fbpx

TIN TỨC THỊ TRƯỜNG NGÀY 23/02/2023

Bản tin tổng hợp ngày 23/02/2023.

LÚA MÌ GIẢM XUỐNG MỨC THẤP NHẤT TRONG 2 TUẦN DO CẠNH TRANH VỚI LÚA MÌ BIỂN ĐEN, NGÔ ÍT BIẾN ĐỘNG

Lúa mì tăng nhẹ, tuy nhiên giá gần chạm mức thấp nhất trong hai tuần do đợt đấu thầu của Ai Cập, quốc gia nhập khẩu hàng đầu, cho thấy sức cạnh tranh của lúa mì khu vực Biển Đen, đồng thời làm giảm bớt lo ngại về việc chiến sự Nga-Ukraine ảnh hưởng đến nguồn cung ngũ cốc.

Ngô tăng giá, trong khi đậu tương giảm.

Điểm tin chính:

  • Lúa mì tăng 0,2% lên 7,51-1/2 USD/giạ.
  • Ngô tăng 0,2% lên 6,75-1/4 USD/giạ.
  • Đậu tương giảm 0,1% xuống 15,33-1/2 USD/giạ.

Đấu thầu lúa mì của Ai Cập tiếp tục cho thấy rõ sự cạnh tranh xuất khẩu lúa mì gay gắt từ các nhà cung cấp ở khu vực Biển Đen. Theo các thương nhân, giá chào bán thấp nhất trong cuộc đấu thầu là lúa mì của Nga, trong khi giá chào bán của lúa mì Pháp là đắt nhất. Lúa mì Hoa Kỳ không tham gia chào bán.

Cơ quan thu mua ngũ cốc nhà nước của Ai Cập đã đặt mua 240.000 tấn lúa mì của Nga.

Ukraine sẽ yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc trong tuần này bắt đầu đàm phán để gia hạn thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen. Ukraine hiện đang tìm cách gia hạn thỏa thuận tối thiểu trong 1 năm, bao gồm các cảng ở Mykolaiv.

Đối với đậu tương, một số trận mưa có lợi cho cây trồng đã xuất hiện ở Argentina bị hạn hán, gây thêm áp lực lên giá.

Các thương nhân đang chờ đợi Diễn đàn Triển vọng Nông sản hàng năm của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, diễn ra vào thứ Năm, trong đó cơ quan này dự kiến sẽ công bố dự báo sơ bộ về diện tích gieo trồng và sản lượng các loại cây trồng chính của Hoa Kỳ vào năm 2023.

Các nhà phân tích được Reuters khảo sát về diện tích trồng ngô dự kiến trung bình của Hoa Kỳ là 90,9 triệu mẫu Anh, tăng từ 88,6 triệu mẫu Anh được gieo hạt vào năm 2022 và diện tích trồng đậu tương là 88,6 triệu mẫu Anh, tăng từ 87,5 triệu mẫu Anh vào năm 2022.

Các quỹ hàng hóa đã bán ròng lai lúa mì, ngô, đậu tương và khô đậu tương và mua ròng dầu đậu tương.

(Nguồn: Reuters)

Quý nhà đầu tư tham khảo phân tích kỹ thuật của thị trường tại: PHÂN TÍCH KỸ THUẬT NGÀY 23/02/2023.

GIÁ DẦU NỐI DÀI ĐÀ GIẢM DO LO NGẠI LÃI SUẤT CAO LÀM BỨC TRANH TIÊU THỤ XẤU

Giá dầu tiếp tục suy yếu về mức thấp nhất trong vòng hai tuần, khi những lo ngại về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục mạnh tay tăng lãi suất gây áp lực lên tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu. Kết thúc phiên 22/02, giá dầu thô WTI giảm 3,16% về 73,95 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 2,80% về 80,45 USD/thùng.

Lực mua khan hiếm ngay từ đầu phiên khi các nhà đầu tư thận trọng chờ đợi biên bản cuộc họp của Fed. Bước vào phiên tối, giá lao dốc khi biên bản chỉ ra rằng các nhà hoạch định chính sách vẫn tiếp tục quyết tâm với mục tiêu chống lạm phát. Mặc dù các quan chức nhận thấy lạm phát đã hạ nhiệt, nhưng thị trường lao động mạnh mẽ của Mỹ có thể sẽ gây áp lực lên tiền lương và giá cả. Vì thế, biên bản cho thấy các thành viên tin rằng việc tăng lãi suất hiện nay là cần thiết, và phần lớn các quan chức ủng hộ mức tăng 25 điểm cơ bản.

Các nhà phân tích đang dự báo mức lãi suất đỉnh có thể chạm 5,6% thay vì mức 5,1% như trước đó. Điều này đã khiến cho đồng USD tăng giá mạnh mẽ so với các loại tiền tệ khác, phản ánh qua việc chỉ số Dollar Index tăng lên mức 104,59 điểm, và là mức đóng cửa cao nhất kể từ đầu tháng 1 tới nay.

Giá dầu suy yếu khi đồng bạc xanh tăng giá khiến chi phí đầu tư và kinh doanh nhiên liệu trở nên đắt đỏ hơn. Đồng thời, động thái mạnh tay chống lạm phát của Fed có thể khiến cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại. Đây là yếu tố khiến triển vọng tiêu thụ dầu trong trung và dài hạn bị xấu đi, khiến cho giá dầu có mức giảm mạnh nhất theo ngày, trong vòng ba tuần.

Ngân hàng Morgan Stanley mới đây đã nâng dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu của năm 2023 lên 1,9 triệu thùng/ngày, từ mức 1,4 triệu thùng trước đó. Tuy nhiên, các nhà phân tích cắt giảm dự báo giá dầu thô Brent trong hai năm 2023 và 2024 trong bối cảnh xuất khẩu dầu của Nga sẽ chỉ giảm 400.000 thùng thay vì 1 triệu thùng như dự báo.

Cụ thể, giá dầu Brent sẽ giao dịch trong phạm vi từ 90-100 USD/thùng trong nửa cuối năm 2023, giảm so với ước tính trước đó là 100-110 USD. Bước sang năm 2024, giá dầu Brent được dự báo giao dịch ở mức 95 USD/thùng, so với mức 110 USD/thùng trước đó.

Rạng sáng nay, báo cáo thống kê độc lập của Viện Dầu khí Mỹ (API) trong tuần kết thúc ngày 17/01 cho thấy tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ tăng 9,9 triệu thùng. Tồn kho nhiên liệu chưng cất và xăng tăng lần lượt 1,4 triệu thùng, và 890.000 thùng. Tất cả số liệu đều tăng mạnh hơn so với dự báo, và việc tồn kho dầu tăng mạnh tuần thứ hai liên tiếp có thể sẽ khiến cho đà giảm của giá dầu được duy trì phiên sáng.

(Nguồn: MXV)

Quý nhà đầu tư tham khảo phân tích kỹ thuật của thị trường tại: PHÂN TÍCH KỸ THUẬT NGÀY 23/02/2023.

KIM LOẠI ĐỎ LỬA TRƯỚC SỨC ÉP TỪ ĐỒNG USD, DUY NHẤT BẠCH KIM GIỮ VỮNG SẮC XANH BỞI LO NGẠI NGUỒN CUNG

Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/02, duy nhất bạch kim là mặt hàng giữ được sắc xanh, trong khi toàn bộ các kim loại còn lại đều đồng loạt giảm giá. Nhóm kim loại quý ghi nhận những diễn biến có phần trái chiều khi giá bạc giảm 0,97% xuống 21,67 USD/ounce, trong khi bạch kim có phiên tăng thứ 2 liên tiếp với mức tăng 0,5% lên mức 953,3 USD/ounce.

Thông điệp từ Biên bản họp của Cục Dự trữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc họp hồi đầu tháng 2 vừa qua nhìn chung đều cho thấy sự ủng hộ vững chắc rằng rủi ro lạm phát cao vẫn là “yếu tố chính” sẽ định hình chính sách tiền tệ và việc tăng lãi suất hơn nữa sẽ là cần thiết cho đến khi lạm phát về mức mục tiêu. Một vài thành viên cho biết họ muốn tăng 50 điểm cơ bản để thể hiện quyết tâm lớn hơn nữa trong việc kiểm soát giá cả leo thang. Những người tham gia thị trường tiền tệ kỳ vọng lãi suất sẽ đạt đỉnh 5,35% vào tháng 7 và duy trì quanh mức đó cho đến cuối năm 2023, đồng nghĩa với việc lãi suất sẽ đạt mức cao nhất kể từ năm 2001. Lo ngại lãi suất vẫn còn dư địa tăng mạnh hơn kỳ vọng đã thúc đẩy xu hướng nắm giữ tiền mặt có tính thanh khoản cao. Đồng USD mạnh lên kéo chỉ số Dollar Index đóng cửa ở mức cao nhất kể từ 06/01, và gây sức ép tới giá bạc vốn nhạy cảm với biến động tiền tệ mạnh mẽ hơn giá bạch kim.

Trái lại, giá bạch kim duy trì đà tăng tích cực trước những lo ngại nguồn cung ứng từ quốc gia sản xuất lớn nhất thế giới. Nam Phi khi rơi vào tình trạng mất điện trầm trọng ảnh hưởng tới hoạt động khai thác chế biến. Eskom, công ty cung cấp phần lớn năng lượng của Nam Phi lần đầu tiên đưa 7.000 megawatt ra khỏi lưới điện. Amplats, công ty khai thác bạch kim lớn nhất thế giới cũng đang nhận được nhiều yêu cầu cắt giảm mức sử dụng năng lượng hơn. Điều này đã gây ra những gián đoạn về nguồn cung và hỗ trợ cho đà tăng của giá kim loại này.

Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng suy yếu trở lại sau phiên tăng mạnh trước đó với mức giảm 0,83% xuống 4,19 USD/pound. Đồng USD mạnh hơn đã đẩy đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc xuống mức thấp nhất trong vòng 7 tuần qua, khiến cho việc nhập khẩu của nhà tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới trở nên đắt đỏ và hạn chế nhu cầu, gây sức ép tới giá đồng. Trong khi đó, gián đoạn nguồn cung tại quốc gia khai thác đồng lớn thứ 2 trên thế giới Peru đang dần hạ nhiệt khi những người biểu tình tạm thời dỡ bỏ lệnh phong toả một đường cao tốc khai thác quan trọng ở miền Nam cũng thúc đẩy lực bán trên thị trường.

Quặng sắt cũng ghi nhận phiên giảm 0,8% xuống còn 130 USD/tấn khi tình hình sản xuất thép vẫn còn khá yếu khiến nhu cầu quặng sắt chưa có sự bùng nổ đáng kể. Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thép thế giới, sản lượng thép toàn cầu trong tháng 1 giảm 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống mức 145,5 triệu tấn.

(Nguồn: MXV)

Quý nhà đầu tư tham khảo phân tích kỹ thuật của thị trường tại: PHÂN TÍCH KỸ THUẬT NGÀY 23/02/2023.

Bấm để đánh giá bài viết này!
[Total: 0 Trung bình: 0]

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *