NÔNG SẢN
Ngô
Thông tin tích cực hơn về xuất khẩu của Ukraine gây áp lực lên giá ngô
Giá ngô đóng cửa với phiên giảm thứ 3 liên tiếp do áp lực chốt lời sau chuỗi tăng vọt. Thông tin về thỏa thuận Biển Đen không còn đủ mạnh để hỗ trợ giá. Dự báo mưa rào ở khu vực Vành đai ngô vào cuối tuần này đã giúp xoa dịu phần nào lo ngại về nguồn cung của Mỹ. Wisconsin, Michigan và phía bắc Illinois có thể nhận được lượng mưa cao hơn trung bình, khi cây trồng đang trong giai đoạn phát triển quan trọng.
Slovakia dự định hỗ trợ Ukraine xuất khẩu ngũ cốc ra thế giới nếu không gây thiệt hại cho ngành nông nghiệp nội địa. Slovakia đề xuất tạo ra các “hành lang đoàn kết” sử dụng đường bộ, đường sắt và đường thủy để vận chuyển ngũ cốc của Ukraine.
Hiệp hội Quyền lực Nông dân Moldova đã yêu cầu chính phủ nước này tạo ra một làn đường thông quan nhanh cho xuất khẩu ngũ cốc và hạt có dầu, vì lo ngại rằng hoạt động kinh doanh của họ có thể bị tổn hại do nước này trung chuyển ngày càng nhiều sản phẩm nông nghiệp từ Ukraine. Hầu hết khối lượng được quá cảnh đến Romania.
Lúa mì
Giá lúa mì suy yếu trong phiên 27/07nhưng vẫn đang duy trì xu hướng tăng giá trong trung hạn trước rủi ro về nguồn cung toàn cầu
Ủy ban châu Âu (EC) cắt giảm dự báo sản lượng lúa mì mềm niên vụ 23/24 của Liên minh châu Âu xuống còn 126,4 triệu tấn, từ 128,9 triệu tấn. Tồn kho lúa mì cuối niên vụ 23/24 dự báo giảm còn 17,4 triệu tấn, từ 20,5 triệu tấn. Số liệu phản ánh thiệt hại mùa vụ của EU đã hạn chế đà giảm của giá lúa mì.
Đậu tương
Giá đậu tương hợp đồng tháng 11 giảm tới 1,55% khi USDA công bố số liệu bán hàng niên vụ 23/24 gây thất vọng
Theo báo cáo Export Sales tối qua, Mỹ bán được 198.487 tấn đậu tương niên vụ 22/23 trong tuần 14/07-20/07, tăng 56,2% so với tuần trước đó. Doanh số bán hàng niên vụ 23/24 chỉ đạt 544.647 tấn, giảm 28,4% so với tuần trước. Niên vụ 22/23 sắp kết thúc, thị trường quan tâm nhiều tới hoạt động bán hàng trong niên vụ 23/24. Vì vậy, báo cáo Export Sales đã tác động “bearish” mạnh lên giá đậu tương.
Theo báo cáo Giám sát hạn hán (Drought Monitor) tối qua, 53% diện tích đậu tương Mỹ nằm trong vùng khô hạn tính tới 25/07, tăng 0,03% so với tuần trước đó. Đây không phải yếu tố bất ngờ. Nhiều cơ quan khí tượng dự báo thời tiết sẽ trở nên thuận lợi hơn vào tháng 8, khi đậu tương bước vào giai đoạn phát triển quyết định năng suất. Triển vọng thời tiết tại Mỹ tích cực hơn gây sức ép lên giá đậu tương.
Đà giảm của giá đậu tương được kìm hãm khi USDA công bố báo cáo Bán hàng hàng ngày (Daily Export Sales), cho biết Mỹ bán đơn hàng 256.000 tấn đậu tương niên vụ 23/24 ngày 27/07.
Giá khô đậu giảm 0,72%, giá dầu đậu giảm tới 1,77% do hoạt động chốt lời, đánh dấu phiên giảm thứ 3 liên tiếp.
NĂNG LƯỢNG
Giá dầu tăng khi nền kinh tế Mỹ tăng trưởng tích cực hơn dự báo bất chấp lãi suất liên tục tăng cao, làm gia tăng triển vọng tiêu thụ khi nguồn cung có dấu hiệu thu hẹp
Kết phiên 28/07, giá dầu WTI tăng 1,66% lên 80 USD/thùng sau hơn 3 tháng biến động dưới ngưỡng này. Dầu Brent tăng 1,49% lên 83,79 USD/thùng.
Theo Ngân hàng UBS, thị trường dầu mỏ đang thiếu nguồn cung và kỳ vọng dầu Brent sẽ tăng lên 85-90 USD thời gian tới.
Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ quý II tăng tích cực 2,4% so với quý I, với dự báo chỉ tăng 1,8%. Nguyên nhân do thị trường lao động phục hồi đã hỗ trợ chi tiêu của người tiêu dùng, doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư vào thiết bị.
Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đạt 2,6% trong Quý II/2023, hạ nhiệt nhanh so với mức 4,1% của Quý I/2023.
Thị trường lao động tích cực hơn khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần qua giảm 7.000 xuống 221.000.
Các dữ liệu trên đã củng cố niềm tin về kịch bản “hạ cánh mềm”, lạm phát hạ nhiệt mà không kéo theo một cuộc suy thoái. Điều này thúc đẩy lực mua dầu thô, nhất là khi thị trường dầu vẫn đang đối diện với tình hình thiếu nguồn cung.
Theo Bloomberg và Reuters, Saudi Arabia dự kiến sẽ kéo dài việc cắt giảm nguồn cung tự nguyện 1 triệu thùng/ngày sang tháng 9 để hỗ trợ giá dầu phục hồi.
Ngân hàng Standard Chartered dự đoán rằng thị trường sẽ thâm hụt 2,81 triệu thùng/ngày trong tháng 8, với 2,43 triệu thùng/ngày tháng 9, hơn 2 triệu thùng/ngày tháng 11 và tháng 12. Tồn kho toàn cầu sẽ giảm 310 triệu thùng vào cuối năm 2023 và 94 triệu thùng trong quý I/2024, do đó đẩy giá dầu lên cao hơn.
Công ty dầu khí Brazil Petrobras cho biết sản lượng dầu thô quý II giảm 0,6% so với quý II/2022 xuống 2,10 triệu thùng/ngày, do hoạt động bảo trì và sự suy giảm tự nhiên của các mỏ dầu trưởng thành. Brazil là quốc giá xuất khẩu dầu lớn thứ 8 trên thế giới.
KIM LOẠI MÀU
Kim loại quý
Vai trò trú ẩn bị thất thế khi đồng USD tăng gây sức ép lên giá
Bạch kim giảm 2,78% xuống 945 USD/ounce, mức giảm mạnh nhất trong hơn 2 tháng. Bạc giảm 2,41% xuống 24,36 USD/ounce. Vàng giảm 1,38% xuống 1.944,99 USD/ounce.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, tăng trưởng GDP sơ bộ của Mỹ tăng 2,4% trong quý II so với dự báo 1,8% và 2% trong Quý I/2023. PCE đạt 2,6% trong Quý II/2023, hạ nhiệt nhanh so với mức 4,1% của Quý I/2023.
Nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ là mối lo ngại khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục nâng lãi suất trong vòng 16 tháng qua. Dữ liệu trên cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn ổn định và xoa dịu lo ngại trên. Kì vọng Mỹ có thể “hạ cánh mềm” đã hỗ trợ đồng USD tăng mạnh, chỉ số Dollar Index tăng 0,88% lên 101,77 điểm, mức cao nhất trong vòng hơn 2 tuần.
Kim loại cơ bản
Đồng COMEX biến động mạnh do được hỗ trợ bởi dữ liệu kinh tế cải thiện tại Trung Quốc và kết phiên với mức giảm 0,68% xuống 3,87 USD/pound
Lợi nhuận công nghiệp tháng 6 của Trung Quốc giảm 8,3% so với tháng 6/2022, ít hơn so với mức giảm 12,6% trong tháng 5.
Áp lực bán tăng mạnh khi Mỹ công bố dữ liệu tăng trưởng GDP tăng vượt dự báo, khiến đồng USD bật tăng, gây sức ép tới giá đồng.
Bài viết liên quan