếp. Giá bạch kim cũng phục hồi 0,44%, đóng cửa tại mức 898,2 USD/ounce. Bạc suy yếu nhẹ sau 2 phiên tăng liên tiếp, chốt phiên tại mức giá 23,03 USD/ounce sau khi giảm 0,29%.
  • Giá được hỗ trợ khi căng thẳng gia tăng ở khu vực Trung Đông thúc đẩy nhu cầu tích trữ tài sản trú ẩn an toàn.
  • Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell làm gia tăng hy vọng FED có thể tạm dừng tăng lãi suất, thúc đẩy dòng tiền chảy vào thị trường kim loại quý. Ông cho biết Mỹ có khả năng phục hồi và thị trường lao động tích cực có thể tạo thêm không gian để FED tiếp tục tăng lãi suất. Đà tăng mạnh của lợi suất trái phiếu giúp thắt chặt “đáng kể” các điều kiện tài chính tổng thể. Những quan chức này cho rằng FED có thể tạm ngừng tăng lãi suất, do lợi suất trái phiếu tăng cao sẽ khiến điều kiện tài chính bị thắt chặt và kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế.
  • Bình luận này của Chủ tịch FED Powell được các nhà đầu tư đánh giá là khá ôn hòa. Nhà đầu tư đã tăng kỳ vọng về việc FED có thể tạm ngừng chu kỳ thắt chặt tiền tệ, khiến đồng USD suy yếu. Chỉ số Dollar Index kết phiên giảm 0,29% xuống 106,25 điểm. Kim loại quý là tài sản không mang lãi suất và được định giá bằng USD.
  • Bạc ghi nhận mức giảm nhẹ do gặp áp lực bán kĩ thuật tại vùng kháng cự 23,3 – 23,4 USD.

Kim loại cơ bản

  • Đồng COMEX tăng phiên thứ hai liên tiếp khi tăng 0,39% lên mức 3,60 USD/pound. Giá quặng sắt cũng phục hồi lên mức 116,93 USD/tấn nhờ mức tăng 0,91%.
  • Giá đồng và giá quặng sắt tiếp tục được hỗ trợ bởi dữ liệu kinh tế tích cực của Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới.
  • Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh hơn dự kiến ​​trong quý III, trong khi hoạt động tiêu dùng và công nghiệp trong tháng 9 cũng gây bất ngờ về mặt tăng trưởng. Điều này làm gia tăng kỳ vọng về việc nền kinh tế Trung Quốc đang dần phục hồi. Đồng thời, triển vọng tiêu thụ các mặt hàng kim loại công nghiệp làm đầu vào cho hoạt động sản xuất như đồng hay quặng sắt cũng được củng cố. Giá đồng và quặng sắt vì thế cũng được hỗ trợ.
  • Lo ngại về nguồn cung đã thúc đẩy lực mua quặng sắt tăng trong phiên hôm qua. Cụ thể, công ty khai thác Vale SA của Brazil, tập đoàn khai thác quặng sắt lớn thứ hai thế giới, cho biết họ đã khai thác 86,23 triệu tấn quặng sắt trong quý III năm nay, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
  • 2 công ty khai thác quặng sắt lớn thứ nhất và thứ ba toàn cầu là Rio Tinto và BHP Group cũng báo cáo sản lượng quặng sắt quý III/2023 giảm lần lượt 1% và 3% so với cùng kỳ năm trước.
Bấm để đánh giá bài viết này!
[Total: 0 Trung bình: 0]

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *