NÔNG SẢN
Ngô
Giá ngô tăng ~ 6% do căng thẳng chính trị ở Biển Đen, mức tăng mạnh nhất trong hơn 2 năm
Diễn biến nhảy vọt gần đây tương tự giai đoạn chiến tranh giữa Nga và Ukraine vào tháng 2/2022. Nga phá hủy các kho chứa ngũ cốc của Ukraine trên sông Danube trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái hôm qua. Theo Thống đốc vùng Odessa (Ukraine), Nga đang cố tình ngăn chặn hoàn toàn việc xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine kể từ khi Moscow rút khỏi thoả thuận và ‘khiến thế giới chết đói’. Các cuộc không kích của Nga làm 7 người bị thương và phá hủy cơ sở hạ tầng dọc sông Danube, 30 tầng đang phải dừng tại cảng Izmail (Ukraine). Căng thẳng chính trị không ngừng leo thang khiến lo ngại về hoạt động xuất khầu và triển vọng nguồn cung dài hạn từ khu vực Biển Đen sẽ càng khó quay trở lại bình thường. Khu vực này chiếm 25% lượng lúa mì và 17% lượng ngô thế giới.
Cơ quan giám sát mùa vụ của Liên minh châu Âu (MARS) cắt giảm hầu như toàn bộ triển vọng năng suất cây trồng năm nay của khối, do thời tiết khô và nóng. MARS cắt giảm dự báo năng suất ngô xuống 7,53 tấn/héc-ta, từ 7,61 tấn/héc-ta ước hồi tháng 6, do điều kiện khô hạn hơn bình thường xảy ra trong hơn một tháng qua ở phần lớn phía tây, trung và bắc Âu và phía đông Romania.
Lúa mì
Lúa mì tăng kịch trần
MARS hạ dự báo năng suất lúa mì mềm xuống 5,80 tấn/héc-ta, từ 5,92 tấn/héc-ta trong tháng 6. Những thông tin trên đang phản ánh khả năng nguồn cung ngũ cốc toàn cầu có thể bị thiệt hại nghiêm trọng so với kỳ vọng ban đầu và là yếu tố hỗ trợ cho giá ngô và lúa mì.
Đậu tương
Giá đậu tương đóng cửa với mức tăng 1,62% trước tình hình căng thẳng leo thang tại khu vực Biển Đen
Theo báo cáo Bán hàng hàng ngày của Bộ Nông nghiệp Mỹ, Mỹ đã bán 121.000 tấn đậu tương niên vụ 23/24 cho Trung Quốc, phản ánh nhu cầu của nhà nhập khẩu hạt có dầu lớn nhất thế giới đang ở mức cao. Triển vọng nhu cầu từ Trung Quốc đã góp phần hỗ trợ giá đậu tương.
Tuy nhiên, đậu tương cũng đối mặt với áp lực bán nhẹ do tình hình xuất khẩu chậm chạp của Mỹ. Theo báo cáo Giao hàng xuất khẩu, Mỹ giao 283.378 tấn đậu tương trong tuần kết thúc ngày 20/07, tăng so với mức 160.305 tấn của tuần trước đó. Lũy kế giao hàng đậu tương tính tới ngày 20/07 đạt 50,177 triệu tấn, thấp hơn ~4 triệu tấn so với mức 53,887 triệu tấn mà USDA dự báo. Điều này làm gia tăng khả năng Mỹ sẽ không hoàn thành kế hoạch xuất khẩu trong niên vụ hiện tại.
Giá đậu tương cũng chịu sức ép từ dự đoán với báo cáo Tiến độ Mùa vụ. Tỉ lệ đậu tương đạt chất lượng tốt/tuyệt vời của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 23/07 được dự đoán ở mức 55%, không thay đổi so với tuần trước, phản ánh kỳ vọng chất lượng mùa vụ duy trì bất chấp nguy cơ hạn hán quay trở lại.
Dù đóng phiên trong sắc đỏ nhưng giá khô đậu tương ghi nhận mức tăng gần 1%, nhờ mức gapup tạo ra sau khi mở cửa.
Dầu đậu tương tăng mạnh nhất nhóm, trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đen gia tăng đã dấy lên lo ngại về nguồn cung dầu thực vật toàn cầu.
NĂNG LƯỢNG
Triển vọng nhu cầu khởi sắc khi nguồn cung thu hẹp thúc đẩy giá dầu
Kết phiên, giá dầu WTI tăng 2,17% lên 78.74 USD/thùng, mức cao nhất trong vòng 3 tháng. Dầu Brent tăng 2,29% lên sát mốc 83 USD/thùng.
Yếu tố cung cầu
Theo Ngân hàng CitiBank, giá dầu tăng đang phản ánh tác động của việc Saudi Arabia cắt giảm sản lượng dầu, khi nhu cầu về xăng và nhiên liệu máy bay được thúc đẩy trong mùa hè, và dự báo mức giá trung bình trong quý III là 83 USD/thùng.
Trung Quốc cam kết sẽ tăng cường hỗ trợ chính sách cho nền kinh tế trong bối cảnh quốc gia đang trong quá trình hồi phục sau đại dịch COVID-19, tập trung thúc đẩy nhu cầu nội địa. Tin tức này củng cố thêm tâm lý cho nhà đầu tư về kỳ vọng tiêu thụ dầu thô và nhiên liệu của Trung Quốc trong giai đoạn cuối năm, gia tăng rủi ro chênh lệch cán cân cung cầu.
Dữ liệu theo dõi tàu của Kpler cho thấy mùa hàng hải sôi nổi dọc theo tuyến đường biển phía Bắc của Nga. Khai thác tuyến đường biển phía Bắc có thể làm giảm đáng kể thời gian vận chuyển từ các cảng Baltic (Nga) đến các nhà máy lọc dầu ở miền Bắc Trung Quốc, thúc đẩy hoạt động nhập khẩu dầu của Trung Quốc, và hỗ trợ cho đà tăng của giá dầu.
Dầu Urals của Nga tăng lên 62,92 USD/thùng tại cảng Primorsk ở Biển Baltic, mức giá cao hơn trần giá 60 USD/thùng mà nhóm G7 và Liên minh Châu Âu (EU) áp đặt đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga, phản ánh nhu cầu cải thiện.
Yếu tố vĩ mô
Tín hiệu kinh tế tích cực từ Mỹ ủng hộ cho xu hướng tăng của giá dầu. Lạm phát hạ nhiệt, thị trường lao động mạnh mẽ làm gia tăng kỳ vọng về một cuộc “hạ cánh mềm” trong tương lai và có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm dừng tăng lãi suất.
Giới đầu tư dự đoán Fed và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ tăng lãi suất thêm 1/4 điểm phần trăm trong tuần này và kỳ vọng đây là lần tăng cuối cùng trong chu kỳ thắt chặt của Mỹ.
KIM LOẠI
Kim loại quý
Thị trường chìm trong sắc đỏ do đồng USD mạnh lên và yếu tố dòng tiền
Bạc giảm 1,1% xuống 24,58 USD/ounce, phiên giảm thứ 3 liên tiếp. Vàng giảm giảm sang phiên thứ 4, chốt phiên tại mức 1.954,51 USD/ounce sau khi giảm 0,29%. Giá bạch kim giảm 0,28% xuống 969,5 USD/ounce.
Đồng USD phục hồi từ mức thấp nhất trong hơn 2 tháng, chỉ số Dollar Index tăng 5 phiên liên tiếp lên 101,25 điểm. Kỳ vọng Fed tiếp tục tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 7, sau khi ngừng tăng vào tháng 6, đang tiếp thêm sức mạnh cho đồng USD.
Vai trò trú ẩn dần bị thất thế trước tỷ suất sinh lời hấp dẫn của thị trường chứng khoán. Nhà đầu tư kỳ vọng về kịch bản hạ cánh mềm của nền kinh tế Mỹ, khi thị trường việc làm ổn định, các công ty báo cáo thu nhập khả quan, lạm phát giảm, lo ngại về khả năng suy thoái nghiêm trọng tại Mỹ dần giảm bớt. Dòng tiền được phân bổ vào thị trường chứng khoán khiến giá bạc và bạch kim gặp sức ép.
Đà giảm của bạch kim được hạn chế do lực mua được hỗ trợ bởi lo ngại nguồn cung. Sản lượng bạch kim của Anglo America Platinum (Amplats) Quý II/2023 giảm 9% so với quý II/2022, đạt 437.000 ounce cho thấy nguồn cung bạch kim tiếp tục thu hẹp.
Kim loại cơ bản
Giá đồng COMEX tăng 0,98% lên 3,85 USD/pound
Gặp áp lực trong cả phiên sáng, do đồng USD mạnh lên, tuy nhiên lực mua dần áp đảo trong phiên chiều, do kỳ vọng Trung Quốc sẽ tung ra nhiều biện pháp kích thích hơn để phục hồi tăng trưởng kinh tế và thúc đầy nhu cầu tiêu thụ đồng.
Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc tiết lộ các biện pháp khuyến khích và thúc đẩy hoạt động đầu tư tư nhân. Giới đầu tư đang chờ đợi cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc, cơ quan ra quyết định hàng đầu của Đảng Cộng sản cầm quyền, dự kiến diễn ra trong tuần này, nơi các nhà hoạch định chính sách có thể đưa ra nhiều biện pháp kích thích hơn để ổn định kinh tế.
Bài viết liên quan