NÔNG SẢN
- Kết thúc tuần giao dịch trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh, sắc đỏ áp đảo hoàn toàn bảng giá nông sản. Cả ngô và lúa mì đều có tuần giảm thứ 2 liên tiếp. Nhóm họ đậu cũng đồng loạt suy yếu, khi triển vọng nguồn cung của hai nhà sản xuất lớn tại Nam Mỹ đã dần ổn định.
Ngô
- Giá kết tuần với mức giảm hơn 2%. Dữ liệu từ Hải quan Trung Quốc cho thấy, lũy kế trong 11 tháng đầu năm, 22,18 triệu tấn ngô đã cập cảng Trung Quốc, với 40% từ Brazil và 29% từ Mỹ. Sự cạnh tranh gay gắt của nguồn cung từ Brazil trên thị trường xuất khẩu là yếu tố “bearish” mạnh đối với giá ngô trong tuần trước.
Lúa mì
- Giá diễn biến tương đối giằng co trong tuần vừa rồi, và cũng đóng cửa tuần với mức giảm hơn 2%. Mặc dù nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ triển vọng mùa vụ tiêu cực của một số nước xuất khẩu lớn trong năm tới, nhưng đà tăng của giá lúa mì tiếp tục bị chặn lại ở vùng kháng cự kỹ thuật 630 – 635. Strategie Grains dự báo, sản lượng lúa mì mềm năm 2024 của EU sẽ giảm 1% so với năm nay, chủ yếu là do mùa vụ tiêu cực ở Pháp và Đức, hai nhà cung cấp lớn nhất của khối. Điều này đe dọa làm giảm nguồn cung lúa mì từ EU trong năm tới và hỗ trợ giá lúa mì.
Đậu tương
- Nhờ mưa thường xuyên, tiến độ trồng đậu tương của Argentina đã đạt 69% kế hoạch, và hiện có khoảng 91% diện tích đang phát triển trong điều kiện độ ẩm tốt đến lý tưởng. Còn tại Brazil, bất chấp khô nóng còn hiện diện tại một số vùng sản xuất lớn ở phía Bắc và Trung Tây, thị trường vẫn kỳ vọng mưa sẽ nhiều hơn trong những ngày tới như dự báo. Lo ngại mùa vụ tại Nam Mỹ phần nào được xoa dịu là lý do chính gây sức ép tới nhóm họ đậu. Đóng cửa tuần, đậu tương lao dốc gần 2%, trong khi, khô đậu đánh dấu chuỗi 6 tuần suy yếu liên tiếp và dầu đậu là mặt hàng giảm mạnh nhất cả nhóm khi đánh mất 2,25%.
- Đầu tuần trước, chính phủ Mỹ đã đóng cửa hai cây cầu đường sắt ở Eagle Pass và El Paso, vốn là hai tuyến đường thương mại quan trọng vận chuyển ngũ cốc tới Mexico, nhằm giải quyết tình trạng nhập cư bất hợp pháp. Thông tin này khiến thị trường lo ngại rằng, xuất khẩu nông sản của Mỹ sang một trong những đối tác mua hàng lớn nhất sẽ bị gián đoạn trong ngắn hạn. Đây là yếu tố góp phần gây áp lực đến giá các mặt hàng CBOT trong tuần trước.
NĂNG LƯỢNG
- Kết thúc tuần giao dịch 18/12 – 24/12, giá dầu ghi nhận tuần tăng thứ hai khi những căng thẳng quanh khu vực Biển Đỏ gây ra lo ngại gián đoạn nguồn cung đã hỗ trợ cho giá. Tuy vậy, đà tăng cũng được hạn chế do tình hình tiêu thụ vẫn còn khá yếu.
- Dầu WTI tăng 2,48% lên mức 73,56 USD/thùng. Dầu Brent chốt phiên với mức giá 79,07 USD/thùng, tăng 3,29% so với tuần trước đó.
- Lực lượng Houthi, nhóm phiến quân được Iran hậu thuẫn, đã gia tăng các cuộc tấn công nhằm vào các tàu buôn ngoài khơi bờ biển Yemen trong những tuần gần đây để phản đối cuộc xung đột của Israel tại Gaza. Căng thẳng địa chính trị leo thang khiến các chủ tàu phải định tuyến lại.
- Nhiều công ty vận tải đã tạm dừng, hoặc hạn chế vận chuyển dầu qua Biển Đỏ. Trong khi có khoảng 8 – 10% lưu lượng dầu thô toàn cầu chảy qua khu vực này, phần lớn được vận chuyển đến Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Dòng chảy dầu thô gián đoạn là nguyên nhân chính thúc đẩy lực mua trên thị trường dầu thô trong tuần qua. Mới đây, vào ngày cuối tuần ngày 24/12, Iran cảnh báo rằng “Biển Địa Trung Hải có thể bị phong tỏa” nếu căng thẳng leo thang hơn nữa.
- Cùng hỗ trợ cho giá, Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) cho biết Mỹ đã mua 2,1 triệu thùng dầu để bổ sung vào Kho Dự trữ Chiến lược (SPR). Như vậy, Mỹ hiện đã mua khoảng 11 triệu thùng để bổ sung vào SPR sau đợt bán kỷ lục vào năm ngoái.
- Nguồn cung dầu của Mỹ được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại vào tháng tới sau khi đạt kỷ lục. Theo số liệu từ hãng dịch vụ dầu khí Baker Hughes, số giàn khoan dầu của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 21/12 đã giảm 3 giàn về mức 498 giàn. Điều này có thế là tín hiệu sớm cho mức tăng trưởng sản xuất chậm lại trong tương lai.
- Mặc dù ghi nhận nhiều thông tin hỗ trợ, nhưng đà tăng của giá dầu trong tuần qua cũng bị hạn chế một phần sau thông tin Angola rời Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC+) do những bất đồng về cắt giảm hạn ngạch sản xuất. Bên cạnh đó, báo cáo của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cũng cho thấy tồn kho xăng dầu, nhiên liệu chưng cất của quốc gia này tăng trong tuần qua. Hiện tại, tồn kho xăng của Mỹ đang cao hơn so với cùng thời điểm năm 2022 và 2021, phản ánh nhu cầu mùa đông vẫn còn khá yếu.
KIM LOẠI
Kim loại quý
- Bạch kim dẫn dắt đà tăng của nhóm khi tăng 3,07% lên 981,8 USD/ounce, mức cao nhất kể từ cuối tháng 8/2023. Giá bạc cũng tăng 1,7% lên 24,56 USD/ounce. Cả giá bạc và giá bạch kim đều tăng hai tuần liên tiếp.
- Kể từ sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) mở ra kỳ vọng về việc xoay trục chính sách vào năm sau, dòng tiền tiếp tục chảy mạnh vào nhóm kim loại quý trong tuần trước.
- Kỳ vọng FED hạ lãi suất được củng cố sau khi Mỹ công bố số liệu lạm phát hạ nhiệt nhanh hơn dự kiến. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi của Mỹ, thước đo lạm phát ưa thích của FED, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 11, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo và là mức tăng nhỏ nhất kể từ tháng 4/2021.
- Trên cơ sở hàng tháng, chỉ số PCE tháng 11 của Mỹ giảm 0,1%, giảm mạnh hơn dự báo và đánh dấu tháng giảm đầu tiên kể từ tháng 4/2020.
- Dữ liệu trên cho thấy lạm phát tại Mỹ đã hạ nhiệt mạnh mẽ từ mức cao nhất trong 4 thập kỷ thiết lập vào năm ngoái, đồng thời củng cố cho kỳ vọng FED sớm cắt giảm lãi suất. Theo đó, đồng USD tiếp tục suy yếu trong tuần trước. Chỉ số Dollar Index giảm về 101,7 điểm. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm dao động quanh mức 3,9%, thấp nhất trong vòng 5 tháng. Điều này đã giúp giá kim loại quý được hưởng lợi.
- Bạch kim nhận được hỗ trợ bởi rủi ro nguồn cung thu hẹp. Tuần trước, hoạt động khai thác tại mỏ Bakofeng Rasimone của Impala Platinum đã bị gián đoạn bởi tình trạng biểu tình và đình công trong 3 ngày.
Kim loại cơ bản
- Đồng COMEX đóng cửa tuần tại mức 3,9 USD/pound nhờ tăng 0,37%. Giá quặng sắt cũng phục hồi trong sắc xanh, bật tăng 3,59% lên 138,7 USD/tấn. Cả giá đồng và giá sắt đều nhận được hỗ trợ sau khi Trung Quốc tuyên bố tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ. Theo Bloomberg, 5 ngân hàng nhà nước lớn nhất Trung Quốc đã hạ lãi suất đối với một số tiền gửi, nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
- Quặng sắt đón nhận lực mua tích cực nhờ kỳ vọng tiêu thụ cải thiện trong thời gian tới. Các nhà máy sản xuất thép tại Trung Quốc đang tăng cường tích trữ nguyên liệu thô để tiêu thụ trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vào tháng 2.
Bấm để đánh giá bài viết này!
[Total: 0 Trung bình: 0]
Bài viết liên quan