NÔNG SẢN
Ngô
- Giá ngô ghi nhận mức tăng nhẹ nhờ triển vọng nhu cầu tại Mỹ cải thiện.
- Báo cáo hàng tuần của EIA, tồn kho ethanol của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 5 tháng qua, bất chấp sản lượng tăng lên trên mốc 1 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc ngày 13/10.
- Lực mua đối với ngô đã bị hạn chế ở vùng kháng cự tâm lí 500.
Lúa mì
- Giá lúa mì đóng cửa tuần với mức tăng hơn 1% – tuần khởi sắc thứ 3 liên tiếp trong bối cảnh nguồn cung tại các nước xuất khẩu lớn đang phải đối diện với nhiều bất lợi.
- Ukraine, chi phí sản xuất lúa mì vào năm 2023 là ~ 146 USD/tấn, giá bán trung bình chỉ đạt 102 USD/tấn. Tổn thất lớn đe dọa việc các nhà sản xuất cắt giảm diện tích gieo trồng cho vụ mùa tới.
Nhóm đậu
- Khô đậu tương nhảy vọt tới 8,7% – mức tăng mạnh nhất trong ~ 1 năm qua của mặt hàng này.
- Brazil, hạn hán nghiêm trọng ở Amazon buộc các nhà xuất khẩu ngũ cốc phải thay đổi tuyến đường vận tải xuống các cảng phía nam thay vì các cảng phía bắc, theo Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu Ngũ cốc Brazil (ANEC). Khối lượng nhỏ đối với ngô và đậu tương nên dự báo xuất khẩu cả niên vụ 23/24 vẫn được duy trì.
- Hạn hán mùa vụ trước làm thiệt hại nghiêm trọng sản lượng khô đậu của Argentina và khiến xuất khẩu của Mỹ tăng đáng kể giai đoạn gần đây. Mỹ đã bán 434.675 tấn khô đậu tương niên vụ 23/24 trong tuần 06-12/10, cao gấp 7 lần so với báo cáo trước. Sự xuất hiện của các đơn hàng Daily Export Sales củng cố cho xuất khẩu khả quan và hỗ trợ cho giá đậu tương và khô đậu.
- Dầu đậu tương là mặt hàng duy nhất của nhóm suy yếu và ghi nhận tuần sụt giảm thứ 5 liên tiếp. Áp lực trái chiều với khô đậu cùng với việc Malaysia thúc đẩy xuất khẩu dầu cọ đã tạo sức ép tới giá dầu đậu.
NĂNG LƯỢNG
Dầu thô
- Dầu kết tuần 16/10 – 22/10 trong sắc xanh trước lo ngại về căng thẳng tại khu vực Trung Đông, cùng các yếu tố vĩ mô
- Dầu WTI tăng 2% lên 88,08 USD/thùng. Dầu Brent chốt tuần với mức giá 92,16 USD/thùng, tăng 1,4% so với tuần trước đó.
- Giá dầu WTI đã có thời điểm tiến gần 90 USD/thùng sau thông tin Ngoại trưởng Iran, Hossein Amirabdollahian, kêu gọi cấm vận dầu mỏ đối với Israel. Điều này là hệ quả sau một vụ nổ lớn tại bệnh viện Al-Ahli al-Arabi ở thành phố Gaza khiến hàng trăm người thiệt mạng.
- Căng thẳng sau đó được xoa dịu phần nào, giúp hạn chế đà tăng. Dưới áp lực từ Mỹ, Israel đã đồng ý hoãn chiến dịch quân sự quy mô lớn nhằm tiêu diệt Hamas, công khai thay đổi giọng điệu về kế hoạch hoạt động, đề xuất cách tiếp cận hạn chế hơn có thể làm giảm thương vong cho dân thường.
- Đà giảm của đồng USD sau phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), cho biết FED đang thực hiện chính sách thận trọng sau đợt tăng lãi suất mạnh mẽ vào năm ngoái.
- Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã có thời điểm chạm mốc kỷ lục 5%, có thể sẽ khiến FED không cần thiết phải tăng thêm lãi suất. Công cụ theo dõi FED watch của CME Group, 100% kỳ vọng FED giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 11. Đồng USD giảm 0,45% so với rổ tiền tệ thương mại khác, khiến chi phí mua dầu bớt đắt đỏ, thúc đẩy lực mua
- Theo Cơ quan Quản lý Thông tin năng lượng Mỹ (EIA): tồn kho dầu thô thương mại Mỹ giảm 4,49 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 13/10. Tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất giảm lần lượt hơn 2 triệu và 3 triệu thùng. Trung Quốc, thông lượng lọc dầu trong tháng 9 tăng 12% so với năm trước, ~ 15,48 triệu thùng/ngày, phản ánh nhu cầu tiêu thụ tích cực, hỗ trợ giá dầu tăng cao
Khí tự nhiên
- Khí tự nhiên ghi nhận chuỗi giảm 8 phiên liên tiếp, đánh mất hơn 10% giá trị trong tuần qua xuống mức 2,89 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh.
- LSEG cho biết sản lượng khí đốt trung bình tại 48 bang của Mỹ tăng lên mức cao kỷ lục 103,6 tỷ feet khối/ngày kể từ đầu tháng 10, cao hơn kỷ lục 103,1 tỷ feet khối/ngày vào tháng 7.
- LSEG ước tính nhu cầu khí đốt của Mỹ, bao gồm xuất khẩu, giảm từ 97,6 tỷ xuống 96,9 tỷ feet khối/ngày do thời tiết ôn hoà hơn. Dự báo nhu cầu thấp hơn đã gây sức ép mạnh tới giá khí
KIM LOẠI
Kim loại quý
- Bạc tăng 2,66%, đóng cửa tuần tại mức 23,50 USD/ounce. Giá vàng cũng tăng 2,55% lên mức 1.981,04 USD/ounce. Giá bạch kim tăng lên 905,1 USD/ounce sau khi tăng 2,36%.
- Căng thẳng tại Trung Đông tiếp tục leo thang, nhà đầu tư tăng cường tích trữ kim loại quý làm tài sản trú ẩn an toàn, hỗ trợ cho giá bạc và bạch kim duy trì được đà tăng từ tuần trước đó.
- Đồng USD suy yếu, củng cố cho lực mua bạc và bạch kim. Đồng USD chịu sức ép trước kỳ vọng FED tạm dừng chu kỳ thắt chặt tiền tệ. Kỳ vọng này lại được thúc đẩy bởi những bình luận mang tính “ôn hòa” của các quan chức FED. Chủ tịch FED Jerome Powell lưu ý rằng đà tăng mạnh của lợi suất trái phiếu gần đây đã giúp thắt chặt “đáng kể” các điều kiện tài chính tổng thể. Quan chức này cho rằng FED có thể tạm ngừng tăng lãi suất, do lợi suất trái phiếu tăng cao sẽ khiến điều kiện tài chính bị thắt chặt và kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế.
- Nhà đầu tư đặt cược 100% vào khả năng FED dừng tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 11, tới 80% khả năng FED ngừng tăng trong tháng 12, theo CME FedWatch. Chỉ số Dollar Index giảm 0,45%.
Kim loại cơ bản
- Đồng COMEX giảm tuần thứ ba liên tiếp khi giảm 0,22% xuống 3,56 USD/pound. Quặng sắt nối dài đà giảm sang tuần thứ năm liên tiếp khi giảm 1,50%, đóng cửa tuần tại mức 112,57 USD/tấn. Giá liên tục gặp sức ép do triển vọng tiêu thụ kém sắc tại Trung Quốc
- Đã có phiên giá đồng và quặng sắt phục hồi trong sắc xanh khi nhà đầu tư phản ứng tích cực với dữ liệu kinh tế của Trung Quốc. GDP quý III/2023 của Trung Quốc tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt dự báo
- Dữ liệu này mang tính trấn an thị trường trong ngắn hạn. Giá đồng và quặng sắt nhanh chóng đảo chiều giảm do nhu cầu thực tế vẫn còn yếu, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản, trụ cột kinh tế của đất nước và là lĩnh vực tiêu thụ một lượng lớn đồng hay quặng sắt.
- Nhu cầu tiêu thụ thép trầm lắng cũng là yếu tố làm giảm sức mua quặng sắt, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép. Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho thấy, sản lượng thép thô của Trung Quốc trong tháng 9 giảm 5% so với tháng 8 và giảm 5,6% so với một năm trước. Chuyên gia đã cảnh báo rằng sản lượng thép của Trung Quốc có thể tiếp tục giảm trong tháng 10, do biên lợi nhuận giảm khiến nhiều nhà máy phải giảm sản lượng.
Bấm để đánh giá bài viết này!
[Total: 0 Trung bình: 0]
Bài viết liên quan