fbpx

TIN TỨC THỊ TRƯỜNG NGÀY 21/09/2023

 

NÔNG SẢN

Ngô

  • Kết phiên ngày 20/09, giá ngô kỳ hạn tháng 12 tiếp tục đà hồi phục với mức tăng mạnh trong phiên thứ 2 liên tiếp. Phe bán chiếm ưu thế trong đầu phiên, giá vẫn đóng cửa tăng 1,26%. Triển vọng nguồn cung tại Nam Mỹ thắt chặt hơn đã thúc đẩy lực mua.
  • Cơ quan Cung ứng Mùa vụ của chính phủ Brazil (CONAB) dự báo tổng sản lượng niên vụ 23/24 của Brazil chỉ đạt 119,8 triệu tấn, giảm 9,1% so với niên vụ trước do diện tích canh tác giảm 4,8% xuống còn 21,2 triệu héc-ta, năng suất dự kiến giảm 4,6% so với năm trước. Giá ngũ cốc giảm ở thị trường nội địa và quốc tế khiến Brazil giảm diện tích trồng ngô. Xuất khẩu ngô niên vụ 23/24 được điều chỉnh giảm 26,9% so với niên vụ trước.
  • Theo Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA), sản lượng ethanol trong tuần kết thúc vào ngày 15/9 chỉ đạt 980 nghìn tấn/ngày, cho thấy nhu cầu tiêu thụ ngô đang chững lại và hạn chế đà tăng của giá trong phiên tối.

Lúa mì

  • Lúa mì tháng 12 hồi phục nhẹ 0,81%. Lo ngại về hoạt động xuất khẩu tại Biển Đen còn tiềm ẩn nhiều rủi ro đã hỗ trợ giá.
  • Trước những nỗ lực phản đối của Ukraine, Thủ tướng Ba Lan cho biết nước này có thể cấm nhập khẩu thêm các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine, cảnh báo Kiev không nên leo thang căng thẳng về nhập khẩu ngũ cốc. Bộ Ngoại giao Ba Lan đã triệu tập đại sứ Ukraine để phản đối những bình luận của tổng thống Zelenskiy tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Động thái gay gắt đến từ Ba Lan làm dấy lên những bất ổn chính trị tại biển Đen và đe dọa đến hoạt động xuất khẩu ngũ cốc trong khu vực, giúp giá lúa mì CBOT hồi phục trong phiên vừa rồi.
  • Công ty tư vấn nông nghiệp SovEcon hạ dự báo sản lượng lúa mì năm 2023 của Nga xuống còn 91,6 triệu tấn, từ mức 92,1 triệu tấn trước đó, đã hỗ trợ giá.

Đậu tương

  • Sau 3 phiên suy yếu liên tiếp trước đó, đậu tương tháng 11 hồi phục nhẹ với mức tăng 0,34% nhờ lực mua kỹ thuật, thông tin cơ bản về nguồn cung từ Brazil vẫn đang gây áp lực lớn lên giá.
  • Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết Mỹ đã bán đơn hàng 120.000 tấn đậu tương niên vụ 23/24 cho một nước giấu tên. Sự xuất hiện của các đơn hàng đậu tương lớn lần thứ 2 trong tuần này cho thấy sự hồi phục trong nhu cầu quốc tế đối với đậu tương Mỹ, tác động “bullish” lên giá.
  • Sự cạnh tranh của nguồn cung từ Brazil là yếu tố “bearish” chính khiến đà tăng của giá đậu tương CBOT bị thu hẹp. CONAB dự báo nước này sẽ thu hoạch mức kỷ lục 162,4 triệu tấn đậu tương trong niên vụ 23/24, tăng 5% so với niên vụ trước. Brazil dự kiến xuất khẩu 101,45 triệu tấn đậu tương trong niên vụ tới, cao hơn nhiều so với mức 96,9 triệu tấn của niên vụ hiện tại. Đây sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử con số này vượt mốc 100 triệu tấn.
  • Trung Quốc nhập khẩu 9,36 triệu tấn đậu tương trong tháng 8 (9,09 triệu tấn từ Brazil, 120.071 tấn từ Mỹ). So với cùng kỳ năm ngoái, Trung Quốc nhập khẩu nhiều đậu tương Brazil hơn ~ 45%, từ Mỹ giảm tới 58%. Điều này gây sức ép lên giá đậu tương CBOT.
  • Giá khô đậu tương tháng 12 nối tiếp đà hồi phục từ phiên trước đó và khép lại phiên hôm qua với mức tăng lên tới 1,52%, nhờ sự khởi sắc của giá đậu tương.
  • Dầu đậu tương giảm tới 1,66%. Sự suy yếu của giá dầu cọ và giá dầu thô tác động “bearish” lên giá dầu đậu.

NĂNG LƯỢNG

Dầu thô

  • Giá dầu tiếp tục nối dài đà giảm sang ngày thứ 2 sau khi cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy tín hiệu về một đợt tăng lãi suất nữa trong năm nay, gia tăng rủi ro cho nền kinh tế Mỹ, gây sức ép tới giá dầu. Tồn kho Mỹ giảm ít hơn dự kiến cũng đã thúc đẩy các hành động đóng vị thế và chốt lời.
  • Giá dầu WTI giảm 0,91%, đánh mất mốc 90 USD/thùng và chốt phiên tại mức giá 89,66 USD/thùng. Dầu Brent giảm 0,86% xuống mức 93,53 USD/thùng.
  • Fed đã giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 5,25% – 5,5%. Fed cảnh báo chi phí đi vay có thể sẽ ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn, sau một lần tăng nữa trong năm nay.
  • Biểu đồ Dot-plot cho thấy 12/19 quan chức Fed ủng hộ việc lãi suất sẽ kết thúc ở mức 5,5% – 5,75% trong năm 2023, tương đương với 1 đợt tăng 25 điểm cơ bản nữa. Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết các quan chức “sẵn sàng tăng lãi suất hơn nữa nếu thích hợp và sẽ giữ vững chính sách thắt chặt tiền tệ đến khi tin tưởng lạm phát hạ nhiệt bền vững xuống vùng mục tiêu 2%”.
  • Đồng USD tăng mạnh sau cuộc họp. Lợi suất trái phiếu Mỹ 10 năm tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2007, đạt mức 4,4%, làm tăng chi phí mua và đầu tư dầu thô, kéo giá giảm ngay sau cuộc họp.
  • Sản lượng dầu thô của Iraq tăng mạnh trong tháng 8 do gia tăng sản lượng.
  • Tồn kho dầu thô thương mại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 15/9 giảm 2,1 triệu thùng, thấp hơn dự báo và báo cáo giảm 5,2 triệu thùng từ Viện Dầu khí Mỹ (API).
  • Nhập khẩu dầu Mỹ giảm 1 triệu thùng/ngày trong tuần trước, nguồn cung trong nước duy trì mức cao 12,9 triệu thùng/ngày. Nhu cầu thế giới đối với dầu thô Mỹ tiếp tục tăng gần 2 triệu thùng/ngày, cho thấy tình trạng nguồn cung khan hiếm đã thúc đẩy hoạt động mua dầu từ Mỹ.

Khí tự nhiên

  • Khí tự nhiên giảm hơn 4% do lượng khí đốt đến các nhà máy xuất khẩu khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) giảm. Nguyên nhân là do nhà máy xuất khẩu Cove Point ở Mayland tạm thời đóng cửa bảo trì. Thời tiết được dự báo cũng sẽ ôn hoà hơn trong 2 tuần tới, làm giảm nhu cầu tiêu thụ và gây sức ép tới giá.

KIM LOẠI

Kim loại quý

  • Bạc phục hồi 1,62% lên mức 23,83 USD/ounce. Bạch kim giảm 0,64%, đóng cửa tại mức 942,3 USD/ounce, chấm dứt chuỗi tăng 4 phiên liên tiếp. Vàng giảm 2 phiên liên tiếp khi giảm 0,07% xuống mức 1.929,68 USD/ounce.
  • Phiên sáng, giá tăng nhẹ do nhà đầu tư kỳ vọng về một chính sách mềm mỏng hơn của Fed. Chỉ số Dollar Index suy yếu khiến cho sức hút của các mặt hàng có tính trú ẩn tăng lên.
  • Fed giữ nguyên lãi suất chính sách không có gì bất ngờ, tâm lý thị trường trở nên bi quan hơn khi Fed vẫn giữ vững quan điểm diều hâu. Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết Fed có thể sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào cuối năm nay, đưa mức đỉnh lãi suất lên 5,5 – 5,75% và Fed sẽ duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt cho đến năm 2024, do “lạm phát vẫn tăng cao”.
  • Lo ngại về đỉnh lãi suất tăng cao đã thúc đẩy lợi suất trái phiếu tăng mạnh, làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý không sinh lợi. Hiện lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm vẫn đang duy trì ở mức cao nhất trong vòng 16 năm. Đồng USD mạnh lên làm gia tăng áp lực bán đối với kim loại quý.
  • Bạc vẫn kết phiên trong sắc xanh do lo ngại về nguồn cung. Sản lượng bạc trong tháng 7 của Mexico, quốc gia sản xuất bạc lớn nhất thế giới, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống mức 298.472 kg (~10,5 triệu ounce).

Đồng

  • Đồng COMEX phục hồi sau 3 phiên giảm liên tiếp, khi tăng 0,77% lên mức 3,77 USD/pound.
  • Sáng 20/9, các ngân hàng tại Trung Quốc đã quyết định giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản đối với cả kỳ hạn 1 năm và 5 năm, phù hợp với việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) giữ lãi suất cho vay trung hạn vào tuần trước.
  • Các quan chức của PBOC cho biết họ có đủ không gian chính sách để hỗ trợ sự phục hồi của nền kinh tế, làm tăng thêm kỳ vọng rằng có thể sẽ có nhiều biện pháp nới lỏng hơn, bao gồm cả việc cắt giảm lãi suất sau khi tạm dừng trong tháng này. Điều này đã giúp củng cố tâm lý các nhà đầu tư và giúp đồng hưởng lợi.
  • Đồng nhận được hỗ trợ trước một số lo ngại về nguồn cung. Sản lượng đồng tinh chế thế giới trong tháng 7 đạt 2,3 triệu tấn, tiêu thụ đạt 2,32 triệu tấn, thị trường đồng tinh chế toàn cầu thâm hụt 19.000 tấn trong tháng 7.
  • Đà tăng của giá đã thu hẹp vào cuối phiên sau khi Fed đưa ra lập trường chính sách tiền tệ cứng rắn.
Bấm để đánh giá bài viết này!
[Total: 0 Trung bình: 0]

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *