fbpx

TIN TỨC THỊ TRƯỜNG NGÀY 23/03/2023

Bản tin cập nhật ngày 23/03/2023.

ĐẬU TƯƠNG PHỤC HỒI SAU PHIÊN GIẢM SÂU, TUY NHIÊN SẢN LƯỢNG KỶ LỤC TẠI BRAZIL GIỚI HẠN ĐÀ TĂNG

Đậu tương tăng mạnh vào thứ Năm sau hai phiên giảm sâu, mặc dù gia tăng trong dự báo về vụ mùa kỷ lục của Brazil đã hạn chế đà tăng. Lúa mì và ngô tăng.

Điểm tin chính:

  • Đậu tương tăng 0,1% lên 14,49-3/4 USD/giạ.
  • Ngô tăng 0,1% lên 6,34-1/4 USD/giạ.
  • Lúa mì tăng 1/4 cent lên 6,63-3/4 USD/giạ.

Sản lượng và xuất khẩu đậu tương của Brazil trong năm 2023 sẽ cao hơn dự kiến, công ty Brazil Abiove cho biết, do nông dân địa phương thu hoạch vụ mùa bội thu cùng với nhu cầu cao tại Trung Quốc trong khi đó vụ mùa tại Argentina phải đối mặt với các vấn đề thời tiết.

Abiove hiện ước tính sản lượng đậu tương của Brazil đạt mức kỷ lục 153,6 triệu tấn, cao hơn 1 triệu tấn so với dự đoán hồi tháng 1.

Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết các nhà xuất khẩu tư nhân trước đó đã báo cáo việc bán 178.000 tấn ngô cho Trung Quốc.

Các thương nhân đang dõi theo báo cáo hàng tuần của USDA về doanh số xuất khẩu ròng ngũ cốc và đậu tương của Hoa Kỳ, sẽ được công bố vào thứ Năm.

Giá các sản phẩm nông nghiệp cũng đang bị đè nặng bởi những cơn mưa ở Pháp và các khu vực khác ở Tây Âu, giúp giảm bớt lo ngại về tình trạng khô hạn đối với vụ lúa mì tại đây.

Bộ Nông nghiệp Ukraine cho biết, xuất khẩu ngũ cốc của nước này niên vụ 2022/23 đạt tổng cộng 36,3 triệu tấn tính đến ngày 22/03, giảm 19% so với mức 44,8 được ghi nhận vào cùng kỳ năm ngoái. Mức sụt giảm này xuất phát từ vụ thu hoạch giảm và những khó khăn về hậu cần gây ra bởi cuộc xâm lược của Nga.

Các quỹ hàng hóa đã bán ròng các ngô, đậu tương, lúa mì, khô đậu tương và dầu đậu tương vào thứ Tư.

(Nguồn: Reuters)

Quý nhà đầu tư tham khảo phân tích kỹ thuật của thị trường tại: PHÂN TÍCH KỸ THUẬT NGÀY 23/03/2023.

DẦU THÔ NỐI DÀI ĐÀ TĂNG NHỜ SỐ LIỆU TIÊU THỤ TÍCH CỰC VÀ ÁP LỰC LÃI SUẤT GIẢM BỚT

Giá dầu phục hồi phiên thứ ba liên tiếp nhờ sự hỗ trợ kép từ cả yếu tố cơ bản về cung cầu và sự suy yếu của đồng USD. Kết thúc phiên 22/03, giá dầu thô WTI tăng 1,77% lên 70,9 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng 1,80% lên 76,38 USD/thùng.

Giá dầu đi ngang trong phiên sáng khi mà các nhà đầu tư đều thận trọng chờ đợi các thông tin đến từ cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Bước sang phiên tối, sức mua dần áp đảo trên thị trường. Báo cáo tuần của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) là một trong những yếu tố hỗ trợ củng cố đà tăng của giá dầu.

Cụ thể, tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 17/03 mặc dù tăng 1,1 triệu thùng, trái ngược với dự báo giảm, nhưng tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất giảm lần lượt 6,4 và 3,3 triệu thùng. Mức tồn kho sản phẩm lọc dầu giảm mạnh so với dự báo, kết hợp với tổng sản phẩm được cung cấp, một thước đo về nhu cầu, tăng lên 20,03 triệu thùng cho thấy tiêu thụ dầu ở Mỹ có sự tăng trưởng. Bên cạnh đó, xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm lọc dầu của Mỹ tăng lên mức kỷ lục gần 12 triệu thùng/ngày, phản ánh nhu cầu mạnh mẽ đối với dầu thô của Mỹ. Hiện Mỹ cũng đang là quốc gia cung cấp dầu hàng đầu cho các nước châu Âu, và dần bù đắp khoảng trống mà Nga để lại.

Sức mua trên thị trường dầu càng được củng cố sau khi có kết quả cuộc họp của Fed. Các nhà hoạch định chính sách đã tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản lên mức 4,75 – 5,00%, đây cũng là lần tăng thứ 9 liên tiếp kể từ tháng 3/2022. Mặc dù vẫn thể hiện quyết tâm chống lạm phát, nhưng những phát biểu của Chủ tịch Fed, Jerome Powell cũng đã ôn hòa hơn khá nhiều. Biểu đồ dot plot, phản ánh quan điểm về lãi suất của các quan chức Fed, cho thấy lãi suất đỉnh của năm nay là mức 5,1%. Các nhà phân tích kỳ vọng, sẽ chỉ còn tối đa một đợt tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản nữa trong năm nay, trước khi lãi suất giảm trở lại vào năm sau.

Thông tin này đã làm cho đồng USD suy yếu, với chỉ số Dollar Index giảm phiên thứ năm liên tiếp về 102,35 điểm, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 2 năm nay. Bên cạnh việc chi phí đầu tư và kinh doanh dầu thô giảm, giá dầu cũng được hỗ trợ khi các nhà đầu từ lạc quan hơn về triển vọng tiêu thụ dầu thô. Việc Fed không còn mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ làm giảm bớt sức ép lên nền kinh tế Mỹ nói riêng, và nền kinh tế toàn cầu nói chung, nhu cầu tiêu thụ dầu vì thế cũng được kỳ vọng sẽ cải thiện trong thời gian tới.

Trái với các thông tin tích cực của Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chi phí giá sản xuất đầu vào (PPI) trong tháng 2 của Anh tăng lần lượt là 10,4% và 12,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Lạm phát vẫn leo thang cộng với mức tăng cao hơn dự báo là yếu tố cho thấy nền kinh tế Anh vẫn đang phải xoay sở với áp lực lạm phát, và điều này có thể khiến cho Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) tiếp tục thực hiện các chính sách tiền tệ. Đây có thể là một trong những yếu tố gây sức ép lên đà hồi phục của giá dầu trong thời gian tới.

(Nguồn: MXV)

Quý nhà đầu tư tham khảo phân tích kỹ thuật của thị trường tại: PHÂN TÍCH KỸ THUẬT NGÀY 23/03/2023.

KIM LOẠI QUÝ PHÁT HUY VAI TRÒ TRÚ ẨN KHI FED CHO THẤY KỲ VỌNG TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ KÉM SẮC SAU CUỘC HỌP

Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/03, ngoại trừ quặng sắt, tất cả các mặt hàng còn lại trong nhóm đều kết thúc trong sắc xanh. Tâm điểm của thị trường hướng về cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào đêm qua, sau những rủi ro hệ thống ngân hàng gây ra biến động mạnh trên thị trường trước đó. Kim loại quý đang phát huy vai trò trú ấn, với giá vàng tăng 1,52% lên 1969,58 USD/ounce. Bạc và bạch kim ghi nhận mức tăng lần lượt là 1,61% lên 22,78 USD/ounce và 1,05% lên 987 USD/ounce.

Fed đã ban hành mức tăng lãi suất 25 điểm cơ bản trong cuộc họp đêm qua, nhưng đã bày tỏ sự thận trọng về cuộc khủng hoảng ngân hàng gần đây. Điều đó khiến phần lớn các quan chức Fed chỉ mong đợi 1 đợt tăng lãi suất nữa, đưa mức đỉnh lãi suất lên trung bình 5,1%. Tuy nhiên, Fed đang đưa ra các triển vọng kinh tế kém tích cực hơn, làm dấy lên lo ngại về một cuộc “hạ cánh mềm” sẽ khó có thể xảy ra. Kỳ vọng lạm phát tăng nhẹ, với tỷ lệ 3,3% được ấn định cho năm nay, so với 3,1% trong tháng 12. Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống còn 4,5%, trong khi triển vọng tăng trưởng GDP năm 2023 giảm xuống 0,4% từ mức 0,5% trong dự báo trước, và đạt 1,2% trong năm 2024, con số này cũng thấp hơn dự báo trước đó ở mức 1,6%. Lãi suất tăng cao, điều kiện tín dụng thắt chặt, và kỳ vọng tăng trưởng chậm hơn khiến tâm lý nhà đầu tư ưa thích các tài sản trú ẩn an toàn.

Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX đã có phiên tăng thứ 5 liên tiếp sau khi tăng 1,26% lên mức 4,04 USD/pound trong ngày hôm qua. Đà tăng liên tục được thúc đẩy trong hơn nửa đầu phiên, và đã có thời điểm giá chạm mốc 4,1 USD/pound. Hàng tồn kho trên các Sở Giao dịch tiếp tục giảm, làm gia tăng lo ngại về nguồn cung thắt chặt và hỗ trợ cho giá. Tồn kho đồng trên Sở LME đã giảm xuống 38.375 tấn từ mức 77.000 tấn vào hồi đầu năm. Tồn kho đồng trên Sở COMEX hiện đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2014, đạt khoảng 14.600 tấn, trong khi tồn kho đồng trên sở Thượng Hải duy trì xu hướng giảm kể từ đầu tháng 3.

Đà tăng được thúc đẩy mạnh hơn ngay sau khi các quan chức Fed cho thấy có thể sẽ chỉ còn 1 đợt tăng lãi suất nữa trong năm nay. Tuy nhiên, những dự báo tiêu cực hơn về nền kinh tế, với lạm phát kỳ vọng cao hơn, tăng trưởng chậm hơn và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, đã gây áp lực tới giá đồng vào cuối phiên. Đồng được đánh giá có vai trò như một thước đo sức khoẻ của nền kinh tế.

Quặng sắt là mặt hàng duy nhất trong nhóm kết phiên với mức giảm 2,61% xuống còn 120,27 USD/tấn. Trung Quốc đang xem xét cắt giảm sản lượng thép thô khoảng 2,5% trong năm nay khi tiếp tục mở rộng chính sách hạn chế khí thải. Điều này khiến kỳ vọng tiêu thụ quặng sắt cho việc luyện thép cũng suy yếu và gây áp lực đến giá trong phiên.

(Nguồn: MXV)

Quý nhà đầu tư tham khảo phân tích kỹ thuật của thị trường tại: PHÂN TÍCH KỸ THUẬT NGÀY 23/03/2023.

Bấm để đánh giá bài viết này!
[Total: 0 Trung bình: 0]

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *