fbpx

TIN TỨC THỊ TRƯỜNG NGÀY 28/06/2023

 

 

NÔNG SẢN

Ngô

Kết phiên 27/06, giá ngô tiếp tục đà lao dốc và đóng cửa trong sắc đỏ 4 phiên liên tiếp

Nửa cuối tháng 6 là giai đoạn biến động cực kỳ mạnh mẽ của giá ngô do tác động của triển vọng mùa vụ tại Mỹ. Nếu hạn hán kéo dài từ tháng 4 ở Midwest đã xác nhận nhịp hồi phục thì dự báo độ ẩm được cải thiện vài tuần tới đang tạo sức ép khiến giá đảo chiều.

Theo báo cáo Crop Progress của Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA), tỉ lệ ngô được đánh giá tốt – tuyệt vời tính đến tuần này giảm xuống còn 50% diện tích dự kiến. Tuy nhiên, khả năng có mưa diện rộng trong dự báo ngắn – trung hạn đã gây nên đợt bán tháo mạnh hôm qua. Tiến độ mùa vụ đang ở giai đoạn phát triển sớm nên tác động của hạn hán trước đó hoàn toàn có thể bị xoá bỏ.

Hoạt động thu hoạch ngô vụ 2 niên vụ 22/23 của Brazil sẽ tăng tốc trong tuần này nhờ thời tiết khô ráo. Tồn kho ngô Mỹ có thể sẽ tăng do xuất khẩu kém hơn sau mùa vụ kỷ lục của Brazil hoàn thành, góp phần khiến giá suy yếu.

Lúa mì

Giá lúa mì lao dốc mạnh và ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2022 trước tín hiệu tích cực xoa dịu lo ngại về hoạt động xuất khẩu ở Biển Đen

Ba cảng sông Danube của Ukraine đã xuất khẩu kỷ lục 3 triệu tấn lương thực trong tháng 05 dù Nga ngăn chặn các hoạt động của thỏa thuận ngũ cốc. Khả năng vận chuyển lúa mì từ Ukraine vẫn duy trì đã tác động “bearish” tới giá bên cạnh tác động gián tiếp từ giá ngô.

Đậu tương

Giá đậu tương giảm mạnh khi lo ngại về tình trạng hạn hán tại Mỹ được xoa

Giá đậu tương hợp đồng tháng 11 đóng cửa với mức giảm 2,17% nhờ những cơn mưa cuối tuần vừa rồi và dự báo tiếp tục có mưa trong tuần này, sức ép cạnh tranh ngày một tăng từ Brazil đã tác động “bearish” mạnh lên giá hôm qua.

Hiệp hội Công nghiệp Dầu thực vật Brazil nâng ước tính sản lượng đậu tương niên vụ 22/23 lên mức kỷ lục mới là 156 triệu tấn. Xuất khẩu đậu tương niên vụ hiện tại được dự báo đạt mức cao nhất mọi thời đại là 97 triệu tấn, cao hơn so với mức 95.7 triệu tấn ước tính trước đó. Theo Ban Thư ký Ngoại thương Brazil, tính tới tuần thứ tư của tháng 06, Brazil đã xuất khẩu trung bình 717.000 tấn/ngày, cao hơn so với 475.700 tấn cùng kỳ năm trước. Nếu duy trì tốc độ này, Brazil có thể xuất khẩu tới 15 triệu tấn trong tháng 06 – mức kỷ lục chỉ được ghi nhận vài lần. Vụ mùa bội thu giá rẻ khiến đậu tương từ Brazil trở nên cạnh tranh và được ưa chuộng hơn toàn cầu.

Ngược lại, sự suy giảm chất lượng của mùa vụ tại Mỹ giúp thu hẹp đà giảm của giá. Theo Báo cáo Tiến độ Mùa vụ, tỉ lệ đậu tương đạt chất lượng tốt – tuyệt vời của Mỹ trong tuần kết thúc 25/06 giảm 3% so với tuần trước đó, phù hợp với dự đoán nên tác động “bullish” khá hạn chế.

Giá khô đậu tương hợp đồng tháng 11 kết phiên giảm tới 3,38%. Giá dầu đậu tương hợp đồng tháng 11 có phiên tăng thứ 4 liên tiếp với mức tăng 1,67% nhờ sự khởi sắc của giá dầu cọ và giá dầu thô.

NĂNG LƯỢNG

Rủi ro vĩ mô và nguồn cung ổn định từ Nga đưa giá dầu về mức thấp nhất 2 tuần

Giá dầu WTI đóng cửa phiên giao dịch 27/06 với mức giảm 2,41% xuống 67,7 USD/thùng – mức thấp nhất trong 2 tuần. Dầu Brent chốt phiên tại mức 72,51 USD/thùng, giảm 2,47% so với phiên trước đó.

Về yếu tố vĩ mô

Theo Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), lạm phát tại khu vực đồng Euro bước vào giai đoạn mới có thể kéo dài, buộc họ không thể sớm chấm dứt đà tăng lãi suất. Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) có thể tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào nửa cuối năm nay. Chi phí vay tăng cao gây ra áp lực tăng trưởng đối với các nền kinh tế lớn tiêu thụ nhiều dầu thô, kéo giá dầu giảm mạnh trong phiên.

Về yếu tố cung cầu

Xuất khẩu dầu thô bằng đường biển qua các cảng của Nga giảm mạnh ~ 980.000 thùng/ngày trong tuần tính đến 25/06 xuống mức thấp nhất từ tháng 12 /2022. Nguyên nhân là do bảo trì tại cảng bốc hàng Primorsk, không phải do cắt giảm sản lượng. Sự sụt giảm này tương tự vào các năm 2022, 2021 và 2020 và theo mô hình, khối lượng sẽ tăng trở lại vào tuần kế tiếp. Thông tin này chưa đủ sức hỗ trợ cho giá dầu sức ép vĩ mô.

Tại Nga, xuất khẩu nhiên liệu tinh chế tăng hơn 200.000 thùng/ngày, dầu diesel tăng ~ 36% trong tháng 6 so với tháng trước. Nguồn cung dồi dào từ Nga bất chấp tuyên bố cắt giảm sản lượng, gây áp lực cho giá dầu. Giá dầu của Nga đang ở mức 52 USD/thùng – thấp hơn giá trần 60 USD/thùng mà EU đã áp đặt lên dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga, đã giúp dòng chảy dầu Nga ổn định, hạn chế lo ngại về nguồn cung.

Theo báo cáo từ Viện dầu khí Mỹ (API), dầu thô thương mại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 23/06 giảm 2,4 triệu thùng, cao hơn dự báo 0,6 triệu thùng. Tồn kho xăng giảm mạnh 2,9 triệu thùng so với mức dự báo chỉ giảm 100,000 thùng. Thông tin này có thể giúp giá dầu phục hồi nhẹ trong phiên sáng.

KIM LOẠI

Kim loại quý

Bạc tăng 0,59% lên 22,96 USD/ounce, trong khi giá vàng giảm 0,49% xuống 1.913,35 USD/ounce, bạch kim giảm nhẹ 0,01% xuống 928,5 USD/ounce.  

Hôm qua, vai trò công nghiệp của bạc đã giúp hỗ trợ lực mua. Các đơn đặt hàng mới đối với bạc của Mỹ tăng trong tháng 5. Doanh số bán nhà mới tại Mỹ tăng 12,2% (MoM) trong tháng 5 – mức cao nhất kể từ tháng 02/2022. Niềm tin của người tiêu dùng Mỹ tăng. Tín hiệu tích cực từ này giúp củng cố triển vọng tiêu thụ bạc trong lĩnh vực công nghiệp.

Giá bạch kim chịu sức ép trong bối cảnh nguồn cung tích cực. Các công ty khai thác tại Nam Phi nỗ lực xây dựng hệ thống năng lượng mặt trời và gió nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng điện làm ảnh hưởng đến sản lượng khai thác.

Kim loại cơ bản

Giá đồng COMEX giảm 0,36% xuống còn 3,77 USD/pound – phiên giảm thứ tư liên tiếp

Giá đồng đã nhận được hỗ trợ nhờ kỳ vọng tiêu thụ khởi sắc trong ngành công nghiệp ô tô của Trung Quốc. Nguồn cung đang bị đe dọa trong ngắn hạn do lũ lụt tại Chile – nhà sản xuất đồng hàng đầu thế giới, khiến nhiều nhiều mỏ đồng phải tạm ngừng hoạt động.

Tuy vậy, nền kinh tế phục hồi không đạt được như kỳ vọng của Trung Quốc đã cản trở đà tăng và khiến giá đồng duy trì đà giảm.

Bấm để đánh giá bài viết này!
[Total: 0 Trung bình: 0]

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *