fbpx

TIN TỨC THỊ TRƯỜNG NGÀY 21/08/2023

 

NÔNG SẢN

Ngô

  • Kết thúc tuần giao dịch 14 – 20/08, giá ngô đã hồi phục trở lại sau 3 tuần giảm liên tiếp. Dù đà suy yếu đã tiếp diễn vào nửa đầu tuần khiến giá ghi nhận mức thấp nhất kể từ tháng 12/2020 nhưng lo ngại với mùa vụ của Mỹ đã kéo giá đảo chiều.
  • Một đợt khô nóng cuối mùa hè đang hình thành ở trung tâm Mỹ và dự báo thời tiết sẽ tác động tiêu cực tới chất lượng ngô ở các khu vực sản xuất chính tại Midwest. Điều này đã làm giảm bớt những kỳ vọng về mùa vụ năm nay và là yếu tố “bullish” mạnh đối với thị trường ngô.
  • USDA cho biết, Mỹ đã bán cho Mexico 112.000 tấn ngô niên vụ 23/24 trong phiên cuối tuần trước. Thông tin này góp phần củng cố đà hồi phục của giá ngô. Tuy nhiên, sau khi thành lập hội đồng giải quyết tranh chấp với Mexico về ngô GMO theo Hiệp định thương mại Bắc Mỹ, thương mại giữa 2 nước có thể sẽ là yếu tố “bearish” với giá trong trung hạn.

Lúa mì

  • Lúa mì vẫn tiếp tục suy yếu nhưng đà giảm đã bị hạn chế do vấn đề nguồn cung toàn cầu. Hiện giá đã quay trở lại trên mức hỗ trợ 600.
  • Thông tin về triển vọng xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen tác động lên xu hướng giá lúa mì trong tuần trước. Romania đặt mục tiêu tăng gấp 2 công suất vận chuyển ngũ cốc Ukraine tới cảng Constanta lên 4 triệu tấn/tháng trong thời gian tới, đặc biệt là thông qua tuyến đường sông Danube. Thông tin trên đã củng cố khả năng Ukraine có thể tìm ra những con đường vận chuyển thay thế để giải quyết tình trạng gián đoạn xuất khẩu hiện tại.
  • Mùa vụ lúa mì ở một số nước đang đứng trước tình hình đáng lo ngại. Ấn Độ đang hướng tới tháng 8 khô hạn nhất trong hơn một thế kỷ do hiện tượng El Nino. Lo ngại về nguồn cung càng gia tăng Chính phủ Ấn Độ ban hành lệnh dừng xuất khẩu lúa mì nhằm bảo đảm an ninh lương thực trong nước vào tháng 5/2022. Triển vọng nguồn cung sẽ khiến cho giá lúa mì duy trì đà hồi phục và hướng lên vùng 630 trong tuần này.

Đậu tương

  • Kết tuần, giá đậu tương đã hồi phục 3,5%, khép lại chuỗi 3 tuần liên tiếp suy yếu, nhờ tình hình xuất khẩu đậu tương của Mỹ cải thiện, và lo ngại về tình hình mùa vụ tại Mỹ.
  • Dự báo Midwest sẽ phải đối mặt với sự trở lại của thời tiết khô hạn và nắng nóng. Lượng mưa sẽ khá hạn chế tại Trung Mỹ trong tuần này hoặc có thể lâu hơn, dẫn đến tình trạng khô hạn nhanh chóng xảy ra. Báo cáo Tiến độ Mùa vụ tuần trước, phần lớn đậu tương đang trong giai đoạn ra hoa và tạo vỏ nên năng suất sẽ rất nhạy cảm với thời tiết. Đậu tương có thể chịu được khô hạn trong thời gian ngắn, nhưng nếu kéo dài đến cuối tháng 8, sự cải thiện năng suất sẽ khó có thể xảy ra.
  • Báo cáo Xuất khẩu hàng tuần: doanh số bán hàng niên vụ 23/24 của Mỹ đạt 1,41 triệu tấn, tăng 28% so với tuần trước và nằm ngoài dự đoán. Giao hàng niên vụ 22/23 tăng lên mức 434,227 tấn, tăng 14% so với tuần trước đó. Cùng với việc bán hàng niên vụ mới có sự cải thiện đã mang đến triển vọng tích cực về nhu cầu đối với đậu tương Mỹ. Tuần này, đậu trương có thể sẽ test lại kháng cự 1376, nếu tình hình thời tiết không chuyển biến tích cực.
  • Dầu đậu tương đã tăng mạnh gần 6,5%, lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2022 do dầu cọ tăng giá cùng lo ngại tình hình căng thẳng leo thang tại biển Đen. Nga đã tiến hành các cuộc không kích và làm hư hại các kho chứa ngũ cốc tại cảng Danube, tuyến đường rất quan trọng đối với việc xuất khẩu ngũ cốc của Kiev, khiến hoạt động xuất khẩu nông sản từ Ukraine bị ảnh hưởng, từ đó khiến nguồn cung dầu thực vật sụt giảm. Tuần này, dầu đậu rất có thể sẽ tiếp tục tăng lên vùng 64.5 – 65.5.
  • Khô đậu không có quá nhiều thay đổi trong tuần trước.

NĂNG LƯỢNG

  • Dầu thô kết thúc chuỗi tăng giá 7 tuần liên tiếp, trước những lo ngại về tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc, và rủi ro lãi suất cao sẽ còn kéo dài tại Mỹ.
  • Dầu WTI kết tại 81,25 USD/thùng, giảm 2,33% so với tuần trước đó. Dầu Brent giảm 2,31% xuống 82,8 USD/thùng.

Yếu tố vĩ mô

  • Sản lượng công nghiệp của Trung Quốc tháng 7 tăng 3,7% so với tháng 6, thấp hơn so với dự báo tăng 4,5% và mức tăng 4,4% trong tháng 6. Doanh số bán lẻ ghi nhận mức tăng trưởng chậm nhất kể từ tháng 12/2022. Đầu tư tài sản cố định cũng thấp hơn kỳ vọng trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng trở lại.
  • Nhiều ngân hàng lớn cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay. Ngân hàng JPMorgan đã hạ dự báo tốc độ tăng trưởng GDP xuống 4,8% từ mức 6,4% và xuống còn 4,2% vào năm 2024. Tập đoàn tài chính Barclays hạ ước tính tăng trưởng GDP xuống còn 4,5%, giảm 0,4 điểm phần trăm so với trước.
  • Fed vẫn nhấn mạnh vào mục tiêu kiểm soát lạm phát, cảnh báo về biến động lãi suất có thể tăng hơn nữa hoặc duy trì trong thời gian dài. Đồng USD tăng tuần thứ 5 liên tiếp tạo sức ép nhất định cho giá dầu.

Yếu tố cung cầu

  • Ngân hàng Citigroup cho rằng các nhà giao dịch có thể đặt lệnh bán khống sau khi mùa hè kết thúc, và cảnh báo rằng OPEC+ có thể sẽ cắt giảm sản lượng nhiều hơn nữa để giữ giá dầu trên mức 70 USD/thùng.
  • Dầu đã lấy lại động lực tăng giá trong 2 phiên cuối tuần trong bối cảnh lo ngại nguồn cung tại Mỹ sẽ không đủ bù đắp sự thiếu hụt trên thị trường trong trung và dài hạn.
  • Số lượng giàn khoan dầu đang hoạt động ở Mỹ giảm 5 giàn trong tuần xuống còn 520, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2022 và thấp hơn ~ 14% so với cùng kì năm ngoái.
  • Iran đã tăng giá dầu thô kỳ hạn tháng 9 tới thị trường châu Á.
  • Khí tự nhiên giảm ~ 8% trong tuần do nguồn cung dồi dào và dự báo thời tiết mát mẻ hơn ở Mỹ sẽ hạn chế nhu cầu khí tự nhiên từ các nhà cung cấp điện. Tồn kho khí thiên nhiên của Mỹ tính đến 11/8 cao hơn 10,8% so với mức trung bình theo mùa trong 5 năm. Nhiệt độ dự kiến ​​sẽ hạ nhiệt ở bờ biển phía Đông và phía Tây của Mỹ trong 10 ngày tới.

KIM LOẠI

Kim loại quý

  • Bạc và giá bạch kim nối dài đà giảm sang tuần thứ 5 liên tiếp với mức giảm lần lượt là 0,12% và 2,08% xuống 22,71 USD/ounce và 895,6 USD/ounce. Giá vàng đánh mất ngưỡng 1.900 USD/ounce khi giảm 1,28% xuống 1.888,89 USD/ounce.
  • Dòng tiền rút khỏi thị trường kim loại quý khi đồng USD mạnh lên và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng mạnh.
  • Fed ưu tiên việc hạ nhiệt lạm phát về mức 2%, kết hợp với dữ liệu tích cực bao gồm doanh số bán lẻ tăng vượt dự báo và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm, càng làm gia tăng nỗi lo Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất để hạ nhiệt nền kinh tế.
  • Dollar Index tăng tuần thứ 5 liên tiếp, lên 103,57 điểm. Lo ngại lãi suất tiếp tục tăng cao thúc đẩy lợi suất trái phiếu Mỹ tăng mạnh, đã có phiên lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên 4,3%, mức cao nhất kể từ 2007 và lợi suất kỳ hạn 30 năm cũng tăng lên mức cao nhất trong 12 năm, với 4,41%.

Kim loại cơ bản

  • Đồng COMEX nối dài đà giảm sang tuần thứ 3 liên tiếp khi giảm 0,74% xuống 3,69 USD/pound.
  • Triển vọng tiêu thụ đồng bị ảnh hưởng nặng nề khi những lo ngại về sự suy yếu của nền kinh tế Trung Quốc gia tăng, sau loạt dữ liệu kinh tế yếu bao gồm đầu tư tài sản cố định, sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ đều thấp hơn tháng 6 và dự báo.
  • Một số ngân hàng lớn như Morgan Stanley, JPMorgan Chase… dự đoán rằng Trung Quốc có thể sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm 2023.

 

Bấm để đánh giá bài viết này!
[Total: 0 Trung bình: 0]

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *