fbpx

TIN TỨC THỊ TRƯỜNG NGÀY 26/09/2023

 

NÔNG SẢN

Ngô

  • Suy yếu ngay sau khi mở cửa phiên, ngô tháng 12 nhanh chóng hồi phục trở lại và đóng cửa với mức tăng gần 1%.
  • Báo cáo Bán hàng hàng ngày (Daily Export Sales), Mỹ đã bán đơn hàng 1.661.160 tấn ngô cho Mexico. 63% được giao ở trong niên vụ hiện tại và phần còn lại dự kiến sẽ giao vào niên vụ 24/25. Đơn hàng ngô với khối lượng khổng lồ trên cho thấy nhu cầu từ quốc gia Mỹ Latinh này tăng trở lại, trái với dự đoán về việc nhu cầu bị ảnh hưởng bởi chính sách hạn chế ngô GMO của nước này. Đơn hàng trên thúc đẩy giá ngô tăng.
  • Báo cáo Giao hàng xuất khẩu (Export Inspections), Mỹ đã giao 660.811 tấn ngô trong tuần 15/9 – 21/9, giảm nhẹ so với mức 676.323 tấn của tuần trước đó. Lũy kế xuất khẩu ngô từ đầu niên vụ 23/24 tới ngày 21/09 đạt 1,96 triệu tấn, ~ 4,75% kế hoạch xuất khẩu toàn niên vụ. Cùng kỳ năm ngoái, các con số này lần lượt là 1,69 triệu tấn và 2,7%. Điều này phản ánh hoạt động xuất khẩu ngô đầu niên vụ 23/24 của Mỹ đang thuận lợi, hỗ trợ giá ngô.

Lúa mì

  • Lúa mì tháng 12 tăng tới 1,64% dù cũng suy yếu ngay sau khi mở cửa.
  • Hãng tư vấn APK-Inform, việc thiếu mưa kéo dài ở nhiều khu vực nông nghiệp của Ukraine đang tạo điều kiện bất lợi cho hoạt động gieo sạ, phát triển của cây trồng vụ đông. Hầu hết các khu vực đã không có mưa trong 30-40 ngày và hạn hán sẽ tiếp tục trầm trọng hơn trên ~ 50-60% diện tích gieo trồng vụ đông. Lúa mì đông là cây trồng chủ lực của Ukraine, tình hình mùa vụ kém khả quan tại nước này đã tác động “bullish” lên giá lúa mì.

Đậu tương

  • Kết phiên, giá đậu tương tháng 11 duy trì được sắc xanh nhờ lực mua kĩ thuật ở vùng hỗ trợ 1290 và số liệu tích cực về nhu cầu.
  • Giao hàng đậu tương niên vụ 23/24 trong tuần từ 15/9-21/9 đã đạt 481.638 tấn, tăng nhẹ 12% so với mức 429.772 tấn trong báo cáo trước đó. Tính đến 21/9, lũy kế giao hàng đậu tương niên vụ 23/24 đã đạt ~ 1,29 triệu tấn, cao hơn mức 1,2 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái. Số liệu giao hàng đậu tương hồi phục so với tuần trước đó, mở ra triển vọng tích cực về nhu cầu đối với đậu tương Mỹ, cho thấy nguồn cung từ Mỹ dần trở nên cạnh tranh hơn khi vụ thu hoạch đang được đẩy mạnh. Đây là thông tin đã tác động “bullish” đến giá trong phiên tối.
  • Tình hình mùa vụ tại Nam Mỹ đang diễn ra khá tích cực, đè nặng đến giá đậu tương. Hãng tư vấn Pátria AgroNegócios, tính đến 22/9, ~ 2,3% diện tích đậu tương dự kiến cho niên vụ 23/24 ở Brazil đã được gieo trồng, tăng so với mức 0,4% của một tuần trước đó. Hoạt động gieo sạ diễn ra thuận lợi nhất ở Parana, bang sản xuất đậu tương lớn thứ 2 của Brazil, tiến độ trồng đậu tương đã đạt 10,6%, cao hơn so với mức 9% trung bình lịch sử cho giai đoạn này. Số liệu trên cho thấy triển vọng mùa vụ mới ở Brazil khá tốt, thúc đẩy lực bán đối với đậu tương trong phiên sáng qua.
  • Khô đậu đóng cửa với mức hồi phục hơn 1%. Dầu đậu ghi nhận mức giảm mạnh hơn 3,5% do sức ép từ hoạt động xuất khẩu dầu cọ được đẩy mạnh của Malaysia trong đầu tháng 9. Tính đến 25/9, xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ của nước này đã đạt 1,09 triệu tấn, tăng 15,2% so với mức 945.155 tấn cùng kỳ tháng trước.

NĂNG LƯỢNG

  • Dầu WTI giảm 0,39% xuống 89,68 USD/thùng. Dầu Brent đóng cửa ở mức 93,27 USD/thùng, không có sự thay đổi so với mốc tham chiếu.
  • Nga nới lỏng lệnh cấm nhiên liệu và nhà đầu tư thận trọng với việc lãi suất tăng cao hạn chế nhu cầu tiêu thụ dầu, đã gây áp lực nhẹ cho giá.
  • Bộ Năng lượng Nga đã chuẩn bị dự thảo sửa đổi nhằm loại trừ dầu nhiên liệu, gasoil và một số sản phẩm chưng cất trung gian khỏi lệnh cấm xuất khẩu được áp đặt vào tuần trước. Dự thảo giữ nguyên các hạn chế chính cấm xuất khẩu hầu hết xăng và dầu diesel. Hiện tại, các lô hàng nhiên liệu đã được Công ty Cổ phần Đường sắt Nga chấp nhận vận chuyển trước khi lệnh cấm có hiệu lực hoặc những hàng hóa đã có giấy tờ xếp hàng vận tải đường biển vẫn có thể được xuất khẩu.
  • Ngày càng nhiều nhà phân tích dự báo giá dầu Brent sẽ vượt 100 USD/thùng trong năm nay do nhu cầu tăng, nguồn cung hạn chế và tồn kho nhiên liệu và dầu thô tương đối thấp. Lực cản về nhu cầu vẫn còn tiềm ẩn, nhất là khi rủi ro lạm phát và lãi suất sẽ còn gây sức ép tới tiêu dùng trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao.
  • Có một số kỳ vọng về sự bổ sung sản lượng đến từ các quốc gia nằm ngoài khối OPEC+. Ngân hàng Goldman Sachs nhận thấy nguồn cung ngoài OPEC+ tăng 1,1 triệu thùng/ngày vào năm tới, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo tăng trưởng 1,3 triệu thùng/ngày.
  • Tập đoàn Chevron có kế hoạch nâng sản lượng dầu của Venezuela thêm 65.000 thùng/ngày vào cuối năm 2024 thông qua chiến dịch khoan lớn đầu tiên trong bối cảnh quốc gia này đang được Mỹ nới lỏng các biện pháp trừng phạt. Các liên doanh của Chevron với công ty dầu mỏ nhà nước Venezuela (PDVSA) hiện sản xuất ~ 135.000 thùng/ngày và xuất khẩu trung bình 124.000 thùng/ngày sang Mỹ trong năm nay. Hầu như toàn bộ mức tăng sản lượng 70.000 thùng/ngày của nước này trong năm nay đều đến từ các dự án của Chevron-PDVSA.

KIM LOẠI

Kim loại quý

  • Bạc giảm 1,93% xuống mức 23,38 USD/ounce. Bạch kim giảm 1,78%, chốt phiên tại 917,5 USD/ounce. Vàng đóng cửa tại 1.915,66 USD/ounce sau khi giảm 0,48%.
  • Đồng USD tăng mạnh, lợi suất trái phiếu Mỹ duy trì ở mức cao, gây sức ép lên giá.
  • Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bang Chicago, Austan Goolsbee, là thành viên bỏ phiếu trong Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), cho biết lạm phát đang ở mức cao hơn nhiều so với mục tiêu là một rủi ro lớn của FED và ông tiếp tục nhấn mạnh quyết tâm đưa lạm phát về mức 2%. Điều này củng cố cho quan điểm diều hâu của Chủ tịch FED, Jeromo Powell, trong phiên họp lãi suất ngày 19 – 20/9.
  • Lo ngại lãi suất cao tiếp tục củng cố cho đà tăng của đồng USD, chỉ số Dollar Index tăng 0,39%, lên mức 106 điểm, mức cao nhất kể từ cuối tháng 11/2022. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tiếp tục duy trì ở mức cao nhất trong 16 năm, làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý không sinh lợi.

Kim loại cơ bản

  • Đồng COMEX và quặng sắt ghi nhận mức giảm lần lượt là 0,70% và 4,17%, chốt phiên tại mức 3,67 USD/pound và 116,13 USD/tấn, mức thấp nhất trong vòng 2 tuần.
  • Đồng USD tăng mạnh làm giảm sức hấp dẫn của hàng hóa, do đây là đồng tiền được sử dụng chủ yếu trong hoạt động giao dịch thương mại quốc tế.
  • Sự trầm lắng của lĩnh vực bất động sản Trung Quốc là lực cản chính cản trở tiêu thụ các mặt hàng kim loại cơ bản. Cuộc khủng hoảng kéo dài của bất động sản Trung Quốc ngày càng trở nên tồi tệ khi nhà phát triển bất động sản Evergrande tuyên bố không thể phát hành khoản nợ mới, khiến cổ phiếu của tập đoàn giảm hơn 20% hôm qua, chứng khoán bất động sản Trung Quốc giảm mạnh nhất trong 9 tháng.
  • Công ty tư vấn Mysteel cho biết chỉ 42% công ty xây dựng của Trung Quốc có kế hoạch bổ sung hàng tồn kho trước kỳ nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài 7 ngày, cho thấy nhu cầu tiêu thụ còn yếu. ~ 34% công ty cho rằng giá thép sẽ giảm sau kỳ nghỉ lễ, tỷ lệ số công ty kỳ vọng giá thép sẽ tăng chỉ ở mức 16%.
Bấm để đánh giá bài viết này!
[Total: 0 Trung bình: 0]

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *