NÔNG SẢN
Ngô
Khép lại phiên giao dịch ngày 21/2, sắc đỏ hoàn toàn chiếm ưu thế trên bảng giá nông sản. Ngô giảm mạnh hơn 2%, chấm dứt xu hướng đi ngang trong hai phiên đầu tuần.
Triển vọng nguồn cung dồi dào từ khu vực Nam Mỹ, đặc biệt là tiến độ mùa vụ được đẩy mạnh từ Brazil là yếu tố đã tạo sức ép lên giá ngô. Deral cho biết, tính đến 20/2, nông dân bang Parana – bang sản xuất lớn thứ 2 của Brazil – đã hoàn thành trồng ngô trên 55% diện tích dự kiến với 95% được đánh giá đạt chất lượng tốt/tuyệt vời. Ngô vụ 2 được gieo trồng sớm sẽ tránh được những rủi ro thời tiết vào cuối vụ, đặc biệt là hiện tượng sương giá sớm.
Còn tại Argentina, BAGE cho biết những cơn mưa dự kiến sẽ xuất hiện trong vài ngày tới tại khu vực đồng bằng Pampas. Nhờ lượng mưa này, ngô tại Argentina có thể tiếp tục phục hồi năng suất sau khi phải gánh chịu thiệt hại trong giai đoạn nắng nóng vừa qua.
Lúa mì
- Giá rung lắc mạnh nhưng đóng cửa với mức giảm không đáng kể chỉ 0,22%.
- Phe bán vẫn có phần chiếm ưu thế do kỳ vọng nguồn cung nới lỏng. Bộ nông nghiệp Ukraine cho biết, nước này đã xuất khẩu 600.000 tấn ngũ cốc qua Romania để tới thị trường châu Âu trong nửa đầu tháng 2, sau giai đoạn ngừng vận chuyển do các hạn chế mà EU áp đặt. Hoạt động xuất khẩu tăng mạnh từ một trong các quốc gia sản xuất lớn đang xoa dịu những lo ngại về thiếu hụt nguồn cung, tạo áp lực lên giá lúa mì CBOT.
Đậu tương
- Giá đã quay đầu suy yếu trở lại, tiến sát xuống vùng hỗ trợ 1160.
- Theo báo cáo Export Inspections, khối lượng giao hàng đậu tương niên vụ 23/24 của Mỹ trong tuần 9 – 15/2 tiếp tục ghi nhận sự sụt giảm trong tuần thứ 2 liên tiếp. Tính từ đầu niên vụ, tiến độ xuất khẩu thực tế của Mỹ mới chỉ đạt 59,32% kế hoạch, chậm hơn đáng kể so với mức 70,67% cùng kỳ năm ngoái. Những số liệu này cho thấy hoạt động xuất khẩu hạt có dầu của Mỹ vẫn tương đối kém, đặt ra lo ngại về triển vọng bán hàng trong thời gian tới, khi mà giai đoạn tháng 3 là thời điểm các lô hàng giá rẻ từ Brazil được bắt đầu đẩy mạnh.
NĂNG LƯỢNG
Dầu thô
- Giá tăng ~1% do lo ngại nguồn cung toàn cầu thắt chặt. Căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông gia tăng cũng là động lực thúc đẩy lực mua trên thị trường.
- Dầu WTI tăng 1,35% lên 78,08 USD/thùng. Dầu Brent tăng 0,84% lên 83,03 USD/thùng.
- Thị trường dầu vẫn duy trì trạng thái “bù hoãn bán” (backwardation), một cấu trúc mà giá của hợp đồng kỳ hạn gần cao hơn hợp đồng kỳ hạn xa, cho thấy các nhà giao dịch đang lo ngại về tình trạng nguồn cung khan hiếm.
- Theo Khu công nghiệp dầu Fujairah (FOIZ), dự trữ sản phẩm dầu tại cảng Fujairah của UAE, trung tâm cung cấp nhiên liệu lớn thứ ba thế giới, đã giảm 13% xuống 16,648 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 19/2, đánh dấu mức giảm hàng tuần lớn nhất trong 7 tháng. Dự trữ sản phẩm chưng cất bậc nặng giảm 11%, dự trữ sản phẩm chưng cất bậc nhẹ giảm 9,2% và dự trữ sản phẩm chưng cất bậc trung giảm 29%.
- Triển vọng giá dầu tích cực từ phía Deutsche Bank cũng góp phần hỗ trợ tâm lý thị trường. Deutsche Bank cho rằng thị trường gần như cân bằng trong nửa đầu năm và nhu cầu tăng theo mùa trong nửa cuối năm sẽ đẩy giá dầu Brent lên 88 USD/thùng vào cuối năm 2024.
- Bất ổn địa chính trị tại Trung Đông tiếp tục được đẩy lên cao khi Israel tăng cường các chiến dịch quân sự nhằm vào thành phố Rafah ở phía nam Gaza. Trước ảnh hưởng của xung đột Israel – Hamas, nguy cơ nguồn cung trong khu vực bị gián đoạn còn hiện hữu cũng là yếu tố góp phần hỗ trợ đà tăng của giá dầu.
Khí tự nhiên
- Giá bật tăng ~13% từ mức thấp nhất trong ba năm rưỡi trước thông tin Chesapeake Energy dự kiến cắt giảm khoảng 30% sản lượng vào năm 2024 trước tình trạng thị trường dư cung. Chesapeake sắp trở thành nhà sản xuất khí đốt lớn nhất của Mỹ sau khi sáp nhập với Southwestern Energy.
KIM LOẠI
Kim loại quý
- Bạc chốt ngày giảm 1,13% xuống 22,87 USD/ounce. Bạch kim giảm 2,79% xuống 888,8 USD/ounce.
- Phần lớn quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đều lo ngại về rủi ro của việc cắt giảm lãi suất quá sớm, đồng thời tỏ ra không chắc chắn về việc chi phí đi vay sẽ duy trì ở mức hiện tại trong bao lâu. Phần lớn ý kiến đều lưu ý đến rủi ro của việc xoay chuyển sang lập trường nới lỏng quá nhanh, chỉ có một số ít quan chức chỉ ra những rủi ro tiêu cực đối với nền kinh tế nếu duy trì chính sách hạn chế quá lâu. Các quan chức đều lo ngại rằng lạm phát tăng cao có thể tiếp tục gây tổn hại cho các hộ gia đình, đặc biệt là những người có nguồn tài chính hạn hẹp.
- Lập trường trong biên bản cuộc họp lần này đã khác biệt hẳn với những biên bản trong cuộc họp trước đó, chủ yếu nhấn mạnh rủi ro lạm phát còn tiềm ẩn, và nhiệm vụ thắt chặt tiền tệ của FED vẫn chưa kết thúc. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ 10 năm tăng gần 1%, duy trì ở vùng cao nhất trong hơn 2 tháng qua, phản ánh kỳ vọng FED sẽ chưa sớm hạ lãi suất. Dòng tiền tiếp tục tháo chạy khỏi nhóm kim loại quý do tính chất kém hấp dẫn hơn trong môi trường lãi suất cao, kéo theo đà giảm mạnh của giá bạc và bạch kim trong phiên.
Kim loại cơ bản
- Ngoại trừ đà giảm 1,46% của quặng sắt và 0,47% của thiếc LME, các kim loại cơ bản khác đều kết phiên trong sắc xanh. Nickel LME tăng mạnh 3,57% lên 16.930 USD/tấn. Nhôm LME tăng trên 1% lên 2.219,5 USD/tấn. Đà tăng chủ yếu xuất phát từ suy đoán rằng một làn sóng trừng phạt mới của Mỹ đối với Nga có thể nhắm vào kim loại và làm gián đoạn nguồn cung.
- Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết nước này đang có kế hoạch công bố một gói trừng phạt “lớn” chống lại Moscow vào thứ Sáu. Mặc dù không tiết lộ cụ thể về những ngành công nghiệp nào sẽ bị ảnh hưởng, nhưng các nhà giao dịch đã theo dõi hạn chế mới đối với kim loại của Nga, vốn đã thoát khỏi các lệnh trừng phạt rộng rãi cho đến khi Anh công bố các biện pháp hạn chế riêng vào tháng 12. Vương quốc Anh đã ngăn chặn các cá nhân và thực thể Anh giao dịch kim loại vật chất bao gồm nhôm, đồng và niken từ Nga.
Bài viết liên quan